Có anh tây đi taxi thấy lái xe còi liên tục, anh bảo, tôi thuê xe này, đề nghị anh không được bấm còi. Tay tài xế nhìn anh như từ hành tinh khác. Lên xe ở Hà Nội mà không bấm còi chỉ có người điên.
Hôm trước đi taxi VIC gặp một lái xe chém gió kinh. Anh bảo, cả tuần anh lái cho sếp Nhật, cuối tuần lái VIC, cứ như thế cả chục năm nay. Sếp Nhật này về, sếp Nhật khác lại sang và nhờ anh tiếp. Có ông Nhật lấy vợ Việt đi taxi của anh nhưng quên cái Samsung gì đó cỡ hơn chục triệu, anh trả lại và được VIC thưởng cho 1tr nhưng anh không lấy. Anh bảo, của trời ơi mình lấy làm gì, sống có nhân đức cho con được hưởng.
Nghe anh chém tôi không tin lắm, nhưng nhìn đồng hồ đi vào lúc 10 giờ đêm luôn ở tốc độ 30km/h, không vượt ẩu lấn đường, thấy xe tải muốn quay anh đợi, và quan trọng nhất suốt từ Nhà Hát lớn về Bưởi, anh không hề bấm còi.
Tôi tin anh đang lái xe cho sếp Nhật và thực sự tin nữa khi trả tiền hết 88K theo đồng hồ, tôi đưa 100K và bảo anh tuyệt vời, tôi tip anh luôn. Nhưng anh cố trả lại bằng được 10K.
Đi taxi khá nhiều và lần đầu gặp một tài xế không bấm còi. Anh lái xe số 171 VIC vào tối 25-3, hy vọng bên VIC đọc được bài này và khen thưởng anh xứng đáng.
Người như anh là khá hiếm trong một hệ thống giao thông hỗn loạn của Hà Nội mạnh ai nấy đi.
Tây sang Việt Nam có một nhận xét khá chuẩn, bên ta cái gì cũng bé, trừ cái còi xe kêu rất to. Có bạn còn bảo, lái xe dốt mới bấm còi, lãnh đạo kém mới toét còi những thứ vớ vẩn, không nắm luật cứ toét cho chắc “còi nhầm còn hơn bỏ sót”.
Theo luật giao thông được Hội nghị Giao thông thế giới năm 1968 tại Vienna (Áo) còi chỉ được dùng khi cảnh báo nguy hiểm, cảnh sát sắp bắt xe nào thì dùng còi báo hiệu. Không nguy hiểm mà vẫn dùng còi nghĩa là dốt luật, nhát muốn đái ra quần khi lái xe mới bấm còi hoặc mua bằng.
Nhớ những năm 1960 đi đăng ký xe đạp mà không có chuông mời về, hẹn lần sau. Nắp chuông hay bị mất, trộm xoáy một phát mang ra chợ trời được bát phở, ông mất chuông ra đó tìm với giá 5 bát chả khác thời nay dân xe MEC mất gương. Tay nào lái xe đạp thỉnh thoảng kính coong gọi là trai làng đi tán gái.
Xe máy lên đời và thời của toe toe bắt đầu. Lên xe là còi ra vẻ ta đây có động cơ cho người khác ăn khói. Còi sỹ diện hão.
Lai người tình ngồi sau thổi một phát, một cụ già giật mình loạng choạng suýt ngã, đôi trai gái cười hả hê. Cười trên nỗi đau của người khác, còi vô đạo.
Trên đường không có ai phía trước vẫn toe. Bấm còi hầu hết là sau lưng người khác thì điếc đít là chính. Biết điếc đít vẫn toét nghĩa là lái xe ít học. Nghe còi đoán chữ.
Phía trước không đi được, bên phải kẹt, bên trái kẹt, phía sau có xe, tắc toàn tập thế mà vẫn còi. Chỉ có bố mẹ lão ấy chết cần phải về ngay mới còi trong trường hợp ấy. Tiếng còi đưa đám.
Hỗn loạn giao thông Việt Nam khỏi phải nói. Nhưng đi đường đáng sợ nhất là tiếng còi vô nghĩa làm người tham gia thất thần.
Người ta mang cả tiếng còi đó vào lãnh đạo. Chuyện chả có gì nhưng vì không biết có đúng hay không, sợ nhậy cảm, cứ toét còi cái đã. Toét còi vì lo mất ghế.
Bài báo đăng lên đọc từ đầu tới cuối chả hiểu mô tê gì, thấy vài từ nói về biển đảo, thế là toe toe như anh chàng đi đường vào 2 giờ đêm chả có ai vẫn bấm còi.
Bài hát, phim truyện, tiểu thuyết, truyện ngắn, tác phẩm báo chí hay nghệ thuật, để cho mấy ông bà “chả hiểu gì về điện” mà thẩm định thì như lái xe mua bằng, nhấn còi bừa bãi.
Còi hỗn loạn nên đôi khi luật hỗn loạn theo. Có lúc khi người ta xử theo tiếng còi to hay nhỏ chứ không dựa vào điều luật và khung hình phạt.
Tiếng còi Việt từ đường phố vào chốn thâm cung chỉ là vài nốt nhạc. Giá như ai cũng biết hành xử như anh chàng lái xe VIC như kể ở trên.
Không nhấn còi khi không cần thiết, một bài sơ đẳng mà không phải ai cũng biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét