Những kiện hàng thế này sẽ dần trở nên quen thuộc với người Việt Nam.
(Hình: Getty Images)
Amazon sẽ cạnh tranh trực diện với
tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma khi vào hoạt động ở Việt
Nam từ Tháng Ba, năm 2018, như dự trù. Đó là thực trạng khi những đại công ty
xuyên quốc gia cùng nhắm vào thị trường nhiều tiềm năng ở Việt Nam và Đông Nam
Á.
Alibaba do Jack Ma (Mã Vân) sáng
lập năm 1999 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, hoạt động về
thương mại điện tử, đấu giá trực tuyến, chiếm lĩnh vị trí số 1 tại thị trường
khổng lồ ở quốc gia 1.3 tỷ dân này.
Sau gần 20 năm, Alibaba Group đã
thiết lập được một hệ thống các websites hùng hậu bao gồm: Taobao.com,
Tmall.com, Alipay.com, 1688.com, AliExpress.com, Tudou.com,
globalbizcircle.com… Đối thủ duy nhất của Alibaba có tầm cỡ ở Trung Quốc là
JD.com. Chủ tịch Jack Ma đứng trong “top ten” của Forbes về các tỷ phú với tài
sản khoảng $42 tỷ.
Amazon, con sông ở Nam Mỹ có lưu
lượng lớn nhất thế giới, được chọn làm tên cho công ty thương mại trên mạng điện
tử thành lập năm 1994 đặt trụ sở tại Seattle, WA. Thoạt đầu Amazon.com chuyên
bán sách trên mạng, sau đó đa dạng hóa các mặt hàng trở thành nhà bán lẻ trực
tuyến thành công nhất ở thời đại cách mạng thông tin.
Amazon.com, Inc. là công ty bán
hàng lẻ trên mạng đứng đầu thế giới tính theo thu nhập (revenue) và giá trị vốn
hóa thị trường (market capitalization), đứng thứ nhì sau Alibaba Group về tổng
doanh số bán (total sales).
Amazon đã vượt qua Walmart năm
2015 về giá trị vốn hóa thị trường và là công ty sử dụng nhiều nhân công hàng
thứ 8 tại Mỹ. Năm 2017, Amazon mua hệ thống chợ Whole Foods Market với giá
$13.4 tỷ, số tiền lớn nhất mà một công ty đã bỏ ra để sáp nhập một doanh nghiệp
khác, chứng tỏ ý muốn khống chế cả lãnh vực cửa hàng bán lẻ kiểu cổ điển.
Amazon cũng như Alibaba trước đó, tin rằng mua sắm theo lối truyền thống vẫn tiếp
tục bền vững bên cạnh lối mua hàng trên mạng.
Sáng lập viên Jeff Bezoff giữ chức
vụ chủ tịch kiêm tổng giám đốc, nắm 16% cổ phần, theo Forbes hiện nay là người
giầu nhất thế giới, tài sản $112 tỷ.
Ba quả cầu bằng kính để làm vườn cây đang được xây dựng tại trụ sở
trung ương của Amazon ở Seattle, sẽ hoàn thành năm 2018. (Hình: David
Ryder/Getty Images)
Amazon có hệ thống bán hàng trên
mạng toàn cầu với các website riêng biệt ở các nước Bắc Mỹ (Mỹ, Canada,
Mexico), Nam Mỹ (Brazil), Australia, Âu Châu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh,
Hòa Lan), Á Châu (Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Singapore). Sau Singapore năm 2017,
Việt Nam là quốc gia thứ 16 Amazone dự tính mở chi nhánh hoạt động bắt đầu từ
Tháng Ba, năm 2018.
Thương mại điện tử ở Việt Nam phổ
biến từ đầu thập niên này, khi trào lưu mua hàng qua mạng được nhiều người trẻ
lựa chọn. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có đầy đủ những điều kiện thuận lợi
để thương mại điện tử phát triển, bao gồm dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet
cao (với khoảng 1/3 dân Việt Nam truy cập Internet), tỷ lệ website có tính năng
đặt hàng trực tuyến là 58% và tính năng thanh toán trực tuyến là 15%.
Theo đánh giá của VECOM và những
hãng nghiên cứu quốc tế, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử luôn luôn ở mức
cao, lên đến hơn 20% năm 2017 và sẽ tăng hơn nữa vào giai đoạn 2018-2020. Trong
vòng 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam dự doán sẽ có
thể đạt tới $10 tỷ. Do đó, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng và hấp dẫn
đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trên thế giới. Nhưng Bộ Công
Thương cho biết doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ chiếm chưa tới
3% tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn quốc.
Các hãng thương mại điện tử thành
lập ở Việt Nam không phát triển được, tầm mức hoạt động chỉ giới hạn trong một
quy mô nhỏ vì không có nguồn sản phẩm ổn định cũng như thiếu hai yếu tố căn bản
của thương mại điện tử là hệ thống giao hàng và thanh toán. Năm vừa qua, thị
trường đã chứng kiến hàng loạt hãng thương mại điện tử bỏ cuộc. Xu hướng hoạt động
trong lãnh vực này bây giờ là sáp nhập, tập trung vào trong tay những công ty lớn
như Alibaba đã có mặt từ lâu và nay đến Amazon.
Chiến lược mà Amazon công bố khi
vào Việt Nam không chủ trương thu nạp các công ty thương mại điện tử lớn như
trường hợp đã làm ở Ấn Độ. Lý do dễ hiểu là Việt Nam có hàng trăm hãng thương mại
điện tử cỡ nhỏ, nhưng các hãng lớn đều thuộc về hai đại công ty Trung Quốc:
Alibaba và đối thủ JD.com. và họ lấn lướt các đối thủ bản địa.
Các phân tích gia cho rằng, Amazon
phải có một chiến lược khác, không thể cứ cắt cử một vài lãnh đạo cấp cao từ Mỹ
sang, rồi tự xây dựng hệ thống tiếp vận giao hàng hỏa tốc, trong khi điều kiện
giao thông chưa đủ tốt tại Việt Nam. Amazon chưa tiết lộ toàn bộ chiến lược hoạt
động ở Việt Nam, nhưng người đại diện của công ty nói rằng, họ không có lối suy
nghĩ của một đối thủ đi cạnh tranh thị phần, mà chỉ tập trung vào lợi ích và sự
thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên, cách giải thích ấy cũng đủ cho người ta
hiểu rằng, trong cạnh tranh Amazon muốn tận dụng thế mạnh của mình, tại những
thị trường ngoài Trung Quốc, mà Alibaba có nhiều nhược điểm.
Do đó, bước đầu của Amazon là hợp
tác với Hiệp Hội Thương Mại Điện Tử Việt Nam (VECOM), trong hoạt động nghiên cứu
và phân tích thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam.
Trụ sở trung ương của Alibaba Group ở Hàng Châu, Trung Quốc. (Hình:
Alibaba)
Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch
VECOM cho biết, đây là lần đầu tiên VECOM gồm 140 thành viên, hợp tác với một
công ty thương mại điện tử nước ngoài là Amazon. Theo ông, Amazon khởi đầu màn
gia nhập thị trường Việt Nam, bằng một chương trình hỗ trợ xuất cảng hàng hóa,
cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời Amazon muốn gia tăng mãi lực cho lượng
sản phẩm có sẵn của họ.
Amazon vào Việt Nam chậm hơn
Alibaba và JD.com. của Trung Quốc, nhưng kết quả cạnh tranh chưa thể nói trước
được vì Amazon có một số lợi thế hơn hẳn các đối thủ.
Dân Việt có tâm lý ưa chuộng hàng
Mỹ và không thích sản phẩm Trung Quốc, vì không tin cậy sự ngay thẳng trong
thương mại, đồng thời dân chúng luôn mang tinh thần chống Trung Quốc. Alibaba lại
đã có nhiều tai tiếng về bán hàng giả, điều này là một yếu tố quan trọng trong
sự phát triển nhanh chóng của Alibaba. Hàng Amazon đa dạng về chủng loại, bảo đảm
về phẩm chất, tương xứng với giá cả, được ưa thích trên toàn thế giới nên trong
sự cạnh tranh dễ dàng vượt hàng của các công ty Trung Quốc.
Tháng Chín, năm 2015, Amazon loan
báo: công ty dịch vụ công nghệ thông tin FPT là đối tác duy nhất của AWS tại Việt
Nam. AWS (Amazon Web Service), được định nghĩa theo kỹ thuật là “dịch vụ điện
toán đám mây” (Cloud computing service) với những chức năng bao gồm tính toán
(computing), lưu trữ (storage), bảo mật, phân tích dữ liệu, dịch vụ trí tuệ
nhân tạo (Al), nền tảng Internet Vạn Vật (Internet of Things).
Đến nay, đã có một ít sản phẩm tiểu
thủ công nghệ của Việt Nam, được Amazon bán trên thị trường thế giới như: chổi
bông cỏ, tranh dân gian Đông Hồ, nón lá và cả mũ cối bộ đội có đủ lưới ngụy
trang và phù hiệu…
Tại Việt Nam có thể tự mua hàng
Amazon từ Mỹ, nhưng phương cách này có nhiều khó khăn trở ngại, về thanh toán,
thuế và gởi hàng về. Hàng của Amazon và các gian hàng có tại kho của Amazon, được
giao tới 80 quốc gia trên thế giới nhưng không có Việt Nam, trừ một số loại
sách. Do đó đặt mua hàng hộ trên Amazon và chuyển giao về Việt Nam là dễ dàng
hơn, tuy nhiên phải trả thêm lệ phí cho một hãng làm dịch vụ này như Fado.vn
Cho đến bây giờ, Alibaba vẫn dễ
bán hàng ở Việt Nam hơn, nhờ vị trí địa dư gần gũi thuận tiện và có hệ thống
thanh toán đầy đủ dễ dàng. Alibaba đã vào Việt Nam từ 2009, nhưng trong nhiều
năm, mới chỉ hướng tới khách hàng công nghiệp, bán sỉ, kinh doanh theo mô hình
B2B (Business to Business).
Hoạt động bán lẻ trên mạng ở Việt
Nam lúc đó, do Lazada chiếm giữ tới 1/3 thị phần. Lazada Group là công ty
thương mại điện tử, do Rocket Internet của Đức thành lập tại Singapore năm
2012, hoạt động theo kiểu Amazon ở các thị trường Indonesia, Malaysia,
Philippines, Thái Lan, Việt Nam.
Tới Tháng Tư, năm 2016, Alibaba đầu
tư $1 tỷ vào Lazada, theo một hợp đồng cho phép tập đoàn của Jack Ma nắm giữ cổ
phần chi phối của sàn thương mại điện tử này. Tháng Sáu, năm 2017, Alibaba nâng
cổ phần nắm giữ tại Lazada từ 51% lên 83% và đưa tổng số tiền đầu tư vào Lazada
lên hơn $2 tỷ. Bằng thương vụ này, Alibaba có thêm thị trường bán lẻ hàng tiêu
dùng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, ngoài thị trường căn bản của họ tại
Trung Quốc.
Trong thực tế thì hoạt động cụ thể
của Lazada không có gì khác trước, Lazada không núp bóng hay sáp nhập thương hiệu
và Alibaba chỉ đứng đằng sau nắm giữ chiến lược phát triển. Người tiêu dùng vẫn
mua hàng trên Lazada và chỉ có các nhà xuất nhập khẩu, mua bán lớn mới vào
Alibaba.
Nhưng những khách hàng đã mua nhiều
lần trên Lazada, phàn nàn rằng sản phẩm không được tốt, giá lúc cao hơn lúc thấp
hơn giá thị trường, có khi mua sản phẩm này Lazada giao sản phẩm khác, và không
biết hàng nào… là thật hay giả. Những khuyết điểm mà khách hàng phàn nàn ấy,
chính là yếu tố khiến cho Amazon sẽ dễ dàng chiếm phần thắng ở Việt Nam, dù đến
sau Alibaba. (Hà Tường Cát)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét