Khi đề cập đến những môi trường được xem là “an toàn”, tử tế trong một xã hội, nơi đạo đức nghề nghiệp lẫn tư cách, nhân cách ngưởi làm nghề và các mối quan hệ giữa con người với nhau phải được đặt lên hàng đầu, người ta thường nói đến hai môi trường giáo dục và y tế.
Nhưng ở Việt Nam bây giờ, hai môi trường này đã bị bạo lực hóa, bị tha hóa nặng nề về mặt đạo đức.
Môi trường giáo dục-từ nhà trẻ, trường mẫu giáo cho tới trung học, không còn an toàn nữa. Thứ nhất là cho trẻ em, cho học sinh. Những câu chuyện về các cô giữ trẻ tại nhà cho tới cô giáo mầm non, mẫu giáo…tại các cơ sở, trường mẫu giáo chính thức, bạo hành trẻ từ quát mắng, đút ăn, tắm rửa một cách thô bạo cho tới đánh đập, thậm chí có những trường hợp trẻ bị tử vong do bạo hành…không cỏn hiếm hoi gì nữa.
Học sinh lớn hơn, cấp một, hai, ba cũng bị thầy cô chửi mắng, làm nhục, tát tai…Có những em đã lén quay video cảnh cô giáo đứng chửi mắng học sinh bằng những lời lẽ hết sức nặng nề, có em không chịu nổi và tự vẫn (Hải Phòng: “Nghi án học sinh tự tử vì thầy giáo mắng”, Đời Sống&Pháp Luật, Sóc Trăng: “Nam sinh lớp 6 tự vẫn vì bị cô giáo mắng oan?”, Dân Trí, “Nữ sinh nhảy lầu tự tử vì chuyện... chép phạt” và bị cô giáo nhục mạ, Dân Trí…)
Bên cạnh đó là những câu chuyện về những đứa trẻ thơ cho đến học sinh bị xâm hại tình dục ngay dưới mái trường, bởi những con người trong môi trường sư phạm, từ ông bảo vệ (“Phẫn nộ những vụ bảo vệ nhà trường xâm hại học sinh gây hoang mang dư luận”, Gia Đình) cho tới người thầy đứng lớp. Chỉ cần search google cụm từ “thầy giáo xâm hại học sinh” sẽ có hàng loạt kết quả. Ví dụ: “An Giang: Thầy giáo thể dục xâm hại nữ sinh lớp 8 nhiều lần”, Báo Mới; Quảng Nam: “Thầy giáo bị điều tra vì xâm hại học sinh lớp 3”, VietnamNet, Sa Pa: “Thêm một vụ học sinh Tiểu học ở Lào Cai tố bị thầy giáo dâm ô”, VOV, Hà Nội: “Vụ thầy giáo bị tố xâm hại nữ sinh ở Ứng Hòa: Đã có quyết định kỷ luật”, Việt Nam Mới v.v…
Ngay cả người đứng đầu một ngôi trường cũng không tử tế. Dư luận vẫn còn nhớ vụ án chấn động, năm 2010 ông Hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm (Hà Giang) Sầm Đức Xương bị kết án 9 năm tù vì tội mua dâm nữ sinh, đồng thời môi giới bán dâm các em nữ sinh cho một số cán bộ, quan chức của tỉnh Hà Giang! Lớn hơn một chút bước vào môi trường đại học thì lại là những câu chuyện “đổi tình lấy điểm” giữa các nữ sinh với các giảng viên, vì muốn được điểm cao trong các kỳ thi hay bảng điểm tốt khi tốt nghiệp!
Sống trong môi trường giáo dục đã bị xuống cấp nặng nề về mặt đạo đức như vậy đã ảnh hưởng đến nhiều em học sinh. Cũng không cỏn hiếm hoi gì những câu chuyện thầy đánh trò, trò đánh thầy, học trò đánh lẫn nhau, cả nam sinh lẫn nữ sinh! Rất nhiều video clip quay lại cảnh các nữ sinh đánh nhau, lột quần áo nhau, mắng chửi nhau như hàng tôm hàng cá…khiến ai xem được cũng phải lằc đầu ngao ngán!
Song môi trường giáo dục không chỉ không còn an toàn đối với trẻ em, học sinh mà ngay cả với các thầy cô! Thầy đánh trò, và trò cũng đánh thầy. Mới đây nhất là vụ một học sinh lớp 8 ở Bến Tre bóp cổ cô giáo dạy tiếng Anh ngay tại lớp học bị xử lý kỷ luật: “Đình chỉ học 1 năm nam sinh bóp cổ cô giáo”, VietnamNet. Nhưng nhiều hơn là phụ huynh đánh thầy cô! Nghệ An: “Em bị phạt, anh trai vào trường đánh thầy giáo gãy sống mũi”, VietnamNet; Đà Nẵng: “Phụ huynh tát cô giáo giữa trường vì con bị xước má”, VNExpress (đáng nói hơn, bà mẹ này cũng là một giáo viên trung học mà lại hành xử như vậy); Hải Phòng: “Gặp cô giáo bị phụ huynh “dạy dỗ” bằng dép, mũ bảo hiểm”, Gia đình&Xã hội…
Mới đây dư luận xôn xao phẫn nộ vụ một giáo viên tại Trường Tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An bị phụ huynh bắt quỳ xin lỗi 40 phút ngay tại văn phòng phó Hiệu trưởng trường, vị phụ huynh kia đã bị khai trừ đảng, bị cảnh cáo. Vụ việc chưa kịp lắng thì lại có thêm vụ khác tương tự nhưng nghiêm trọng hơn: Nghệ An “Cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ, đánh suýt sảy thai: 'Bầu thì bầu, tao đập cho chết luôn', Báo Mới! Nhưng lần này thì dư luận lại không ầm ầm lên như trước, có lẽ vì…bắt đầu quen hơn chuyện này, như đã quen dần với vô số chuyện không thể nào chấp nhận được ở nước mình!
Những câu chuyện phụ huynh hành hung, làm nhục giáo viên này thường là do con họ bị giáo viên phạt hoặc tát tai, vụt roi…Tất nhiên, giáo viên sử dụng hình phạt dù là la mắng, bắt quỳ hay tát tai, đánh học sinh là phản sư phạm, nhưng việc phụ huynh thay vì nói chuyện trực tiếp với giáo viên, với Ban Giám hiệu nhà trường, thậm chí có thể kiện thầy cô nếu những hành động của thầy cô để lại hậu quả nặng, thì vì xót con, bênh con mà hành hung giáo viên lại càng khó chấp nhận hơn. Như vậy ai còn dám khiển trách, dạy dỗ học sinh? Đặc biệt việc hành hung, làm nhục thầy cô ngay tại trường, trước mặt các học sinh, khiến lòng tự trọng nghề nghiệp của người thầy, cô đó bị tổn thương nặng nề, họ không còn đủ tự tin để tiếp tục đứng lớp nữa!
Môi trường y tế-không khác gì môi trường giáo dục ở VN, cũng không còn an toàn, cho bệnh nhân lẫn người thầy thuốc, các nhân viên cán sự y tế. Và y đức của nhiều người làm nghề y cũng bị xuống cấp lắm rồi.
Ở VN bây giờ ai cũng biết khi sinh đẻ, lúc ốm đau nặng, hoặc tai nạn cần phải giải phẫu, điều trị lâu dài, nếu không có tiền thì chỉ có chết! Có tiền để có thể vào các bệnh viện lớn, phòng khám ngoài giờ, bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế…tại các thành phố lớn, có tiền nhét vào các phong bì cho y tá, bác sĩ…để được điều trị, chăm sóc tốt hơn…Tất nhiên, không phài y bác sĩ nào cũng thế nhưng nạn “phong bì” là một thực tế, sự chênh lệch không hề nhỏ giữa điều kiện, cơ sở vật chất, điều kiện, thiết bị điều trị, chất lượng y bác sĩ giữa các bệnh viện khác nhau, giữa thành phố lớn với tỉnh lẻ, vùng quê là một thực tế.
Nhưng ngay cả khi đã có tiền, sức khỏe, sinh mạng của sản phụ, trẻ sơ sinh, bệnh nhân…cũng gặp vô số rủi ro do thái độ làm việc quan liêu, cẩu thả, tắc trách hoặc tay nghề chuyên môn yếu kém của một số y bác sĩ, nhân viên y tế. Những năm qua ngành Y ở VN đã có vô số vụ tai tiếng vể y đức lẫn nghiệp vụ chuyên môn, (đọc lại bài “Ngành Y nhà sản thời mạt” (blog RFA), “Những vụ "bê bối" ngành Y chấn động cả nước”, Việt Báo, “5 sự việc gây phẫn nộ của ngành y năm 2016”, Zing.vn…)
Ngược lại, chính người thầy thuốc, các nhân viên ngành Y cũng không còn được an toàn. Từ sự tức giận trước thái độ, cách hành xử quan liêu của một số y bác sĩ, nhân viên y tế, điều kiện chữa trị không tốt hoặc từ việc con, em, chồng, vợ, cha, mẹ…bị tử vong tại bệnh viện, một số người nhà bệnh nhân đã có những hành động quá khích, không thể chấp nhận như đập phá bệnh viện, hành hung y bác sĩ…Những câu chuyện như vậy cũng trở thành “chuyện thường xảy ra” giống như chuyện phụ huynh hành hung thầy cô ngay tại trường!
Thậm chí, đã có ý kiến “Bảo vệ bác sĩ bằng thẻ thông minh” (Tuổi Trẻ) và “Ý tưởng này có thể được đưa ra triển khai lần đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội." Trong đó “Theo TS Đinh Xuân Thành, giảng viên Viện Đào tạo răng hàm mặt, ĐH Y Hà Nội - tác giả ý tưởng, thẻ thông minh có tích hợp tên bác sĩ, có nút bấm kết nối với cổng thu phát thông tin để bác sĩ báo động ngay khi có nguy cơ xảy ra bạo hành (như các vụ tấn công bác sĩ gần đây), có báo động bằng còi và tiếng nói, đồng thời định vị vị trí có nguy cơ xảy ra bạo hành để bộ phận bảo vệ tới hỗ trợ”!
Nghe bi hài, chẳng khác gì những ý kiến nên cho giáo viên mang súng đến trường để tự bảo vệ mình và bảo vệ học sinh ở Mỹ, sau hàng loạt vụ sả súng tại các trường học mà mới đây là vụ sả súng làm chết 17 người và bị thương hơn chục người khác tại một trường trung học ở Parkland, bang Florida; dẫn tới phong trào “March for Our Lives” rầm rộ tại 800 thành phố của Mỹ và nhiều nước khác hôm Chủ Nhật 24.3 vừa qua, do chính các học sinh đi đầu, đòi siết chặt, thay đổi luật về mua bán, sở hữu súng.
Tính ra, ở VN bây giờ, trong danh sách những nghề nghiệp, công việc nguy hiểm nhất như nhà báo độc lập, blogger, luật sư…do dám nói lên sự thật về thực trạng xã hội, về nguy cơ đánh mất độc lập chủ quyền vào tay Trung Cộng v.v… nên thường xuyên bị nhà cầm quyền để mắt đến, bị công an xách nhiễu, hành hung, bị bắt vào tù, kết án nặng nề…; còn có thêm hai nghề nghiệp là thầy cô giáo và y bác sĩ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét