Đại ca Sơn Điền và Đại Sứ Đoàn Xuân Hưng. (Ảnh: Đàn Chim Việt)
Cách đây vài năm, có bữa, André Menras Hồ Cương Quyết (người thực hiện bộ phim ‘Hoàng Sa Việt Nam Nỗi Đau Mất Mát’) đến gõ cửa Đại Sứ Quán Việt Nam – ở Czech – để giới thiệu tác phẩm độc đáo này. Sau đó, ông than phiền:
“Chính tôi đã thấy tòa đại sứ trống trơn… Một cô gái Séc đón tôi từ cửa vào. Cô nàng hoàn toàn bối rối lúng túng khi có nhiệm vụ truyền đạt lại cho tôi cái thông điệp siêu thực rằng: ‘Đại sứ không có ở đây, và trong tòa đại sứ không có viên chức người Việt Nam nào cả’…” Tuần rồi, tôi lại nghe có đôi lời phàn nàn tương tự về tình trạng “nhà không vườn trống” tại Đại Sứ Quán Việt Nam – ở Slovakia: “Chúng tôi liên lạc với đại sứ quán Việt Nam để có được những bình luận về những thông tin mới nhất liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh. Mặc dù đã gọi lại rất nhiều lần trong tuần qua, vẫn không ai trả lời.”
Tôi trộm nghĩ thêm (bây giờ) nếu có ai đi tới, hoặc gọi đến, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Đức để tìm hiểu hay thắc mắc gì về vụ Trịnh Xuân Thanh – chắc chắn – cũng sẽ gặp phải tình huống im ắng và vắng vẻ tương tự: “Đại sứ không có ở đây, và trong tòa đại sứ không có viên chức người Việt Nam nào cả.”
Mà “bây giờ” được như thế cũng là quý hóa lắm rồi. Chứ cách đây chưa lâu, ai mà xớ rớ chạm đến Đại Sứ Quán Việt Nam ở Berlin (về bất cứ chuyện gì) đều dám bị “xin tí huyết” hay “cắt cổ” như chơi!
Sát thủ ở đâu ra mà sẵn vậy, và kinh thế?
Bạn bè của ông đại sứ chứ đâu – theo như thông tin của cơ quan truyền thông Taz, đọc được vào hôm 1 Tháng Tư năm 2018 vừa qua:
“Sơn N. L. tức ‘Sơn điền’ là một người đã gieo rắc nhiều nỗi kinh hoàng cho cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Gần đây nhất, ngay 5 hôm trước khi vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh diễn ra ở Berlin, ông Sơn đã nhiều lần nhắn tin đe dọa sẽ cho một nhà báo Đức ‘ăn tiết canh ngan’ – một từ lóng trong giới giang hồ ám chỉ sẽ ‘cắt cổ’ người này.
“Với quá khứ bất hảo của mình từ những năm 90, trong thời gian liên tục xảy ra các vụ bắn giết và chôn sống người Việt vì tranh giành địa bàn buôn bán, bảo kê thuốc lá, Sơn N. L. chính là em ruột của ‘Trung điền’ – trùm băng nhóm bảo kê buôn lậu của người Việt tại Dessau, đã bị nhóm Mafia khác bắn chết tại Wolfen, một thành phố nhỏ gần Dessau miền Đông nước Đức.
“Được biết, Sơn N. L. (‘Sơn điền’) cũng là một tay ghiền chơi đánh gôn, thường lên Berlin đi chơi môn thể thao này, nhiều nhân chứng đã gặp Đại Sứ Đoàn Xuân Hưng vẫn thường chơi gôn với ông Sơn tại đây.” (Bản dịch của Lê Anh – Thoibao.de).
Từ Berlin, blogger Bùi Thanh Hiếu còn cho biết thêm:
“Dường như thấy việc dùng côn đồ, anh chị, xã hội đen đạt hiệu quả. Chế độ Cộng Sản Việt Nam định áp dụng mô hình này tại Đức, qua tay anh chị Sơn Điền với nhà báo Lê Trung Khoa… Một tay anh chị như Sơn Điền đã ra tay, chắc ai cũng phải sợ.”
Với cung cách điều hành sứ quán theo “mô hình… ai cũng phải sợ” thế này thì không có gì ngạc nhiên khi thấy chiếc xe bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đỗ trong khuôn viên Đại Sứ Quán Việt Nam “suốt 5 tiếng đồng hồ.”
Nhà văn Võ Thị Hảo đã không quá lời khi kết luận rằng:
“Đại Sứ Đoàn Xuân Hưng đang chìm trong bê bối chính trị, ngoại giao vì bị các nhà điều tra và tòa án Cộng Hòa Liên Bang Đức cáo buộc về sự liên quan của Đại Sứ Quán Việt Nam đến việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.”
Mà chuyện “bê bối” đâu phải chỉ riêng ở nước Đức. Nhà báo Quốc Hưng vừa ái ngại loan tin:
“Đại sứ VN tại Pháp, ông Nguyễn Thiệp có nguy cơ gặp nhiều rắc rối trong thời gian tới, vì bị nghi ngờ liên quan đến nhóm mật vụ VN trung chuyển tại Đại Sứ Quán Việt Nam ở Paris để sang Berlin tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.”
Xem ra, sự nghiệp chính trị của hai nhà ngoại giao này – từ nay – coi như là chấm hết.
Vì đâu nên nỗi?
Câu trả lời có thể tìm được qua lời phát biểu của đồng chí T.B.T tại Hội Nghị Ngoại Giao Lần Thứ Ba Mươi, vào hôm 13 Tháng Tám, năm 2018 vừa qua: “Phía sau nhà ngoại giao là đảng, đất nước và nhân dân.”
Chớ nhân dân nào nào mà lại “đứng sau” cái chủ trương ngoại giao côn đồ, dao búa, mạt hạng, và khốn nạn đến vậy? Đất nước nào mà chủ trương chính sách ngoại giao mò sò, phơi vi cá, bán sừng tê, buôn rượu lậu… của những ông/bà đảng viên (quan sứ) ở khắp năm châu?
Thế mà Bộ Trưởng Phạm Bình Minh vẫn cứ hơn hớn tự đắc về “những thành tựu đối ngoại đạt được trong thời gian qua… là do chủ trương, đường lối đúng đắn của đảng về đối ngoại, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo đảng, nhà nước.”
Ngoài ông Nguyễn Phú Trọng, Hội Nghị Ngoại Giao Lần Thứ Ba Mươi còn có sự tham dự của ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Trần Quốc Vượng, và “nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, TP trong cả nước, các đại biểu là trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ chủ chốt các đơn vị của Bộ Ngoại Giao, cán bộ làm công tác ngoại vụ tại các địa phương.”
Tuy thế, không ai nghe có một lời nào về những “sự cố ngoại giao” đã được cả thế giới biết đến qua những bản tin sau:
-Đại Sứ Quán Việt Nam đã sử dụng cộng đồng người Việt tại Đức và Châu Âu vào các hoạt động gián điệp.
-Viện Công Tố Liên Bang Đức tiếp tục điều tra người nhà các nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam và những người Việt đang định cư ở Châu Âu đã tiếp tay bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
-Slovakia trừng phạt ngoại giao Việt Nam vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
-Đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Chính phủ Pháp vào cuộc.
-Cựu đại biện lâm thời Lê Hồng Quang bỏ trốn hay… bị bắt cóc?
-Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Đức phát lệnh truy nã Trung tướng Đường Minh Hưng.
-Slovakia nên trục xuất đại sứ Việt Nam nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được xác nhận.
-Slovakia: Biểu tình phản đối vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào Tháng Chín.
Từ đầu đến cuối hội nghị, hết ông tổng bí thư đến ông bộ trưởng Ngoại Giao rồi ông thứ trưởng Ngoại Giao… lần lượt lên diễn đàn để “nêu bật những thành tựu đạt được từ Hội nghị Ngoại Giao 29 đến nay” với phương châm: “Tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo.”
Quý ông khiến tôi đỏ mặt, và nhớ đến lời của một vị quan chức ngoại giao Ba Lan nói với nhà văn Trần Đĩnh:
“Với chúng mày tốt nhất là đưa chúng mày ra một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương rồi thế giới góp tiền nuôi và mọi người nhờ thế mà được yên ổn.”
Chả biết đến khi nào “thế giới” mới thực hiện được giải pháp “một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương” cho Việt Nam để “mọi người nhờ thế mà được yên ổn” hơn? Trong khi chờ đợi, chỉ xin có một lời đề nghị nhỏ, rất nhỏ và cũng rất dễ thực hiện thôi: xin quý vị lãnh đạo đất nước (làm ơn) nổ nhỏ bớt lại chút xíu – mỏng mỏng thôi – cho đám thường dân chúng tôi đỡ ngượng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét