Trong khu cấp cứu đông đúc trong bệnh viện, Bác sĩ Prabhat Rijal gặp một nạn nhân đầy vết bầm trên cơ thể.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Tiểu vùng Rapti ở Ghorari, miền tây Nepal, mỗi đêm tiếp nhận ít nhất một ca như thế. Nạn nhân thường đến khi trời chập tối, lúc những gã đàn ông bạo hành đi làm về và bắt đầu nhậu nhẹt. Nạn nhân có xu hướng ôm bụng kêu đau hoặc nói họ bị đau tai, nhưng khi các y tá và bác sĩ truy tìm dấu vết bầm tím hoặc vết cắt trên cơ thể họ, thì câu chuyện được phơi bày lại hoàn toàn khác.
Nghi ngờ đã có điều gì đó xảy ra, Rijal bèn hỏi chuyện người phụ nữ. Cô đã bỏ chạy khỏi nhà sau khi bị chồng đánh, nữ bệnh nhân trả lời. Tóc cô vẫn còn đẫm mồ hôi.
Khu vực cấp cứu với ánh đèn mờ nhạt rất bận rộn khi đêm về, trẻ con chạy quanh và bệnh nhân nằm đầy trên cáng cứu thương. Vì vậy, Rijai và một y tá đưa người phụ nữ vào phòng riêng và đóng cửa lại.
Họ nói một đoạn những câu có nội dung mẫu mà họ thường sử dụng. Bạo hành không phải chuyện bình thường hay là chuyện đương nhiên phải chấp nhận, họ nói với cô. Cô có những phương án khác để cân nhắc.
Một lúc sau, y tá dẫn cô qua trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa, nằm bên cạnh bệnh viện, là nơi các nạn nhân bị bạo hành có thể gặp chuyên viên tư vấn và một nữ cảnh sát.
Tình trạng bạo hành do bạn tình gây ra thường để lại hệ quả sức khỏe lâu dài. Phòng khám của bác sĩ thường là nơi đầu tiên, nếu không muốn nói là nơi duy nhất, có những nhân viên không chỉ chú ý đến vấn đề này mà còn có chuyên môn và thẩm quyền để giúp đỡ nạn nhân.
Rất nhiều chính phủ không ưu tiên can thiệp trong bối cảnh bệnh viện.
Tuy nhiên, Nepal, quốc gia có tỷ lệ bạo hành gia đình ở mức cao nhất, là một trong số những quốc gia theo đuổi phương pháp cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay trong bệnh viện và huấn luyện để phát hiện và hướng dẫn nạn nhân bị bạo hành.
'Bạo hành phổ biến không kém gì tiểu đường và bệnh hen suyễn'
Mặc dù bạo hành gia đình có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng phụ nữ thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều.
Trên thế giới, gần một phần ba phụ nữ có quan hệ ràng buộc cho biết họ từng trải qua bạo hành tình dục hoặc bạo hành thể chất do bạn tình gây ra.
Bạo hành do bạn tình gây ra còn trầm trọng hơn ở những quốc gia đang có xung đột hoặc đang hồi phục sau chiến tranh, như Cộng hòa Dân chủ Congo và miền bắc Uganda.
Mặc dù thái độ xã hội đang dần thay đổi, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bạo hành là vấn đề được chấp nhận là chuyện bình thường ở nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Đại Dương.
Bạo hành không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển.
Một phần ba phụ nữ ở Đan Mạch và gần 30% phụ nữ ở Anh Quốc cho biết họ từng bị bạo hành bởi bạn đời ít nhất một lần trong đời; khoảng 5% nói họ từng bị bạo hành trong 12 tháng vừa qua.
Ở Mỹ, 32% phụ nữ từng trải qua bạo hành về thể chất do bạn đời gây ra, 16% bị bạn đời bạo hành tình dục, gần 4% bị bạo hành thể chất và 2% bị bạo hành tình dục trong năm vừa qua.
Tác động xấu đến sức khoẻ và tính mạng phụ nữ
Bạo lực tác động vô cùng lớn đến sức khỏe phụ nữ.
Ở Mỹ, bạo hành do bạn đời gây ra dẫn đến 2 triệu ca chấn thương mỗi năm, khiến đây là vấn đề y tế nghiêm trọng hơn cả béo phì và hút thuốc lá.
Nó liên quan đến đến chứng đau nhức kinh niên, hen suyễn, mất ngủ, hội chứng đau quặn bụng, bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Phụ nữ từng bị bạn tình bạo hành có nguy cơ muốn tự tử cao hơn, dễ bị trầm cảm, lo âu, hoảng loạn, và dễ bị hội chứng sang chấn sau chấn thương.
Nhân viên y tế thường là người phản ứng đầu tiên khi tiếp xúc với người bị bạo hành: Ở Mỹ, phụ nữ bị bạo hành thường đến bệnh viện nhiều gấp 2,5 lần so với những bệnh nhân khác.
Vì 40% nạn nhân nữ trong các vụ giết người bị bạn tình sát hại, nên việc can thiệp kịp thời ở giai đoạn này có thể cứu mạng họ.
Nghiên cứu được tiến hành trong năm năm trên 139 vụ giết người mà nạn nhân là phụ nữ ở Thành phố Kansas cho thấy gần một phần tư số vụ giết người, 34 vụ, có liên quan đến bạo hành gia đình. Và 15 phụ nữ đã đến phòng cấp cứu, trong đó có 14 người bị thương, trong vòng hai năm trước khi họ bị sát hại.
Một khảo sát gần đây tiến hành trên 1.554 nạn nhân được cảnh sát đến can thiệp kịp thời sau khi nhận được cuộc gọi báo có xảy ra bạo hành gia đình cho thấy 88% trường hợp đã sống sót khi họ đang bị bóp cổ.
Nhưng nhân viên y tế thường không được chuẩn bị trước để hỗ trợ bệnh nhân.
Ở Anh Quốc, nghiên cứu năm 2017 cho thấy hầu hết công tác huấn luyện y tế không trang bị đầy đủ huấn luyện về bạo hành do bạn đời gây ra.
Mặc dù Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền ở Mỹ bắt buộc phải có nhiều chương trình bảo hiểm chi trả cho quá trình tầm soát và tư vấn bệnh nhân bị bạo lực, nhưng chính phủ Hoa Kỳ vẫn không có quy định tầm quốc gia nào về vấn đề này.
Việc đào tạo cho nhân viên y tế để giúp họ biết cách xác định và hướng dẫn bệnh nhân bị bạo hành là việc còn phụ thuộc vào tình trạng ngân quỹ của quốc gia đó dành cho mảng y tế, Kelsey Hegarty, bác sĩ gia đình đồng thời là nhà nghiên cứu đang hỗ trợ phát triển mảng can thiệp và y tế nội trú ở Úc, nói.
Chính phủ không thể đòi hỏi các cơ quan hoạt động bằng nguồn vốn tư nhân phải huấn luyện nhân viên của họ phương pháp phản ứng trước nạn bạo hành gia đình, và rất nhiều chính phủ không hề tài trợ phương thức và chương trình huấn luyện.
Kết quả là, các nhóm xã hội dân sự thường phải đảm nhiệm vai trò phát triển mảng can thiệp và dịch vụ nội trú trong bệnh viện.
"Với một vấn đề phổ biến không kém gì bệnh hen suyễn và béo phì và gây hại cho sức khỏe, đây là điều rất khó chịu," Hegarty nhận định.
Việc không giúp bệnh viện đối phó với tình trạng này có thể gây ra hệ lụy. Một nghiên cứu gần đây cho thấy một số bệnh viện tại Lebanon cảm thấy bạo lực là chấp nhận được khi phụ nữ có hành vi hung hăng.
Không hề ngạc nhiên gì khi bệnh nhân thường không cảm thấy thoải mái khi tiết lộ vụ bạo hành. Ở Nepal, nơi gần nửa phụ nữ từng bị bạo hành ở dạng nào đó, bệnh nhân lo lắng rằng nhân viên y tế sẽ cười nhạo họ hoặc chê trách họ không phải là "người vợ tốt".
"Cảnh sát thậm chí còn chẳng thèm quan tâm khi tôi kể họ nghe điều gì từng xảy ra với tôi trước đó, vậy thì tại sao bác sĩ lại quan tâm chứ?" Neha, người từng có cuộc hôn nhân bạo hành trước khi cô đến trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa ở Nepal, nói (để bảo vệ sự an toàn của những phụ nữ được phỏng vấn, chúng tôi không đăng tên thật của họ).
Hiện vẫn còn có tranh luận về cách thức nhân viên y tế xác định danh tính bệnh nhân như Neha.
Một số người ủng hộ đề xuất việc khảo sát, trong đó nhân viên y tế phải hỏi bệnh nhân xem họ có bị bạo hành không. Tuy nhiên, không có mấy bằng chứng cho thấy cách này hiệu quả.
Một bài tóm tắt 11 nghiên cứu đăng Tạp chí Y tế Anh Quốc (British Medical Journal) cho thấy việc hỏi đáp giúp xác định được bệnh nhân bị bạo hành, nhưng không hẳn sẽ giúp được họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO không ủng hộ việc khảo sát trong bản hướng dẫn nhân viên y tế về bạo lực liên quan đến giới tính.
Thay vào đó, rất nhiều chuyên gia đề xuất cách tiếp cận như Nepal đang thực hiện.
Cách tiếp cận của Nepal
Trong Trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa tại bệnh viện ở Ghorahi, Maya cuộn mình trong chiếc giường xếp màu xanh. Cô phải vào khoa cấp cứu một ngày trước.
Giờ đây, cô quay lại để gặp chuyên viên tư vấn Radha Paudel, người đang ngồi cạnh giường, quan sát hàng loạt vết bầm tím chạy dọc cánh tay cô.
Trên chiếc gối bên cạnh là tờ giấy liệt kê các triệu chứng cô bị - như đau đầu, tụ máu trên cánh tay phải, vết sưng trên đầu, vết đau ở ngực và phần trên và dưới lưng.
"Trước đó cô từng vào bệnh viện với chồng cô rồi," Radha nói khẽ.
"Chồng tôi không chịu đến hôm nay," Maya đáp. Anh ta đang ở nhà trông con.
Vài tháng trước, Maya đã khiếu nại về chồng mình. Anh ta sau đó bị bắt giam thời gian ngắn, và cô nộp đơn ly hôn với sự giúp đỡ của viên cảnh sát Sabita Thapa, hiện đang làm việc toàn thời gian tại trung tâm xử lý khủng hoảng.
Radha kết nối Maya với một nhóm phụ nữ tại địa phương để giúp cô tìm được nguồn thu nhập độc lập và ổn định.
Hoàn cảnh của cô cho thấy cách phản ứng trong dịch vụ y tế dù chưa hoàn hảo nhưng đã có tiến bộ.
Dù Maya vẫn bị bạo hành, nhưng trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa đã giúp cô tiếp cận nhiều dịch vụ. Chồng cô đã phải dọn ra ngoài ở và đơn ly hôn của họ đang chờ tòa giải quyết.
Nepal mở cửa trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa đầu tiên vào năm 2011, ở vùng viễn tây và miền trung, và tiếp tục mở thêm các trung tâm trong bệnh viện cả nước.
Năm 2015, chính phủ phát triển một phương thức giúp nhân viên y tế xác định và hướng dẫn nhiều bệnh nhân đến trung tâm xử lý khủng hoảng hơn.
Các trung tâm này được tổ chức phi chính phủ Jhiego (Tổ chức phi chính phủ quốc tế về sức khỏe phối hợp với Đại học John Hopkins) và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc hỗ trợ kỹ thuật và hiện đang được chính phủ tài trợ.
Hàng trăm nhân viên y tế đã được huấn luyện, từ bác sĩ phụ khoa đến bác sĩ gia đình tại các trạm y tế nhỏ trên dãy núi cao Himalayas.
Tại bệnh viện Ghorahi, các chuyên gia tin rằng cách tiếp cận nhiều mặt này đã giúp ngày càng nhiều phụ nữ trình báo tình trạng bạo hành và được tư vấn và hỗ trợ pháp lý.
Năm 2013, chỉ có 47 phụ nữ trình báo bị bạo hành trong bệnh viện. Vào năm 2017, con số này tăng đến 493 người.
Tuy hầu hết phụ nữ tự đến bệnh viện trình báo việc họ bị bạo hành, nhưng mỗi năm số lượng các ca được bác sĩ và y tá giới thiệu đến gặp chuyên viên tư vấn đều tăng lên.
"Nhân viên y tế từng rất sợ phải xử lý các ca bệnh này," Saroja Pande, một trong những bác sĩ hỗ trợ thiết kế quy trình xử lý cho biết. "Họ sẽ giới thiệu nạn nhân đến các dịch vụ, nhưng nạn nhân đang bị đau đớn và sẽ bỏ cuộc không theo hướng dẫn, ở nhà và bị trầm cảm. Một số người tự tử."
Các huấn luyện ngày nay rất toàn diện. Quy trình gồm có sự phối hợp giữa lý thuyết, trò chơi và các kịch bản phân vai, bao gồm cả giả lập tòa án để giúp nhân viên y tế sẵn sàng đón nhận những gì sẽ xảy đến nếu họ được tòa yêu cầu trình bày bằng chứng.
Quy trình này còn có một mục tiêu khác nữa, đó là nhằm tăng cường sự cảm thông. Nhân viên y tế được khuyến khích nhận diện và đặt nghi vấn với định kiến mà họ có thể có về vấn đề bạo hành.
Trong một bài giảng, các chuyên gia huấn luyện hỏi nhân viên y tế họ có tin rằng một phụ nữ mặc áo ngắn bị tấn công vì cô ăn mặc vậy không. Chuyên gia nắm bắt các cơ hội để tấn công những định kiến về động cơ của người bạo hành.
Ishwor Prasad Upadhyaya, một điều phối viên phụ trách đào tạo, nói họ muốn nhân viên y tế nghĩ về việc này xa hơn chỉ là một công việc. "Chúng tôi nói với họ, nếu bạn không thể chăm sóc một nạn nhân tự đáy lòng, thì đừng đụng vào vấn đề của họ," ông nói.
"Nếu bạn không thể chăm sóc họ, hãy đưa họ đến một nhân viên y tế khác."
Các quốc gia khác có cách tiếp cận tương tự.
Mô hình xử lý khủng hoảng một cửa và các hình thức dựa theo hoặc tương tự như mô hình ở Nepal đã có mặt tại trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Rwanda, Guatemala, Ấn Độ, Anh Quốc, Malaysia, Nam Phi và Colombia, và nhiều quốc gia khác nữa.
Chính phủ Jordan có quy định cho phép bệnh viện và các phòng khám sức khỏe sinh sản, cũng giống như cơ quan chăm sóc sức khỏe sinh sản Profamilia ở Cộng hòa Dominica, khảo sát bệnh nhân để phát hiện ra các trường hợp bạo hành về giới.
Nhưng cách tiếp cận này vẫn đối mặt với thách thức nghiêm trọng.
Các chuyên gia đồng ý rằng có lẽ chỉ huấn luyện nhân viên y tế vẫn là chưa đủ trừ khi quốc gia đó có hệ thống dịch vụ hỗ trợ mạnh mẽ, bao gồm cả nhà trú ẩn.
Nhưng ở Nepal, cũng như nhiều quốc gia khác, nhà trú ẩn luôn thiếu ngân quỹ, và nó chỉ cho phép nạn nhân bạo hành gia đình được ở trong thời gian ngắn, chưa kể nhà trú ẩn ở vùng nông thôn là thứ rất hiếm hoi.
Tư vấn, hoà giải
Tại bệnh viện ở Ghorahi, vẫn còn nhiều chậm trễ trong việc theo dõi nạn nhân, và điều này có thể dẫn đến việc nạn nhân ít khi tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ.
Rất nhiều phụ nữ chọn cách tư vấn gia đình thay vì gửi đơn khiếu nại lên cảnh sát tố cáo chồng mình, vì họ không được sự ủng hộ từ gia đình và không được hỗ trợ tài chính.
Cảnh sát ở Nepal thường kêu gọi hòa giải thay vì tố cáo, nhưng nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy cách làm này có thể tăng nguy cơ.
Trên toàn thế giới, tỷ lệ nhân viên y tế bị kiệt sức khi làm công việc này cũng rất cao, Upala Devi, điều phối viên của UNFPA về bạo lực giới cho biết.
"Tôi nghĩ thứ mà ta đang thấy hiện thời có đà tiến triển rất tích cực và đáng mừng," bà cho biết. "Nhưng đồng thời cũng còn rất nhiều việc phải làm."
Nhân viên y tế không được huấn luyện sẽ giúp đỡ nạn nhân ra sao?
Các chuyên gia đồng tình rằng nhân viên y tế không được huấn luyện vẫn có thể giúp xác định và chỉ dẫn bệnh nhân bị bạo hành.
Hegarty chỉ có một lời khuyên: đó là hãy đọc Hướng dẫn của WHO về phản ứng với hành vi bạo lực giới tính, trong đó có các chỉ dẫn về cách liệt kê bằng chứng.
Điểm quan trọng nhất bản hướng dẫn có ghi chú nhiều điều mà nhân viên y tế nên cân nhắc trước khi hỏi một bệnh nhân xem họ có bị bạo hành không - chẳng hạn như đảm bảo rằng cả hai đang ở nơi kín đáo, đảm bảo sự bảo mật, theo sát quy trình và hướng dẫn nạn nhân tiếp cận các nguồn giúp đỡ, gồm các dịch vụ hỗ trợ và pháp lý.
Lý tưởng là, nhân viên y tế nên được huấn luyện cách đặt câu hỏi nhạy cảm về bạo hành. Nhưng trong tình huống không thể có tập huấn, bản chỉ dẫn cũng giải thích cách ta lắng nghe, hỏi thăm nhu cầu, và xác thực những điều xảy ra với nạn nhân.
Ở Nepal, nhân viên y tế sẽ theo dõi nạn nhân vào viện với những triệu chứng mơ hồ hoặc triệu chứng không liên quan gì đến kết quả khi khám bệnh.
Họ cũng quan sát hành vi của nạn nhân và những người đi cùng.
Nếu bệnh nhân có vẻ trầm uất hoặc trả lời câu hỏi với vẻ bất thường, nhân viên y tế sẽ xem xét có nên hỏi họ về quan hệ tình cảm hoặc giới thiệu họ đến một tư vấn viên có trình độ hay không, Pande giải thích.
Nếu thành viên gia đình hay người chồng đi cùng bệnh nhân từ chối không cho cô gặp riêng nhân viên y tế, đây có thể là dấu hiệu cho thấy có bạo hành.
Jinan Usta, một bác sĩ đã thiết kế chương trình tập huấn cho nhân viên y tế ở Lebanon, nói rằng quan trọng là phải phát triển được kế hoạch đảm bảo an toàn cho nạn nhân nếu họ chọn tiếp tục chung sống với kẻ bạo hành.
Đầu tiên, nhân viên y tế nên hỏi nạn nhân liệu bạo hành có gia tăng theo thời gian hay theo cường độ không, và nếu liệu trong nhà có vũ khí hay hung khí sắc nhọn không. Nếu có, cô đề nghị nạn nhân rời nhà ngay lập tức khi kẻ bạo hành bắt đầu có hành vi bạo lực.
Có một số cách đo lường độ an toàn khác: như tránh ẩn nấp ở không gian đóng kín, có một số điện thoại của ai đó mà bạn có thể gọi ngay lập tức, giấu đi các hung khí sắc nhọn, luôn để cửa trước nhà không khóa để bạn có thể thoát ra thật nhanh.
Usta tin rằng việc lắng nghe nạn nhân bạo lực gia đình có sức mạnh riêng. "Chỉ cần lắng nghe phụ nữ và làm họ cảm thấy họ không phải là người duy nhất bị bạo hành là đủ," bà nói.
Sabita đồng tình với ý kiến này. Một buổi chiều gần đây, cô bước vào trung tâm xử lý khủng hoảng ở Ghorahi trong một cơn mưa gió mùa ập tới và ngồi ở góc phòng, quan sát nhân viên lật giở từng trang sổ.
Ba năm trước, cô trình báo việc mình bị bạo hành ở đây. Giờ đây cô ghé qua để theo tiếp chương trình tham vấn. Cô đã dọn về sống lại với chồng, nhưng cô cho biết bạo hành đã ngừng chỉ một thời gian ngắn sau khi nhân viên trung tâm xử lý khủng hoảng sắp xếp giúp anh điều trị trầm cảm. Cô thường xuyên giới thiệu những phụ nữ khác đến trung tâm xử lý khủng hoảng.
"Họ đối xử với chúng tôi còn tốt hơn cha mẹ," cô cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét