Hình: Đảo Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa (Nguồn: Internet)
Ngày 18/2 vừa qua, Thủ tưởng Chính phủ đã ra Quyết định số 10/2019/QĐ-TTg,[1] quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia (sau đây gọi tắt là Ủy ban). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 5/4 sắp tới, thay thế Quyết định số 108/2008/QĐ-TTg,[2] với một số thay đổi. Điểm mới đáng chủ ý trong Quyết định này là khoản 11, Điều 2, trong đó, quy định rằng Ủy ban có nhiệm vụ:
"Xây dựng, đề xuất chủ trưởng, quan điểm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ; đề xuất chủ trương và xây dựng đề án, hồ sơ pháp lý để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ trước các cơ quan tài phán quốc tế."
Ủy ban vốn là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia, do một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm chủ nhiệm.
Điểm mới kể trên cho thấy một thay đổi mà thoạt nhìn là một bước tiến trong chủ trương của chính phủ, với khả năng theo đuổi việc giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ trước các cơ quan tài phán quốc tế với các quốc gia có tranh chấp, trong đó có Trung Quốc.
Qua trao đổi với một người am hiểu về lĩnh vực này, người viết thấy rằng có một số vấn đề cần được đặt ra như sau:
1. Ai sẽ giám sát chi tiêu cho các đề án, vốn lấy từ tiền thuế của người dân? Về nguyên tắc, việc giám sát chi tiêu của chính phủ, với cơ chế giám sát rõ ràng, thuộc về quốc hội. Liệu Quốc hội Việt Nam có thẩm quyền này?
2. Làm thế nào để đảm bảo chất lượng của các đề án? Ở nhiều quốc gia, quốc hội là cơ quan thẩm định các đề án của chính phủ, và việc thẩm định có sự tham gia của các chuyên gia của quốc hội lẫn các chuyên gia độc lập. Liệu Quốc hội Việt Nam có các chuyên gia như vậy?
3. Đội ngũ nghiên cứu trong và ngoài nước có lực lượng và khả năng đến đâu? Ngoài Bộ Ngoại giao và đơn vị trực thuộc là Học viện Ngoại giao được giao trách nhiệm thực hiện công tác nghiên cứu từ trước tới nay – vốn mỏng về lực lượng và yếu về khả năng so với đòi hỏi khách quan, chính phủ có kế hoạch gì cho việc mở rộng và phát triển đội ngũ này?
4. Bên cạnh việc vận động các học giả nước ngoài tham gia các cuộc hội thảo về biển đảo được tổ chức hàng năm – kể cũng là một việc cần thiết, chính phủ có kế hoạch gì trong việc vận động sự tham gia của các học giả trong nước, trong đó có giới nghiên cứu độc lập, và sự phối hợp giữa họ?
Thực tế cho thấy, kể từ khi Quyết định cũ ra đời vào năm 2008, các vấn đề nêu trên không được chính phủ nhắm tới giải quyết. Công tác nghiên cứu nhìn chung khả yếu ớt và không nằm trong một hoạch định tổng thể nào có chiều sâu.
Đơn cử như việc chi tiêu, tuy chính phủ đã chi rất nhiều cho công tác nghiên cứu bên cạnh công tác tuyên truyền về biển đáo (riêng chi tiêu cho công tác tuyên truyền đã lên tới hàng trăm tỷ đồng) nhưng hiệu quả là hết sức mơ hồ.
Chính phủ cũng chưa bao giờ thể hiện thiện chí với giới nghiên cứu độc lập – vốn đã tồn tại nhiều năm qua, bằng việc mời gọi họ tham gia các đề án nghiên cứu. Giới nghiên cứu độc lập, do đó, phải tự bơi, và đây hẳn nhiên là một sự tổn thất không đáng có về nguồn lực của xã hội.
Đó là một vài biểu hiện chứng tỏ chính phủ không thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện công tác nghiên cứu và các công tác liên quan trong việc bảo vệ biên giới, lãnh thổ và có thể không đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác này nữa.
Cho nên, khó có thể hi vọng nhiều vào Quyết định mới này, ngay cả với điểm mới kể trên. Dù vậy, cũng nên chờ xem nó sẽ dẫn đến tiến triển nào cho việc giải quyết tranh chấp về biển đảo, đặc biệt là với Trung Quốc.
Chú thích:
[1] Quyết định số 10/2019/QĐ-TTg
[2] Quyết định số 108/2008/QĐ-TTg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét