Phải gọi là gì khi mà mai này các công đoàn, nghiệp đoàn độc lập ra đời sẽ bị ‘treo’ hai quyền sau đây trong 5 năm: “Quyền tự do liên kết” và “Quyền thương lượng tập thể”. Việc ‘treo’ hai quyền nói trên được ghi hẳn hoi trong Nghị quyết số 72/2018/QH14 “Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan”, do bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành hồi trung tuần tháng 11-2018.
Hạn chế quyền vì lý do… chính trị?
Nếu thực hiện đầy đủ yêu cầu liên quan về lao động trong các nội dung FTA thế hệ mới dựa trên nền tảng loạt công ước của Tổ chức Lao động Thế giới ILO, thì cả hai quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể sẽ tùy thuộc vào đòi hỏi thực tế của người lao động, chứ không phải theo ý chí của đảng cộng sản Việt Nam. Thế nhưng như vậy thì lại vi phạm Luật Công đoàn 2012 mà Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012.
Điều 1 của Luật Công đoàn 2012 quy định vầy: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Diễn giải điều luật nói trên, công đoàn ở Việt Nam là một tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.
Còn theo cách hiểu của ILO, cụ thể là các Công ước số 98 “về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể”, Công ước số 87 “về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức”, thì công đoàn thành lập nhằm để bảo vệ quyền lợi tối thượng của người lao động trước giới chủ.
Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập, đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.
Nghĩa là theo ILO, tổ chức công đoàn có trách nhiệm bảo vệ cả quyền lợi chính trị được Hiến định của công dân là người lao động, và không phải chịu sự phụ thuộc vào đảng cầm quyền như quy định ở Điều 1, Luật Công đoàn 2012.
Hạn chế quyền, vì đó là yêu cầu của… Tổng Bí thư?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
Đề mục III, khoản 2.10 của Nghị quyết số 06-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 05-11-2016, đã quy định như vậy. [Toàn văn Nghị quyết có thể tải về tại http://bit.ly/2P7JPy5]
Sẽ có gì khác biệt giữa công đoàn trong hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và công đoàn độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết?
“Tự do liên kết” sẽ giúp các công đoàn độc lập củng cố sức mạnh của một tập thể chuyên trách. “Tự do thương lượng” sẽ giúp người lao động lựa chọn những tổ chức công đoàn toàn tâm, toàn ý vì quyền lợi của người lao động, không chịu sự chi phối của bất kỳ đảng phái chính trị nào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Các tổ chức công đoàn độc lập sẽ không thể thực hiện đầy đủ hai quyền tự do kể trên, nếu như buộc vẫn phải chịu đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản như yêu cầu Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Chính lẽ đó nên mốc thời gian 5 năm mà bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ở Nghị quyết số 72/2018/QH14, có thể coi là chờ đợi những giải pháp dung hòa được tham vọng của đảng muốn lãnh đạo cả công đoàn độc lập, và các quyền đương nhiên không phải chịu sự lệ thuộc vào đảng chính trị của công đoàn, hội đoàn được quy định ở Công ước 87 và Công ước 98.
Thế nhưng nếu phải chờ đợi 5 năm thì những công đoàn độc lập sẽ hoạt động ra sao khi cả hai quyền “tự do liên kết” và “tự do thương lượng” mới thực sự là điều khác biệt mà người lao động cần đến, vì họ lâu nay không tìm được đầy đủ hai quyền tự do đó ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam?
Bằng cách truyền tiếng nói của người lao động thông qua thương lượng tập thể và đối thoại xã hội, công đoàn và hệ thống quan hệ lao động đóng góp vào ổn định chính trị và xã hội, đồng thời thúc đẩy cho thịnh vượng chung. Đó là kinh nghiệm mà các nước khác đã cho thấy trong nền kinh tế thị trường.
Giờ lại đặt thêm vào đó yêu cầu phải thỏa mãn không chỉ là “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng”, mà còn thêm “sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” vào tổ chức công đoàn độc lập, thì đó thật sự là bài toán nan giải cho những nhà soạn thảo luật của Việt Nam.
Nếu phải sửa Hiến pháp, thì cần thêm điều gì?
Liên quan chuyện công đoàn độc lập, một số bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo có đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp, phần liên quan về công đoàn, về mối quan hệ hữu cơ giữa công đoàn với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Điều 9, Hiến pháp 2013).
Người viết cho rằng nền tảng của sửa đổi ấy là cần bổ sung thêm một nội dung về thừa nhận thiết chế cơ quan nhân quyền quốc gia - một cơ chế chuyên biệt cho việc giám sát và thúc đẩy thực hiện nhân quyền ở tầm cỡ quốc gia theo tinh thần của các công ước quốc tế.
Hiện nay về hình thức, giám sát và thúc đẩy thực hiện nhân quyền cũng như việc thực hiện Hiến pháp đều nằm dưới quyền tối cao của Quốc hội, và chưa có cơ chế phân quyền rõ ràng trách nhiệm cho các chủ thể khác nhau, mà chỉ dừng lại ở việc phân công phối kết hợp và kiểm soát giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điều này mặc dù sẽ tạo được sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, nhưng mặt trái của nó là sự chậm trễ, bảo thủ khi có những vấn đề trái chiều xảy ra.
Xem ra với quan điểm “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng”, thì cơ chế quyền kiểm soát các quyền; cơ chế độc lập cao và chế ước, kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực để bảo đảm mọi người, mọi tổ chức đều tuân thủ nghiêm minh pháp luật, không một tổ chức và cá nhân nào, kể cả đối với ‘đảng và nhà nước’ có thể đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật, vẫn đang là một thách thức không nhỏ trong đòi hỏi vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người tại Việt Nam.
Nôm na, mọi chủ thể của xã hội, cũng như mọi chủ thể của các cơ quan nhà nước phải tổ chức và hoạt động vì quyền con người, chứ không phải chăm chăm vì quyền lợi và quyền lực của đảng cầm quyền được thông qua cái gọi là “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét