Xuân Dương
(GDVN) - Người quân tử ngày xưa được dạy dỗ từng li từng tí:
“Đi qua ruộng dưa không cúi xuống sửa giày, đứng dưới gốc mai không đưa tay sửa
mũ”. Báo Plo.vn ngày 5/4/2012 trong bài "Xã “cái bang” thành
xã “giàu”" có đoạn: "Những năm 1998, xã này mất mùa, một số hộ dân đói khổ
đành bỏ làng ra Bắc, chủ yếu là Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình để kiếm sống bằng
nghề ăn xin.
Hầu hết họ trở về không những sống tốt mà còn gom tiền xây
nhà. Thấy vậy người giàu, người nghèo lũ lượt bỏ làng đi... và chẳng mấy chốc
chuyện đi ăn xin trở thành một nghề “rất phong trào”".
Thời thế thay đổi khiến cho câu thành ngữ “của rẻ là của ôi,
của đầy nồi là của không ngon” không phải lúc nào cũng đúng, chí ít là thời điểm
hiện tại.
“Của rẻ” thậm chí là rất rẻ cũng phải mua bằng tiền, chỉ có
“của cho không” mới không mất tiền, không mất công sức.
“Của cho không” không phải là của vứt đi, thậm chí nhiều khi
còn vô cùng quý giá, chẳng hạn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong thời
kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tuy nhiên người Việt xưa hoàn toàn có lý khuyên con cháu, rằng
một khi “ông mất chân giò” thì bà phải “thò chai rượu”, còn người Tây thì ngôn
từ hiện đại hơn: “chẳng có bữa trưa nào là miễn phí”.
Không loại trừ khả năng khi “của rẻ là của ôi” thì “của cho
không” - nếu không phải “của” người ta làm từ thiện, hoặc PR thương hiệu, hoặc
gì gì đó - thì chắc chắn sẽ thua “của rẻ”, chắc chắn sẽ dưới mức “ôi” một bậc.
Khái niệm “ôi” ở đây không phải về khía cạnh vệ sinh an toàn
thực phẩm mà có thể thuộc phạm trù “phi vật thể”, phạm trù nhận thức, đạo đức
hay uy tín cá nhân.
Những người phải nhận quà từ thiện có thể rất nghèo, cận
nghèo nhưng cũng có thể không nghèo, có thể còn giàu là đằng khác.
Câu nói “đóng cửa đi ăn mày” không phải lúc nào cũng đúng vì
có lúc người ta “mở cửa… ” một cách công khai để nhận “của cho không” và cả hai
bên đều vui vẻ.
Câu chuyện một doanh nghiệp tặng Thành ủy Đà Nẵng chiếc xe
được Bí thư Nguyễn Xuân Anh khẳng định là bình thường.
Báo Tienphong.vn viết: “Ông Anh cũng cho biết thêm, chiếc xe
này là của doanh nghiệp tặng, đây là điều hoàn toàn bình thường, vì doanh nghiệp
làm ăn được hỗ trợ thành phố vì việc chung.
Từ khi lên Bí thư đến nay, ngân sách thành phố chưa tốn một
đồng nào để mua xe nào phục vụ đi lại dù tiêu chuẩn tôi được phép”. [1]
Đơn giá chiếc xe, như ghi trên hóa đơn mà báo chí đăng tải
là gần 1,2 tỷ, cộng thêm thuế giá trị gia tăng là hơn 1,3 tỷ.
Xe nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam, thông tin trên Báo Hải Quan
(baohaiquan.vn) cho biết:
Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, dung tích xi lanh từ
2.000 cm3 trở xuống phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 45%, loại dung tích từ
2.000 - 3.000 cm3 là 50% và loại trên
3.000 cm3 là 60%.
Ảnh chụp màn hình Baohaiquan.vn ngày 22/2/2017
Xe Toyota Avalon sản xuất tại Mỹ năm 2016, thuộc dòng sedan
cao cấp của Toyota, dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở lên, giá bán tùy loại từ
33.485 – 41.285 USD.
Theo quy định, với dòng xe này mức thuế tiêu thụ đặc biệt
không dưới là 50%. [2]
Trên các trang quảng cáo tại Việt Nam, giá bán một vài kiểu
xe thuộc dòng này từ 2,1 tỷ đến 2,6 tỷ đồng. [3]
Với giá mua khoảng gần 1,2 tỷ chiếc xe mà doanh nghiệp tặng
cơ quan ở Đà Nẵng có giá gần bằng giá gốc (41.285 USD).
Người dân đang có nhu cầu mua xe rất muốn hỏi vị chủ doanh
nghiệp làm thế nào để mua được chiếc xe Toyota Avalon từ Mỹ đưa về Việt Nam với
giá “hời” như vậy?
Làm thế nào mà chiếc xe này nhập khẩu về Việt Nam đến tay
người tiêu dùng lại chỉ có giá khoảng 1,3 tỷ đồng?
Liệu ngân sách có thất thu một khoản thuế khá lớn – khoảng
500 triệu đồng - khi trên hóa đơn không thấy đề cập đến khoản thuế tiêu thụ đặc
biệt (45-60%) và cũng chưa thấy ghi các loại phí khác theo quy định hiện hành?
Giá cả của chiếc xe tuy chỉ là chuyện nhỏ song lại liên quan
đến chuyện rất lớn, ấy là sự công khai, minh bạch.
Ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng nên giải
thích trước công luận, rằng bên tặng nộp các loại thuế hay “bên ông” nộp thuế
tiêu thụ đặc biệt, bởi như khẳng định của ông thì: “xe 43A 299.99 theo hóa đơn
có giá hơn 1,3 tỷ đồng không phải 2,5 tỷ…”
Thông tin trên báo Đà Nẵng điện tử cho thấy, tổng thu ngân
sách Nhà nước năm 2016 ước thực hiện 18.227 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa
phương ước thực hiện 13.477,7 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán Hội đồng Nhân dân
giao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực.
Những món quà bạc tỷ và mối nguy “chân giò, chai rượu”
Có thể thấy ngay khoản dư sau thu chi ước vào khoảng gần
5.000 tỷ. [4]
Câu hỏi đặt ra là với 13.477 tỷ (làm tròn) chi ngân sách địa
phương, không có lý gì Đà Nẵng không mua được một chiếc xe cho Bí thư Thành ủy
trong khi đã có quy định về tiêu chuẩn xe công cho các vị Ủy viên trung ương Đảng,
bởi vì “theo ông Xuân Anh, ở Đà Nẵng chỉ mình ông được dùng xe công thường
xuyên theo quy định”. [1]
Việc Bí thư Xuân Anh sử dụng chiếc xe cũ đi chúc Tết “bị xịt
khói phải dừng lại sửa trên đường” là do ngân sách thành phố thực sự khó khăn
khiến Thành ủy phải sử dụng quà biếu/tặng hay cũng còn là cách địa phương tạo cảm
giác về sự liêm khiết?
Người quân tử ngày xưa được dạy dỗ từng li từng tí: “Đi qua
ruộng dưa không cúi xuống sửa giày, đứng dưới gốc mai không đưa tay sửa mũ” bởi
những động tác đó dù vô tư, trong sáng vẫn khiến người ta nghi ngờ hái trộm quả.
Chiếc áo không tạo nên ông thày tu và chiếc xe không tạo nên
vị thế của quan chức. Không biết các cán bộ ngày nay, bao nhiêu người thấu hiểu
chân lý đó?
Liệu có nên phát huy câu chuyện nhờ doanh nghiệp tặng ôtô mà
“ngân sách thành phố chưa tốn một đồng nào để mua xe nào phục vụ đi lại…”?
Và có thật tất cả mọi “vụ” tặng ôtô từng xảy ra ở Ninh Bình,
Cà Mau và một số cơ quan thuộc bộ, ngành đều “trong sáng” không tì vết?
Những sai phạm của công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch
Công Lý (Cà Mau) mà báo Thanhnien.vn đề cập, kèm theo đó là cách xử lý kiểu “vuốt
ve từ vai trở xuống” của chính quyền Cà Mau có nói lên những uẩn khúc phía sau
món quà “trong sáng” là mấy chiếc xe mà doanh nghiệp Công Lý tặng tỉnh này? [5]
Sau những ồn ào về xe cộ, liệu đã đến lúc đặt câu hỏi: những
quy định hiện hành về nhận quà biếu/tặng áp dụng với cán bộ công chức và các cơ
quan, tổ chức đã chặt chẽ, không còn kẽ hở để các đối tượng biếu - nhận không
thể lợi dụng?
Dân chủ cơ sở là niềm tin xây dựng đất nước
Để bảo vệ cán bộ, để tránh cho cán bộ không bị “săm soi”, việc
cơ quan nhà nước, đoàn thể nhận quà từ người dân, doanh nghiệp có nên thay đổi?
Xin nêu một vài kiến nghị:
Thứ nhất, tất cả quà biếu/tặng sẽ quy thành tiền chuyển vào
một quỹ phục vụ công ích (xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiên tai, phát triển hạ tầng…).
Thứ hai, tuyệt đối không sử dụng quà của doanh nghiệp kinh
doanh trên địa bàn để phục vụ các hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền hoặc
cá nhân cán bộ lãnh đạo.
Thứ ba: dù là quà tặng cơ quan nhà nước thì các khoản thuế,
phí cũng phải nộp như người dân, kể cả thuế thu nhập cá nhân vì đó chính một
khoản thu nhập của cơ quan.
Thêm nữa, tất cả các thiết bị lắp ráp hoàn chỉnh từ nước
ngoài được tư nhân nhập khẩu về Việt Nam tặng lãnh đạo cần được kiểm tra an
ninh, an toàn thông tin, tránh bị cài đặt các thiết bị gián điệp.
Cảnh giác trước “của cho không” không bao giờ thừa bởi “của
biếu là của lo, của cho là của nợ”.
Theo Giáo Dục Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét