Pháp trị (rule of law) là một trong các nền tảng của Dân chủ
Tự do, nhưng tại sao một số đông dân chúng Âu-Mỹ vốn sống tại những quốc gia với
truyền thống pháp luật minh bạch và không phân biệt đối xử lại phẫn nộ bỏ phiếu
chống lại điều mà họ gọi là một hệ thống chính trị gian lận – “the system is
rigged” theo cách nói của Donald Trump trong thời gian tranh cử.
Trước tiên chúng ta cần tránh ngộ nhận giữa tâm lý bất mãn ở
Tây Phương và tình trạng vô pháp luật tại nhiều nước đang mở mang trong đó có
Việt Nam. Ở Âu-Mỹ không có các trường hợp cướp nhà đất, hối lộ cho cảnh sát
giao thông hay đút lót bôi mỡ khi đi xin chữ ký.
Dân chúng Hoa Kỳ và Âu Châu phẫn nộ vì những người bị tình
nghi khủng bố dù biết tên họ nhưng vẫn không bị bắt giữ do chưa đủ chứng cớ cho
đến khi họ đã thi hành khủng bố. Còn nếu bị bỏ tù hay mất mạng thì gia đình con
cái vẫn được nhận trợ cấp xã hội.
Các Giáo sĩ rao truyền công khai chủ nghĩa cực đoan và chống
Tây Phương lại được bảo vệ vì tự do ngôn luận.
Quốc gia có lãnh thổ nhưng tại Âu Châu thì nhà nước mất quyền
kiểm soát biên giới (do Hiệp ước Shenzen) trong lúc ở Mỹ chính quyền bị lên án
khi ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp.
Nhiều thành phố công khai không thi hành luật pháp khi tuyên
bố dung dưỡng cho những người nhập cảnh lậu (sanctuary city). Di dân bất hợp
pháp (illegal immigrants) được gọi tránh né thành di dân không giấy tờ
(undocumented immigrants) để không bị xem là vi phạm pháp luật.
Hôn nhân đồng tính và LGBT được luật pháp và truyền thống
dòng chính (mainstream media) che chở trong lúc tôn giáo và truyền thống xã hội
bị thay thế dần bằng một khuôn khổ tự do (liberal order) từ học đường ở cấp Tiểu
học cho đến ngoài xã hội.
Tóm lại, những người bỏ phiếu cho Brexit, Trump và Marie Le
Pen không phải chỉ gồm giới thợ thuyền mất công ăn việc làm mà còn thuộc giới
trung lưu cánh bảo thủ (conservative) chống lại làn sóng tự do toàn trị (liberal
hegemony) vốn đang xoá bỏ biên giới và tinh thần quốc gia. Luật pháp và truyền
thông nhằm phục vụ công dân nhưng lại trở thành công cụ cho giới tinh hoa
(elite) bảo vệ cho một ý tưởng (ideology). Cho nên mới có sự phẫn nộ từ thợ
thuyền và giới trung lưu chống lại giai tầng quyền thế và trí thức vì hai giới
này đang đi xa rời quần chúng.
Tại Hoa Kỳ có khoảng 30% dân chúng bảo thủ, 30% cấp tiến và
số còn lại ở giữa hay không quan tâm đến thời cuộc. Trong các cuộc tranh luận
thì những tiếng nói ồn ào cực đoan lại được nhắc đến nhiều nhất nên hai cánh đối
nghịch ngày càng bị áp lực không thể dung hòa được với nhau. 40% thuộc cánh
trung trở nên quyết định cho các cuộc bầu cử, dù vậy số người này tuy có lá phiếu
nhưng tiếng nói lại rất yếu ớt trong cả truyền thông dòng chính lẫn dòng ngược.
Trào lưu chính trị tại Tây Phương là một cuộc chiến bao gồm
cả kinh tế lẫn văn hóa, nên dù không đẫm máu nhưng cũng không khoan nhượng giống
như tranh chấp giữa hai tư tưởng Tự Do và Cộng Sản vào thế kỷ 20.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét