Trước ngày 10 tháng 6 định mệnh ấy Will Nguyễn không phải là cái tên nhiều người biết.
Lại càng ít ai biết đến hành trình đi tìm bản thân và cội nguồn đã đưa Will về với Việt Nam, nơi anh quyết tâm gắn bó, dù cho ý nguyện ấy có được Việt Nam chấp nhận hay không. Và quan trọng hơn cả, có lẽ ít ai biết người có ảnh hưởng và truyền nhiều cảm hứng nhất đến cho Will là thân mẫu của anh.
Mẹ là thần tượng
Chia sẻ với phóng viên BBC về hoàn cảnh gia đình, và mối tương quan với mẹ, Will tâm sự:
''Thời thơ ấu của tôi đặc biệt hỗn loạn: cha mẹ tôi ly hôn khi tôi học lớp hai, và mẹ tôi buộc phải một mình nuôi bốn đứa con thơ. Tôi di chuyển và thay đổi trường học liên tục trong khoảng 6 hoặc 7 năm kế tiếp và ít gặp mặt người thân. Trong thời gian này, gia đình tôi có nhiều vụ tự tử, trong đó có cả người anh ruột."
"Trong những năm hình thành nhân cách, tôi sống xa gia đình, đặc biệt là khi vào đại học, tôi cố tình đi học xa. Tôi nhận ra rằng không phải gia đình nào cũng mang cho ta những quan hệ tình cảm lành mạnh. Và để bảo vệ mình, tôi cần phải trưởng thành bên ngoài môi trường đầy đau khổ và căng thẳng ở nhà."
''Trong thời gian này tôi bắt đầu thấu hiểu hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà mẹ tôi đã phải đối phó để có thể nuôi tôi ăn học đến nơi đến chốn. Vượt biển, tỵ nạn, bạo lực gia đình, hôn nhân tan vỡ, làm một người mẹ đơn thân, mất một đứa con — những đau khổ mà mẹ tôi đã phải vượt qua để cho tôi chỗ đứng hàng đầu trong cuộc sống đầy dẫy bất công — và cho tôi một ví dụ điển hình về mẫu người có thể khắc phục tất cả."
"Mẹ là thần tượng của tôi trong mọi ý nghĩa của thần tượng!"
''Vì vậy, khi việc bị bắt giam xảy ra, tôi không nghi ngờ gì là mẹ sẽ vượt qua được. Và mẹ đã làm đúng như vậy."
"Khó khăn và sự phấn đấu giúp chúng ta phát triển nhân cách. Nghịch cảnh đào luyện cho chúng ta khả năng phục hồi và đồng cảm hơn bất cứ điều gì khác, và tôi có thể nói không chút do dự rằng mẹ là người mạnh mẽ nhất - và là người mà tôi ngưỡng mộ nhất đời." Will kết luận.
Nhớ đến một cuộc trò chuyện với mẹ cách đây vài năm mà anh cho là kỷ niệm "trìu mến" nhất, Will kể:
"Mẹ bảo tôi 'mẹ có hai thằng con 'gay', một đứa con gái Mỹ đen. Những gì người Việt ghét, mẹ đều có. But I don't care.''
Giải thích câu nói của mẹ, Will bảo cả anh lẫn người em trai cùng là người đồng tính. Còn cô em gái thì kết hôn với một người da đen.
''Câu nói của mẹ đúc kết tinh thần gia đình tôi. Chúng tôi rất không truyền thống. Thoạt đầu, mẹ dằn vặt khổ sở và khó chấp nhận được các con. Nhưng dần dà mẹ chuyển từ người rất bảo thủ thành một người cởi mở và thông cảm. Mẹ đã trải qua quá nhiều sóng gió trong đời.''
Có lẽ không chỉ học được ở mẹ nghị lực và cá tính mạnh mẽ, Will còn học được thái độ chấp nhận sự khác biệt của bà. Điều này được anh nhắc đến trong bài viết có tên "Bắc/Nam" được phổ biến vào dịp 30 tháng Tư năm nay.
"Tôi nhớ hồi học lớp 5 phải làm một dự án, dự án này đòi hỏi chúng tôi phải lập ra một ''hồ sơ quốc gia'' cho một dân tộc nào đó mình tự chọn. Tôi tìm đến tập CD-ROM Từ điển Bách khoa toàn thư, và chẳng suy nghĩ gì nhiều, tôi copy lá cờ đỏ với ngôi sao vàng, lá cờ chính thức của Việt Nam như được dẫn trong danh mục các nước."
"Khi xong dự án, tôi nhờ mẹ kiểm tra bài. Những gì mẹ làm, cho dù có hữu ý hay không, vẫn vang vọng trong tôi đến tận bây giờ. Thay vì bắt tôi phải xoá đi lá cờ đỏ sao vàng, mẹ bắt tôi vẽ thêm lá cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam Việt Nam ngay bên cạnh, thể hiện việc hai lá cờ đều có giá trị ngang nhau."
"Phải mất ít nhất gần hai chục năm sau tôi mới ý thức được điều đó, nhưng cử chỉ đơn sơ của mẹ là bài học khoảnh khắc vô cùng thấm thía, và đồng thời thể hiện nỗi lúng túng của tôi với bản sắc Việt kiều. Đó là lần đầu tiên tôi nếm trải khái niệm về các sự thật đầy mâu thuẫn nhưng đồng thời cùng tồn tại." Will viết.
Gặp quê hương khi đi tìm bản thân
Tuy chịu ảnh hưởng và được mẹ truyền nhiều cảm hứng là thế, nhưng Will khẳng định những quan tâm tìm hiểu về Việt Nam - khá hiếm hoi đối với một thanh niên sinh ra ở Mỹ - là điều mà anh tự theo đuổi. Một mình!
Và Will đã tìm thấy quê hương trong hành trình đi tìm bản thân, bắt đầu lúc mới bước chân vào đại học.
Will nói:
"Đại học là thời gian đặc biệt quý báu để khám phá và xác định danh tính của mình, vì thế tôi quyết tâm làm việc này. Câu thần chú của tôi trong bốn năm ấy là 'Tri kỷ, tri bỉ', lấy từ Binh Pháp của Tôn Tử: Người ta phải hiểu quá khứ của mình thì mới biết được tương lai."
''Trong thời gian ở Yale, tôi học rất nhiều về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và chính trị Việt Nam. Trong suốt bốn năm trời, tôi học nói, đọc và viết tiếng Việt trôi chảy. Tôi đọc vô số sách về Việt Nam, về chiến tranh, về những con số được đưa ra từ cả hai phía, về nguồn gốc của giống nòi Việt Nam. Tôi cũng tích cực sinh hoạt với hội Sinh viên Việt Nam trong suốt thời gian học đại học, và thậm chí trong năm thứ ba đã thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam."
"Chuyến đi Việt Nam ấy đã thay đổi cuộc sống của tôi mãi mãi. Nói một cách ngắn gọn, tôi đã thực hiện một nỗ lực có ý thức và quyết tâm để gìn giữ cỗi rễ của mình.''
Giải thích lý do tại sao lần đầu gặp Việt Nam là mãi mãi, Will nói:
''Là một người Mỹ gốc Việt, đến một nơi mà tất cả mọi thứ đều bằng tiếng Việt và mọi người đều nói tiếng Việt, những điều ấy như bổ túc cho nửa phần còn thiếu của bản sắc tôi. Và tôi thấy mình là một người Việt trọn vẹn lần đầu tiên trong đời.''
Nhưng với Will ''hiểu quá khứ để biết được tương lai" không chỉ đơn giản là vài chuyến về thăm Việt Nam. Anh còn bỏ rất nhiều thời gian để nghiên cứu.
Will tâm sự:
''Tại Yale, tôi học chuyên ngành nghiên cứu Đông Á, học cả tiếng Quan thoại lẫn tiếng Việt. Thật ra bà ngoại và bà nội tôi gốc Trung Hoa, một người là Hakka [người Khách], người kia Chaozhou [người Tiều Châu]. Cả hai đều sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long và Sóc Trăng).
Lúc tôi còn bé, hai bà chỉ nói Tiếng Việt với tôi, và về mặt văn hóa tôi được xác định mình là người miền Nam Việt Nam chứ không phải là người Trung Quốc. Tôi là người đầu tiên trong gia đình nói, đọc và viết được tiếng Tàu dưới bất kỳ hình thức nào."
''Văn hóa, lịch sử và văn minh Trung Quốc có rất nhiều điều để chúng ta chiêm ngưỡng, và tôi đặc biệt thích học cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Tôi không nghĩ người dân Trung Quốc là kẻ thù của người Việt, và tin rằng chúng ta cần phân biệt giữa công dân và chính phủ Trung Quốc. Tinh thần bài Trung nên nhắm vào chính phủ chứ không phải vào người dân, vì chính phủ Trung Quốc đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến Việt Nam.''
Nghiên cứu giúp Will có những nhận định rõ ràng:
''Hành vi hung hăng và độc tài của chính phủ Trung Quốc là điều đáng đả kích. Việc giam cầm các nhà bất đồng chính kiến, giám sát quần chúng, một nền báo chí không tự do, chính sách sửa đổi lịch sử, và việc xóa nhòa sự thật để bảo vệ một chế độ độc đảng, những điều này làm hao mòn nền tảng văn minh của nhân loại.''
''Vì vậy, tôi thấy việc chính phủ Việt Nam sao chép gần như tất cả mọi thứ mà chính phủ Trung Quốc làm là một vấn đề nghiêm trọng. Những sao chép này gồm luật an ninh mạng, việc ông Trọng kiêm cả hai chức vụ Chủ tịch nước lẫn Tổng bí Thư, rặp khuôn một sự cai trị áp bức như vậy không tốt cho dân ta.''
''Ở cấp độ căn bản hơn - và điều này chạm đến trái tim của bản sắc Việt Nam - tại sao chúng ta chiến đấu hàng ngàn năm để giành độc lập, rồi lại rặp khuôn Trung Quốc sau khi đã dành được sự tự trị đó? Vậy tất cả những cuộc đấu tranh, bạo lực và đổ máu của chúng ta để làm gì? Hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh vì điều gì? Tôi ngờ rằng câu hỏi hóc búa này là trọng tâm sự bất an của chúng ta về người láng giềng phương Bắc.''
''Và đó là một câu hỏi hóc búa sẽ không được giải quyết cho đến khi người Việt giải quyết mọi thứ dưới mái nhà của chúng ta. Đoàn kết quốc gia phải đạt được trước khi chúng ta cải cách chính trị, và tôi quyết tâm phụ một tay vào cả hai việc này. Rất nhiều người Việt Nam muốn bước ra khỏi bóng tối của Trung Quốc và tiến tới một hệ thống đa đảng truyền tải ý chí quốc gia. Chỉ lúc đó thì người Việt Nam mới đạt được sự độc lập thực sự; chỉ lúc đó chúng ta mới làm chủ số phận của mình.''
Người 'không chính thống'
Được yêu cầu nói về sự khác biệt và tương đồng giữa mình và những người Mỹ gốc Việt xung quanh, Will nhấn mạnh hơn sự khác biệt với các bạn cùng trang lứa:
"Nói chung, tôi coi mình là một người Mỹ gốc Á "không chính thống". Tại Hoa Kỳ, người châu Á thường bị xem là những người nhu mì, phục tùng, truyền thống, và thấm nhuần một tư tưởng Nho giáo là phải làm theo ý muốn của gia đình."
''Lớn lên, và đặc biệt là trong thời gian trung học và đại học, tôi không tuân theo bất kỳ điều nào trong những điều này. Tôi quyết đoán, thẳng thắn, và khẳng định bản thân, ngay cả khi đứng trước nguy cơ sứt mẻ mối quan hệ gia đình.''
''Việc khẳng định bản thân này đặc biệt đúng với việc tôi công khai là người đồng tính khi mới 14 tuổi. Tôi cho bạn bè trong trường biết khuynh hướng tình dục của mình từ năm đệ tứ, và trong ba năm sau đó, được biết đến như là đứa trẻ đồng tính trong trường.''
Điều này xẩy ra vào khoảng năm 2001-2002 ở Texas, một tiểu bang hết sức bảo thủ và sùng đạo, nhưng cuối cùng, tôi đã rất may mắn: tôi chưa bao giờ bị bắt nạt, và các sinh viên ủng hộ tôi rất cởi mở về điều mà nước Mỹ lúc ấy chưa chấp nhận.''
''Khuynh hướng tình dục, nền tảng gia đình độc đáo, một thơ ấu không êm ả, phải di chuyển liên tục khi lớn lên khiến tôi luôn được tiếp xúc với nhiều cộng đồng, sắc tộc và văn hóa khác nhau. Những điều ấy đã hun đúc tôi thành một người bị những gì khác lạ, và quốc tế thu hút, một người có khuynh hướng nhìn vào mọi thứ từ nhiều quan điểm và có sự đồng cảm trước khi đi đến kết luận.''
''Quan trọng nhất, một giáo dục như vậy đã dạy tôi phải đối mặt với bất công một cách mạnh mẽ và trực diện. Trong nhiều năm, tôi phải tranh đấu để được là chính mình, tranh đấu cho cuộc đời, cho tự do và cho quyền đi tìm hạnh phúc của mình. Tôi đã buộc mọi người phải đối phó với sự thay đổi bởi chính sự tồn tại của mình, kể cả những thành viên trong gia đình.''
''Bất công tồn tại vì sợ hãi. Nhưng gốc rễ của việc chinh phục sợ hãi là chấp nhận hậu quả và hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Khi thông báo với cha mẹ rằng tôi đồng tính vào mùa hè trước khi lên đại học năm 2004, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho viễn ảnh sẽ bị song thân hoàn toàn chối bỏ. Tôi sẽ phải chấp nhận sự mất mát tình gia đình đáng kể (và hỗ trợ tài chính) và sẽ phải thích ứng nếu điều tồi tệ nhất xẩy ra. Được sống cuộc đời đúng với bản chất của mình, được tự do, được theo đuổi hạnh phúc, xứng đáng cho tôi đánh đổi những điều đó.''
Và Will giải thích diễn biến nội tâm của chàng trai trẻ bất khuất xông pha giữa đường phố Sài Gòn ngay trước khi anh bị bắt:
''Tôi tham gia vào các cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu cũng với thái độ y như vậy. Việc tôi có mặt ở trên những con phố đó với đoàn người biểu tình, đẩy qua các rào cản của cảnh sát và giúp mọi người thể hiện ý chí dân chủ của họ là một việc làm đúng và công bình - và nếu tôi phải vào tù vì đã giúp cho điều đó, thì nguy cơ vào tù là điều tôi sẵn lòng chấp nhận. Tôi thường nói với các bạn học trong chương trình cao học rằng việc phải vào tù là điều tôi dự đoán mình có thể phải chịu đựng; trong suốt lịch sử Việt Nam, nó là điều phải chấp nhận cho những ai muốn tìm cách tạo ra sự thay đổi."
''Bất công xã hội có thể và nên bị phá vỡ. Đây là lý do tại sao tôi không do dự thừa nhận rằng đã "gây rối trật tự công cộng". Trật tự công cộng ở Việt Nam cần phải bị xáo trộn; nó cần phải thay đổi. Ngày xửa ngày xưa, đồng tính luyến ái bất hợp pháp ở nhiều quốc gia. Trong một số nước, hiện nó vẫn đang bất hợp pháp. Nhưng nói chung, mọi thứ đã được cải thiện rất nhiều cho giới LGBT vì các hành động "bất hợp pháp" lớn và nhỏ. Chúng ta không nên kết hợp tính hợp pháp và đạo đức."
Nhìn về cộng đồng
Tìm hiểu về thân phận mình, với Will, đồng nghĩa với việc suy nghĩ về cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tập thể mà anh là một thành phần.
''Khi suy gẫm về danh tính và nguồn cội mình, tôi đã xem xét những biến cố lịch sử. Tôi nghĩ mình không chỉ là một người Mỹ gốc Việt, mà còn là một người Việt gốc Mỹ.'' Will nói.
''Tổ tiên chúng ta đã sống trong tại khu vực Đông và Đông Nam Á hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn năm. Với tôi, lịch sử hiện đại chỉ là một nháy mắt. Những gì xẩy ra trong thế kỷ trước đã khiến hàng triệu người Việt tản mát khắp nơi trên toàn cầu, nhưng chúng ta đã sống dọc theo Biển Đông còn biết bao thế kỷ nhiều hơn thế nữa.''
''Tôi nhận ra rằng được sinh ra ở Mỹ là một may mắn cá nhân, nhưng chiến tranh đưa đến việc người dân Việt Nam phải di tản là một sự kiện lịch sử đáng phàn nàn, những bất công lẽ ra phải không xảy ra. Trong suy nghĩ của tôi, đó là sự lầm lạc của thời thời gian và lịch sử, một "gián đoạn" mà chúng ta nên cố gắng hết sức để "sửa chữa".
''Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và con cháu của họ có vai trò đặc biệt trong việc "chỉnh sửa" này. 'Diaspora' là một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là 'phân tán đi'; tôi nghĩ cộng đồng người Việt là những hạt giống của hy vọng được rải rắc qua thời gian và không gian, được nuôi dưỡng ở nước ngoài trong những điều kiện tốt hơn so với những người trong nước. Giáo dục tốt hơn, tiêu chuẩn sống cao hơn, thực phẩm an toàn hơn, được tự do tiếp cận thông tin, nhiều cơ hội hơn - gần như trong hầu hết mọi mặt, người Việt Nam đã ra được nước ngoài có đời sống tốt hơn so với những người trong nước.''
''Vì vậy, tôi cảm thấy chúng ta, là các thành viên của cộng đồng, có trách nhiệm quay trở lại và đóng góp những thành quả từ may mắn của mình, mang các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của chúng ta để xây dựng một Việt Nam dân chủ mạnh mẽ, hiện đại. Tôi đã nói như thế trong lời tuyên bố kết thúc phiên xử tại tòa án."
''Nhưng tôi nhận ra là nhiều người sẽ không trở lại (Việt Nam) cho đến khi có sự hòa giải quốc gia và cải cách chính trị, do đó, tôi tập trung vào hai mục tiêu này. Chỉ đơn giản là giữa các thế hệ người Việt Nam lớn tuổi ở nước ngoài và cộng sản có quá nhiều đau đớn và giận dữ.''
''Do đó, chính quyền hiện nay của Việt Nam phải tự mình làm phần của mình để chữa lành vết thương của quốc gia. Bước đầu tiên để giải toả sự thù địch là một lời xin lỗi từ Hà Nội về cách xử sự với người miền Nam Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt: trại cải tạo, tịch thu tài sản, và việc dẹp bỏ nghĩa trang quân đội là những hành động đáng tiếc sâu sắc và sửa đổi những sai lầm này sẽ giúp nhiều trong việc đoàn kết dân Việt.''
''Nói cho cùng, dù được sinh ra ở nước ngoài hay trong nước, chúng ta đều là những người yêu quê hương. Mặc dù có những khác biệt chính trị khó chấp nhận, nhưng người Việt Nam ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương đều cùng nghĩ đến những gì tốt nhất cho đất nước. Tôi hy vọng rằng bất chấp những lời hùng biện cực kỳ tiêu cực mà người cực đoan của cả hai bên trao đổi với nhau, chúng ta cùng nhớ một thực tế đã từ lâu đã định nghĩa lịch sử giống nòi của mình: Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam là điều không có giới hạn.''
''Số phận của Việt Nam nằm trong tay giới trẻ, trong tay của những thế hệ không sống qua chiến tranh và trong tim không có nỗi đắng cay và sự chia rẽ của những thập niên qua.
''Hai phần ba người Việt Nam ngày nay được sinh ra sau năm 1975, một đặc ân khiến họ có khả năng nhìn thấy bức tranh lớn mà không bị chi phối vì hành lý của lịch sử. Tôi có một niềm tin vững chắc là, chìa khóa để đạt được dân chủ ở Việt Nam là việc kết hợp những người trẻ tuổi ở cả hai phía Thái Bình Dương. Chúng ta có thể đã lớn lên trong những quan điểm khác nhau về lịch sử thời chiến, nhưng những người Mỹ gốc Việt trẻ và người Việt trẻ trong nước có nhiều điểm chung hơn, bao gồm cả mong muốn thấy một Việt Nam hiện đại, dân chủ, đa dạng, tôn trọng những quyền tự do cơ bản, và cho phép mọi người phát triển tiềm năng.''
''Tôi ước mong người trẻ Việt Nam sẽ bắt đầu đối mặt với sự bất công. Thomas Jefferson từng nói 'Trước một luật bất công, người dân không chỉ có quyền không tuân theo nó, mà còn phải có nghĩa vụ phải làm như vậy."
"Khi 'phá rối trật tự công cộng' là lúc tôi phản đối sự bất công của chính quyền, và với luật an ninh mạng, có hiệu lực vào năm tới, chúng ta cũng phải làm như vậy. Người trẻ Việt Nam phải phản đối luật này trước khi cái lồng đang nhốt họ càng co rút lại hơn nữa; là thế hệ kết nối internet đông đảo nhất của đất nước, họ có nhiều điều sẽ bị mất đi nhất.''
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét