Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

1737 - Triều Tiên : "Bất ngờ", nước cờ ưa thích của Kim Jong Un



Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un bất ngờ đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Tập Cận Bình ngày 26/03/2018.CCTV via Reuters


Bình Nhưỡng tiếp tục nước cờ ngoại giao « bất ngờ » với thế giới. Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tiếp tục cầm quyền sau năm 2023. Vladimir Putin « nhẹ nhàng » tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 4 và vụ Skripal quấy nhiễu quan hệ Nga – Phương Tây. RFI tóm lược những sự kiện nổi bật trong tháng 03/2018.

Thời sự quốc tế tháng Ba nóng bỏng không kém gì chảo lửa Trung Đông, nơi mà Syria bước vào năm thứ tám chiến sự, làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Đáng chú ý hơn cả là hồ sơ Bắc Triều Tiên, với nhiều sự kiện dồn dập xảy ra. Lãnh đạo trẻ Kim Jong Un của quốc gia Đông Á nhỏ bé, 25 triệu dân, khép kín nhất hành tinh không ngừng đưa thế giới đi từ ngỡ ngàng này sang ngạc nhiên khác.

Ngay từ đầu tháng Ba, quốc tế đã sửng sốt trước thông báo của đặc sứ Hàn Quốc, cố vấn an ninh quốc gia Chung Eun Yong, cho biết tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời gặp của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến vào tháng Năm 2018. Thông báo này được đưa ra sau khi các đặc sứ Hàn Quốc đã gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Ngay sau đó, các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên hoạt động như con thoi, đến tham vấn các nước trong vòng đàm phán 6 bên, rồi sang Thụy Điển, tới Phần Lan. Và sau một ngày đồn thổi, chính quyền Bắc Kinh ngày 27/03 khẳng định lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un  đã đi xe lửa đến Bắc Kinh, gặp chủ tịch Tập Cận Bình, trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh « không chính thức ».

Trả lời câu hỏi phóng viên Heike Schmidt đài RFI tại Bắc Kinh, ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về Chương trình Chính sách Hạt nhân, trực thuộc trường Đại học Thanh Hoa, nhận định, Kim Jong Un đến Bắc Kinh có thể là nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn của Trung Quốc trước các cuộc gặp thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hàn Quốc (27/04) và Kim Jong-Un và Donald Trump vào tháng Năm để bàn về vấn đề « phi hạt nhân hóa » bán đảo Triều Tiên.

« Tôi nghĩ là giờ đây, Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và bước vào một thời kỳ mới. Đó là cải thiện quan hệ với các nước lớn trong vùng. Trong thời gian qua, quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng do vấn đề trừng phạt kinh tế. Nhưng giờ đây, Bắc Triều Tiên rất ý thức được rằng cuộc gặp thượng đỉnh với Hoa Kỳ sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với Kim Jong Un.

Cuộc gặp có thể thất bại. Trong trường hợp này, Hoa Kỳ có thể tuyên bố rằng đàm phán đã thất bại và áp dụng các biện pháp trừng phạt khác, thậm chí cả giải pháp quân sự. Cần phải biết là hiện nay, Nhà Trắng có cả một Ban Chiến Tranh, trong đó những nhân vật như John Bolton, người mong muốn thượng đỉnh thất bại, để rồi sau đó có thể tấn công Bắc Triều Tiên.

Do vậy, có một mối nguy hiểm thực sự. Quan hệ tốt với Bắc Kinh sẽ cho phép Bình Nhưỡng cảm thấy được bảo vệ. Bởi vì việc có quan hệ tốt với Trung Quốc sẽ ngăn cản Hoa Kỳ tiến hành tấn công quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên ».

Việt Nam : Carl Vinson ghé Đà Nẵng, quan hệ Mỹ - Việt thêm sưởi ấm

Nếu như quan hệ Mỹ - Triều vẫn chưa thể hồi sinh, tại Đông Nam Á, quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ - Việt có vẻ như ấm nồng hơn. Từ ngày 05 đến ngày 09/03/2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng, Việt Nam. Giới chuyên gia đánh giá đây là một sự kiện « lịch sử, mang tính biểu tượng cao ».

Bởi vì kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, đây là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm lớn nhất và hùng mạnh nhất của Hoa Kỳ, cập một cảng của Việt Nam. Theo nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Úc, đăng ở Chuyên mục trên mạng của RFI ngày 27/02/2018, chuyến thăm này được miêu tả như là một dấu hiệu đáng kể về việc tăng cường quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự và ngày càng có những thái độ hung hăng tại những vùng lãnh hải có tranh chấp trên Biển Đông.

« Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thủy thủ đoàn bao gồm 6.000 người. Tàu sẽ được hộ tống bởi khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường với thủy thủ đoàn khoảng 370 người. Không phải tất cả số người nói trên đều đặt chân lên cảng Đà Nẵng, nhưng với số lượng thủy thủ và phi công làm việc trên hai tàu đến thăm Việt Nam, thì đây là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ sau cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam hoặc có thể nói từ sau chiến tranh Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson thể hiện sự tiến triển trong hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Các quan chức Việt Nam đã được đưa lên tàu USS John C. Stennis vào năm 2009 và tàu USS George Washington năm 2010, để quan sát các hoạt động trên tàu khi hai chiến hạm này ghé qua Biển Đông. Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất và hùng mạnh nhất của Hoa Kỳ, cập một cảng của Việt Nam. Điều này tương phản với chuyến thăm Philippines vừa qua của tàu USS Carl Vinson vì lúc đó, tàu này thả neo ở ngoài khơi, cách bờ biển 10 km. »

Trung Quốc : Tập Cận Bình lên ngôi « Hoàng đế »

Còn tại Trung Quốc, sự kiện đáng chú ý là việc Quốc Hội nước này ngày 11/03/2018 thông qua việc hủy bỏ điều khoản giới hạn 2 nhiệm kỳ 5 năm cương vị chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng được quy định trong Hiến Pháp. Như vậy với 2.958 phiếu thuận, hai chống và 3 vắng mặt, ông Tập Cận Bình nghiễm nhiên trở thành lãnh đạo trọn đời.

« Chủ tịch mãn đời », « Tân hoàng đế », « Tân độc tài » là những cụm từ được các nhật báo lớn của Pháp dùng đến nhiều nhất về việc ông Tập Cận Bình có thể tiếp tục cầm quyền sau năm 2023. Nhiều nhật báo còn ví von cho đấy là « bước đại nhảy vọt » hay « cú đảo chính Hiến Pháp » của Tập Cận Bình.

Nếu như việc ông Tập Cận Bình trở thành « ông hoàng đỏ » đã khiến cho nhiều nước trong khu vực cảm thấy bất an, lo sợ Trung Quốc bá quyền trong khu vực, thì chuyên gia Jean-Luc Domenach, giám đốc trung tâm nghiên cứu tại Sciences Po, cho rằng yêu cầu hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ còn nhằm mục đích bảo đảm đường thoái lui an toàn cho chính bản thân ông Tập Cận Bình

« Nếu như vào lúc này, ông Tập Cận Bình đề nghị có được sự thay đổi thuận lợi, đó là vì ông ta đã hướng tới giai đoạn hậu nhiệm kỳ khóa Quốc Hội hiện nay. Ông ta có lý. Bởi vì Quốc Hội khóa này sẽ hoạt động và tình hình sẽ thay đổi, thì lúc đó ông ta sẽ phải giải thích, biện minh cho những việc đã làm. Nếu vậy thì mọi việc trở nên phức tạp hơn.

Vấn đề được đặt ra lúc này liên quan đến cả kinh tế và chính trị. Bởi vì về kinh tế, Tập Cận Bình không thể mãi mãi bảo đảm duy trì được mức tăng trưởng từ 6 đến 7% như trong giai đoạn vừa qua. Thứ nữa là tại các tỉnh của Trung Quốc, có hàng loạt các đòi hỏi, yêu sách chống lại ban lãnh đạo trung ương. Đồng thời, cũng có những yêu sách trong lĩnh vực xã hội…Trong những năm tới, Tập Cận Bình sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn. Cần chú ý là việc cải thiện mức sống của người dân sẽ giảm dần và do vậy, người dân sẽ ngày càng tỏ ra không tuân thủ ông ta nữa ».

Nga : Thời kỳ Putin IV

Trung Quốc có « tân hoàng đế », Nga cũng không kém cạnh, ngấp nghé sắp có « Sa Hoàng » Putin. Tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 vẻ vang, sau khi đã gạt ra bên lề những đối thủ chính trị tiềm tàng, ông Vladimir Putin tiếp tục lèo lái con thuyền « nước Nga vĩ đại » trong một hoàn cảnh không mấy sáng sủa. Kinh tế tăng trưởng vẫn ì ạch, mức tăng dân số có hiện tượng suy giảm đe dọa an ninh quốc gia, các chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria vẫn chưa biết lúc nào có hồi kết, thêm vào đó là căng thẳng ngoại giao giữa Matxcơva với phương Tây.

Câu hỏi đặt ra : Liệu rằng tổng thống Nga có sáng suốt chọn điểm dừng cho mình sau nhiệm kỳ thứ 4 hay lại đi theo đồng nhiệm Trung Quốc, trở thành « Sa hoàng » mãn đời ? Ông Andrei Gratchev, chuyên gia về chính trị, quan hệ quốc tế, từng là phát ngôn viên cho cựu chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbatchev, nhận định :

« Đó là một cái bẫy lớn đối với Putin bởi vì người ta không thể tiếp tục lắng nghe ông ta, mà sự lắng nghe này là một dạng bảo đảm chính trị dựa trên nỗi hoài niệm của đa số người dân về sự bình yên của thời kỳ Xô Viết, về những thành quả kinh tế tốt đẹp của thời kỳ sau chiến tranh.

Đã đến lúc cần lựa chọn mô hình bởi vì vào lúc mà mô hình phương Tây dường như bị gạt bỏ thì cần phải xây dựng một mô hình khác. Về điểm này, thì còn có một khía cạnh khác của cái bẫy : đó là cái bẫy nhiệm kỳ cuối cùng.

Liệu lần này, Putin có chấp nhận ra đi khi kết thúc nhiệm kỳ, như quy định của Hiến Pháp hay ông ta lại tìm cách xoay xở như lãnh đạo Trung Quốc, có nghĩa là tìm kiếm một giải pháp khi cơ hội xuất hiện, cho phép nắm quyền vĩnh viễn ».

« Skripal » quấy nhiễu quan hệ Nga – phương Tây

Cũng liên quan đến Nga, một câu hỏi đang đặt ra là phải chăng Nga và Phương Tây đang trở về thời Chiến Tranh Lạnh ? Vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Serguei Skripal và cô con gái bị đầu độc bằng chất độc thần kinh ngay trên lãnh thổ nước Anh đang làm quan hệ giữa Matxcơva với các nước phương Tây, vốn dĩ đã căng thẳng từ việc sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào Nga, nay như sợi dây đàn bị căng quá mức.

Anh Quốc và Phương Tây cáo buộc Nga đứng sau vụ việc. Chính phủ Luân Đôn và nhiều thủ đô phương Tây khác trong tinh thần liên đới đã thông báo trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga. Câu hỏi đặt ra trong vòng xoáy cuộc chiến ngoại giao « trừng phạt – trả đũa » này, nước Nga của Vladimir Putin có lựa chọn nào khác để giải quyết cuộc khủng hoảng hay là tiếp tục tự cô lập như cáo buộc của Hoa Kỳ ? Chuyên gia Cyrille Bret, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia phân tích :

« Nga đang ở ngã ba đường. Từ hơn một chục năm lại đây, Nga là cường quốc « đập phá » quan hệ quốc tế, phản đối trật tự quốc tế hiện nay, thậm chí liên minh với Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế để phản bác trật tự quốc tế hiện hữu.

Nga hiện nay đang phải giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và muốn tỏ ra là một cuờng quốc có trách nhiệm. Nga cũng phải hành động sao cho thỏa thuận Minsk về ngừng bắn ở đông Ukraina được tôn trọng và phải tổ chức thành công giải Bóng đá thế giới sẽ diễn ra trong tháng Sáu và tháng Bẩy năm nay.

Như vậy, Nga có sự lựa chọn. Hoặc là về trung hạn, Nga sẽ có những thay đổi, thích ứng trong quan hệ với phương Tây để thực hiện thành công sự chuyển đổi từ một cường quốc « đập phá » thành một cường quốc « xây dựng ». Hoặc là Nga sẽ tiếp tục hành động, như đã làm từ 2014 đến nay, tức là cứng rắn trong quan hệ với phương Tây, thúc đẩy vòng xoáy căng thẳng mà một số người gọi là thổi làn gió chiến tranh lạnh mới, gây căng thẳng và cạnh tranh với châu Âu về địa chính trị ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét