Việt Nam: Con thuyền 'không bến' hay 'nhiều bến'? AFP/Getty
Images
Ngày 6/3/2018 trên Facebook của mình, nhà văn Trần Trung Đạo đã phổ biến bài viết "Việt Nam, Con Thuyền Không Bến".
Sở dĩ gọi là "Con Thuyền Không Bến" bởi lẽ, theo Trần Trung Đạo, Việt Nam hiện có hai thế lực, Đảng Cộng sản và Chống Đảng. Ông Trần Trung Đạo cho rằng Đảng Cộng sản không có tính chính danh, bám quyền lực và dốt trong việc điều hành đất nước.
Còn về phía chống lại Đảng Cộng sản, chừng nào phong trào dân chủ chưa nhận ra rằng 'giải thể chế độ cộng sản' là công cuộc có tính duy nhất tiên quyết, chừng đó thì Việt Nam vẫn còn là một 'con thuyền không bến', theo Trần Trung Đạo.
Sáng ngày 15/03/2018, từ Hà Nội, Luật Sư Ngô Ngọc Trai đã phổ biến trên Diễn đàn BBC Tiếng Việt một bài viết góp ý với Nhà văn Trần Trung Đạo.
Ông Ngô Ngọc Trai nói rằng:
"Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam nay đã hoàn toàn khác trước", và rằng:
"Để thúc đẩy Việt Nam được dân chủ và thịnh vượng thì vẫn còn một con đường khác, thay vì tìm cách giải thể chế độ thì hãy tìm cách thúc giục ban lãnh đạo Đảng Cộng sản làm tốt hơn những việc họ đang làm."
Cảm nghĩ của tôi về cuộc đối thoại trên mạng của BBC giữa nhà văn Trần Trung Đạo và luật sư Ngô Ngọc Trai là như sau:
Nội dung cốt lõi của tương lai Việt Nam chính là câu hỏi, ta nên xác định bến cho 'Con thuyền không bến' hay nên đi vào 'một con đường khác' như lời LS Trai?
Nói với luật sư Ngô Ngọc Trai
Khoa sử quan của triết học Con Người chỉ ra rằng:
"Lịch sử là lịch sử của mọi vận động nhằm bảo vệ và phát triển đời sống Người. Tất cả những gì chống lại quyền được sống như một con người đều bị lên án là phản động, đều bị lịch sử đào thải". Vì vậy, mọi thảo luận về những chuyển mình của xã hội cần được diễn ra trên căn bản khoa học của môn sử quan.
Thay đổi trên dòng sử không thể diễn đạt mơ hồ, vô căn cứ theo kiểu viết của LS Ngô Ngọc Trai:
"Đường lối lãnh đạo và phát triển đất nước của Đảng cộng sản hiện nay đã khác hoàn toàn so với mấy chục năm trước".
Thế nào là "khác hoàn toàn" ?
Ngày xưa cán bộ nhận hối lộ bằng một, hai gói thuốc lá. Ngày nay hối lộ lên tới hàng tỷ VND. Phải chăng đó là "khác hoàn toàn"?
Ngày xưa, ngay sau 30/4/1975, những người đã từng tích cực nuôi ăn, cung cấp nơi ẩn trốn cho cán binh trong chiến tranh Việt Nam được cán bộ "thương mến" gọi là anh nuôi, chị nuôi, mẹ chiến sĩ.
Ngày nay không ít họ có mặt đông đủ giữa tầng lớp dân oan. Phải chăng, đó là 'khác hoàn toàn'?
Ngày xưa cán bộ cộng sản theo Liên Xô chống lại Trung Quốc. Ngày nay cán bộ vì nhu cầu giữ ghế đã sợ Trung Quốc, và người dân chống Hà Nội bị tù nhưng người nào chống Bắc Kinh án phạt sẽ nặng lên 10 lần.
Phải chăng, đó là 'khác hoàn toàn'?
Tại Việt Nam, thay đổi mà người dân mong chờ và lịch sử đòi hỏi không gì khác hơn là sự xóa bỏ triệt để ranh giới kỳ thị giữa 'Đảng và quần chúng', giữa thống trị và bị trị.
Nói với nhà văn Trần Trung Đạo
Nhà văn Trần Trung Đạo đặt vấn đề "giải thể chế độ CS" với sự nhấn mạnh "giải thể" cần được giải quyết triệt để ưu tiên, mọi vấn đề khác xin ghi là hậu xét.
Muốn giải thể một chế độ chính trị không thể không bàn tới tương quan giữa thế và lực.
Đứng trên quan điểm của lịch sử, 'thế' là công bằng và lẽ phải, là tất cả những suy nghĩ và hành động nhằm phục vụ lịch sử, phục vụ quyền làm người của con người.
Do đó, 'thế' hiển nhiên sẽ hấp dẫn nhân quần xã hội. Có nhân quần xã hội tức là có 'lực'. 'Thế' sinh ra 'lực' là vì vậy. Vấn đề còn lại là tổ chức và điều động 'lực'.
Bây giờ hãy bàn về nội dung chuyển mình của lịch sử Việt Nam ngày nay.
Chuyển mình gồm bốn bước:
- Bước đương biến là người dân đứng lên chống đối. Như vậy là lịch sử Việt Nam có biến.
- Bước thứ nhì là lột xác. Mỗi khi bị lực lượng quần chúng tác động chính quyền bắt buộc phải 'lột xác'.
- Bước thứ ba là tiệm biến: quần chúng và chính quyền cứ như vậy mà giằng co làm cho tình hình biến chuyển từ từ.
- Cuối cùng là khả năng đột biến. Do tác động cộng hưởng của một số chuyển biến quốc nội hoặc quốc tế, cuộc chiến tiệm biến đột nhiên tăng tốc độ và tăng cường độ, tạo đột biến.
Như thế, công việc chuyển hóa tới giải thể mô hình cộng sản bao gồm nhiều hình thức, nhiều nội dung giao đấu lẫn nhau.
Đặc biệt, người đấu tranh phải ứng chiến trên vô số trận địa phức tạp: chính trị, lịch sử, giáo dục, luật pháp, kinh tế, xã hội.
Trên những trận địa khác nhau kia, đấu tranh và xây dựng là hai mặt không tách rời của một bàn tay.
Vì vậy, giữa chuyện 'giải thể chế độ cộng sản' và 'những chuyện chỉ có thể giải quyết sau khi giải thể chế độ cộng sản' không thể là hai bước đi, không thể là hai khối câu chuyện riêng biệt.
Mọi chuyện cùng trên một con thuyền
Tất cả chuyện nhỏ, chuyện lớn kia đều nằm trên con thuyền đó.
Thế nhưng mỗi người trên thuyền lại ôm lấy một câu chuyện và tự cho câu chuyện mà mình đang ôm là chuyện lớn nhất, chuyện duy nhất ưu tiên.
Quá nhiều ưu tiên làm cho con thuyền bị hối thúc tiến về vô số bến.
Nhìn hoạt cảnh vô số bến cãi nhau ầm ĩ, nhà văn Trần Trung Đạo ngao ngán hạ bút, rằng Việt Nam là 'con đường không bến'.
Nhưng theo tôi, trong con thuyền không bến, người ta tìm thấy vô số bến.
Đó là bài toán đa nguyên của dân chủ đa nguyên.
Xin các bên trong dân chủ đa nguyên hãy bình tĩnh đặt cái bến mà mình ấp ủ lên bàn thảo luận.
Cuộc thảo luận này chỉ ra rằng: trên con đường chuyển hóa, con thuyền giải thể, do nhu cầu đấu tranh chính trị, trong nhiều không gian và thời gian khác nhau, phải ghé rất nhiều bến tạm trước khi đến bến sau cùng, là bến không còn cộng sản, và dân chủ nhân quyền.
Trên lộ trình bến tạm và bến chính, mỗi người đều sẽ nhận ra sự hiện hữu của cái bến mà mình cho là ưu tiên hàng đầu.
Làm thế nào đạt đồng thuận để di chuyển suôn sẻ qua những bến tạm trước khi đạt đến bến dân chủ nhân quyền?
Đây là bài học lớn viết về kỹ thuật sinh hoạt của dân chủ đa nguyên. Đề tài này thuộc về nội dung một bài viết khác.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Đỗ Thái Nhiên, sinh năm 1943 tại Saigon, hiện sống ở Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét