Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

1666 - Malaysia có nên đổi tên một phần Biển Đông?

Hương Trà

Theo “The Diplomat

South-China-Sea-400x266(1).jpg
Tuần qua, báo chí Malaysia đã bàn luận về một ý tưởng công khai cho rằng Malaysia cần làm theo các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông và các bên có lợi ích liên quan là đặt lại tên cho một phần Biển Đông thuộc lãnh hải của nước này. Mặc dù cuộc thảo luận về ý tưởng không mới này có thể được xem là một phần trong suy tính hiện nay trong nội bộ Malaysia về những động thái cứng rắn hơn liên quan vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhưng động thái này sẽ là sự đối lập hoàn toàn với cách tiếp cận thận trọng và điều độ mà chính quyền Malaysia lâu nay vẫn thực hiện về vấn đề Biển Đông cũng như trong mối quan hệ với Trung Quốc nói chung.
Quan điểm trước đây của Malaysia về vấn đề Biển Đông dưới thời chính quyền của Thủ tướng Najib Razak có thể được tóm gọn tốt nhất bằng cụm từ là cách tiếp cận “chắc ăn” nhằm vừa bảo vệ những lợi ích của Malaysia vừa duy trì mối quan hệ gần gũi của nước này với Bắc Kinh. Mặc dù trong những năm qua, chúng ta chứng kiến Malaysia đã phần nào tỏ thái độ cứng rắn hơn, từ việc giới chính trị có lời lẽ mạnh mẽ hơn đến các hoạt động tuần tra vùng lãnh hải của mình thường xuyên hơn, song cách tiếp cận tổng thể của Malaysia về cơ bản không thay đổi và cũng chưa thực hiện các bước đi mạnh mẽ khác.
Thảo luận về việc đặt lại tên cho các vùng biển thuộc Biển Đông không còn mới mẻ trong khu vực. Trên thực tế, nếu Malaysia chọn cách này thì sẽ là động thái mới nhất trong hàng loạt các bước đi tương tự mà các nước Đông Nam Á khác đã làm trước đây. Hai quốc gia Đông Nam Á khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là Philippines và Việt Nam đã lần lượt gọi vùng biển này là Biển Tây Philippines và Biển Đông. Năm 2017, Indonesia vốn không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông song là một bên có quan tâm vấn đề này, đã tuyên bố đổi tên một phần vùng biển thuộc Biển Đông thuộc chủ quyền của Indonesia thành Biển Bắc Natuna.
Tuy nhiên, trong cách tiếp cận của Malaysia, nếu nước này thực sự nghiêm túc tiến tới việc đổi tên này, thì đây sẽ được xem là một minh chứng khác cho việc dần thắt chặt quan điểm của mình, có thể nói là một bước đi khá táo bạo so với những gì Malaysia làm trước đây vốn chỉ là những đề xuất mà không được chính phủ Najib thông qua. Mặc dù chi tiết về kế hoạch đổi tên này vẫn cần nhiều thời gian để xem xét và cũng chưa rõ tên chính xác sẽ là gì (liệu có theo đề nghị của một giảng viên đặt tên là Biển Raya Malaysia hay không), song việc này sẽ thể hiện sự thay đổi hoàn toàn trong cách tiếp cận hiện tại của Malaysia về vấn đề Biển Đông.
Rõ ràng, việc đặt lại tên cũng phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Malaysia sẵn sàng thực hiện các bước đi mạnh bạo hơn để tái củng cố quan điểm lâu nay của mình rằng Malaysia không công nhận tuyên bố đường “9 đoạn” của Trung Quốc. Tất nhiên, động thái này sẽ phần nào được xem là cách Malaysia đang tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với các nguồn tài nguyên năng lượng nằm dưới thềm lục địa của mình cũng như khả năng của Malaysia tiến hành các bước đi khác để tái củng cố những yêu sách như việc tuần tra lãnh hải của mình. Nếu Malaysia thúc đẩy các bước đi táo bạo mà đơn cử là đăng ký tên mới cho vùng lãnh hải với Tổ chức Thủy văn học Quốc tế thì bước đi này sẽ mang một ý nghĩa quan trọng khác khi nó nhấn mạnh thực tế rằng Malaysia đang đảm bảo rằng hành động của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cần lưu ý rằng Malaysia từ trước đến nay không phát đi những chỉ dấu cho thấy nước này sẽ có những hành động cứng rắn hơn về Biển Đông. Việc đổi tên này sẽ đánh dấu việc từ bỏ chính sách truyền thống “thận trọng” về vấn đề Biển Đông. Điều này cũng cho thấy chính quyền Najib từ bỏ quan điểm không muốn chọc giận Bắc Kinh về Biển Đông vì sợ có thể làm phương hại tiến triển của các vấn đề khác trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Trước đó, khi được hỏi về một danh sách các hành động được xem là một phần của đường lối cứng rắn hơn về Biển Đông, một số quan chức Malaysia đáp rằng những hành động cứng rắn này có thể chưa khả thi vào thời điểm hiện nay song có thể khả thi trong tương lai khi Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp này. Nếu điều đó xảy ra, thì Malaysia sẽ trở thành một quốc gia Đông Nam Á tiếp theo thúc đẩy một chính sách Biển Đông cứng rắn hơn trước các hành động của Trung Quốc, chứ không còn là một quốc gia lo ngại chọc giận Bắc Kinh cho dù Trung Quốc không hề tỏ ra dè chừng trong mọi hành động của mình.
Cuối cùng, điều đáng ghi nhận là việc đặt tên này có ý nghĩa quan trọng khi các hành động pháp lý khó có thể ngăn chặn tính quyết đoán của Bắc Kinh với các nước như Malaysia. Ví dụ phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines về Biển Đông, các động thái pháp lý cần được song hành với các hành động ở những lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực quân sự và kinh tế, nếu muốn những động thái pháp lý này được thực thi và được Bắc Kinh tuân thủ. Cuộc thảo luận về ý tưởng đổi tên này đặt ra một thách thức thực sự cho Malaysia: Đó là mặc dù Malaysia có thể chắc chắn thực hiện động thái pháp lý như vậy nhưng năng lực quân sự của Malaysia vẫn còn khá hạn chế và chính quyền Najib sẽ vẫn do dự để tiến tới các hành động như giới hạn đáng kể hoạt động kinh tế với Bắc Kinh. Thế nhưng, đây lại là những hành động sẽ giúp cho việc đổi tên không đơn thuần chỉ dừng lại ở ý nghĩa biểu tượng cho sự phản đối Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét