Cô diễn viên Mai Phương và người nghệ sĩ già Lê Bình đang trên giường bệnh ung thư là câu chuyện rất nóng trên nhiều diễn đàn. Càng nóng hơn khi cho đến nay, cơ quan điều tra của Bộ Công an vẫn ‘chưa điều tra’ xong vụ nhập thuốc giả của công ty VN Pharma. Liệu trong 7 ngày tới, sẽ có câu trả lời về những sai phạm ở công ty dược mà người em chồng của bà Bộ trưởng Y tế từng giữ chức vụ phó giám đốc phụ trách đầu tư?
Trung tuần tháng 6-2018, Văn phòng Chính phủ có công văn hoả tốc gửi Bộ Công an truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về việc Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc nhãn hiệu Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada. Ông Trương Hoà Bình giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xác minh làm rõ việc Công ty VN Pharma nhập khẩu, lưu hành 6 loại thuốc nhãn hiệu Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada, nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án; báo cáo Thủ tướng trong tháng 8-2018.
“Tôi phẫn nộ”
Một ký giả là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam kể rằng, ông rất phẫn nộ khi tra cứu danh mục thuốc giả của VN Pharma ‘trúng thầu’ vào các bệnh viện ở Sài Gòn, có loại kháng sinh dành cho hậu phẫu.
“Lần đó, ống đặt thoát dịch sau ca mổ hở đã tiếp tục rỉ máu suốt gần 2 tuần lễ. Bác sĩ đã chọn đổi thuốc kháng sinh khác. Kết quả, vết mổ ổn nhanh, và tôi đã ra viện sau 1 tháng ở đây. Khi vụ án VN Pharma được báo chí đăng tải, tôi tra cứu thì nhận ra thứ thuốc kháng sinh mà mình dùng là đúng lô của VN Pharma trúng thầu. Tôi phẫn nộ còn là vì có một quan chức của Bộ Y tế khẳng định tất cả số thuốc giả của VN Pharma đều chưa kịp sử dụng dù đã trúng thầu”. Ông ký giả là nạn nhân của thuốc giả nói.
Theo tài liệu thu thập của ông nhà báo kể trên, thì trong một báo cáo ghi nhận từ cơ quan Thanh tra Chính phủ, ngoài lô thuốc H-Capita nhập về trong các năm 2011-2014, VN Pharma cũng nhập khẩu 7 loại kháng sinh cũng do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada sản xuất, nhưng thực tế là hồ sơ giả mạo, thuốc sản xuất ở Ấn Độ và công ty trên là công ty “ma”. Sau khi nhập khẩu trót lọt vào Việt Nam, nhiều loại thuốc này đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện.
Theo danh sách “Tổng hợp kết quả trúng thầu các bệnh viện trung ương năm 2013-2104” do Bộ Y tế tổng hợp, có tới 6 loại thuốc của Helix Pharmaceuticals Inc., Canada được VN Pharma trúng thầu vào bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Đó là thuốc Capecitabine 500 mg (hoạt chất H-Capita 500 mg Caplet) trúng thầu với số tiền 555 triệu đồng; Ciprofloxacin 400 mg/200 ml (H2K Ciprofloxacin 400): 840 triệu đồng; Esomeprazol 40 mg (H-Epra): 810 triệu đồng; Imipenem + Cilastatin 500 mg + 500 mg (H-Lastapen): 440 triệu đồng; Levofloxacin 750 mg/150 ml H2K Levofloxacin 750; Esomeprazol 40 mg H-Epra 40 (2 loại sau chưa rõ số tiền).
Bên cạnh đó, có 3 mặt hàng của VN Pharma trúng thầu vào bệnh viện Chợ Rẫy là H-Capita Caplet, H2K-Ciprofloxacin 400 mg và H-Epra 40 mg có nhà sản xuất được ghi nhận là Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada. Tại bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng có 5 loại thuốc khác của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada sản xuất trúng thầu vào BV là: H-Capita Caplet trúng thầu 15.000 viên; H2K-Ciprofloxacin 400 mg trúng thầu 6.000 lọ; H-Epra 40 mg trúng thầu 15.000 lọ; H-Lastapen trúng thầu 2.000 lọ và H2K-Levofloxacin 750 mg trúng thầu 1.500 lọ. Tổng trị giá tiền thuốc trúng thầu của 5 loại này vào bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là 3,365 tỉ đồng.
Phá giá thầu
Trong một trao đổi bên lề, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, nguyên phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói rằng bà còn nhớ trong công tác đấu thầu thuốc, công ty VN Pharma trúng thầu ở rất nhiều địa phương, rất nhiều bệnh viện.
“Lúc đó tôi cũng đã phân tích cơ chế đấu thầu, khi mà giá kế hoạch đưa ra 66 ngàn đồng một viên, mà công ty này sẵn sàng chào thầu với giá 31 ngàn đồng một viên để trúng thầu, thì như vậy chúng ta đặt ra câu hỏi như thế nào về chất lượng của thuốc?.
Rõ ràng thuốc H – Capita trúng thầu chưa bằng phân nửa giá kế hoạch, mà giá kế hoạch được xây dựng dựa trên giá thị trường, dựa trên lịch sử thuốc đã áp dụng vào trong bệnh viện. Nếu nhìn lại đường đi của thuốc này, khi khai báo rằng chỉ mua với giá 0,6 đô la nghĩa là chỉ khoảng mười mấy ngàn một viên, vậy thì nhìn lại nếu đấu thầu như vậy vẫn còn lời (!?).
Dấu hỏi đặt ra ở đây là chất lượng như thế nào, và phải coi lại quy chế đấu thầu của chúng ta chưa bàn đến chuyện có thông thầu, ăn gian, bắt tay với nhau để cố tình trúng thầu hay không? Chỉ việc không phân biệt các loại thuốc, không tuân thủ thang điểm kỹ thuật, thuốc nào cũng qua hết chỉ còn là đấu giá thì nó đặt ra nguy cơ rất lớn cho sức khỏe cộng đồng”. Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan biện giải.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến đâu?
Trong phiên phúc thẩm diễn ra hạ tuần tháng 10 năm ngoái, khi tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm, thực hiện điều tra lại, phía Hội đồng xét xử đã nhận định để VN Pharma nhập khẩu số lượng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam bằng hàng loạt giấy tờ giả, hồ sơ kỹ thuật giả, có nội dung mâu thuẫn... xuất phát từ việc làm tắc trách và thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).
Không chỉ riêng với H-Capita, mà theo chứng cứ thu thập được trước đó, bằng thủ đoạn tương tự, các bị cáo đã nhập khẩu thuốc và được Cục Quản lý Dược cấp phép. Cho đến khi vụ án bị khởi tố, Cục Quản lý Dược mới thu hồi số đăng ký lưu hành.
Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu của VN Pharma ở Cục Quản lý Dược thể hiện, Austin Hong Kong (doanh nghiệp của Trung Quốc) đã hết giấy phép làm việc và đang làm đơn xin gia hạn. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý Dược khai tại toà phúc thẩm rằng theo quy định doanh nghiệp phải có đăng ký cấp phép tại Việt Nam. Theo quy định này, Cục quản lý Dược không thể không biết giấy phép của Austin đã hết hạn. Chính vì lẽ đó Cục cho phép nhập khẩu là trái quy định.
“Dược sĩ Nguyễn Khánh Hòa nói rằng trong vụ VN Pharma, thì H-Capita có hoạt chất chống ung thư được mua từ công ty Alibaba của Trung Quốc. Giá thành rao bán bột capecitabine nguyên chất tinh khiết 99% của Alibaba, và cả giá thành vỏ nang thuốc rỗng rao bán trên Alibaba, dễ dàng kiểm chứng khi ngồi gõ trên mạng internet”. Ông nhà báo là nạn nhân của thuốc giả (kể ở trên) đã cho biết như vậy.
Vị dược sĩ đó làm phép tính như vầy về nghi vấn: Sau khi đăng ký tên, họ sẽ mua dược chất capecitabine ngoài thị trường với giá thành 1 USD/kg (khoảng 22.000đ/kg, giá thời điểm xảy ra vụ án), rồi mua vỏ thuốc (0.0039 USD/vỏ = 85 đ/vỏ) về chia ra thành 2000 viên thuốc (con nhộng đàng hoàng), chẳng cần phải thêm gì khác để khi kiểm nghiệm đạt 100% hoạt chất capecibitine. Giá thành mỗi viên thuốc này là (22.000 + 85 x 2.000)/2.000 = 96đ/viên. Mỗi viên thuốc này chỉ 100đ thôi, bán 150đ cho bệnh nhân ung thư là có lãi rồi.
Sở dĩ ông dược sĩ có phân tích với nhiều nghi vấn ấy là do trong vụ VN Pharma, phía bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lập luận rằng thuốc H-Capita được coi là thuốc thật chỉ vì nó chứa 97% hoạt chất chống ung thư đã được thế giới công nhận. Lỗi của Bộ Y tế chỉ là về thủ tục hành chính liên quan.
“Cái tên H-Capita do nhóm người buôn bán lô thuốc này bịa ra để rồi làm giả hàng loạt hồ sơ giấy tờ mang tên H-Capita, vậy thuốc có phải là giả không? Đến cái tên đã giả rồi thì cái thuốc làm sao thật được. Nếu nó là thuốc thật thì thuốc này tên là gì? Do ai sản xuất? Chất lượng thế nào? Nếu đặt cho nó được một cái tên thật thì chúng tôi sẽ công nhận nó là thuốc thật, đừng đặt cho nó cái tên capecitabine vì cacpecitabine là tên của hóa chất tinh khiết, là nguyên liệu để làm ra cái thuốc Capita này”. Dược sĩ Nguyễn Khánh Hòa phản biện.
Gác qua mọi chuyện liên quan tố tụng. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi những bệnh nhân ung thư như cô diễn viên Mai Phương, diễn viên Lê Bình và rất nhiều bệnh nhân trẻ em ở bệnh viện Ung bướu đã từng phải dùng thuốc giả của VN Pharma?
Bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không thể vô can.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét