Ảnh minh họa : Một đồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.Reuters
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong, thành hình hơn 3000 năm trước do bồi tụ phù sa. Đây là một đồng trũng có vùng bị ngập nước vào mùa mưa và vùng ngập mặn vào mùa khô ; đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Hệ thống thủy lợi theo nguyên tắc trị thủy ở đồng bằng sông Hồng, được xây dựng sau năm 1975 đã giúp Việt Nam, chỉ trong vòng một thế hệ, từ một nước nghèo, nơi mà Nhà nước phải chia khẩu phần gạo theo nhân khẩu, trở thành một trong số các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới và có mức thu nhập trung bình.
Nhưng sau vài năm, lần lượt lộ ra những tác động tiêu cực trên môi trường và những bất cập của các công trình thủy lợi ở ĐBSCL. Đê bao làm ruộng đồng mất đi nguồn dinh dưỡng quan trọng. Rửa chua tháo phèn cải tạo đất đai lại làm ô nhiễm và acit hóa nguồn nước trong các sông rạch. Xây đê biển và các cống hạn chế nước mặn xâm nhập vào mùa khô để trồng lúa thì lại tạo nên mâu thuẫn mặn- ngọt, làm gián đoạn giao thông thủy nội địa ở các địa phương, làm chết các loại rừng phòng hộ ở ven biển.
Những vấn đề môi trường to lớn này đã thúc đẩy các nhà khoa học trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp hài hòa giữa lợi ich kinh tế và môi trường trong dài hạn. Nhưng bất chấp mọi quan ngại của nhiều tầng lớp trong xã hội, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn (BNN&PTNT) vẫn tổ chức thảo luận triển khai dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé (CLCB). Điều này gây lo ngại và bất đồng trong giới các nhà khoa học về những tác động môi trường và hiệu quả của dự án.
Hôm nay chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc nhóm Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, trả lời phỏng vấn RFI từ Sydney.
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, để thính giả hiểu rõ hơn vấn đến, trước hết xin ông nói sơ qua về Dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé?
TS Huỳnh Long Vân : Vùng dự án này được giới hạn phía Bắc là kênh Cái Sắn, phía Nam và Đồng Nam là kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, phía Đông Bắc là sông Hậu và phía Tây là vịnh Thái Lan, trên địa bàn của 6 tỉnh thành Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ.
Các mục đích của dự án là : Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa nuôi trồng thủy sản ven biển và sản xuất nông nghiệp trong vùng ; ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển vào mùa khô, phòng chống cháy rừng ; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn ; kết hợp giao thông thủy bộ trong vùng dự án
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, vậy các nhà khoa học có những quan ngại gì về các mục tiêu của dự án này, trước hết là về mục tiêu kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn mặn - ngọt ?
TS Huỳnh Long Vân : Công trình CLCB không thể ngặn mặn cho toàn vùng của dự án, mà chỉ chận được nước biển tràn vào từ vịnh Thái Lan, vì nước mặn còn xâm nhập vào vùng dự án từ biển Đông theo hướng từ sông Hậu qua ngả sông Cái Côn, rạch Mái Dầm, hướng từ Đại Ngải Sóc Trăng theo các kênh trục và hướng Bạc Liêu đổ về Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thanh, thuộc tỉnh Hậu Giang, một đơn vị nằm trong vùng của dự án. Vì thế, mục tiêu kiểm soát mặn của dự án không đạt được, ngay cả sau khi giai đoạn 2 của công trình được hoàn tất.
Xây cống ngăn mặn không giải quyết, mà ngược lại gây ra mâu thuẫn giữa mặn và ngọt : Dự án Quản Lộ-Phụng Hiệp ngọt hoá bán đảo Cà Mau, có trị giá đầu tư gần 1400 tỉ đồng (thời giá 1990), với hàng trăm cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, được xây dựng với mục đích đưa nước ngọt từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau, cấp nước tưới ruộng lúa cho tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng đã bộc lộ những bất cập trong mục tiêu, gây bất mãn và thất vọng cho người dân địa phương. Hàng trăm nông dân đã đòi phá cống, phá đập để lấy nước mặn nuôi tôm. Để giải quyết mâu thuẫn mặn-ngọt, chính phủ đã quyết định chuyển đổi 450.000 ha đất trồng lúa sang nuôi tôm và mô hình tôm-lúa được áp dụng.
Dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau xem như thất bại, phá sản, là một bài học đắt giá và một kinh nghiệm quý báu cho thấy xây công trình thủy lợi Cái Lớn Cái Bé sẽ không đem lại sự hài hòa mặn - ngọt.
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, dự án CLCB cũng tiềm ẩn những nguy cơ gì đối với các loại thủy sản nuôi trồng trong vùng ?
TS Huỳnh Long Vân : Nghêu, sò, tôm, cua biển và một số thủy sản mặn, lợ khác được nuôi trồng ở 2 huyện ven biển An Minh và An Biên nằm trong vùng của dự án. Nếu hai cống thủy lợi CLCB được thiết kế và đóng lại vào mùa khô, khối nước bên trong sẽ bị ô nhiễm do tích tụ các chất phế thải, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón v.v. và khi cống mở, nguồn nước ô nhiễm này sẽ theo nước ròng thoát ra cửa biển, làm thủy sản bên ngoài cống và ở vùng ven biển cận kề chết trắng.
Cá tép nước ngọt di chuyển từ sông rạch ra các bãi đẻ nơi cửa sông để sinh sản và các ấu trùng ngược lại theo dòng triều vào bên trong sông tìm các bãi ăn để tăng trưởng. Vì thế, khi được xây, các cống ngăn mặn CLCB sẽ làm gián đoạn chu trình sinh trưởng của thủy sản nước ngọt và lượng cá tôm trong sông sẽ giảm dần.
Như thế khó có thể đồng thuận với lập luận cho rằng dự án CLCB sẽ góp phần ổn định phát triển sản xuất thủy sản ở vùng ven biển tỉnh Kiên Giang.
RFI : Thưa ông Huỳng Long Vân, còn các mục tiêu ứng phó BĐKH, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển, phòng chống cháy rừng có còn phù hợp với tình hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ?
TS Huỳnh Long Vân : Những người chủ trương công trình CLCB cho rằng ĐBSCL có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực và do tình hình hạn hán năm 2016, nước biển dâng và nguồn nước ngọt sẽ cạn kiệt do tác động từ thượng nguồn, nên cần cấp bách xây dựng công trình CLCB.
Quan niệm ĐBSCL có trọng trách đảm bảo an ninh lương là tư duy thuộc về quá khứ, vì theo tinh thần nghị quyết 120/NQ-CP phát triển bền vững ĐBSCL, chính phủ có chủ trương chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng hơn số lượng.
Nước biển dâng do tác động của BĐKH chỉ khoảng 3mm/năm, trong khi ĐBSCL bị sụt lún trung bình khoảng 3cm/năm, tức 10 lần nhiều hơn và nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Xây công trình CLCB gây thêm ô nhiễm, gián tiếp tạo thêm môt động lực làm gia tăng tốc độ sụt lún và ĐBSCL sẽ chìm trong nước biển sớm hơn, không cần đến ảnh hưởng của nước biển dâng do tác động của BĐKH. Vì thế, "cấp bách xây dựng công trình CLCB để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng" là điều không hợp lý.
Ngoài ra công trình CLCB làm gián đoạn sự trao đổi chất dinh dưỡng giữa nước sông với thủy triều, làm mất đi môi trường nước lợ, vì thế sẽ làm cho rừng ngập mặn như rừng đước, rừng nước lợ với cây dừa nước chết dần, từ đó làm suy giảm khả năng ứng phó với những tác động của BĐKH, giông bảo, sạt lở bờ biển và phá vỡ kế hoạch tái tạo rừng ngập mặn ở ven biển được một số quốc gia như Đức, Hà Lan v.v.. tài trợ.
Vềmục tiêucung cấp nước ngọt cho vùng ven biển và phòng chống cháy rừng, dự án CLCB sẽ chuyển nước sông Hậu theo ngả kênh đào Thốt Nốt và kênh trục KH6 cung cấp nước ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, ở phía Tây sông Hậu có chằng chịt những kênh đào thẳng góc với nhau, có nhiều vùng giáp nước, các kênh bị bồi lấp, nên không đủ khả năng chuyển tải nước từ sông Hậu đến cuối kênh. Theo dự tính, kênh Thốt Nốt và KH6 sẽ được nạo vét, nhưng thử hỏi có bảo đảm đem được nước sông Hậu đến khu vực ven biển phía Tây không ? Vì trước đây, trong dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, có dự trù dẫn nước ngọt của sông Hậu theo ngả sông Cái Côn, kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp tưới ruộng đất bán đảo Cà Mau, nhưng đã thất bại vì nguồn nước chỉ đến địa hạt Sóc Trăng.
RFI : Thưa ông Huỳng Long Vân, dự án CLCB cũng được cho là nhằm chống những tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Mục tiêu này có đúng không ?
TS Huỳnh Long Vân : Nói rằng vì những tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn khiến nguồn nước bị cạn kiệt vào mùa khô và nước biển dâng, nên phải xây dựng công trình CLCB là hoàn toàn sai, vì tác động tiêu cực của các đập thủy điện là giữ lại phù sa và ngăn trở các loài cá di chuyển đến các nơi sinh sản và tăng trưởng.
Vận hành đập thủy điện không giữ lại nước như lầm tưởng, mà có hệ quả ngược lại. Thật vậy, từ khi các đập thủy điện của Trung Quốc xây trên dòng chính sông Mêkông vận hành, lưu lượng dòng chảy của sông Mêkông đo được tại trạm quan trắc Chiang Saen, nơi biên giới Trung Quốc và Lào, đã tăng khoảng 30% vào mùa khô.
Nếu vì lo ngại việc Thái Lan và Cam Bốt chuyển nguồn nước sông Mêkông để gia tăng sản xuất nông nghiệp, làm cạn kiệt nguồn nước dòng chính sông Mekong mà xây công trình CLCB và trữ ngọt bằng cách chuyển nước sông Hậu vào vùng dự án, thì đây quả thật là một lập luận thơ ngây và đầy mâu thuẫn, vì dự kiến này không phải để ứng phó, mà thực ra đồng lõa với 2 quốc gia láng giềng làm cạn kiệt dòng nước sông Mêkông.
Trước tình huống này, đúng ra phải tiết kiệm nước ngọt bằng cách bỏ lúa vụ 3, giảm dần diện tích trồng lúa ở vùng ven biển phía Tây, hay cấy trồng các loại lúa chịu mặn sẵn có, hoặc thay vì công trình CLCB, nhà nước nên đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến nước ngọt từ nước biển, hoàn toàn thân thiện với môi trường, để giải quyết bài toán mặn - ngọt và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm của ĐBSCL.
RFI : Các nhà khoa học có những quan ngại gì về tác động môi trường và những lợi ích không thiết thực của dự án CLCB ?
TS Huỳnh Long Vân : Bản Đánh giá Tác động Môi trường của dự án do Viện Kỹ thuật Biển-Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện cho rằng khi vận hành, các cống chỉ đóng trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mỗi tháng đóng cửa cống vài ngày, mỗi ngày đóng vài giờ để kiểm soát mặn. Tất cả thời gian còn lại cửa cống luôn mở để nước được lưu thông, do đó ô nhiễm môi trường rất ít.
Nhưng tác động của thủy triều Biển Đông, Biển Tây, và dòng nước sông Hậu trên vùng dự án rất phức tạp, nên việc vận hành các cống không hề đơn giản như tuyên bố.
Ngoài việc trấn an với tác động môi trường rất nhỏ, báo cáo còn cho rằng công trình CLCB sẽ đem lại lợi ích từ gia tăng diện tích trồng lúa 3 vụ, nhưng quên đi một hậu quả là mỗi ha lúa 3 vụ phải cần đến 7.5kg thuốc bảo vệ thực vật. Vùng dự án rộng hơn 900 ngàn ha và chỉ một phần của diện tích tự nhiên này trồng lúa 3 vụ, thì môi trường cũng sẽ bị ô nhiễm đến mức độ rất đáng ngại.
Tóm lại, dự án thủy lợi CLCB là một công trình rất tốn kém, tổn phí gần 7.000 tỷ đồng, nhưng phần tác động môi trường được đánh giá sơ sài, chủ quan, những lợi ích nêu lên trong đề cương xét ra rất mâu thuẫn, khó tin, tuy nhiên hiện đang manh nha từng bước tiến hành xây dựng.
Những nghiên cứu khoa học và tham khảo với người dân và cán bộ địa phương của một số nhà khoa học chuyên ngành ở ĐBSCL, cùng những thất bại của những công trình thủy lợi trước đây, cho thấy những mục tiêu dự án CLCB đề ra khó có thể đạt được và sẽ gây ra vô vàn hệ lụy về môi trường cho một vùng rộng lớn gần bằng ¼ diện tích ĐBSCL.
Vì thế, thay mặt Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu, tôi xin kiến nghị thủ tướng chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không phê duyệt dự án thủy lợi CLCB, một công trình có khả năng phá vỡ chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH của Nghị quyết 120 /NQ-CH do chính TT phê duyệt và ban hành vào ngày 17/11/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét