Tổng thống Ngô Đình Diệm thăm Hoa Kỳ tháng Năm
năm 1957-Getty Images
Chiến tranh Việt Nam, mà nhiều người gọi là cuộc chiến Đông
Dương lần hai, đã kết thúc năm 1975.
Tuy vậy, đến nay, giới nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt là tại
Bắc Mỹ, vẫn tiếp tục cho ra nhiều công trình liên quan. Một ví dụ mới nhất là cuốn sách 'Vietnam's Lost Revolution:
Ngo Dinh Diem's Failure to Build an Independent Nation, 1955-1963' vừa được Nhà
xuất bản đại học Cambridge ấn hành năm 2017.
Đầu tiên, tác giả, Geoffrey C. Stewart cho BBC Tiếng Việt
biết về những nét mới trong nghiên cứu về Cuộc Chiến Việt Nam nhân dịp thêm
một năm ngày lịch sử 30/04.
Tiến sĩ Geoffrey C. Stewart: Cái mới cho những nhà nghiên cứu
là góc nhìn của người Việt về cuộc chiến.
Do trước đây có hạn chế với các nguồn tư liệu ở Việt Nam, giới
nghiên cứu chỉ dựa vào nguồn của phía Mỹ. Trong khoảng 20, 25 năm qua, các học
giả mới bắt đầu được tiếp cận kho tư liệu ở Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt để tìm hiểu
cuộc chiến từ góc nhìn người Việt. Nhờ đó họ có thể hiểu khát vọng, tham vọng của
người Việt. Các nhà nghiên cứu như tôi có thể viết lại cách hiểu về các xung đột
tại Việt Nam không hẳn là chiến tranh ủy nhiệm của thời Chiến tranh Lạnh (mặc
dù đây vẫn là khía cạnh quan trọng của chiến tranh), mà là cuộc đấu tranh hậu
thuộc địa rộng lớn hơn vì độc lập và thống nhất.
Các câu hỏi về quyền tự quyết dân tộc, phát triển và thậm
chí thế nào là trở thành hiện đại đóng góp cho hiểu biết về chiến tranh cũng
quan trọng không kém cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các đồng minh của Bắc
và Nam Việt Nam, là Xô-Trung và Mỹ.
BBC:Ông có thể chọn ra một số nghiên cứu mang tính "đột
phá" giúp soi rọi cuộc chiến theo một ánh sáng khác?
Một số các nghiên cứu quan trọng nhất vài năm qua là những
quyển sách chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu Việt Nam.
Sách giáo khoa Vietnam at War (2009) của Mark Bradley mang
tính đại diện cho cái gọi là "khúc quanh Việt Nam" trong nghiên cứu.
Nó dựa trên nghiên cứu trước đó của ông ấy trong kho lưu trữ Việt Nam, để kể về
Chiến tranh Đông Dương lần Một và Hai, từ góc nhìn người Việt. Ông ấy xem các
xung đột này là sản phẩm từ đấu tranh nội bộ giữa các cá nhân và nhóm ở Việt
Nam xung quanh câu hỏi viễn kiến quốc gia hậu thuộc địa nào sẽ chiếm ưu thế
trong người dân. Theo cái nhìn này, người Pháp, sau đó là Mỹ, Liên Xô và Trung
Quốc đều là kẻ chõ mũi vào cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Những nước
này, theo mức độ khác nhau, đều cố gắn Việt Nam vào cấu trúc riêng của họ trong
trật tự thế giới hậu Thế chiến Hai.
Các tác phẩm gần đây với luận cứ về chủ đề tương tự có thể kể
như Hanoi's Road to the Vietnam War, 1954-1965 (2013) của Pierre Asselin,
Hanoi's War: An International History of the War for Peace in Vietnam (2012) của
Nguyễn Thị Liên Hằng, và Cauldron of Resistance: Ngo Dinh Diem, the United
States and 1950s Southern Vietnam (2013) của Jessica Chapman.
Các tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu của tôi là
Diem's Final Failure: Prelude to America's War in Vietnam (2002) của Philip E.
Catton và Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States and the Fate of South
Vietnam (2013) của Edward Miller. Hai cuốn sách này dựa vào kho lưu trữ ở TP.
HCM để đánh giá nỗ lực của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm nhằm tạo
dựng một nhà nước vững bền, độc lập từ 1955 đến 1963. Khác với nhiều nghiên cứu
trước đây về giai đoạn này, họ cho rằng Ngô Đình Diệm là một người có lập trường
riêng, viễn kiến riêng về một Việt Nam hậu thuộc địa.
Sách của tôi, Vietnam's Lost Revolution: Ngo Dinh Diem's
Failure to Build an Independent Nation, 1955-1963, triển khai từ tác phẩm của
hai học giả trên, để tìm hiểu cuộc cách mạng quốc gia và xã hội mà chính thể
Ngô Đình Diệm muốn xây dựng khắp nông thôn Nam Việt Nam, để thu phục người
trung thành và lập ra một quốc gia có khả năng tồn tại về kinh tế và chính trị,
và có thể tự quyết trên trường quốc tế.
BBC:Xin ông cho biết đánh giá về việc nghiên cứu ở Việt Nam
hiện nay? Tiếp cận các kho lưu trữ có khó không?
Tiến sĩ Geoffrey C. Stewart: Tôi chỉ làm việc ở Trung tâm
Lưu trữ quốc gia II ở TP HCM, nên không thể nói về Hà Nội hay Đà Lạt. Nhưng trải
nghiệm của tôi rất tích cực.
Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TPHCM bảo trợ cho tôi.
Các nhân viên tại đó rất thiện chí và hiệu quả. Tôi phải chờ đợi để được cho
phép vào kho lưu trữ, nhưng sau khi đã có giấy phép, các nhân viên hỗ trợ rất
tích cực khi tôi yêu cầu tài liệu. Ngoại trừ một số nguồn không liên quan trực
tiếp đến dự án của tôi, còn lại thì các đề nghị của tôi không bị từ chối lần
nào.
BBC:Cuốn sách vừa ra mắt của ông nói về Tổng thống Ngô Đình
Diệm. Ông có nghĩ rằng chiến tranh sẽ diễn ra khác đi nếu ông Diệm và gia đình
không bị hạ bệ năm 1963?
Tiến sĩ Geoffrey C. Stewart: Đây là câu hỏi thú vị vì nó nói
về chữ 'nếu' trong lịch sử. Theo tôi, Ngô Đình Diệm là cạnh tranh thay thế lớn
nhất cho Hồ Chí Minh trong tư cách một lãnh đạo quốc gia mà người Việt có thể tụ
họp phía sau. Ông ấy là lãnh đạo miền Nam trong gần một thập niên, có viễn kiến
tuy hơi rối rắm về một Việt Nam hậu thuộc địa. Ông ấy đã loại được một số trung
tâm quyền lực cạnh tranh ở miền Nam.
Tuy vậy, trong đầu thập niên 1960, cuộc nổi dậy nhanh chóng
bắt rễ ở miền Nam cũng chứng tỏ sự mỏng manh trong tính chính danh của ông. Ông
Ngô Đình Diệm có thể trụ lại và thương lượng kiểu gì đó với chính phủ Bắc Việt,
nhưng mọi thỏa thuận chia sẻ quyền lực rốt cuộc cũng sẽ dẫn tới thống nhất theo
đòi hỏi của Hà Nội.
Tuy nhiên, để thương lượng nghiêm túc diễn ra, chính phủ Ngô
Đình Diệm lại phải nói chuyện với người Mỹ. Mà mọi nhượng bộ giữa miền Bắc và
miền Nam cũng đi ngược lại quyền lợi của Mỹ trong vùng. Tôi không nghĩ rằng
chính phủ Ngô Đình Diệm có thể tồn tại nếu quay lưng với Washington.
Mặc dù ông Ngô Đình Diệm muốn tạo dựng một quốc gia Nam Việt
Nam tự chủ, chính phủ Sài Gòn phụ thuộc viện trợ của Mỹ về kinh tế. Không có viện
trợ Mỹ, chính phủ Nam Việt Nam sẽ sụp đổ, hoặc ông Ngô Đình Diệm sẽ bị lật đổ bởi
một nhóm sẵn sàng hơn làm việc với người Mỹ - đây là điều rốt cuộc đã xảy ra.
***
Tác giả Geoffrey C. Stewart hiện đang giảng dạy ở Đại học
Western Ontario, Canada.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét