Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

7579 - Sóng gió chờ đợi thượng đỉnh G-20 và 3 kịch bản cuộc gặp Trump-Tập


      Hai ông Trump và Tập có cuộc gặp thượng đỉnh được mong chờ ở Argentina


Các nhà lãnh đạo thế giới đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh G-20 nảy lửa bắt đầu vào ngày 30/11 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Cuộc họp kéo dài hai ngày này tập hơn các nhà lãnh đạo đại diện hai phần ba dân số thế giới và 85% nền kinh tế toàn cầu. Cuộc họp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo và giữa lúc có hàng loạt những điểm nóng địa chính trị từ Ukraine cho đến Trung Đông và Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế quan hiện tại từ mức 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đã cảnh báo sẽ có thêm biên pháp trừng phạt nếu không có thỏa thuận nào đạt được với Bắc Kinh trong những vấn đề như mất cân bằng thương mại và sở hữu trí tuệ.
Nhà Trắng tin rằng họ đang có thời cơ để đạt được thỏa thuận. “Phần lớn các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc đang khó khăn trong khi Mỹ đang trong vị thế rất mạnh mẽ, chắc chắn khi đến thượng đỉnh lần này,” cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow phát biểu hôm 27/11.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu chiến tranh thương mại gia tăng cường độ.
“Trong thế kỷ qua chúng ta đã có hai cuộc thế chiến, và giữa hai cuộc thế chiến đó là đại suy thoái. Tôi không nghĩ rằng ai đó muốn tìm cách lặp lại lịch sử,” ông Thôi phát biểu hôm 28/11.
Cuộc gặp thượng đỉnh G-20 lần đầu được tổ chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Kể từ đó đã có sự đảo ngược vai trò, ông Tristen Naylor, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, nói.
“Một thập niên sau, mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự kinh tế đã được định hình lại là điều đáng ngạc nhiên khi nó bằng nhiều cách đến từ người bảo vệ chủ chốt của trật tự đó với cuộc chiến tranh thương mại mang tính bảo hộ do Tổng thống Donald Trump với chính sách đối ngoại ‘Nước Mỹ trên hết’ phát động,” ông nhận định.
Căng thẳng địa chính trị giữa một số nước thành viên G-20 cũng đang âm ỉ. Chỉ mới cách nay vài ngày, Nga đã đâm vào tàu chiến của Ukraine trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Crimea và bắt giữ một số lính hải quân Ukraine. Kiev đã cảnh báo rằng họ đang đối mặt với cuộc chiến toàn diện với nước láng giềng Nga.
Phản ứng trước việc này, ông Trump đã bày tỏ nghi ngờ về cuộc gặp thượng đỉnh đã được sắp xếp từ trước với người đồng cấp Vladimir Putin của ông. Ông nói với tờ The Washington Post rằng ông đang đợi ‘báo cáo đầy đủ từ đội ngũ an ninh quốc gia của ông về vụ việc.”
Phát biểu hôm 28/11 trước các lãnh đạo doanh nghiệp ở Moscow, Tổng thống Putin đã đổ lỗi cho phía Ukraine.
“Lực lượng kiểm soát biên giới của Nga phải làm gì đây? Các tàu quân sự đã xâm nhập phi pháp vào lãnh hải của Liên bang Nga,” ông Putin nói.
Người cũng sẽ có mặt tại Thượng đỉnh G-20 là Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed Bin Salman, người mà phương Tây cho là có liên đới trong vụ tra tấn và sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Istanbul hồi tháng trước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng sẽ có mặt.


“Tất cả đều sẽ có mặt trong cùng căn phòng vào cùng thời điểm. Và đây là thời khắc quan trọng đối với họ để ít nhất bàn bạc về những điểm nóng nguy hiểm,” Giáo sư Naylor nói.

Ông cũng nói thêm rằng điều quan trọng là thượng đỉnh lần này được nhìn nhận là đã có những bước tiến triển trên những thách thức toàn cầu then chốt.
“Hệ thống kinh tế nên vận hành như thế nào? Chủ nghĩa bảo hộ là điều tốt hay điều xấu? Biến đổi khí hậu có thật hay không? Nếu các nước G-20 không thể đồng thuận thì nó sẽ gửi một tín hiệu rất, rất mạnh mẽ đến những người có mặt tại bàn hội nghị rằng có lẽ họ không cần phải cam kết gì hết.”
Hàng ngàn người biểu tình chống toàn cầu hóa đang tập hợp ở Buenos Aires. Nhiều người Argentina đang giận dữ với gói cứu trợ trị giá 57 tỷ đô la mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế dành cho họ để đổi lại những cắt giảm chi tiêu sâu rộng.

Ba kịch bản cuộc gặp Trump-Tập


Theo các nhà phân tích Ben White và Aubree Eliza Weaver của tờ Politico, có thể có ba kịch bản sau đây từ cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập ở Buenos Aires:
Một là thỏa thuận lớn với chỉ có khoảng 5% cơ hội. Theo kịch bảnh này, ông Tập sẽ cam kết với ông Trump những nhượng bộ quan trọng trên những hồ sơ chủ chốt như quy định về liên doanh, sở hữu trí tuệ và thâm hụt thương mại. Để đáp lại, ông Trump đồng ý tạm hoãn tăng mức thuế 10% hiện nay lên 25% kể từ đầu năm tới và ngưng quá trình đánh thuế thêm 267 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Những người cả bên trong lẫn bên ngoài Nhà Trắng đều cho rằng đây là điều rất khó có khả năng xảy ra do thiếu chuẩn bị trầm trọng trước cuộc gặp và mong muốn của ông Tập không muốn bị mất mặt với những nhượng bộ nhanh chóng và bất ngờ trước ông Trump. Nếu như điều đó xảy ra, thị trường toàn cầu nhiều khả năng sẽ vui mừng khi mở cửa trở lại vào đầu tuần sau và ông Trump sẽ có môt thắng lợi lớn.
Hai là chỉ có tiến triển khiêm tốn và đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất với cơ hội 65% và sẽ bao gồm sự tương tác tích cực giữa ông Trump và ông Tập và có lẽ sẽ có một thông cáo mà trong đó hai bên đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán. Phía Trung Quốc sẽ đồng ý với một số bước đi như mua thêm hàng hóa Mỹ trong đó có khí thiên nhiên. Theo kịch bản này, ông Trump sẽ gửi đi một số dòng tweet tích cực về quan hệ của ông với ông Tập trong khi thận trọng rằng tất cả các khả năng áp thuế vẫn sẽ bỏ ngỏ.
Kịch bản này có thể dao động ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào việc Trung Quốc cam kết những gì. Nếu cam kết của Trung Quốc nhiều hơn dự kiến, đợt tăng thuế quan vào tháng Giêng có thể bị hoãn lại.
Thứ ba là thảm họa. Những cố vấn mềm dẻo ở Nhà Trắng đang lo ngại về kịch bản này nhất và cơ hội nó xảy ra là 30%. Theo kịch bản này, hai ông Trump và Tập không ai chịu ai. Phía Trung Quốc chẳng đưa ra cam kết gì. Ông Trump giận dữ ra về và thề sẽ xúc tiến tăng thuế quan lên 25% và có hành động nhanh nhất có thể để áp thuế vào 267 tỷ đô la hàng hóa còn lại của Trung Quốc, tức là tất cả những gì Trung Quốc xuất sang Mỹ đều sẽ bị đánh thuế. Sau đó là những đòn trả đũa phi thuế quan của Trung Quốc.
Kịch bản này sẽ kết thúc với những dòng tweet tệ hại của ông Trump. Nó sẽ khiến các thị trường chứng khoán và hàng hóa trọng yếu toàn cầu suy giảm mạnh và làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Các cố vấn Nhà Trắng lo rằng tính khí của ông Trump và các sự kiện bên ngoài như cuộc điều tra của ông Mueller có thể khiến cho cuộc gặp giữa ông với ông Tập xấu đi mặc dù họ không xem kịch bản thảm họa là có nhiều khả năng xảy ra do ông Trump cũng rất lo thị trường sẽ phản ứng như thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét