Đỗ Tùng lược dịch
Tác giả Gordon G. Chang
Cui Tiankai, đại sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ, nói với tờ China Daily, tờ báo tiếng Anh chính thức của Bắc Kinh, "Tôi cam đoan với những người có ý định khai chiến một cuộc chiến tranh thương mại. Chúng tôi chắc chắn sẽ đánh trả. Chúng tôi sẽ trả đũa. Nếu người ta muốn chơi khó, chúng tôi sẽ chơi khó với họ và xem ai sẽ tồn tại lâu hơn."
Hầu hết cho rằng, khi mà tình trạng căng thẳng mậu dịch tăng lên, Trung Cộng sẽ tồn tại lâu hơn Hoa Kỳ - tuy nhiên chính nước Mỹ, vì đã quen thuộc với việc liên tục thâm hụt thương mại và vì những lý do khác, cuối cùng Mỹ sẽ thắng thế.
Hiệu lực vào ngày Thứ sáu này, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên thép và nhôm từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Trung Cộng, theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962.
Đáng chú ý hơn, hôm thứ Năm ông Trump ký một bản ghi nhớ, theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, sẽ dẫn tới việc đánh thuế đối với hàng hóa Trung Cộng trị giá khoảng 60 tỷ đô la. Đồng thời, Trump chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét việc áp đặt các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Cộng vào Mỹ.
Hầu hết các phản ứng trên khắp thế giới đều là tiêu cực. Các nhà quan sát, các nhóm thương mại, và những người khác lo lắng rằng Trump đang bắt đầu một cuộc chiến thương mại. Thị trường hoảng sợ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1149 điểm vào thứ Năm và thứ Sáu, trụt 4.66% so với ngày thứ Tư. Các sàn giao dịch châu Á cũng giảm mạnh vì lo ngại chiến tranh thương mại.
Sự việc chắc chắn giống như một cuộc chiến tranh thương mại đang manh nha. Để trả đũa mức thuế trong điều 232 của Trump, Bộ Thương mại Trung Cộng hôm thứ Sáu đã thông báo mức thuế 15% và 25% đánh lên 128 loại sản phẩm của Mỹ có trị giá gần 3 tỷ Mỹ kim.
Đồng thời các quan chức Trung Cộng đang đe dọa, đặc biệt là hứa sẽ không mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ hoặc giảm mua nợ của Ngân khố Hoa Kỳ.
Các chuyên gia tin rằng Trung Cộng nắm giữ nhiều lợi thế hơn đã bỏ qua những thực tế quan trọng. Thứ nhất, TC ngày càng phụ thuộc nhiều vào sự tiếp cận thị trường Mỹ. Trong năm 2016, 68% số thặng dư thương mại của Trung Cộng liên quan đến doanh số bán hàng vào Hoa Kỳ. Trong năm 2017 con số đó tăng lên 88,8%. Như lịch sử đã chứng minh, các quốc gia thặng dư thương mại thường bị thua thiệt nhiều hơn trong các cuộc chiến thương mại.
Do đó, nói chung Bắc Kinh dễ tổn thương khi bị Washington lấn áp. Alan Tonelson, nhà phân tích thương mại độc lập ở Washington, D.C., đã hỏi trong mục bình luận đăng ở báo The Daily Beast vào cuối tuần qua, "Nếu thương mại không quan trọng với Trung Cộng, tại sao việc khai thác trục lợi về thương mại của Trung Cộng lại kéo dài quá lâu và dưới rất nhiều hình thức khác nhau?"
Điểm thứ hai, nền kinh tế Mỹ lớn hơn nhiều so với Trung Cộng. Bắc Kinh tuyên bố tổng sản phẩm trong nước là 12,84 nghìn tỷ đô la vào năm 2017. Nền kinh tế Mỹ đạt con số 19,39 nghìn tỷ đô la năm ngoái.
Số liệu GDP của Trung Cộng chắc chắn là phóng đại quá mức vì, đặc biệt trong hai năm gần đây, mức tăng trưởng thực sự của nước này chỉ bằng một nửa so với con số báo cáo của Cục thống kê quốc gia. Nền kinh tế của Hoa Kỳ vào lúc này trên thực tế đang tăng trưởng nhanh hơn so với Trung Cộng.
Không cần nói cũng hiểu rằng các nền kinh tế lớn có thể chèn ép những nền kinh tế nhỏ, nhất là khi chênh lệch nhiều như vậy.
Điểm thứ ba, nền kinh tế Mỹ cho dù có những khuyết điểm vẫn ổn định, trong khi nền kinh tế của Trung Cộng trong hầu hết lãnh vực đều đang ở trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nợ nần. Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Cộng nằm trong khoảng từ 350% đến 400%, tùy theo cách tính số nợ kín.
Người dân Trung Cộng lo âu về tình trạng kinh tế là nguyên nhân dẫn đến việc chuyển tiền ra nước ngoài vào những năm 2015 và 2016, ước tính lên đến 2,1 nghìn tỷ đô la. Sau đó các biện pháp kiểm soát tiền bạc khắt khe bắt đầu vào mùa thu năm 2016 đã ngăn chặn dòng vốn ào ạt tuôn ra nước ngoài.
Về mặt này, Bắc Kinh đã bán trái phiếu của Ngân khố Mỹ từ giữa năm 2014 để bảo vệ đồng nhân dân tệ, và điều này đã không gây ra bất kỳ ảnh hưởng đáng chú ý nào đối với khả năng của Mỹ trong việc cấp tiền bù đắp thâm hụt. Đại sứ Cui của Trung Cộng có thể đe dọa bán đô-la Mỹ để trả đũa việc đánh thuế của Trump như đã tuyên bố vào tuần trước, nhưng chính phủ của ông ta hoặc là phải bán đổ bán tháo tiền đô la hoặc kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền lưu thông. Việc kiểm soát dòng tiền chỉ hữu hiệu trong thời gian ngắn, do đó việc bán đô la rồi sẽ xảy ra, bất kể Trump làm gì về thương mại.
Ngoài việc bỏ qua yếu tố cân bằng quyền lực cơ bản giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, các chuyên gia trong những ngày gần đây đã đưa ra các lập luận không thuyết phục. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào các điểm do Joseph Stiglitz của Đại học Columbia đưa ra. Theo China Daily, nhà kinh tế này nói rằng "chính phủ Hoa Kỳ khó có thể làm gì được vì nước Mỹ rất phụ thuộc vào hàng nhập cảng giá rẻ."
"Ví dụ, nếu thuế suất đối với hàng may mặc và hàng dệt may của Trung Cộng tăng, chi phí sinh hoạt ở Mỹ sẽ tăng lên, và Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất, do đó làm kinh tế chậm lại và gây ra thất nghiệp", ông Stiglitz phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Cộng ở Bắc Kinh.
Chúng tôi nghe thấy một biến thể của lập luận này khi các nhà bán lẻ ở Mỹ, các chính trị gia, và những người khác cho rằng thuế của Trump sẽ trừng phạt người tiêu thụ Mỹ, vì những người này đã quen với việc mua hàng giá rẻ.
Tuy nhiên các nhà quảng cáo của Trung Cộng đã nói với chúng ta trong suốt nửa thập kỷ rằng TC không còn là nhà sản xuất chi phí thấp nhất của nhiều mặt hàng. Lấy ví dụ của Stiglitz về quần áo. Vào đầu thế kỷ này, khoảng 90% hàng may mặc được bán tại Walmart sản xuất tại Trung Cộng. Vào cuối năm 2012, sự chênh lệch giữa Trung Cộng và phần còn lại của thế giới hầu như đảo ngược. Vợ tôi khám phá ở các tiệm Walmarts tại địa phương của chúng tôi rằng những thứ mang nhãn hiệu George (là nhãn hiệu của Walmarts) đều được sản xuất ở Bangladesh. Áo quần ngủ hiệu Simply Basic đến từ Campuchia. Các mặt hàng có nhãn hiệu Hanes được may ở Guatemala và El Salvador. Hiệu áo quần jeans Wrangler được nhập cảng từ Nicaragua, và quần áo hiệu Fruit of the Loom đến từ Honduras. Còn áo quần hiệu Danskin thì được làm ở Trung Đông và Châu Phi: như Jordan, Ai Cập, và Kenya.
Thuế của Trump đối với hàng may mặc hoặc các mặt hàng khác, ngay cả khi nó làm cho hàng hóa của Trung Cộng đắt hơn hoặc không có, sẽ không làm tăng chi phí đáng kể sau một hoặc hai tháng. Người Mỹ sẽ mua các mặt hàng giá rẻ từ các nhà sản xuất khác mà lâu nay đã đánh bay hàng Tàu.
Thứ hai, Stiglitz cũng có lập luận là "các xã hội độc tài chịu đựng giông tố giỏi hơn". Theo tờ China Daily tóm tắt thì Stiglits nói, "Trung Cộng có vị thế tốt hơn và có nhiều công cụ hơn Hoa Kỳ để chịu đựng sự xáo trộn về kinh tế nếu căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng. Trung Cộng có nhiều khả năng chỉ đạo một số bộ phận của nền kinh tế vì TC càng ngày càng chuyển sang nền kinh tế đáp ứng nhu cầu nội địa và nó có thể sử dụng các dự án của chính phủ để tăng nhu cầu trong những khu vực có thể bị ảnh hưởng của thuế quan."
Đúng là Trump trong một nền kinh tế thị trường tự do không thể làm được điều Stiglitz nói Bắc Kinh có thể đạt được. Tuy nhiên, nhà kinh tế đoạt giải Nobel này hiểu lầm những gì đã và đang xảy ra ở Trung Cộng.
Ngay cả khi số liệu thống kê của Bắc Kinh về sự đóng góp của tiêu dùng vào sản lượng kinh tế là chính xác - mặc dù điều này rất khó tin - thì tiêu dùng vẫn không phải là động lực tối hậu thúc đẩy tăng trưởng ở Trung Cộng. Động cơ căn bản vẫn là đầu tư. Tiêu thụ ở Trung Cộng giảm bất cứ khi nào Bắc Kinh làm giảm dòng đầu tư của nhà nước. Và vì lo ngại nợ nần, các nhà kỹ trị Trung Cộng đang mất dần khả năng tạo ra sự tăng trưởng bằng cách đầu tư.
Trong nhiều thập kỷ, tính chính danh của nhà nước TC hoàn toàn dựa vào khả năng tạo sự thịnh vượng liên tục. Trump không chỉ đe dọa nền kinh tế Trung Cộng mà còn đe dọa hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản. Điều đó là động cơ rất quan trọng khiến các nhà lãnh đạo Trung Cộng muốn kềm chế các biện pháp trả đũa.
Thứ ba, các nhà phân tích thích nêu rằng Trung Cộng có thể trả đũa bằng cách không mua các sản phẩm của Hoa Kỳ. Colin Grabow của Viện Cato viết đăng trên trang web của The National Interest như sau: "Các công ty Mỹ không có ích lợi gì từ một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng, nhưng Airbus và nông dân Brazil đều thèm thuồng triển vọng này. Người Mỹ sẽ trả giá cho chính sách cứng rắn của Trump đối với Trung Cộng."
Các nhà điều hành của Boeing và các nhà sản xuất đậu nành Mỹ có lý khi lo lắng, nhưng chắc chắn họ biết thị trường thế giới hoạt động như thế nào. Nếu Trung Cộng không mua đậu nành từ Mỹ và thay vào đó mua từ Brazil, thì các nhà sản xuất Mỹ sẽ bán đậu nành cho Brazil.
Hiện tại chỉ có bấy nhiêu đậu nành trên thế giới và cũng chỉ có bấy nhiêu máy bay thương mại được sản xuất mỗi năm. Các hãng hàng không và các công ty cho thuê máy bay không thể chờ Airbus nhiều năm khi sản xuất của Airbus phải chuyển hướng sang Trung Cộng để thay thế cho Boeing. Trong hầu hết các trường hợp như thế, khách hàng Airbus sẽ chọn máy bay Boeing để đáp ứng nhu cầu trước mắt của mình.
Nói tóm lại, Trump nắm giữ những con bài lớn khi phải đối phó với Trung Cộng, và khác với những người tiền nhiệm, Trump biết điều đó.
Vì vậy, vâng thưa ngài Đại sứ Cui, chúng tôi sẽ xem ai tồn tại lâu hơn nếu ngài chọn đụng độ với vị tổng thống số 45.
Nguồn: https://www.thedailybeast.com/why-china-will-lose-a-trade-war-with-trump
Nguồn: https://www.thedailybeast.com/why-china-will-lose-a-trade-war-with-trump
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét