Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

7541 - Chính sách thân Trung Quốc của Philippines có phát huy tác dụng?



Cho đến nay, những số liệu mới xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế sau khi Philippines nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vẽ lên một bức tranh hỗn tạp. Đầu tư và thương mại không tăng nhiều, nhưng lượng du khách và lao động lại tăng lên. Xét tới các vấn đề an ninh quốc gia có liên quan tới Trung Quốc, những xu hướng này rõ ràng cần phải được giám sát.
Phân tích những thành quả kinh tế từ việc Tổng thống Duterte nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc
Chừng nào lời nói của ông còn có trọng lượng và chính sách còn tuân theo thì Tổng thống Rodrigo Duterte còn tìm cách thiết kế một sự xoay trục mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Philippines. Vào đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã gây hiềm khích với các đồng minh kinh tế và chính trị truyền thống như Mỹ (dưới thời Tổng thống Barack Obama khi đó) và sau là đến Liên minh châu Âu (do liên minh này kêu gọi tôn trọng nhân quyền giữa lúc Chính phủ Philippines tiến hành chiến dịch chống lại nạn buôn bán ma túy). Duterte cũng đã nhanh chóng khởi xướng việc nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, và mới đây nhất ông thậm chí còn bắt đầu các cuộc thảo luận về khả năng thăm dò chung các nguồn tài nguyên trên biển Tây Philippines, cách Manila gọi vùng Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền. Duterte tuyên bố rằng tất cả những điều này là một phần của nỗ lực xây dựng một chính sách đối ngoại “độc lập” hơn cho nước này.
Có những quan điểm lẫn lộn về việc liệu nước này có đạt được một chính sách đối ngoại thực sự độc lập hay không và độc lập tới mức độ nào, nhưng người ta có thể khen ngợi Chính quyền Duterte vì sự táo bạo của họ. Mối quan hệ của Philippines với Trung Quốc – ngay cả khi xét tới những tranh chấp lãnh thổ - vẫn có thể là một mối quan hệ sinh lợi về mặt kinh tế. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu cách tiếp cận này có nhất thiết đem lại lợi ích kinh tế cho nước này hay không.
Phân tích ngắn gọn này phác họa một xu hướng đáng ngạc nhiên xét đến mối quan hệ đang tiến triển của nước này với Trung Quốc – du khách và lao động đổ vào nhiều hơn, nhưng đầu tư và thương mại vẫn vô cùng ít ỏi. Xét về khía cạnh phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, những xu hướng này đem lại cả cơ hội lẫn nguy cơ.
Dòng người
Có thể lập luận rằng việc nước này nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc đã thu hút nhiều người Trung Quốc tới Philippines hơn. Trên thực tế, từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2016, đã có một sự gia tăng rõ ràng – khoảng 79% – lượng du khách Trung Quốc đến Philippines. Sau đó, trong năm 2017 và 2018, mức gia tăng tương ứng là 33% và 42%.
Lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc hiện lớn thứ hai, với 645.000 người trong 8 tháng đầu năm 2018 và chỉ đứng sau Hàn Quốc.

Hình 1: Số lượng khách du lịch Trung Quốc tới Philippines, tính theo nghìn người, từ tháng 8/2017 – 8/2018. Dữ liệu từ Sở du lịch Philippines.


Bảng 1: So sánh lượng khách du lịch đến Trung Quốc theo quốc gia (nghìn người). Dữ liệu từ Sở Du lịch Philippines.

Theo sau sự gia tăng trong ngành du lịch là sự gia tăng gián tiếp số lượng người lao động Trung Quốc tại Philippines. Năm 2016, ít nhất 41.000 người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nước ngoài (AEP) – một bước nhảy vọt đáng kể gần 47% so với năm 2017, với việc chỉ có khoảng 28.000 giấy phép lao động.
Trong số này, lao động Trung Quốc chiếm một phần đáng kể trong tổng số người nước ngoài được cấp giấy phép lao động – khoảng 45%. Cho dù dường như số lượng người lao động Trung Quốc được công nhận chính thức vào Philippines hồi đầu năm 2012 ngày càng tăng, nhưng tình trạng gia tăng mạnh mẽ trở nên rất rõ ràng kể từ năm 2016. Số lượng lao động Trung Quốc có giấy phép lao động đã tăng thêm khoảng 108% trong giai đoạn 2015-2016, trong khi lao động Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại chỉ tăng 7%. Số lượng lao động Trung Quốc sau đó đã tăng thêm 27% vào năm 2017.

Hình 2: Số lượng lao động nước ngoài được cấp phép Lao động nước ngoài (AEP) ở Philippines, từ 1978-2017. Dữ liệu từ Cục Thống kê Philippines

Tuy nhiên, trong khi phần đóng góp của Nhật Bản và Hàn Quốc trong đầu tư tăng thêm 18,25 điểm phần trăm ở giai đoạn này, thì phần đóng góp vào đầu tư của Trung Quốc chỉ tăng 0,38 điểm phần trăm. Rõ ràng là bất chấp phần đóng góp nhỏ hơn cho đầu tư, Trung Quốc lại gửi nhiều lao động tới Philippines hơn.
Trong khi đó, thương mại Philippines-Trung Quốc cũng cải thiện ở mức tương đối vừa phải, tăng từ 699,48 triệu USD lên 939,98 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018, tăng 34%. Đầu tư từ Trung Quốc cũng tụt lại phía sau xét về quy mô, khi so sánh với các nước khác. Năm 2017, phần đóng góp của Trung Quốc vào đầu tư vốn mới ở Philippines chỉ tăng ở mức rất nhỏ là 0,9% trong tổng số vốn cổ phần thực.
Mặc dù đúng là Philippines đã chứng kiến sự tăng vọt vốn cổ phần ở cả Trung Quốc lẫn Hong Kong trong năm 2016, nhưng dữ liệu từ Ngân hàng trung ương Philippines tiết lộ rằng phần lớn sự tăng vọt này chỉ diễn ra trong 2 tháng cuối cùng của năm 2016 – ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Duterte tới Trung Quốc. Thực tế là sự tăng vọt này đã không được duy trì, và vẫn nhỏ hơn so với dòng vốn cổ phần đổ vào từ Nhật Bản trong cùng năm đó, nhấn mạnh đặc điểm thứ yếu của những lợi ích đạt được về đầu tư trong chiến lược xoay trục sang Trung Quốc. Các báo cáo của Ngân hàng trung ương ám chỉ rằng có lẽ đầu tư Trung Quốc tăng vọt trong năm 2016 một phần là do sự thâm nhập của các công ty cờ bạc của Trung Quốc ở nước ngoài, tuy nhiên các kiểu đầu tư khác trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, các dịch vụ chuyên nghiệp, trong số những lĩnh vực khác, cũng có liên quan.

Bảng 2: Vốn cổ phần thực tại Philippines tính theo quốc gia nguồn, từ 2013 – 2017 (triệu USD). Dữ liệu từ Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP).

Cờ bạc
Tuy nhiên, Trung Quốc tăng cường đáng kể đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản và cờ bạc trên mạng. Năm 2016, Tập đoàn cờ bạc và giải trí Philippines (PAGCor) đã đưa ra các quy định nhằm điều tiết hoạt động của các nhà khai thác hoạt động đánh bạc của Philippines ở nước ngoài, những thực thể cung cấp các dịch vụ cờ bạc trực tuyến cho người chơi nước ngoài. Hơn 50 công ty cờ bạc nước ngoài được cấp giấy phép để khai thác và phục vụ khách hàng Trung Quốc. Nhu cầu lao động nói tiếng Quan thoại, cùng với việc áp dụng chính sách nới lỏng thị thực, đã giúp gia tăng dòng người Trung Quốc đổ vào nước này.
Tình trạng nhập cư diễn ra sau đó, đến lượt nó, dẫn tới nhu cầu cao về bất động sản gần khu vực có các công ty cờ bạc trên mạng. Ayala Land, một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất nước này, tiết lộ rằng năm 2017, 49,4% doanh thu quốc tế của họ đến từ khách hàng Trung Quốc. Theo sau là khách hàng Mỹ và Singapore với tỷ lệ tương ứng là 15,2% và 5,4%.
Mặc khác, theo báo cáo của SM Prime Holdings, doanh thu quốc tế của họ từ khách hàng Trung Quốc tăng 10% (từ mức chưa đầy 5% vào năm 2017). DMCI Holdings, một “ông lớn” khác trong ngành công nghiệp phát triển bất động sản, tiết lộ rằng hơn 50% doanh thu quốc tế của họ trong quý I năm 2018 là từ khách hàng Trung Quốc.
Mặc dù đúng là các nhà đầu tư Trung Quốc là động lực thúc đẩy một phần sự tăng trưởng bất động sản ở nước này hiện nay và các nhà đầu tư bất động sản địa phương thu được lợi nhuận đáng kể trong mối quan hệ đang ở thời điểm tốt đẹp nhất giữa Philippines và Trung Quốc, nhưng điều này cũng khiến cho nền kinh tế địa phương dễ bị tổn thương theo những cách khác nhau.
Tăng trưởng kinh tế một chiều?
Sự gia tăng lao động nước ngoài là người Trung Quốc ở nước này (phần lớn là trong lĩnh vực cờ bạc ở vịnh Manila) đã khuấy động một cuộc tranh giành bất động sản để xây dựng các khu vực sinh sống và làm việc – các bằng chứng vụn vặt cho thấy điều này đã làm tăng giá bất động sản ở một số khu vực chịu tác động đặc biệt.
Trong 3 tháng cuối năm 2017, giá nhà dọc theo vịnh Manila tăng 27%, trong khi doanh thu bán căn hộ chung cư luôn ở mức cao, với 52.600 căn hộ được bán trong năm 2017. Việc giá nhà tăng khiến chi phí sinh hoạt đối với một gia đình có mức thu nhập trung bình trở nên đắt đỏ hơn và có thể khiến họ không có lựa chọn nào ngoài việc dịch chuyển xa hơn khỏi các khu vực mà họ thích sống hơn.
Trong khi đó, báo cáo từ các đơn vị chính phủ tại địa phương đã chỉ ra các vấn đề xã hội do dòng người Trung Quốc nhập cư gây ra, trong đó có nạn rượu chè và cờ bạc thái quá.
Cũng có suy đoán rằng một số lượng lớn người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp và đang làm việc trái phép ở Philippines. Trong thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 1/2017, hơn 1.000 người Trung Quốc lao động trái phép ở Clark đã bị bắt và đưa trở lại Trung Quốc.
Như đã lưu ý trước đó, theo Bộ Lao động và việc làm (DOLE), chỉ có 45.000 người nước ngoài (trong đó có 29.000 người Trung Quốc) được cấp AEP tại Philippines. Tuy nhiên, các POGO bị cáo buộc là đã sử dụng 400.000 người nước ngoài – phần lớn là người Trung Quốc. Con số này gấp gần 10 lần tổng số người nước ngoài nhận được giấy phép lao động chính thức. Nếu những con số này là thật và có các cáo buộc tham nhũng, thì sự việc này sẽ lập tức được điều tra – nó không chỉ gây ra các vấn đề kinh tế mà còn cả các vấn đề an ninh quốc gia.
Việc Chính quyền Duterte thành lập các POGO vào năm 2016 đã làm gia tăng số lượng công dân Trung Quốc nộp đơn xin AEP, từ 5.412 lao động trong năm 2013 đến 18.920 lao động trong năm 2016. Người ta cho rằng AEP được cấp cho người nước ngoài trong trường hợp lao động địa phương không thể đáp ứng yêu cầu công việc. Điều này đặt ra câu hỏi liệu những lao động nước ngoài này có thực sự làm những công việc mà người Philippines không thể làm được hay không.
Thượng nghị sĩ Franklin Drilon đã nêu ra vấn đề này tại phiên điều trần của DOLE về ngân sách hồi tháng 9/2018. Ông cáo buộc rằng người Philippines đang bị cướp đi các cơ hội việc làm mà lao động Trung Quốc đã chiếm mất trong ngành công nghiệp cờ bạc trên mạng.
Các mô hình tương tự cũng được thấy rõ trong mối quan hệ của Trung Quốc với các nước như Campuchia và Lào, vì cả hai nước ASEAN này đều cho phép trò đánh bạc của Trung Quốc du nhập vào các thành phố lớn. 30 sòng bạc của Trung Quốc đã được xây dựng ở Campuchia và 70 sòng bạc nữa đang được xây dựng. Sức ép đẩy giá nhà cửa và bất động đi lên do nhu cầu cao hơn từ các nhà đầu tư bất động sản của Trung Quốc cũng đã trở nên phổ biến ở Lào và Campuchia.
Cho đến nay, những số liệu mới xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế sau khi Philippines nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vẽ lên một bức tranh hỗn tạp. Đầu tư và thương mại không gia tăng ở mức đáng kể, nhưng lượng du khách và lao động lại tăng lên. Từ góc nhìn kinh tế, doanh thu từ du khách Trung Quốc chắc chắn là một lợi ích được ngành công nghiệp du lịch Philippines chào đón. Tuy nhiên, việc có thêm lao động Trung Quốc là điều ít hấp dẫn hơn khi xét tới những thách thức đối với nước này trong việc tạo ra đủ việc làm cho đa số đông đảo lực lượng lao động trẻ của nước này.
(Cần lưu ý rằng Trung Quốc, mặt khác, không phải là đích đến truyền thống của lao động Philippines ở nước ngoài do những hạn chế trước đó của Chính phủ Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, tính đến năm 2017, chỉ có khoảng 13.000 lao động Philippines ở nước ngoài làm việc tại Trung Quốc Đại lục.)
Số lượng người Trung Quốc ở nước này ngày càng tăng cũng đã làm dấy lên những quan ngại về an ninh quốc gia của Philippines, đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc tiếp tục các động thái rất hung hăng của họ nhằm chiếm giữ phần lớn Biển Đông. Xét tới các vấn đề an ninh quốc gia có liên quan tới mối quan hệ của nước này với Trung Quốc, những xu hướng này rõ ràng cần phải được giám sát ít nhất thông qua lăng kính kinh tế lẫn an ninh quốc gia.
Ronald U. Mendoza, phó giáo sư, tiến sĩ Trường Ateneo, Đại học Ateneo de Manila, Philippines. Miann S. Banaag là nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách Ateneo, trụ sở tại Trường Ateneo, Đại học Ateneo de Manila, Philippines. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét