Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

1684 - Kim Jong Un đến 1684 - Bắc Kinh tìm chỗ dựa, trước đàm phán với Mỹ

Trọng Thành



Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ tiếp đón tại Bắc Kinh. Ảnh do Tân Hoa Xã công bố ngày 28/03/2018. CCTV via Reuters TV


Chuyến đi bất ngờ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Trung Quốc đầu tuần này khiến công luận đặt câu hỏi : Vì sao Kim Jong Un lại quyết định đi Bắc Kinh trong lúc quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đang xấu đi, đặc biệt với các trừng phạt kinh tế mà Bắc Kinh tiến hành theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ? Câu trả lời của hầu hết các nhà quan sát là Bình Nhưỡng muốn tìm sự ủng hộ của đồng minh lịch sử, trước cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ rất khó khăn với Hoa Kỳ, nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài nhiều thập niên.

Thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul nhận định :

« Đây là lần đầu tiên mà Kim Jong Un ra khỏi Bắc Triều Tiên và tiếp xúc với một lãnh đạo nước ngoài, kể từ khi lên cầm quyền năm 2011. Cuộc hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước hết cho phép lãnh đạo Bắc Triều Tiên phối hợp với đồng minh chủ yếu của Bình Nhưỡng, và cũng là để trấn an Bắc Kinh, trước các cuộc thượng đỉnh dự kiến với tổng thống Hàn Quốc, và đặc biệt là với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kim Jong Un cũng có thể tìm kiếm các bảo đảm về an ninh với Trung Quốc, đối mặt với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Washington không ngừng coi can thiệp quân sự là một biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xấu đi nhiều kể từ khi Trung Quốc thi hành các biện pháp trừng phạt quốc tế, nhằm buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự. Tuy nhiên, khi thời điểm đàm phán tới gần, chế độ Bình Nhưỡng hơn bao giờ hết cần hòa giải với « đàn anh » Trung Quốc ».

Tại sao lại vào lúc này ?

Dựa vào Trung Quốc để có đủ sức mạnh tự vệ vào « thời điểm quyết định » là nhận định của chuyên gia về Trung Quốc Đặng Duật Văn (Deng Yuwen). Chuyến đi bất ngờ của Kim Jong Un diễn ra vào thời điểm vận động ngoại giao cho đối thoại thượng đỉnh hai miền Nam Bắc Triều Tiên và giữa Bình Nhưỡng với Washington đang diễn ra dồn dập. Nhưng tại sao Kim Jong Un lại chọn đúng thời điểm này ?

Nhiều nhà phân tích cho rằng không thể không thấy mối liên hệ giữa chuyến đi này với việc tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm nhà cựu ngoại giao John Bolton, 69 tuổi, nổi tiếng là thành phần « diều hâu », làm cố vấn an ninh quốc gia. Việc bổ nhiệm diễn ra cuối tuần trước, thứ Năm 22/03.

Hai ngày sau khi được bổ nhiệm, lần đầu tiên trả lời truyền thông Mỹ với tư cách cố vấn an ninh quốc gia tân cử, ông John Bolton tuyên bố rất bi quan về triển vọng thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên, với nhận định : Bình Nhưỡng « muốn câu giờ để phát triển vũ khí hạt nhân ».Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, được coi là một trong những kiến trúc sư của can thiệp quân sự vào Irak năm 2003, từng khuyến cáo dùng chiến tranh để xóa sổ chế độ Bắc Triều Tiên.

Hơn bao giờ hết, Bình Nhưỡng cần được chống lưng và phối hợp chặt hơn với Trung Quốc, trước khi bước vào các thương lượng. Ngày mai, thứ Năm 29/03, đại diện hai miền Nam Bắc Triều Tiên sẽ gặp nhau để chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh Liên Triều dự kiến tổ chức trong tháng tới.

Lá bài cuối cùng ?

Trả lời RFI, nhà bình luận chính trị độc lập Hoa Phách (Hua Po), sống tại Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng chuyến công du Trung Quốc là « lá bài cuối cùng » của Kim Jong Un, bởi nếu đàm phán với Mỹ thất bại, nếu không có Bắc Kinh can thiệp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên khó thoát khỏi số phận của cố lãnh đạo Libya Kadhafi. « Bắc Triều Tiên không là gì cả, nếu không có Trung Quốc, chỉ có Trung Quốc mới giúp cho Bình Nhưỡng không sụp đổ. Kim Jong Un rất cần đến Bắc Kinh, cả về kinh tế cũng như quân sự ».

Giống như cha, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khi công du láng giềng với chuyến tàu bọc thép, cũng hy vọng tìm thấy ở Trung Quốc - đối tác kinh tế và đồng minh ý thức hệ số một - sự hậu thuẫn sống còn đối với chế độ Bình Nhưỡng. Về phần mình, Bắc Kinh ắt hẳn sẽ tìm mọi cách để ủng hộ Bắc Triều Tiên, bởi việc duy trì một chế độ Bắc Triều Tiên nguyên trạng nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Bình Nhưỡng sụp đổ và một quốc gia Triều Tiên thống nhất, với làn sóng người tị nạn tràn qua và binh sĩ Mỹ đồn trú sát biên giới đông bắc là cơn ác mộng của Bắc Kinh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét