Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Nhà thờ Thủ Thiêm, nạn nhân của ai?

Cánh Cò – RFA



 Image result for chùa liên trì bị san bằng


Nhà thờ Thủ Thiêm, Chùa Liên Trì cùng hằng hà sa số cơ sở tôn giáo khác đã và sắp biến mất trên toàn quốc phải chăng là thực tế khách quan về phát triển như nhiều giới chức trách nhiệm phát biểu trong mấy lúc gần đây?

Không có thực tế khách quan ấy, nếu luật sở hữu đất đai của Hiến pháp Việt Nam không ghi rằng Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý.

Đây mới là thực tế rất khách quan. Và hơn thế nữa luật này đã và đang nhấn lòng tin, của cải vật chất, di sản văn hóa và con người Việt Nam xuống chiếc mồ tập thể mang tên “sở hữu đất đai”

Người Cộng sản đấu tranh cướp chính quyền từ quyền sở hữu ruộng đất. Địa chủ phú hào là kẻ thù của nhân dân vì sở hữu đất đai nên cần cần phải bị tiêu diệt. Lá cờ đầu đấu tranh ấy đã giúp cho cộng sản giành chiến thắng tại hầu hết các vùng nông thôn hẻo lánh. Và cũng từ đó họ hiểu rõ: khi người dân làm chủ mảnh đất của mình thì lúc đó sức mạnh của Đảng Cộng sản sẽ bị thu nhỏ lại. Điều kiện tất yếu này là quy luật, nó trở thành cương lĩnh bất thành văn của Đảng và giá nào cũng phải đấu tranh đưa nó vào Hiến Pháp. Khi đã thành luật, mọi nỗ lực thay đổi sẽ hạn chế và Đảng sẽ rảnh tay dùng sức mạnh của mình để quản lý quần chúng.

Khi nhà nước quản lý tức là người giữ tay hòm chìa khóa, nhà nước toàn quyền định đoạt việc sở hữu đất đai. Ban phát cho ai lúc nào, tịch thu của ai tại đâu, đều được tính toán và thực hiện một cách công khai bài bản.

Bài bản quen thuộc nhất để tịch thu đất đai là phát triển đô thị và những cơ sở tôn giáo sẽ là nạn nhân cuối cùng sau khi đền bù, giải tỏa cho người dân. Những cơ sở này không thể thoát khỏi chiếc búa giải tỏa khi nó đứng chơ vơ một mình giữa khoảng trống rợn người của hoang tàn sau khi giải tỏa trắng.

Những cơ sở tôn giáo luôn được sở hữu bởi tập thể có tổ chức hay một cộng đồng có niềm tin chung về tôn giáo. Những cơ sở này trong quá khứ của chế độ cũ chúng đương nhiên được cấp giấy chứng nhận sở hữu vì đã mua đất, xây dựng cơ sở trên mảnh đất ấy và sinh hoạt của họ đương nhiên được bảo vệ và thậm chí giúp đỡ từ nhà cầm quyền.

Nhưng với chế độ hiện nay thì khác, sự hiện diện của họ là rào cản cho quyết tâm xóa trắng quyền tư hữu đất đai. Cơ sở tôn giáo còn là nơi nuôi mầm hậu hoạn do yếu tố tự do tôn giáo vì thế giải tỏa chúng sẽ là  một công đôi chuyện, biến mất trong trí nhớ người dân, kể cả tín đồ của nó.

Nhà thờ Thủ Thiêm, một di tích tôn giáo có thể xem là di sản văn hóa nếu nó nằm trong một thể chế dân chủ. Trước tin nó sắp biến mất như những công trình khác, đại sứ quán Canada tại Hà Nội đã chính thức ra văn bản kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét lại việc giải tỏa nhưng đáp lại là sự im lặng như thường lệ của nhà cầm quyền.

Phát triển đô thị tại sao nhất thiết phải phá bỏ di sản văn hóa là câu hỏi chưa bao giờ được nhà nước chính thức trả lời trong khi nó tiếp tục được triển khai khắp nơi, từ Hà Nội tới Sài Gòn nơi di sản văn hóa chỉ còn lại trên đầu ngón tay và tiếp tục chờ ngày “phán xét”

Thì ra, đảng Cộng sản đã tính toán kỹ lưỡng từ ngày mới bắt đầu nắm chính quyền. Hiến pháp được xào nấu. Điều 4 khống chế cái đầu dân chủ. Điều 53 : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."

Để ra vẻ khách quan, đất đai gộp chung với tài nguyên nước khoáng sản… là cách đánh tráo khái niệm rõ ràng nhất. Đất hoang hóa khi được người dân đổ công sức ra khai khẩn như thời kỳ miền Nam mở cõi nếu không được nhìn nhận qua luật tư hữu thì liệu có một miền Nam trù phú như hiện nay không? Người nông dân và quyền tư hữu là sức dính kết làm cho con người không ngại gian khổ để khai thác đất đai. Mất đi cái quyền sở hữu những gì mình đổ mồ hôi ra gầy dựng là sự bất công cao nhất đối với dân chúng.

Dân oan cả nước đang đại diện cho sự bất công này.

Nhà thờ, đền chùa miếu mạo cũng không khác.

Đất đai nơi cơ sở tôn giáo đang chiếm ngự, lòng tin của tín đồ, giáo dân không thể tách rời nơi mà nhiều thế hệ con cháu họ đã kết nối với niềm tin. Xóa bỏ ký ức tôn giáo là tội ác. Xóa bỏ một mảnh đất cộng thêm cơ sở tôn giáo Đảng Cộng sản đang phạm tội hai lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét