Dù có sự quan tâm rộng lớn đối với Đông Nam Á, Ấn Độ liên tục bị chỉ trích vì lập trường cứng rắn về các thỏa thuận thương mại với ASEAN. Hơn nữa, Ấn Độ thường được so sánh với các đối tác đối thoại Đông Á của ASEAN để làm nổi bật sự can dự hạn chế về mặt kinh tế của nước này với ASEAN. Tại sao ASEAN và Ấn Độ lại có một mối quan hệ kinh tế hạn chế như vậy?
Tóm tắt
* Quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ đã phát triển trong 25 năm qua, nhưng các nhà phê bình đã nhận xét rằng quan hệ kinh tế của Ấn Độ với ASEAN là yếu so với các cường quốc khác trong khu vực.
* Lập trường đàm phán cứng rắn của Ấn Độ trong thương mại với ASEAN thường bị chỉ trích và bị trích dẫn như là một yếu tố hạn chế khả năng của nước này phát triển các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với ASEAN.
* Trên thực tế, đó là do việc Ấn Độ gần đây đã tiến hành toàn cầu hóa và sự không phù hợp về các ưu tiên kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ.
* Tuy nhiên, có những điểm sáng trong quan hệ kinh tế ASEAN-Ấn Độ:
- ASEAN có vị trí nổi bật trong các khoản đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ vào lĩnh vực dầu khí, dược phẩm, công nghệ thông tin, viễn thông và các dịch vụ tài chính.
- Thương mại dịch vụ có tiềm năng phát triển từ sự kết nối được cải thiện và quan hệ giữa người dân với người dân.
- Cộng đồng người Ấn Độ ở các nước ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong phát triển thương mại, đầu tư và du lịch song phương.
Giới thiệu
Hợp tác lâu dài của Ấn Độ với ASEAN bắt đầu vào năm 1992 với việc nước này là một đối tác đối thoại khu vực của tổ chức. Sau đó, quan hệ đối tác tiến triển để bao gồm 30 cơ chế đối thoại, gồm có một hội nghị thượng đỉnh và 7 hội nghị cấp bộ trưởng về một loạt lĩnh vực. Kể từ khi Cộng đồng ASEAN bắt đầu hình thành vào năm 2015, đã có những chuyến thăm song phương đều đặn và thường xuyên. Các lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ đã đến thăm tất cả 10 nước ASEAN trong 4 năm qua.
Năm ngoái, ASEAN và Ấn Độ đã kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại của họ. Để đánh dấu dịp này, ngoài việc tổ chức một hội nghị cấp cao để kỷ niệm ở New Delhi, 10 nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự cuộc diễu hành ngày Quốc khánh Ấn Độ vào ngày 26/1/2018. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ mời một tổ chức khu vực làm khách mời chính tham dự sự kiện quốc gia quý giá nhất thể hiện văn hóa và khả năng quân sự đa dạng của nước này. Tất cả những điều này phản ánh sự quan tâm của Ấn Độ đối với khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, dù có sự quan tâm rộng lớn như vậy, Ấn Độ liên tục bị chỉ trích vì lập trường cứng rắn về các thỏa thuận thương mại với ASEAN. FTA ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) phải mất 7 năm để kết thúc đàm phán về thương mại hàng hóa. Gần đây hơn, người ta nói nhiều về việc Ấn Độ đã kéo dài các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mặc dù chương trình nghị sự của RCEP đã được hoàn tất vào năm 2013, sau đó là các thỏa thuận về các phương thức, vấn đề tiếp cận thị trường vẫn tiếp tục được cân nhắc thậm chí sau 23 vòng đàm phán. Ấn Độ đã thường xuyên trích dẫn thâm hụt thương mại lớn của mình với Trung Quốc như là một lý do bào chữa cho việc có một cách tiếp cận thận trọng với tự do hoá thương mại.
Hơn nữa, Ấn Độ thường được so sánh với các đối tác đối thoại Đông Á của ASEAN để làm nổi bật sự can dự hạn chế về mặt kinh tế của nước này với ASEAN. Ví dụ: vào cuối năm 2015, trong khi tổng thương mại hàng hóa của ASEAN với Ấn Độ là 58,5 tỷ USD, thì con số này với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở mức đáng kinh ngạc lần lượt là 345 tỷ USD, 238 tỷ USD và 122 tỷ USD.
Tại sao ASEAN và Ấn Độ lại có một mối quan hệ kinh tế hạn chế như vậy? Bài viết này xem xét vấn đề và thảo luận về những thách thức kinh tế-chính trị đang kiềm chế mối quan hệ này tiến xa hơn. Nó kết luận rằng mặc dù mức độ tuyệt đối của thương mại và đầu tư ở mức thấp do cách tiếp cận của Ấn Độ với chính sách thương mại và với sự không tương thích về lợi ích khu vực trong các cuộc đàm phán thương mại, có những tiến bộ về kinh tế, nhờ cộng đồng người Ấn Độ ở các nước ASEAN, sự kết nối qua đường hàng không được cải thiện, những bổ sung về thương mại dịch vụ và việc Ấn Độ tìm kiếm cải cách trong nước.
Quan hệ kinh tế ASEAN-Ấn Độ
Phần này đưa ra một cách tiếp cận đa chiều để đánh giá hiện trạng các mối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ.
Thương mại hàng hóa
Tổng thương mại hàng hóa của ASEAN với Ấn Độ đã tăng từ 10 tỷ USD vào năm 2000 lên 58,5 tỷ USD vào năm 2015, tăng trưởng với tốc độ 13%/năm, cao hơn nhiều so với tổng tăng trưởng thương mại 8% của ASEAN. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng này được nhận thấy là từ năm 2002 đến năm 2008, sau đó nó chững lại hoặc suy giảm. Thị phần của Ấn Độ trong tổng thương mại của ASEAN cũng đã có xu hướng gần như tương tự, đạt mức cao nhất 2,9% trong năm 2012. Các mô hình phản ánh một phần môi trường thương mại toàn cầu trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau năm 2008. Nó cũng phản ánh sự đổi hướng thương mại khi các thỏa thuận thương mại khác của ASEAN bắt đầu có hiệu lực và khi tình trạng phổ biến tâm lý bảo hộ ở cả hai bên tăng lên.
Sau khi AIFTA bắt đầu có hiệu lực vào năm 2010, thương mại của ASEAN với Ấn Độ đã tăng 1,1 lần, tổng thương mại của ASEAN cũng tương tự như vậy. Có những sự khác biệt rõ ràng về thành tích hoạt động giữa cá nhân từng nước ASEAN và Ấn Độ. Philippines, Malaysia, Campuchia và Lào đã cho thấy một xu hướng tăng trưởng tích cực, Singapore và Thái Lan có xu hướng giảm tốc. Với AIFTA đang có hiệu lực, vai trò của Singapore là thương mại chuyển khẩu giữa ASEAN và Ấn Độ đã giảm.
Không như Trung Quốc hoặc Hàn Quốc có thị phần trong tổng thương mại của ASEAN đã tăng lên với tốc độ ổn định, thương mại hàng hóa của Ấn Độ với khu vực này vẫn chưa có được một mối quan hệ ổn định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ASEAN đặc biệt nổi bật trong số 5 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, tiếp ngay sau Mỹ, Trung Quốc và EU. Điều này phản ánh các lợi ích kinh tế của Ấn Độ ở ASEAN, mà sẽ vẫn còn phù hợp trong tương lai.
Thương mại dịch vụ
Trong khi không có dữ liệu thương mại dịch vụ song phương giữa các nước ASEAN và Ấn Độ, người ta có thể đưa ra một số suy luận sử dụng dữ liệu thương mại toàn cầu và bằng chứng mang tính giai thoại. Vào năm 2015, ASEAN và Ấn Độ chiếm 10% tổng thương mại dịch vụ toàn cầu, trong đó Singapore chiếm phần cao nhất là 3,2%, sau đó là Ấn Độ với 3% và Thái Lan là 1,1%. Đối với các nước ASEAN ngoài Philippines và Singapore, thương mại dịch vụ du lịch và giao thông là quan trọng. Đối với Ấn Độ, các dịch vụ thương mại khác là nổi bật. Nói chung, có thể thấy thương mại dịch vụ giữa hai bên trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông, các dịch vụ kinh doanh chuyên nghiệp, các dịch vụ tài chính, logistics, giáo dục, các dịch vụ y tế, đi lại và du lịch.
Mối liên kết đầu tư
Các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào ASEAN từ Ấn Độ dao động trong biên rộng từ -1,9 tỷ USD đến 6,6 tỷ USD. Dòng FDI này giảm từ 2,1 tỷ USD trong năm 2013 xuống còn khoảng 1,6 tỷ USD trong năm 2016. Con số mới nhất là 1% tổng dòng FDI vào ASEAN. Sự dao động này trong dòng vốn FDI chảy vào ASEAN đã dẫn đến dòng vốn FDI ra nước ngoài (OFDI) của Ấn Độ ở ASEAN giảm từ 20,8 tỷ USD trong năm 2010 xuống còn 18,4 tỷ USD trong năm 2015.
Bất chấp thành tích ảm đạm như vậy, ASEAN vẫn là đích đến hàng đầu của đầu tư của Ấn Độ. OFDI của Ấn Độ vào ASEAN trong năm 2015 chiếm 22% tổng OFDI của nước này, mà lớn hơn phần của ASEAN trong OFDI của Nhật Bản ở mức 13%, trong OFDI của Mỹ là 5%, của Trung Quốc là 6% và của EU là 2%. Hơn nữa, trong thập kỷ qua, kết thúc bằng năm 2015, đầu tư của Ấn Độ vào ASEAN đã tăng trung bình 67%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng đầu tư toàn cầu của Ấn Độ (40%).
Về cá nhân các nước ASEAN, phần lớn đầu tư của Ấn Độ tập trung vào Singapore, sau đó là vào Malaysia và Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Ấn Độ cũng đặc biệt chú ý đến các nước thành viên ASEAN kém phát triển hơn. Cụ thể là với Việt Nam, Ấn Độ đã có sự hợp tác công nghiệp trong các dự án lớn về thăm dò dầu mỏ, phát điện và sản xuất hóa chất. Có khoảng 85 dự án được Ấn Độ tài trợ ở Việt Nam từ đầu năm 2015. Trong phân bổ ngân sách hàng năm 2015-2016 của Ấn Độ, Bộ Thương mại đã yêu cầu cho quỹ phát triển dự án trị giá 16,1 tỷ USD để thiết lập các trung tâm sản xuất ở các nước thành viên ASEAN kém phát triển hơn.
Các mối quan hệ giữa người dân hai bên
Du lịch là một chỉ số đơn giản về mối liên kết giữa người dân ASEAN với Ấn Độ. Du khách từ Ấn Độ đến ASEAN đã tăng từ 1,5 triệu người trong năm 2006 lên đến 3,3 triệu người trong năm 2015, phản ánh tốc độ tăng trưởng 10,7%/năm. Trong năm 2015, Ấn Độ chiếm 3% tổng lượng du khách đến ASEAN, ít hơn nhiều so với Trung Quốc (17%), ít hơn tương đối so với Hàn Quốc (5,4%) và Nhật Bản (4,3%). Đối với các du khách Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia là các điểm đến nổi bật ở ASEAN. Họ đóng góp đáng kể vào lĩnh vực công nghiệp du lịch của các nước này.
Một yếu tố then chốt đã góp phần vào tiến triển tích cực này là sự kết nối qua đường hàng không được cải thiện giữa ASEAN và Ấn Độ. Singapore được kết nối với nhiều điểm đến ở Ấn Độ qua 480 chuyến bay hàng tuần. Tương tự, Malaysia và Thái Lan được kết nối với Ấn Độ thông qua lần lượt khoảng 114 và 150 chuyến bay. Các hãng hàng không quốc gia từ cả hai bên đang có chuyến bay đến các điểm đến ở hai bên, giảm giá vé các chuyến bay giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Sự kết nối qua đường hàng không tốt hơn được hỗ trợ hơn nữa bởi các cơ chế cấp thị thực tại sân bay/cấp thị thực trực tuyến dành cho các du khách Ấn Độ ở một số nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Malaysia, Việt Nam và Singapore.
Người ta có thể kết luận rằng các mối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ cần được nghiên cứu trên nhiều phương diện vượt ra ngoài thương mại hàng hóa. Chắc chắn về phương diện tuyệt đối các mức thương mại và đầu tư của ASEAN với Ấn Độ là thấp và không ổn định, đặc biệt là khi so sánh với các đối tác Đông Á khác của ASEAN. Nhưng có những dấu hiệu khả quan. Ngoài việc ASEAN là đối tác nhận OFDI nổi bật của Ấn Độ, thương mại dịch vụ có cơ hội tăng lên. Các mối quan hệ giữa người dân hai bên vẫn rất đáng kể.
Những thách thức chính trị-kinh tế
Phần này phác thảo 3 thách thức cơ bản trong đàm phán thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ.
Đầu tiên liên quan đến cách tiếp cận của Ấn Độ với chính sách thương mại. Trong 2 thập kỷ kể từ những năm 1970, Ấn Độ đã theo đuổi chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI) mà điều chỉnh nhập khẩu, thúc đẩy các khu vực nhà nước lớn và mang lại những sự khích lệ hạn chế cho các bên tham gia thuộc khu vực tư nhân. Việc thiếu tính cạnh tranh do kết quả của điều đó đã củng cố các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, những người yêu cầu một thị trường được bảo hộ. Chỉ vào đầu những năm 1990, Ấn Độ mới quyết định lựa chọn chính sách tự do hóa và thông qua Chính sách hướng Đông (LEP), làm đòn bẩy dựa trên các mối quan hệ trong lịch sử và về văn hóa. Nước này sau đó đã ký một số FTA và đã biến LEP của mình thành Chính sách hành động hướng Đông.
Tuy nhiên, con đường hướng tới tự do hóa không hề dễ dàng đối với Ấn Độ. Một mặt, Ấn Độ đã thực hiện các cải cách như bãi bỏ cấp phép công nghiệp, giảm thuế quan, và hoán đổi tài khoản vốn. Mặt khác, nhiều cải cách trong nước phù hợp với các chính sách hướng ngoại vẫn có vấn đề, chủ yếu do chính trị đa đảng của Ấn Độ. Tình trạng vận động hành lang chống tự do hóa vẫn còn phổ biến, và do đó, bất chấp việc là một thành viên của WTO, Ấn Độ vẫn tương đối bảo hộ. Không còn nghi ngờ gì, nước này cũng tham gia vài thỏa thuận thương mại nhưng những thỏa thuận này thường hạn chế về quy mô và việc thực thi vẫn không đồng đều.
Yếu tố thứ hai xuất phát từ cơ hội bị bỏ lỡ của Ấn Độ trở thành một phần của mạng lưới sản xuất khu vực. Trong khi Ấn Độ đã thông qua một chính sách thương mại tương đối cởi mở vào những năm 1990, các nước ở Đông Á đã thực hiện các cải cách trong nước để tự do hóa nền kinh tế của họ vượt xa chính sách đó của Ấn Độ. Trung Quốc đã theo đuổi cải cách kinh tế kể từ cuối những năm 1970, với thương mại và đầu tư là các thành phần cốt lõi của chiến lược phát triển của mình. Nhật Bản đã có một mô hình kinh tế cởi mở kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, và đã thực hiện ngoại giao kinh tế với khu vực châu Á rộng lớn hơn thông qua thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ nước ngoài. Ngay cả các nước ASEAN cũng đã theo đuổi một chính sách thương mại và đầu tư định hướng nước ngoài kể từ những năm 1980 bằng việc giải phóng các dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và vào các ngành công nghiệp phụ tùng và linh kiện và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cải thiện bầu không khí kinh doanh. Do đó, các nước Đông Á đã thành công trong việc hội nhập vào các mạng lưới sản xuất khu vực - nòng cốt của thương mại quốc tế - kể từ cuối những năm 1980. Vào lúc Ấn Độ quyết định đi theo để cùng hưởng lợi, nước này cần phải vật lộn với nền kinh tế trong nước để đồng thời tăng toàn bộ năng suất, thực hiện các cải cách trong các khu vực nhà nước và tư nhân và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nước này cũng cần phải chuẩn bị cho lĩnh vực sản xuất để hội nhập vào các mạng lưới sản xuất bằng việc mang lại những khuyến khích nhằm gia tăng tính cạnh tranh. Do đó, những mối quan ngại trong nước có xu hướng được ưu tiên.
Yếu tố thứ 3 là các ưu tiên khác nhau theo khu vực giữa ASEAN và Ấn Độ. Trong khi lợi thế so sánh của một bộ phận lớn các nước ASEAN nằm ở các hoạt động sản xuất, thì sức mạnh của Ấn Độ nằm ở dịch vụ. Đối với Ấn Độ, thương mại hàng hóa là hạn chế do lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp của nước này ít cạnh tranh hơn và thị trường nội địa đủ lớn để tạo ra thu nhập. Thường xuyên hơn, người ta cảm thấy rằng việc tự do hóa thương mại hàng hóa sẽ dẫn đến nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn hơn, ít nhất là trong ngắn hạn. Ấn Độ có lợi thế so sánh trong công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính và du lịch. Trong năm 2015, nước này đã có thặng dư thương mại dịch vụ trị giá 33 tỷ USD với phần còn lại của thế giới, so với 2,2 tỷ USD thặng dư trong lĩnh vực tương tự của các nước ASEAN.
Sự không cân xứng trong các ưu tiên này dẫn đến những khó khăn trong các thỏa thuận thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ. Phải mất 7 năm để đàm phán Hiệp định trao đổi hàng hóa ASEAN-Ấn Độ và các cuộc đàm phán về dịch vụ và đầu tư đã được kết thúc thậm chí rất lâu sau đó. Đối với đàm phán RCEP, Ấn Độ được cho là đang yêu cầu tự do hóa ngành dịch vụ lớn hơn để đổi lấy việc đảm bảo quyền tiếp cận với thị trường hàng hóa lớn hơn ở các nước khác. Việc làm này rất không được ưa thích vì yêu cầu về tự do hóa thương mại dịch vụ đồng thời đòi hỏi tự do hóa đầu tư và thường cả việc di chuyển các chuyên gia. Trong khi tự do hóa đầu tư là tương đối dễ dàng đối với một lĩnh vực như du lịch, thì nó lại phức tạp đối với các lĩnh vực trong dịch vụ công như giáo dục, y tế và giao thông mà tùy thuộc vào các quy định khác biệt trong nước. Những cân nhắc về xã hội và kinh tế, như việc chính phủ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) địa phương, có thể cản trở các quyết định tự do hóa đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ. Việc lao động lành nghề dịch chuyển qua biên giới vẫn còn hạn chế do tính nhạy cảm về mặt chính trị của việc này. Cho đến nay, hầu hết các thỏa thuận thương mại của ASEAN đã tập trung vào hàng hóa và có sự chú ý hạn chế đến dịch vụ. Đặc biệt, thương mại dịch vụ dễ bị tổn hại trước sự cạnh tranh quốc tế và liên quan đến nhiều rào cản pháp lý.
Tương lai: Tiềm năng lợi thế đang chờ đợi
Trong tương lai, quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ có tiềm năng tăng đáng kể. Hai bên cùng nhau tạo nên một thị trường gồm 2 tỷ người và tự hào có GDP 5 nghìn tỷ USD. Cả hai đều có dân số trẻ để đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động và tầng lớp trung lưu đang phát triển để hỗ trợ tiêu dùng. Ngoài ra, người ta ước tính ASEAN và Ấn Độ tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2020 với tỷ lệ trung bình tương ứng là 5,7% và 7,7%, so với 6,3% của Trung Quốc và 2,0% của Mỹ.
Về các mối quan hệ kinh tế, ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Ấn Độ và có đặc điểm nổi bật là điểm đến đầu tư nước ngoài then chốt của Ấn Độ. Có khoảng 2.000 công ty Ấn Độ đang hoạt động ở nhiều nước ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Nhiều yếu tố đã góp phần vào các quyết định đầu tư này, bao gồm Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Singapore-Ấn Độ, Hiệp định thương mại song phương Singapore-Ấn Độ và Malaysia-Ấn Độ, sự kết nối mạnh mẽ qua đường hàng không, sự hiện diện của một cộng đồng người Ấn Độ và môi trường tạo thuận lợi cho kinh doanh của khu vực. Singapore đặc biệt đóng vai trò là cửa ngõ cho đầu tư của Ấn Độ đến phần còn lại của khu vực.
Có tiềm năng lớn để tăng trưởng hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh có những va chạm thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nền kinh tế ASEAN và Ấn Độ mang đến cho nhau một điểm đến cho thương mại và đầu tư. Hơn nữa, trong trường hợp chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, các quy tắc thương mại và đầu tư trong AIFTA có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cấu trúc và tái phân bổ các dây chuyền sản xuất không còn lấy Trung Quốc làm trung tâm và chuyển chúng sang ASEAN. Như vậy, các thành viên ASEAN đang có một vị trí thuận lợi khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN cung cấp một môi trường pháp lý mạnh mẽ và hiệu quả xung quanh thương mại, trong khi AIFTA liên kết nó với một nền kinh tế lớn trong khu vực.
Ngoài ra, các mối quan hệ mang tính định lượng và bổ sung hiện có đang hướng tới thương mại dịch vụ lớn hơn giữa ASEAN và Ấn Độ trong tương lai. Các nước ASEAN nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của họ vào mạng lưới sản xuất trong khu vực và đây là nơi các công ty máy tính và dịch vụ thông tin của Ấn Độ có thể giúp liên kết cấu trúc sản xuất rời rạc. Ngoài ra, cả hai bên đều có tiềm năng hưởng lợi từ các lĩnh vực mới nổi của nhau và các cuộc thảo luận chính sách về nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử và các thành phố thông minh.
Quan hệ giữa người dân hai bên có thể được tăng cường với sự giúp đỡ của cộng đồng người Ấn Độ ở các nước ASEAN. Ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Philippines, người sắc tộc Ấn Độ chiếm một tỷ lệ nổi bật trong tổng dân số. Nhóm người này tích cực trong các hoạt động kinh tế truyền thống, chẳng hạn như buôn bán và công nghiệp dệt may. Ngoài ra, trong những năm gần đây, các chuyên gia Ấn Độ tích cực tham gia các lĩnh vực như dược phẩm, ngân hàng, tư vấn, kế toán, kỹ thuật và công nghệ thông tin.
Còn có một số sinh viên Ấn Độ ở các nước ASEAN. Ví dụ, khoảng 10.000 sinh viên Ấn Độ đang ở Philippines học ngành y và quản lý. 2.000 sinh viên khác đang theo học tại Malaysia. Chính phủ Ấn Độ cũng đã cung cấp một số học bổng giáo dục đại học và đào tạo cho các công dân ASEAN. Ví dụ, khoảng 1.000 sinh viên Lào và 1.400 sinh viên Campuchia được đào tạo theo Chương trình hợp tác kỹ thuật và kinh tế của Ấn Độ.
Sự kết nối cũng là một ưu tiên chính sách giữa ASEAN và Ấn Độ để tăng cường các mối quan hệ trong tương lai của họ. Ấn Độ đã hứa hẹn cung cấp một khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD cho các nước ASEAN để thúc đẩy sự kết nối vật lý và kỹ thuật số. Một quỹ phát triển dự án đã được công bố để phát triển các trung tâm sản xuất ở các nước ASEAN kém phát triển hơn. Ấn Độ đang thực thi, dù ở tốc độ chậm, Đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan và Dự án Giao thông vận tải quá cảnh đa phương thức Kaladan ở ASEAN. Các vấn đề mở rộng đường cao tốc ba bên tới Campuchia và Lào và Hiệp định xe cộ qua đường cao tốc 3 bên này đang được thảo luận. Ấn Độ và ASEAN cũng đang tìm cách lên kế hoạch Hiệp định vận tải biển và Hiệp định dịch vụ hàng không khu vực.
Cũng có thể thấy được tiềm năng tương lai trong quan hệ kinh tế ASEAN-Ấn Độ từ việc Ấn Độ sẵn sàng thực hiện cải cách trong nước và tham gia nhiều hơn tại các nền tảng khu vực và toàn cầu. Gần đây, Ấn Độ đã đưa một số biện pháp chính sách vào nền kinh tế trong nước - Make in India, Kỹ năng Ấn Độ, Thành phố thông minh, Ấn Độ kỹ thuật số. Đặc biệt, sáng kiến “Make in India” đang tìm cách khôi phục lĩnh vực sản xuất. Ý tưởng là để cải thiện khả năng cạnh tranh và mang lại các khoản đầu tư vào sản xuất đã thất thoát ra các điểm đến châu Á khác. Người ta mong đợi sáng kiến này không chỉ tạo ra việc làm ở thị trường trong nước mà còn giúp Ấn Độ chuyên về một hoạt động cụ thể trong chuỗi giá trị sản xuất, do đó hội nhập tốt hơn với các nước khác trong khu vực. Có thể nhận thấy sự hội nhập này tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ năm 2015.
Nỗ lực để cải thiện sự thuận lợi kinh doanh ở Ấn Độ đang đạt được nhiều lực kéo chính sách. Là một phần của sáng kiến “Make in India”, việc đăng ký kinh doanh nhanh chóng, cắt giảm các thủ tục quan liêu và đơn giản hóa các quy định là những thông số quan trọng mà Ấn Độ đang tiếp tục để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, Ấn Độ đã thực hiện một chính sách thuế lớn, được gọi là thuế hàng hóa và dịch vụ, nhằm thống nhất đất nước để có được một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Nước này cũng đang thực hiện vài dự án cơ sở hạ tầng để hàng hóa, dịch vụ và con người dịch chuyển một cách liền mạch. Thật vậy, Ngân hàng Thế giới đã công nhận đất nước này là một trong 10 nước cải thiện hàng đầu trong việc thực hiện các cải cách trong nước trong số 190 quốc gia. Ngân hàng này xếp hạng Ấn Độ ở vị trí thứ 100 trong năm 2018 so với thứ 130 trong năm 2017.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế ASEAN-Ấn Độ có cơ hội đáng kể để phát triển trong bối cảnh khủng hoảng thương mại toàn cầu, tiềm năng lĩnh vực dịch vụ và những tiếp xúc giữa người dân hai bên. Các cải cách trong nước do Ấn Độ thực hiện trong những năm gần đây phản ánh mong muốn của đất nước này xây dựng một nền kinh tế hiện đại và cạnh tranh có khả năng hội nhập tốt hơn với các nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong tương lai.
Sanchita Basu Das là Trưởng Nghiên cứu về Kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, Số 68, 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét