Kết thúc đối thoại Đồng Tâm bằng
một bản cam kết của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội có 2 đại biểu Quốc hội (một
phụ trách Dân nguyện và một là người thay mặt cử tri Đồng Tâm) ký vào, làm đại
đa số người Việt trong nước và nhiều người Việt trên thế giới hân hoan vui mừng,
coi như một bàn thắng ngoạn mục của nông dân, trước chính quyền cộng sản vốn nổi
tiếng lắm mưu mô, giỏi sử dụng kế hiểm để đàn áp và triệt tiêu sức đối kháng của
dân chúng.
Hân hoan vui mừng là phải, bởi vì
trở về trước chưa có tiền lệ một cuộc đối đầu nào mà thắng lợi chung cụộc lại
thuộc về bên bị trị như cuộc đối đầu ở làng Hoành. Khi ông Chủ tịch Hà Nội cam
kết không truy cứu hình sự bà con làng Hoành trong việc bắt nhốt 38 cán bộ và cảnh
sát Cơ động trong suốt 7-8 ngày cũng có nghĩa là ông đã buộc phải gián tiếp thừa
nhận hành vi phản kháng bằng cách bắt người của dân chúng ở đây chỉ là hành vi
tự vệ, còn việc đem lực lượng vũ trang đến đàn áp dân nhằm bảo vệ lũ người cướp
đất mới là hoạt động phạm pháp và vi hiến. Lời cam kết này quả đã mở ra một cơ
hội mới, giúp người dân nhiều vùng miền khác bứt khỏi mặc cảm sợ hãi, khẳng định
tư thế chính nghĩa mạnh mẽ, quyết tâm hơn khi đương đầu với những nhóm lợi ích
nhà nước mang theo quyết định đóng dấu đảng đỏ chói cùng nhung nhúc cảnh sát vũ
trang đến cướp đoạt đất đai của mình. Và có thể kinh nghiệm của làng Hoành rồi
sẽ được nhân lên – “bắt kẻ đàn áp để trao đổi con tin” rất có khả năng trở
thành một phương thức chống trả hữu hiệu.
Ông Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ
cho điều tra kẻ đã gây thương tích cho cụ Kình, tức là ông ta buộc phải nhìn nhận
sự hèn hạ bỉ ổi của người đại diện quyền lực đã lừa dân, dụ một số người dân
tiêu biểu đến chỗ đồng trống để bắt bớ và bạo hành với họ. Một khi việc điều
tra được tiến hành, vô số chuyện thương tâm gây ra bởi lũ côn đồ nhà nước bất
lương độc ác, dưới rất nhiều mưu kế gian trá, nham hiểm, lâu nay bị ém nhẹm, sẽ
tiếp tục được chính người dân khắp nơi bạch hóa. Chưa bao giờ bộ mặt nhà cầm
quyền thê thảm đến như vậy.
Sự xuống dốc thảm hại của bộ máy
còn thấy rõ ở hiện tượng mất lòng tin tột mức trong dân. Nếu nhìn về trước thì
có khi nào một hay vài ba quan chức cầm quyền cộng sản cấp cao đi xuống dân mà
lại phải nhờ đến một lực lượng trung gian làm cầu nối. Chưa bao giờ. Mặt trận Tổ
quốc để đâu mà không nhờ cậy? Ban Dân vận của Đảng để đâu mà không nhờ cậy? Hội
Nông dân để đâu mà không nhờ cậy? Đoàn Thanh niên cộng sản, cánh tay nối dài của
Đảng, để đâu mà không nhờ cậy? v.v. Hóa ra, hết thảy những tổ chức ấy đều đã mất
uy tín, hoặc đã ngả hết về dân chúng. Một khi có chuyện động trời, người dân chẳng
còn tin vào tổ chức nào nữa vì nhìn vào tổ chức nào cũng chỉ thấy có Đảng, chỉ
tiếp nhận được những lời lẽ sáo rỗng phi thực tế Đảng thường huấn dụ. Và bỗng nổi
lên một thành phần linh hoạt khác đứng ra thay thế: các vị Luật sư. Đây chính
là tầng lớp trí thức nắm vững luật pháp, phát huy đúng chức năng của mình. Họ đứng
ra làm trung gian thì dân có thể yên tâm mà Đảng cũng không còn cớ gì để nghi ngại,
vì công cụ của họ là những tri thức pháp luật khách quan, chắc chắn. Từ đó càng
thấy, cái lực lượng vòng hai bao quanh Đảng lâu nay chỉ là hình thức. Thế trận
mà Đảng ra sức dựng lên và kiện toàn trong bao nhiêu năm, ngỡ rất vững vàng, một
sớm bỗng nhiên đổ gãy. Trước thực tế diễn ra theo quy luật chứ không theo ý
mình, Đảng Cộng sản nhanh chóng mất hết chỗ dựa tin cậy.
Dẫu sao, điều cần nói là thắng lợi
Đồng Tâm nhìn về cục diện tổng thể, không phải một sự toàn thắng. Mặc cho dân
chúng có hân hoan đến mấy thì vẫn chưa động đến cái gốc của vấn đề. Đó là: quyền
sở hữu đất đai thuộc về ai và do ai nắm giữ. Cuộc cách mạng Đồng Tâm, nếu có thể
nói được như vậy, vẫn chẳng làm lung lay được chút nào nội dung điều 4, Luật đất
đai sửa đổi năm 2013, khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại
diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đây mới là “ổ khóa” then chốt và hắc búa
mà một sự kiện như Đồng Tâm chưa thể nào mở được ra. Ông Chung có thể cam kết 3
điều rất hệ trọng để cứu vãn cuộc khủng hoảng cấp thời trong cuộc đối thoại với
dân chúng, nhưng về lâu về dài, người dân Đồng Tâm vẫn cứ thua trắng mắt, bởi
giá thử mình có giành lại được phần ruộng đất từ tay lũ Viettel bất lương đi nữa,
thì số ruộng đất ấy cũng không bao giờ là sở hữu của mình. Kẻ sở hữu trên danh
nghĩa vẫn là Nhà nước Đảng, còn như trong thực tế vẫn là quan chức của Đảng. Và
không nghi ngờ gì nữa, một lúc khác các quan lại móc ngoặc với một đám doanh
nhân khác để cướp cạn ngay quyền sử dụng đất của người dân vừa giành được, đẩy
thẳng họ ra khỏi mảnh ruộng của họ để đi làm hành khất, lưu manh. Tấn kịch khủng
hoảng tất yếu lại nổ ra một lần nữa. Giải quyết được Đồng Tâm lần này hẳn nhiên
không thể giữ được cho một Đồng Tâm không còn khủng hoảng, cũng không ngăn được
những cuộc cướp doạt ruộng đất trắng trợn đang là tiếng kêu thét giận dữ kèm với
hãi hùng của nông dân trên khắp mọi nơi từ Nam đến Bắc, như ở Vọng Đông (Bắc
Ninh)(1), ở Bình Chánh (Sài Gòn)(2)… ngay trong những ngày Đồng Tâm đang tử thủ.
Nguy cơ bạo lực, đổ máu làm cả nước bất an, vẫn luôn luôn rình rập.
Ở khía cạnh bất cập mà nói, còn
có việc ông Chủ tịch Hà Nội về Đồng Tâm cam kết 3 khoản với dân để nhận lại số
cán bộ cảnh sát còn bị dân bắt giữ, là việc không theo đúng trình tự như cần phải
có. Việt Nam từ lâu đã hình thành đầy đủ bộ máy pháp quyền với ba tổ chức khu
biệt: Lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Chính phủ) và Tư pháp (Tòa án), nhưng khi
giải quyết những rắc rối tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm cần đến chức năng của cả
3 loại cơ quan ấy, lại chỉ có một mình ông Nguyễn Đức Chung đại diện cho cơ
quan hành pháp mà thôi. Hóa ra, nói gì thì nói, quyền hành ở xứ sở này rốt cuộc
vẫn thu trọn vào tay ông Chính phủ, ông Chính phủ thực chất vẫn giữ quyền tối hậu
điều hành. Hoặc nữa rồi đây, khi trở về bàn bạc lại, thấy bản cam kết làm mình
bẽ mặt, Chính phủ Hà Nội có thể giở luật ra để “lật kèo”, rằng tuy ông Chung có
cam kết với dân đấy nhưng nay xem lại thì điều khoản a, b, c… không thuộc quyền
hạn của Chủ tịch Hà Nội. Trong trường hợp như vậy, một keo trắng mắt hiển nhiên
thuộc về 6000 dân chúng Đồng Tâm.
Lật lại tất cả những gì gọi là khả
thủ và bất cập như trên cũng chỉ để góp phần khẳng định: Thắng lợi ở Đồng Tâm
thực sự là vang dội nhưng cũng chỉ mới có tính cách một sự khởi đầu. Tiến trình
dân chủ hóa đất nước còn phải trải qua nhiều chặng chầy chật gian nan, khắc phục
nhiều nhược điểm cố hữu và đòi hỏi một sự đồng khởi rộng lớn hơn cùng với nhiều
tâm lực hơn, may ra mới có được một đích đến “vượt quá lằn ranh”. Dù sao, một
khi đã có Đồng Tâm thì cũng như tên đã lắp vào cung, một bước ngoặt của lịch sử
đã xuất hiện. Người dân, lực lượng nòng cốt của công cuộc chuyển đổi, không còn
mê ngủ mà đã thức tỉnh. Động lực đích thực của sự đổi thay rõ ràng đã tìm thấy.
Thế và lực cũng như chiều hướng thắng bại giữa hai phía, đã bộc lộ công khai.
Như chúng tôi đã nói trong một bài trước, con đường chuyển giao quyền lực không
ai còn ngăn trở được nữa, dù chắc chắn chưa phải kết thúc trong một ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét