Ảnh KRT/via REUTERS
Ngày 28/03/2018, nhân chuyến thăm Bắc Kinh gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cam kết « phi hạt nhân hóa » bán đảo Triều Tiên. Theo quan điểm của giới chuyên gia, lãnh đạo Kim Jong Un đã khôn khéo sử dụng « phi hạt nhân » như là một « vũ khí ngoại giao » để đàm phán.
Một tuyên bố gây sốc ? Xin thưa rằng không. Đó chẳng qua là
« bình mới rượu cũ ». Giới chuyên gia nhắc lại lập trường của Bình Nhưỡng rất
rõ ràng và không thay đổi : Bắc Triều Tiên « phi hạt nhân » khi nào những điều
kiện đưa ra được thỏa mãn. Thế nhưng, Seoul và Washington sẽ khó có thể chấp nhận
những đòi hỏi của Bình Nhưỡng vì các bên không có cùng khái niệm về « phi hạt
nhân », theo như giải thích của thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tại Seoul
:
« Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là điểm quan trọng nhất
trong chương trình nghị sự của chúng tôi và chúng tôi sẽ tập trung thảo luận vấn
đề này. Trưởng phái đoàn Hàn Quốc, ông Cho Myong Gyon, bộ trưởng bộ Thống Nhất,
đã tuyên bố như trên, trước khi tham dự cuộc gặp Liên Triều ở khu vực phi quân
sự, biên giới giữa hai nước.
Thế nhưng, trước tiên, hai miền Triều Tiên phải thống nhất với
nhau về định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa. Khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim
Jong Un, trong chuyến công du Bắc Kinh, nói đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo
Triều Tiên, ông ta sử dụng một công thức không phải là mới và đối với chính quyền
Bình Nhưỡng, điều này trên thực tế có nghĩa là Hàn Quốc và Nhật Bản không còn
được che chở bởi ô hạt nhân của Hoa Kỳ và quân lính Mỹ phải rút ra khỏi Hàn Quốc.
Đối với Seoul và Tokyo, thì đó là những đòi hỏi không thể chấp
nhận được. Điều này báo hiệu là các cuộc đàm phán sẽ khó khăn. Cuộc gặp thượng
đỉnh liên Triều được dự kiến vào ngày 27/04 tới sẽ cho phép biết rõ hơn những ý
định thực sự của Bình Nhưỡng và những thỏa hiệp mà chính quyền Bắc Triều Tiên sẵn
sàng nhượng bộ ».
Giờ đây, vũ khí « phi hạt nhân » vẫn được đời thứ ba dòng họ
Kim tiếp nối, nhưng một cách khôn khéo hơn. Kim Jong Un chủ động lên tiếng trước
tiên muốn có một gặp thượng đỉnh Bắc Triều Tiên - Hàn Quốc, rồi sau đó là thượng
đỉnh Kim Jong Un - Donald Trump, mà không cần điều kiện tiên quyết như các bậc
tiền bối từng làm : Đó là chỉ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán khi nào Hoa Kỳ
đáp ứng các điều kiện của Bắc Triều Tiên.
Sở dĩ, Bình Nhưỡng có thể thực hiện những bước đi ngoại giao
ngoạn mục như vậy là vì Kim Jong Un đã chứng tỏ cho cộng đồng thế giới thấy được
khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Triều Tiên sau một loạt các vụ thử hạt nhân và
tên lửa đạn đạo, đồng thời ông ta cũng khẳng định được vị thế của mình trong nội
bộ ban lãnh đạo, theo như nhận định của chuyên gia Antoine Bondaz khi trả lời
France 24.
Chiến lược ngoại giao này được lãnh đạo Bắc Triều Tiên mở
màn bằng việc tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc, và tiếp đến có thể sẽ
là các cuộc gặp thượng đỉnh với từng lãnh đạo các nước tham gia đàm phán 6 bên.
Sau cuộc gặp bất ngờ lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hôm thứ Hai
(26/03), lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (27/04)
và có thể tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5, vậy thì tại sao lại không có
Kim - Putin, Kim - Abe ?
Ông Sebastian Harnisch, chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc đại
học Heidelberg của Đức, cho rằng mục đích giơ củ cà rốt « phi hạt nhân » của
Bình Nhưỡng là nhằm lần lượt lôi kéo các bên ngồi lại vào bàn đàm phán và thúc
đẩy các nước này phải có những nhượng bộ. Và điều này có thể sẽ mang lại cho chế
độ một tính chính đáng trên trường quốc tế.
Một điều chắc chắn là Bình Nhưỡng đã rút kinh nghiệm bài học
nhãn tiền từ Libya và Irak, nên sẽ không dễ dàng từ bỏ sức mạnh nguyên tử của
mình. Tuy nhiên, có một câu hỏi lớn đặt ra và chưa có lời giải đáp : Chuyện gì
sẽ xẩy ra nếu như các cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều và thượng đỉnh Mỹ - Bắc
Triều Tiên thất bại ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét