Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều
trang tin lớn Việt Nam đăng tải trong ngày 26 và 27/2, Cục trưởng Cục chống
Tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói nếu có doanh nghiệp tặng xe sang cho cục của ông,
ông “sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”.
Báo chí đã phỏng vấn ông Đạt sau
khi trong tuần trước có tin các doanh nghiệp khác nhau đã tặng tổng cộng 10 xe
hơi hạng sang cho chính quyền hai tỉnh Cà Mau và Đà Nẵng. Giá trị mỗi chiếc xe
dao động từ trên 1 tỷ đến hơn 6 tỷ đồng.
Trước giả định ông sẽ quyết định
thế nào nếu có doanh nghiệp ngỏ ý tặng Cục chống Tham nhũng thuộc Thanh tra
Chính phủ một chiếc xe trị giá vài tỷ đồng, vị cục trưởng nói: “Tôi sẽ nhận và
báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”.
Ông Đạt cũng nói rõ thêm rằng điều
kiện quan trọng nhất là doanh nghiệp đó “phải không có liên quan gì đến hoạt động
công vụ của cục”. Ông nhấn mạnh là “doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, có nhiều
vấn đề hoặc đang trong quá trình thanh tra thì tuyệt đối không được vì xung đột
lợi ích”.
Phần trích những phát biểu này của
ông Đạt đã dẫn đến những lời chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng
những lời của ông không phù hợp với những chuẩn mực tối thiểu trong hành xử
công vụ. Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải nhận xét với VOA:
“Tôi nghĩ chắc là ông cũng muốn
biện bạch cho mấy cơ quan đang bị kêu là nhận tiền, nhận ô tô của doanh nghiệp.
Theo tôi thì nó cũng rất là vô duyên. Trong trường hợp đấy, theo tôi cục trưởng
chống tham nhũng không nên nói như vậy. Mọi giao dịch mang tính chất vụ lợi, đối
với các công chức và cơ quan nhà nước, cần phải có quyết định rằng là không được
phép. Bất kỳ một doanh nghiệp nào mà biếu một quan chức, theo chúng tôi đều là
vụ lợi hết. Không có ai lại cho không ai cái gì. Tôi nghĩ là cái lời của ông ý
là một cái lời vô trách nhiệm. Thực ra là để gọi là bào chữa cho cái hành vi mà
lẽ ra phải xử lý của chính quyền của Cà Mau cũng như Đà Nẵng trong việc nhận ô
tô của doanh nghiệp”.
Việc tặng và nhận xe vừa qua đã
gây sự chú ý lớn trong báo giới và công chúng. Trong cuộc phỏng vấn với báo giới
Việt Nam, bản thân ông Đạt, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng cũng cho rằng “cần
phải xem động cơ, mục đích của việc này”.
Cụ thể hơn, ông nói cần kiểm tra
lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa tặng xe ở Cà Mau và Đà Nẵng để xem họ hoàn
thành nghĩa vụ thuế với nhà nước thế nào, hiệu quả kinh doanh ra sao, mà có thể
tặng xe vài tỷ đồng. Ông cũng nói cần làm rõ sau khi tặng xe, doanh nghiệp có
được chính quyền địa phương ưu đãi gì không. Tuy nhiên, ông Đạt cũng chỉ ra rằng
việc làm rõ động cơ, mục đích này là “không dễ”.
Đây không phải lần đầu có việc
doanh nghiệp tặng ô tô hay quà vật chất giá trị cao cho quan chức hay chính quyền
địa phương. Bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau và mạng xã hội, công chúng lâu
nay cho rằng việc tặng quà có thể thực hiện kín kẽ về luật để “đạt lý” song vẫn
“khó thấu tình”.
Theo họ, nếu muốn đóng góp, tặng
quà cho các địa phương, các doanh nhiệp có nhiều cách ý nghĩa to lớn hơn rất
nhiều, như xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào các nỗ lực
xóa đói giảm nghèo, và nhiều hoạt động khác.
Họ lập luận rằng lợi ích từ những
chương trình như vậy dễ được mọi người nhìn thấy, trong khi việc tặng xe thì chỉ
phục vụ cho rất ít người, do đó, đương nhiên dư luận đặt ra mối nghi vấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét