Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

1682 - Ngày 29/03/1917: Thủ tướng Thụy Điển từ chức vì thân Đức

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng




Vào ngày này năm 1917, Thủ tướng Hjalmar Hammarskjold của Thụy Điển – cha của vị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nổi tiếng, Dag Hammarskjold – đã từ chức sau khi chính sách trung lập nghiêm ngặt của ông trong Thế chiến I –  trong khi vẫn tiếp tục quan hệ thương mại với Đức, vi phạm lệnh phong tỏa của Đồng minh – dẫn đến nạn đói lan rộng và bất ổn chính trị ở Thụy Điển.
Hjalmar Hammarskjold có xuất thân là giáo sư chuyên ngành luật, sau đó chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực chính trị và từng là đại diện cho Thụy Điển tại Công ước Hague về Luật Quốc tế năm 1907. Năm 1914, ông được Vua Gustav V của Thụy Điển đề nghị trở thành Thủ tướng sau khi một chính phủ dân cử bị phản đối và bị đánh bại bởi các lực lượng bảo thủ. Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, Hammarskjold đã theo đuổi một chính sách trung lập nghiêm ngặt trong chiến tranh, nhưng tiếp tục quan hệ thương mại với Đức và do đó làm cho đất nước và người dân của mình gặp khó khăn vì phong tỏa của Hải quân Đồng minh tại Biển Bắc, bắt đầu từ tháng 11/1914.
Mặc dù quân Đồng minh và nhiều người ở Thụy Điển nhìn nhận chính sách trung lập của Hammarskjold thực ra là một chính sách thân Đức, bản thân vị Thủ tướng lại coi đó là một “sản phẩm” cần thiết cho nguyên tắc vững chắc của ông về luật pháp quốc tế. Ông tin rằng sự hy sinh của Thụy Điển trong chiến tranh sẽ chứng minh rằng họ không phải là một quốc gia cơ hội mà là một đất nước công bằng; điều này sẽ đưa họ lên vị thế cao hơn sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, trong thực tế, chính sách của ông và nạn đói mà nó gây ra đã làm tổn hại đến Hammarskjold. Mối liên hệ của ông đối với chế độ quân chủ và các lực lượng phản động của Thụy Điển cũng gây tác động tương tự khi mà một phong trào hướng tới nền dân chủ nghị viện đích thực đang phát triển ở Thụy Điển.
Năm 1917, Hammarskjold bác bỏ đề xuất về một hiệp định thương mại chung với Anh do Marcus Wallenberg, anh trai của Ngoại trưởng Knut Wallenberg, làm trung gian. Hiệp định này vốn dĩ có thể mang lại sự trợ giúp kinh tế rất cần thiết cho Thụy Điển. Với sự mâu thuẫn rõ ràng giữa Hammarskjold và Wallenberg, Thủ tướng đã mất đi sự ủng hộ của ngay cả các đồng minh cánh hữu thân cận nhất trong Quốc Hội và buộc phải nộp đơn từ chức vào cuối tháng 03/1917. Người kế nhiệm ông là Carl Swartz, một thành viên bảo thủ của Quốc Hội, nhưng ông này cũng chỉ phục vụ được 7 tháng. Tháng 10/1917, Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, và Nils Eden trở thành Thủ tướng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét