Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

7635 - Giáo dục hớt ngọn

Giáo dục là khai mở cho con người, chứ không phải buộc con người phải nô dịch cho nó. Giáo dục khai phóng là đặt con người làm trọng tâm, để xúc tác khuếch trương khả năng của từng người. Giáo dục ở ta thì lại nặng nề như thể bắt giáo viên và học sinh “phục dịch” cho thành tích, cho những con số đẹp. Một học sinh cần được biết quyền của chúng là gì khi đến lớp. Chúng phải được tạo mọi điều kiện để tiếp nạp kiến thức, từ kiến thức đó chúng mới xác lập cảm xúc đúng sai. Chứ không phải dạy yêu ghét tự động.
Muốn vậy, phải có các thầy cô giáo cởi mở. Không nhồi nhét các giáo trình xuống học sinh một cách thụ động. Không cần phải đợi cho phép học sinh mới dơ tay phát biểu.
Chúng được quyền cắt ngang bài giảng đề tranh luận thêm nếu chúng có tìm hiểu tư liệu ngoài sách vở. Nếu học sinh ngỗ ngáo, hãy sẵn sàng cho phép nó không tham gia buổi học. Để nó tự học và kiểm tra thu hoạch như các bạn, nó tự chịu trách nhiệm.
Chấm thi đua là chấm trên sự sáng tạo của giáo trình giáo viên tự soạn và chất lượng giờ học, thậm chí để học sinh chấm điểm. Chứ không phải cái hội đồng kiểu dự giờ hạch hoẹ nhau đến mức phải bắt các cháu diễn.
Cũng không phải gắn thành tích của một lớp vào mỗi giáo viên để chấm thi đua dạng “cai” như vậy. Dối trá diễn tuồng cũng từ đó mà ra, phân bì tố cáo trâu buộc trâu ăn cũng từ đó mà ra.
Muốn có giáo viên như vậy, cần những ông hiệu trưởng cởi mở. Khuyến khích sáng tạo dạy học ngoài giáo trình. Phải biết chất lượng trường đến đâu để cải tạo từ bên trong. Chứ không phải đặt mục tiêu chuẩn này chuẩn nọ để “ép” thầy trò phạt đạt bằng được hoặc dối trá để được công nhận.
Muốn có ông hiệu trưởng như vậy cần có các trưởng phòng, GĐ sở cởi mở. Không sĩ diện hão về thành tích địa phương. Không gán chỉ tiêu thi đua cho từng trường. Chấp nhận thực tế để cải thiện chứ không “vo tròn” thành tích để được khen, giữ ghế.
Muốn có trưởng phòng trưởng ty như vậy, cần một ông bộ trưởng cởi mở. Không guồng ép cả một hệ thống phải trương gân trương cổ chạy cho đúng thành tích mình mong muốn.
Một quốc gia giáo dục không phải nằm ở tỷ lệ cử nhân, tú tài. Mà là một quốc gia kết nối giáo dục với đầu ra xã hội. Phát triển kỹ năng tự thân phù hợp với ngành nghề.
Học đến lớp 9 mà vẫn không hiểu gì thì nên hướng học nghề thay vì cố cho lên ngồi nhầm lớp. Xã hội mất đi một người thợ mà lại gánh thêm một trí thức rỗng ruột.
Một xã hội chuyên biệt, anh không cứ phải giỏi học thuật. Tại sao một chủ nhà hàng, một thương nhân tương lai lại phải phí sức học triết đại học?
Gần 100% tốt nghiệp tú tài thì thi để làm gì? Đại học như nấm mà học ra không có việc thì học làm gì? Lại ra xã hội chạy chọt để có việc, sau đó lại tham nhũng, nhận hối lộ để gỡ gạc kiếm chác. Hành chính phình to, đất nước thừa thầy thiếu thợ. Giáo dục đang gián tiếp hại đất nước là vậy.
Bộ trưởng mà đến một nguyên lý giáo dục sơ đẳng còn khôn hiểu thì hy vọng gì? Một công dân trẻ bị làm nhục bởi 231 cái tát, chính là nạn nhân của giáo dục mất phương hướng. Thế mà bộ trưởng lại buồn vì “tổn thương giáo dục”, không hề nhìn thấy nỗi đau của cháu bé, gia đình và nỗi hoang mang của toàn xã hội.
Giáo dục như một cái tháp lợi ích, càng trên cao thì càng hưởng lợi nhờ thành tích, ở dưới đáy thì bị hành xác, nô dịch. Kiểu giáo dục hớt ngọn, không cội rễ này sẽ còn làm băng hoại xã hội khủng khiếp hơn nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét