Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Sự khác biệt thể chế giữa Nam-Bắc Hàn

BBC Tiếng Việt



                                 Bản quyền hình ảnh AP


Nhân cái chết bất ngờ và bí ẩn của ông Kim Jong-nam, người anh em cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, BBC Tiếng Việt đã có cuộc thảo luận về sự khác biệt của hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn. Nhà báo Hồng Nga và Nguyễn Giang chia sẻ những cảm nhận về hai đất nước Nam, Bắc Hàn mà họ đã có dịp tới thăm.

Tới Bắc Hàn năm 2015, nhà báo Hồng Nga nói: "Cảm nhận của Hồng Nga, một người khi còn bé đã qua thời kỳ bao cấp ở Việt Nam nên khi sang đó đã không thực sự ngỡ ngàng như các bạn trẻ năm nay 19-20 tuổi. Các bạn trẻ mà sang Bắc Hàn thì chắc là sẽ ngỡ ngàng.

"Cái khó khăn và nghèo đói của Việt Nam thời kỳ bao cấp những năm 1970-80 - mặc dù Hồng Nga chỉ phải trải qua một thời gian ngắn thôi - nhưng nó vẫn in đậm trong tâm trí của mình nên đã không thấy ngỡ ngàng khi tới đây.

"Khung cảnh đất nước rất nghèo, và điều ấn tượng nhất là không khí u ám, trầm uất ở người dân. Không thấy cảnh người dân tươi cười trên đường phố đâu."

Người dân Bắc Hàn ngại tiếp xúc với người nước ngoài vì rất sợ liên lụy, nếu bị an ninh chứng kiến đang nói chuyện với người nước ngoài thì sẽ bị phiền toái nhiều vì thế không có sự thân thiện, vui vẻ như ở các nước châu Á khác.

Tuy nhiên trong chuyến đi tới Bắc Hàn, nhà báo Hồng Nga đã có cơ hội tiếp xúc với một cán bộ của Bắc Hàn, đó là người phụ trách du lịch.

"Khi người nước ngoài vào Bắc Hàn bao giờ cũng có nhân viên du lịch đi kèm rất sát sao. Những người này tuy chưa bao giờ ra nước ngoài nhưng nói tiếng Anh tiếng Pháp rất thành thạo và chắc những người này cũng được sự chỉ đạo của cơ quan an ninh để đi theo người nước ngoài và quan sát xem họ làm gì tại đất nước của họ.

"Người quản lý du lịch có lẽ cũng là người có vai vế gì đó trong chính quyền và tất cả những người này đều phải là đảng viên của đảng cầm quyền. Họ tỏ ra nhã nhặn, thông thạo tiếng nước ngoài và tỏ ra mến khách còn đằng sau như thế nào thì không thể biết được,"nhà báo Hồng nga nói.

Là người đã từng tới cả Nam Hàn, Hồng Nga cho biết Hàn Quốc lại khác hẳn.

"Khi tới Hàn Quốc, tôi thấy người dân cười nói ngoài đường, và khi gặp người nước ngoài họ cũng tận tình chỉ bảo nhưng khi tới Bắc Hàn thì có sự lạnh lẽo, sợ bóng sợ gió nào đó mà dường như mình đã chứng kiến ở đâu đó rồi."

Cảnh tưởng hàng ngàn người dân Bắc Hàn cùng kêu khóc tại tang lễ của lãnh tụ Bắc Hàn, ông Kim Jong-il, khiến gợi nhớ tới cảnh tương tự như vậy tại Trung Quốc và Việt Nam. Cảnh tượng đó với nhiều người Phương Tây là một điều khá sửng sốt nhất là ở thế kỷ thứ 21.

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Giang cho rằng không nên phê phán chỉ chế độ tại Bình Nhưỡng vì theo nhà báo thì Bắc Hàn cũng là nạn nhân của thời kỳ chiến tranh lạnh khi các cường quốc cụ thể là Liên Xô và Mỹ đã chia cắt bán đảo Triều Tiên sau khi cuộc chiến chấm dứt vào tháng 7/1953.

Lý giải về tình trạng dường như khép kín và bưng bít của xã hội Bắn Hàn nhà báo Nguyễn Giang cho rằng một phần là do vị thế địa lý.

"Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều tiên là một bán đảo, một bên là Trung Quốc, có giáp biên giới với Nga rất ngắn, và phía nam là một giới tuyến thù địch mà thời đó gọi là phe tư bản chủ nghĩa, còn bên này là phe xã hội chủ nghĩa - nên người dân không thể đi đâu được," nhà báo Nguyễn Giang nói.

"Bắc Hàn khác với Việt Nam. Việt Nam có nhiều mối quan hệ với châu Âu, với Pháp và các nước châu Mỹ Latin và với cả vùng Đông Nam Á nhờ vị trí địa lý.

"Trong khi Bắc Hàn bị kẹt vào một vị trí địa lý như một cái hẻm núi đâm ra đời sống tâm lý của họ và cuộc sống khắc khổ ở đó cũng bị tác động phần nào.

"Sau này, sự bao vây của Phương Tây cũng khiến cho xã hội bị tù túng, mà trong một xã hội tù túng thì cũng dễ trở thành không có lối thoát về mặt tư tưởng. Và về mặt tâm lý thì người ta chỉ nghe theo - tất nhiên là cũng bị hệ thống đè nén về mặt chính trị và xã hội.

"Người dân chỉ nhìn thấy một mô hình: đó là một gia đình lãnh tụ mấy đời làm lãnh đạo, và khi một lãnh tụ qua đời thì cái tâm lý rất tự nhiên là họ than khóc rất thảm thiết, bởi vì họ không biết đến một mô hình nào khác."

Người Bắc Hàn hầu như không được xuất ngoại, và gần đây chỉ có một số công nhân được đưa sang vùng Siberia của Nga để lao động, gửi tiền về cho gia đình. Chính những giao lưu của bán đảo Triều Tiên với bên ngoài cũng rất hạn hẹp.

"Đây là tình trạng một chế độ theo mô hình Stalin từ thập niên 50-60 vẫn còn duy trì đến bây giờ. Đây là một bi kịch của một quốc gia," nhà báo Nguyễn Giang nói.

Tuy nhiên nhà báo Hồng Nga nói thêm rằng tất cả những quan sát đó cũng chỉ là của người ngoài cuộc và có lẽ phải sống chính trong xã hội đó, phải bị cọ sát hàng ngày với những hiện tượng trong xã hội đó thì mới có thể khẳng định chính xác được.

"So sánh giữa hai nước cộng sản là Bắc Hàn và Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc là một nước rất lớn trong khu vực và bất cứ động thái nào của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới các nước xung quanh. Có nghĩa là trong những phát triển xã hội và chính trị của Bắc Hàn, Trung Quốc luôn đóng vai trò rất quan trọng.

"Xưa nay Trung Quốc vẫn được cho là một nước đồng minh lớn của Bắc Hàn, và là một trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Trung Quốc là cầu nối giữa Hội đồng Bảo an LHQ cũng như giữa quốc tế với Bắc Hàn, để giữ nhiệt độ tại bán đảo Triều Tiên không quá nóng.

"Thế nhưng trong mấy năm gần đây, Trung Quốc có vẻ bắt đầu lạnh nhạt với Bắc Hàn hơn, mặc dù Trung Quốc vẫn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp, vì nếu có chuyện gì xảy ra tại Bắc Hàn chẳng hạn thì làn sóng người tị nạn từ Bắc Hàn chạy sang Trung Quốc sẽ là vô cùng ồ ạt và sẽ rất khó kiểm soát.

"Nhưng gần đây quan hệ dường như xấu đi. Và người ta cho rằng đó là một trong những lý do dẫn tới những lủng củng hiện tại giữa hai nước hiện nay," nhà báo Hồng Nga nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét