Tổng Thống Donald Trump (trái) gặp Thủ Tướng Anh Theresa May tại Hội Nghị G20 ở Argentina hôm 30 Tháng Mười Một, 2018. (Hình: Amilcar Orfali/Getty Images)
Mọi sự trên đời này đều có thể xảy ra, kể cả một tổng thống Hoa Kỳ đang tìm cách lật đổ một thủ tướng Anh. Tổng thống đây là Tổng Thống Donald Trump và thủ tướng dĩ nhiên là Thủ Tướng Theresa May. Và nếu tổng thống không cố tình làm vậy thì những điều ông đang làm cũng có tác dụng như vậy. Trước hết, ba lần rồi – mà hai lần trong tuần qua, và một lần khi ông đến thăm chính thức Anh Quốc hồi Tháng Bảy – Tổng Thống Trump đã bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ Tướng Theresa May. Và ông đã bác bỏ một cách thật trắng trợn. Ngay khi thủ tướng vừa ký kết được thỏa thuận Brexit với Liên Hiệp Âu Châu, tổng thống tuyên bố: “Thỏa thuận Brexit này có lợi cho Liên Hiệp Âu Châu.”
Như vậy tức là chỉ có hai tuần trước ngày Quốc Hội Anh bỏ phiếu về thỏa thuận ly dị, tổng thống đã trao cho những kẻ thù của thủ tướng một khẩu súng đã lên cò. Khổ một nỗi, cho đến nay, phong trào Brexit chưa có được một người nào đủ sức để nổ súng. Nhưng nếu thủ tướng thất bại, hãy tin chắc đi, người đầu tiên khoe công của mình cho sự thất bại đó sẽ là tổng thống. Ông sẽ lên Twitter và bảo bà May: “Told you so!”
Điều còn độc địa hơn là điều tổng thống nói đúng một nửa. Tuần qua ông nói là thỏa thuận của bà thủ tướng có nghĩa là Anh Quốc không thể có được một cuộc điều đình mậu dịch với Hoa Kỳ – vốn là phần thưởng lớn nhất theo những người vận động cho Brexit. Tổng Thống Barack Obama cũng đã khuyến cáo điều đó khi ông lên tiếng kêu gọi ủng hộ cho phe Remain, không xa cách vụ bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Vấn đề là điều khoản của thỏa thuận mà thủ tướng đạt được, không thể có một điều đình nghiêm chỉnh với các quốc gia ngoại liên hiệp trước năm 2021, mà vào lúc đó thì Anh Quốc trên nguyên tắc đã phải đạt được một thỏa thuận mậu dịch hậu ly dị với Brussels. Và đó sẽ là vào lúc khởi đầu của một nhiệm kỳ tổng thống mới. Và ngay cả lúc đó, không có bảo đảm gì là Anh quốc sẽ cắt đứt mọi liên hệ với thị trường chung Âu Châu. Mà thực sự ra những đòi hỏi kinh tế khiến chuyện đó cần xảy ra. Âu Châu nhận gần nửa xuất cảng của Anh Quốc. Chỉ có một phần năm đi Hoa Kỳ.
Nhưng tổng thống còn có những nguyên nhân sâu xa hơn cho sự thiếu thân thiện của ông đối với lãnh tụ của một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Nó không thực sự chỉ có tính cá nhân – tuy có lẽ khó tìm ra một lãnh tụ thế giới nào mà tổng thống có ít thiện cảm hơn thủ tướng. Bản năng thù nghịch của ông đến với hai hình thức. Trước hết sự thù nghịch này có tính chủ thuyết. Những người bạn Anh của tổng thống có vẻ đều là kẻ thù của thủ tướng.
Trong số này người thân nhất có lẽ phải là ông Nigel Farage, một trong những người đã gây dựng lên phong trào Leave. Ông cũng là chính trị gia ngoại quốc đầu tiên được gặp tổng thống ngay sau khi ông đắc cử. Ở Anh này người ta không quên tấm hình hai ông tươi cười trong cái thang máy thếp vàng của tổng thống. Họ thường xuyên nói chuyện với nhau. Lập trường của tổng thống về mọi sự liên quan đến Brexit là từ ông Farage.
Điều lý thú về ông Farage là ông được nói là “một người được chú ý” trong cuộc điều tra của Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller về liên hệ giữa ban vận động của tổng thống và Nga. Nhưng ngay cả sự việc này chưa cho thấy rõ vai trò của ông Farage. Nếu nói đến sự trùng hợp giữa ảnh hưởng của Nga trong chiến dịch vận động Leave của Anh Quốc và chiến thắng của tổng thống, ông Farage có vẻ là sự trùng hợp chính.
Dầu cho đó là liên hệ với ông Julian Assange, người sáng lập ra WikiLeaks mà ông Farage viếng thăm hồi đầu năm 2017; ông Roger Stone, một trong những bộ hạ chính trị lâu đời nhất của tổng thống; ông Paul Manafort, cựu trưởng ban vận động của tổng thống; hay ông Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của tổng thống – ông Farage đã là móc chốt tối quan trọng. Và tất cả các nhân vật này đều bị công tố viên đặc biệt điều tra.
Điều mỉa mai là trong khi ông Farage đang âm mưu để đưa Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, ông lại đang kiếm tiền làm dân biểu Âu Châu. Mai đây, một khi Anh đã hoàn toàn ly dị với Âu châu, ông sẽ thất nghiệp, có lẽ lúc đó ông sẽ sang Hoa Kỳ để làm cố vấn cho tổng thống.
Rồi còn có ông Arron Banks, ông Brexit giàu có, vốn đã tháp tùng ông Farage ở tòa tháp Trump hồi năm 2016. Ông Banks đang bị điều tra hình sự về việc liệu ông có vi phạm luật bầu cử với một tặng dữ lên đến khoảng 8 triệu bảng Anh cho chiến dịch Leave.EU.
Có lẽ rồi khi các sử gia nhìn lại năm 2016, họ sẽ nhận thấy rõ hơn chúng ta hôm nay về sự liên hệ xuyên Đại Tây Dương – và có thể âm mưu – giữa hai ban vận động dân túy.
Đồng minh Anh nữa của tổng thống là ông Boris Johnson, người mà tổng thống đã vi phạm lễ độ ngoại giao hồi Tháng Bảy khi ông nói là ông Johnson sẽ là “một thủ tướng Anh vĩ đại.” Đa số dân chúng Anh không đồng ý với tổng thống. Dầu sao chăng nữa, niềm tin của tổng thống là vào những người chủ trương dân túy như ông. Thủ tướng không thuộc loại đó. Thực vậy, hầu hết sự khinh miệt của tổng thống là nhắm vào các lãnh tụ dân chủ, đặc biệt là các lãnh tụ dân chủ Âu Châu.
Và đó cũng là lý do nữa cho thái độ của tổng thống, tinh thần trọng thương. Âu Châu quá lớn để có thể bị bắt nạt. Nền kinh tế của Âu Châu lớn hơn nền kinh tế Hoa Kỳ nếu kết hợp thành một khối. Hy vọng tốt nhất của tổng thống để phá hoại sự chống đối của Âu Châu cho những tiêu chuẩn mậu dịch mới của Hoa Kỳ là có được một thỏa thuận riêng với Anh. Điều này sẽ chỉ có thể xảy ra nếu Anh Quốc rút hẳn ra khỏi khu vực ảnh hưởng của Âu Châu.
Những hàng tít lớn đều nói về thuế quan. Nhưng điều đình mậu dịch hiện nay tập trung vào sự hội tụ của các luật lệ. Những điều như gà có chất chlor (gà Mỹ), thực phẩm cải biến Gène (nông sản Mỹ), hủy giới hạn mua dược phẩm của Cơ Quan Y Tế Quốc Gia NHS (để Big Pharma Mỹ có thể chen vào bán hàng cho khách hàng mua dược phẩm lớn nhất thế giới, tổ chức y tế quốc gia của Anh), sẽ nằm trong những điều quan trọng trong điều đình mậu dịch Mỹ Trung.
Phải nói là tổng thống biết ông đang làm gì. Chỉ có một Anh Quốc ly dị khỏi Âu Châu mà không có một thỏa thuận mới đủ tuyệt vọng để cố bám víu lấy Hoa Kỳ và chấp nhận những điều khoản tối kỵ đó. “America First” hoạt động tốt nhất khi các quốc gia khác đi một mình. Lúc đó, như kẻ bẻ từng chiếc đũa, tổng thống có thể tha hồ đặt điều kiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét