Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Chuyện nay mới kể: Vì sao tôi có tên gọi "Phong Polymer"?



Được sự đồng ý của anh Quốc Phong, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thanh niên, tôi post bài anh viết- một tự sự của "tiền bối" vào đây, như một câu chuyện rất đáng nhớ, và có nhiều bài học trong việc sử dụng tư liệu mật khi làm báo. Có một nguyên tắc khá rõ ràng: các phóng viên theo dõi lĩnh vực nào đều phải nhớ, có một danh mục văn bản mật trong ngành đó. Nếu sử dụng vb mật đó phải hết sức thận trọng, tốt nhất là không dùng, nếu dùng cũng phải biết cách "rửa": có thể là p vấn người có trách nhiệm để chính họ nói ra. Còn bình thường, một văn bản đóng dấu "mật" nhưng nếu không nằm trong danh mục VB mật của ngành đó (được TTg phê chuẩn) thì có khi nó cũng không mật. Nhưng một văn bản ko đóng dấu mật mà nằm trong danh mục "mật" nó vẫn cứ là vb mật mà sử dụng, pv, tờ báo đó sẽ gặp rắc rối:

***

Chuyện nay mới kể :


VÌ SAO TÔI CÓ TÊN GỌI " PHONG POLYMER " ?


Quốc Phong



Thực ra, bản thân tôi lúc đầu nghe vậy cũng không biết gốc gác từ đâu. Trong giới lãnh đạo báo chí của nước nhà, vào những năm sau 2006 họ lại gọi tôi là " Phong polymer". Nó cũng có thể do trong làng báo hồi đó có 3 người tên Phong làm lãnh đạo một số báo , như anh Như Phong, phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân và An ninh Thế giới. Rồi anh Thành Phong, phó Tổng biên tập Gia đình & Xã hội và tôi, phó Tổng biên tập báo Thanh niên. 2 "Phong" kia , họ không có ai bị kỷ luật trong cái vụ đăng bài gây " lộ bí mật" việc in tiền polymer vì chất lượng kém và sai quy trình nhưng bị rò rỉ thông tin ra ngoài.



Cùng thời gian đó, làng báo thường hay vui chuyện gán cho mỗi người bọn tôi sau tên của người nào đó một cái " đuôi" như vậy. Ví dụ như anh Quang Thống,Thiếu tướng, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân cũng vậy . Do báo anh đăng bài viết về mốt mua nhà sàn trên vùng cao rồi chở về thành phố dựng ở các khu vườn ngoại ô . Họ có bài viết :" Khi nhà sàn xuống phố". Do thiếu kiểm tra, họ dùng ảnh nhà sàn của Bác Hồ làm hình ảnh minh hoạ cho bài viết. Vậy là bị Bộ Văn hoá Thông tin xử lý phạt tiền và kỷ luật bộ phận biên tập. Thế là họ gán luôn tên anh Thống , Tổng biên tập thành " Thống Nhà sàn" . Thực ra cũng chỉ là chọc vui nhau chứ chẳng có ý độc địa gì cả...



Câu chuyện in tiền chất lượng kém được bung bét ra khi tờ tiền 20.000 đông in trên giấy polymer không hiểu sao chưa dùng được mấy nả đều bị bợt ra, thôi màu nhoe nhoét ra tay khi cầm, nhất là có nước mưa dính vào.


Báo chí lên tiếng chuyện này kết hợp chuyện tiền kim loại mau hoen ố. Lỗi này không phải từ chủ trương in tiền polymer nói chung bởi việc quyết định chuyển sang in tiền trên giấy polymer là một quyết định đúng của Chính phủ. Nó là lỗi kỹ thuật do nhận thức của người thực hiện . Lúc đó , làng báo chí bị kỷ luật 14 tờ, trong đó có đến vài chục nhà báo . Nặng thì bị đình bản như tờ Công lý của Toà án Nhân dân Tối cao. Nhẹ thì cảnh cáo một số lãnh đạo và nhẹ hơn nữa thì bị khiển trách kiểu như tôi. "Tội danh" mà anh em chúng tôi bị kỷ luật đều vì lý do tiền tệ là vấn đề nhạy cảm và mang tính chất đặc thù" an ninh", không được để lộ bí mật trên mặt báo dù chất lượng đồng tiền có thế nào đi nữa.

 No automatic alt text available.


Khi báo chí nêu chất lượng đồng tiền (cả giấy lẫn kim loại) " có vấn đề" , thực ra khi đó chưa lộ ra chuyện" tiêu cực" mà báo chí Úc sau đó đăng tải ở nước họ. Đó là việc các nhà thầu bên Úc dự thầu in tiền polymer cho Việt Nam và một số nước khác trên thế giới là họ có cuộc vận động và dùng tiền " bôi trơn" những ai đó có quyền in tiền . Chuyện này, tôi được biết, vào tháng 12 năm 2016, phía cơ quan luật pháp của Thuỵ Sỹ đã công bố và đã có thông báo cho Việt Nam là không có chuyện như vậy với Việt Nam .



Tôi cũng được biết, hồi đó, do trong nội bộ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có phe cánh ,lại do Đại hội Đảng cận kề nên họ muốn thay đổi nhân sự kế cận. Họ tung tài liệu ra ngoài,xúi báo chí "đánh " Thống đốc Lê Đức Thuý để ông bị bật ra khỏi quy hoạch lên một chức cao hơn và buộc nhượng bộ để một vị cấp phó lên nắm quyền.



Như vậy ,báo chí chúng tôi đã vô tình tiếp tay cho vụ chất lượng in tiền polymer ở Việt Nam liệu có tiêu cực gì không mà không hề biết mục đích sâu xa của một ai đó !



Với báo Thanh niên,chúng tôi cho đăng một số bài viết xung quanh việc này, trong đó có một bài, đại ý là vì sao chất lượng tờ tiền polymer 20.000 đ lại kém đến vậy ? Theo tìm hiểu của phóng viên , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước đó đã lỡ nhập nhiều tấn mực coton để in tiền trên chất liệu giấy coton. Nay, do quyết định chuyển sang in tiền trên nền giấy polymer khiến lô mực lỡ nhập còn nhiều và trở nên lãng phí. Họ nảy ra " sáng kiến "không giống ai,đem trộn 1/10 mực coton với 9/10 mực polymer để in tiền trên nền giấy polymer . Mục đích là để làm sao sẽ dần dần hết mực coton, khỏi tồn kho và có lẽ họ luôn nghĩ đây là sáng kiến tiết kiệm chăng ?



Vậy là tiền in ra, chưa dùng mà đã nhoè và bợt màu, rất bẩn. Cấp trên quy chúng tôi "tội" "làm lộ bí mật quốc gia về an ninh tiền tệ ".



Nghe qua là đủ thấy cực kỳ nặng nề.



Hồi đó , có báo nghiêm túc quá, tự đề xuất hình thức kỷ luật mà có đến 4-5 người với các hình thức cảnh cáo lẫn khiển trách( như báo Tuổi trẻ).



Báo Thanh niên chúng tôi thì chỉ mình tôi bị khiển trách vì là người thay mặt Ban biên tập duyệt cho đăng hôm đó.



Khi tôi duyệt xong bài viết của anh Quang Minh thì vội lên đường cùng với chuyến xe chở gạo đi cứu trợ vùng bão vừa xảy ra ở huyện đảo Cát Hải và Cát Bà ( Hải phòng). Vừa sáng ra, chưa kịp mở mắt thì nghe giọng anh Hồng Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá gọi giật giọng, la quá trời chuyện đăng bài viết đó vì nghe nói thượng cấp chỉ đạo phải xử lý nghiêm khắc. Anh Vinh còn " doạ " thêm : Ban sẽ có ý kiến với Ban Bí thư Trung ương Đoàn để xử lý kỷ luật việc này ..."



Cậu Phạm Quang Minh, phó ban Thư kí Toà soạn ngoài Hà Nội hồi đó cứ thấy day dứt chuyện này khi thấy tôi tường trình vụ việc và tự nhận hình thức kỷ luật " Khiển trách " từ Ban Bí thư Trung ương Đoàn, nên " đòi" tôi cho được nhận kỷ luật cùng tôi . Thực ra thì có thể làm thế được vì cậu ấy là người trực tiếp thực hiện bài viết. Lại được coi văn bản của nhà in Ngân hàng chỉ đạo kỹ thuật trộn mực in tiền trước khi viết. Quang Minh thực ra đã biết đây là lĩnh vực thuộc dạng " Mật" của ngành. Tôi thương và thông cảm cho Quang Minh vì thừa biết, cậu ta cũng bị áp lực mạnh quá, muốn làm cho tờ báo có nhiều bạn đọc hơn, vậy thôi chứ không có chuyện vụ lợi gì hết. Bản thân cậu ấy cũng bị áp lực từ Ban thư ký trong toà soạn thành phố Hồ Chí Minh "dội"ra, kèm theo sự tán tỉnh , đại loại là " Số ngày mai ra chán quá, chẳng có gì đáng đọc. Minh xem thế nào ,có vụ gì hay hay thì làm tới đi..."



Và, thế mới có cái chuyện đăng bài viết mà tôi vừa đề cập.



Quay lại chuyện kỷ luật , với báo, thêm người nữa thì phỏng có ích gì? Họ có chia đôi cái "suất Khiển trách" của tôi ra thành 1/2 người cùng chịu đâu mà làm thế ?Tôi bảo Quang Minh : "Dở hơi hay sao mình lại làm thế ? Bị ít người càng tốt chứ sao ! "



Vì có tới cả vài chục nhà báo trong số 14 tờ báo bị " sa lưới" vụ này cho nên nghe nói phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng khi đó phải nghe Bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh, nghe Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương và Bộ Văn hoá, Thông tin báo cáo cùng hướng xử lý mà các bộ , ban đề xuất.


Sau này tôi còn được anh Nguyễn Trí Dũng, khi đó là Cục phó Cục Báo chí kể lại cho nghe rằng, anh Hai Nghĩa ( tên thân mật của phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mà nhiều người hay gọi) chính là người góp ý trong cuộc họp về trường hợp của anh Lê Hoàng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ và tôi, Quốc Phong, phó Tổng Biên tập báo Thanh niên. Anh Hai Nghĩa bảo rằng" những người khác thì tôi không biết, riêng trường hợp sai phạm của cậu Lê Hoàng và Quốc Phong thì nên cân nhắc lại,mấy cậu này nó hiền khô à, ta có thể hạ xuống mức khiển trách là được...."



Tôi nghe tin này mà thấy xúc động thực sự. Có lẽ áp lực của mức kỷ luật cao thấp cũng không quá nặng nề với tôi lúc đó vì mình cũng chưa bị thế bao giờ nên chưa hình dung ra hệ luỵ phía sau của án kỷ luật đó. Nhưng tôi cảm động là được anh lên tiếng bảo vệ , rất vô tư.



Có lẽ cũng từ vụ án Nam Cam và đồng bọn bị báo chí lên tiếng và phơi ra ánh sáng, anh hay gọi tôi là người thay mặt cho Ban biên tập báo Thanh niên ở ngoài Hà Nội lên chỉ đạo để biết binh tình mà còn điều chỉnh này khác nên anh rất quý tôi và có thể biết phần nào tính nết của tôi nên anh mới" bảo lãnh " cho tôi như thế ?



Thế rồi, anh Võ Văn Thưởng , khi đó là uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn kêu tôi lên, nhắc nhở tôi việc này và động viên tôi, kèm theo câu nói thật chân tình . Anh bảo tôi : " Quả thật, em ( anh xưng hô với tôi rất tình cảm vậy mà không câu nệ chuyện tôi đang là lính của anh ) vừa chân ướt chân ráo ra nhận nhiệm vụ ở Trung ương Đoàn có ít ngày, em không muốn phải xử lý kỷ luật ai. Nay, người đầu tiên em đặt bút ký kỷ luật ở Trung ương Đoàn lại là anh. Rất đáng tiếc và momg được chia sẻ. Anh lưu ý nhắc nhở anh em cấp dưới nghiêm túc chấp hành chỉ đạo thông tin của cấp trên..."



Thực sự, việc in tiền polymer ở Việt Nam ta hồi đó là một cuộc cách mạng mang nhiều yếu tố tích cực, chống tiền giả tràn lan. Đó là một ấp ủ từ rất lâu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn đương chức. Khi đó,ông đi công tác nước ngoài và có manhg về một tờ tiền giấy polymer ,đưa lại cho Ngân hàng yêu cầu nghiên cứu để sớm triển khai. Ấy vậy mà cũng phải 8 -9 năm sau đó, ý tưởng thú vị và sáng suốt của ông mới được triển khai thì lại xảy ra chuyện không đáng có nói trên. Báo chí trở thành con cờ để họ thực hiện mục tiêu cá nhân : Đấu đá nội bộ ,tranh chức tranh quyền. Bản chất của vấn đề không có chuyện tiêu cực đó,nhưng cách in tiền thì lại giản đơn, thiếu kiến thức tối thiểu ... Đây cũng là bài học của giới báo chí Việt Nam mỗi khi giáp kỳ Đại hội Đảng toàn quốc,dễ bị họ lợi dụng triệt hạ đồng chí của nhau mà báo chí chúng tôi đâu biết và vô tình trở thành nạn nhân của họ.



Chuyện tôi có tên" Phong polymer " trong giới lãnh đạo báo chí Việt Nam ngày ấy là vậy đó !

(Xin mách nhỏ : Các bạn nào mà có con tên Phong,xin đừng cho con mình theo nghiệp làm báo như mấy anh em chúng tôi . Hình như chữ PHONG nó " kỵ zơ" với báo chí thì phải (!!!). Không khéo sẽ rất dễ bị" GIÓ" cuốn phăng đi lắm ! )


Q.Ph.i

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét