Quê hương trong ký ức, mấy ai không nhớ đến cây đa, bến nước, con đò… Tuy không nhắc về chợ nhưng rõ ràng, chợ vẫn là một thứ gì đó trong xó xỉnh ký ức để ai nhớ về quê cũng nhớ về ít nhất một ngôi chợ hay một thức quà quê nào đó mẹ mua cho. Chợ đôi khi cũng là nhiệt kế để đo lòng người, tình người ngoài việc người ta nhìn vào cái chợ để thấy kinh tế của vùng miền nào đó, đất nước nào đó ra sao…
Nói về nếp chợ Việt Nam hiện tại, có thể nhắc đến ba nếp đặc trưng nhất: siêu chợ, chợ lớn và chợ quê.
Siêu chợ nôm na có thể nhắc đến là các siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn, nơi ngoài bày bán các mặt hàng còn kèm theo những dịch vụ vui chơi, giải trí. Người ta tìm đến siêu chợ để thỏa cái thú muốn gì sắm đó và không phải mặc cả giá hàng hóa, cũng có người tìm đến siêu chợ chỉ để tham quan hoặc đôi khi là tìm đến ăn uống. Dựa vào các nhãn hàng, thương hiệu bày bán trong các siêu chợ, phần nào cũng biết được mức độ chi tiêu hay mức độ văn hóa của vùng miền đó. Cách người ta ứng xử với nhau khi mua hàng, tìm hay lựa chọn hàng hóa, thái độ của nhân viên các ngành hàng, dịch vụ, có thể nói là bề ngoài có thể nhìn thấy mức độ chuyên nghiệp hay đẳng cấp của siêu chợ ở mức nào, bởi các mặt hàng đa số đã được tuyển chọn, nhân viên đã được đào tạo.
Chợ lớn có thể kể đến các chợ ở thành phố, chợ huyện lớn hoặc chợ đầu mối. Nhìn vào các mặt hàng có thể biết được văn hóa tiêu dùng ở nơi đó.
Còn nhớ cách đây không lâu, nhiều người bạn của tôi đến Sài Gòn du lịch, ghé đến tham quan chợ Bến Thành, lúc ra về họ đều phàn nàn rằng sợ móc túi quá, hàng gì toàn đồ Trung Quốc rồi thì người bán hô giá quá cao, nào là ‘ăn vạ mở hàng’... Đủ các kiểu để thấy rằng một khu chợ lớn về thời gian cũng như quy mô như chợ Bến Thành cũng không làm người ta yên lòng. Chợ Cồn Đà Nẵng, chợ Đồng Xuân Hà Nội, chợ Đông Ba Huế… có chợ nào không đầy rẫy hàng Trung Quốc.
Mơ hồ nghĩ đến chuyện làm quan ở Việt Nam, không ít bà con nông dân cho con đi học, mong con kiếm được một chân trong cơ quan nhà nước khi ra trường. Nhưng ngược lại giới quyền lực, giàu có… không ít người đưa con ra nước ngoài từ tấm bé để sống trong một môi trường tự do hơn, làm việc trong một môi trường tiến bộ hơn hoặc giả nếu trở về lại hoặc ở lại Việt Nam ngay từ đầu, họ cũng thuộc lớp “siêu chợ’. Nói vậy bởi lẽ những người này sẽ có những chức quan to, những ngôi nhà biệt phủ, những hồ bơi nguy nga, nhưng khi bị bắt đi 'đốt lò', mới tá hỏa ra là họ ăn chặn của công ty này, lừa công ty nọ hoặc chiếm đoạt tiền của cơ quan này hoặc lợi dụng chức vụ, móc ngoặc buôn bán hàng hóa Trung Quốc với cơ quan nọ, suy cho cùng họ cũng chỉ là dân buôn, được đào tạo bài bảng và sắm vai với áo dài, đầm váy hoặc veston.
Chuyện ông đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng công an thành phố Thanh Hóa đã bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ việc liên quan đến đơn thư tố cáo nhận tiền “chạy án”, chuyện ông cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù và bị cáo Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”… há phải chăng là một trong số ít vụ để thấy rõ con người ta vẫn đang ở trong thời kỳ kẻ chợ và mọi chuyện vẫn lẩn quẩn trong mua bán mặc dù họ đã khoác cho mình chiếc áo từ chức tước cho đến tiền tài.
Chiều đông, chạy xe dọc những con đường quê hun hút, ghé vào một ngôi chợ quê bên đường. Cơ hà thức lúa, nếp, bánh tráng, bánh chưng, bánh tổ, con tôm đất hay lát thịt heo quê… Trách sao người ta không khỏi yêu quê hương hay thấy mình bỗng dưng bé lại để được mẹ cho cái bánh ú, miếng mít hay lát dưa mỗi khi đi chợ về? Nhưng hỡi ôi, nếp xưa nay đã khác, chợ chỉ còn hình bóng và chẳng còn hồn. Không ít người đưa máy lên chụp góc chợ quê bị đòi tiền chụp ảnh, bởi lẽ “Sapa chụp cái 10 ngàn đồng, ở đây cũng vậy.” Những người phụ nữ ngồi cạnh nhau bán cùng mớ rau, trái mướp, xấp bánh tráng không chút ngần ngại thóa mạ nhau trước bất kì ai mua bên này, bỏ bên nọ…
Hồn quê, chợ quê đâu mất dấu. Những ông cán bộ suốt đời thề thốt làm đầy tớ muôn dân chỉ trên lý thuyết. Phó chủ tịch thành phố nhặt được nhẫn mang nộp công an, tướng công an ngồi tù vì lừa đảo, chiếm đoạt, anh thanh niên thì ngồi tù vì nhà có quán karaoke hay vì tiền bia, tiền rượu quá rẻ. Thử nghĩ nếu hệ thống pháp luật của Việt Nam và việc thực thi nghiêm minh hơn, sao tồn tại được những con sâu nghe ra làm hỏng luôn cả nồi canh Việt Nam. Bước tới một cái chợ, nghe tiếng cãi cọ, tranh giành qua về, dù có yêu cảnh chợ đến mấy, người tham quan cũng chùn chân trước lần thứ hai. Đến một đất nước mà đài báo ngày nào cũng xuất hiện mặt quan tham, nhân viên dởm thì thử hỏi ai dám đến lần 2.
Nếp chợ cũng như nếp quan, không phải tự nhiên mà có. Nhưng giữ được nếp hay không, câu trả lời không phụ thuộc vào tên chợ, mà phụ thuộc vào thái độ, cái nhìn hay những hành động ấm áp của những người làm nên khu chợ. Nếp quan không phụ thuộc vào việc anh ở chức quan nào, mà là việc anh hành xử như thế nào, anh ở chức quan đó ra sao, giúp được gì cho dân, để người ta hết xì xào cách anh đối nhân xử thế! Suy cho cùng, nếp chợ hay nếp quan, nghe ra tưởng đơn giản nhưng nó cũng đòi hỏi một quá trình lâu dài với sự sẻ chia và kết nối của các giới liên quan, sự phản tỉnh và dám thay đổi để đâu đó cái tốt cũ còn giữ lại và cái mới được phát huy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét