Tương Lai
…trải qua một cuộc bể dâu,
những điều trông thấy mà…*
Cuộc bể dâu này sao mà lắm đa đoan và quá nhiều giằng xé khiến tôi quyết phải ngẩng đầu nhìn lên trời cao để cố nhìn thấy cho được cái gì xanh hơn, sâu hơn, khoáng đạt hơn để vơi bớt dằn vặt trong tâm hồn.
Lạ một nỗi, càng nhìn lên trời xanh lại cứ nghe tiếng rì rầm của đất!
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về,
Hai câu thơ Nguyễn Đình Thi lay động dữ dội trong tôi khi một mình trong đêm thanh vắng, nhìn lên bầu trời sao. Nhìn lên trời, để lại nghe tiếng đất!
Mảnh đất đẫm máu và nước mắt vẫn đang tiếp tục thấm đẫm mồ hôi lam lũ của cả dân tộc đang nhọc nhằn tìm lối thoát khỏi cái bể trầm luân oan nghiệt, hệ lụy gây ra bởi một lũ vô lương phản bội xương máu của đồng chí đồng đội, phản bội sự nghiệp ông cha, đang làm cho đất nước bung bét đến thế này. Sức lay động dữ dội, thẳm sâu trong mênh mông day dứt. Và rồi trong cái thẳm sâu mênh mông đó, tôi riêng dành cho mình một tiếng rì rầm nhỏ nhẹ hơn, lặng lẽ hơn và cũng sâu lắng hơn đang lan tỏa trong tâm hồn tôi. Tiếng rì rầm của mẹ tôi những buổi ngày xưa vọng về cho riêng tôi.
Với tôi, tiếng rì rầm ấy cũng chính là tiếng của quê hương, đất nước, giọt nước mát thanh lọc tâm hồn đang trĩu nặng bởi những uế tạp nhiễu nhương của thời cuộc. Đêm nay, dù trời nhiều mây, vầng trăng vẫn không bị che khuất, vì vậy tiếng rì rầm của đêm trung thu năm nào vọng về, gợi nhắc một kỷ niệm với mẹ mà tôi muốn viết ra nhân mùa Vu Lan dành cho Mẹ. Đêm nay, dù trời nhiều mây vầng trăng vẫn không bị che khuất, vì vậy tiếng rì rầm của đêm trung thu năm nao thức dậy một kỷ niệm mà tôi đã hẹn với lòng mình viết về một hoài niệm thẳm sâu về ấm trà Mẹ tôi pha trong đêm rằm dạo ấy. Cứ loay hoay mãi về chuyện ấm trà của Mẹ mà không sao viết ra thành chữ được vì tự biết sự nông cạn của mình trên lĩnh vực tao nhã này.
“Tao nhã”? Đúng vậy. Đấy là lời Nguyễn Tuân trong “Ấm trà trong sương sớm” đã in đậm vào ký ức tôi về “Vang bóng một thời”: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà”. Bởi lẽ “trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”. Đây là điều khơi gợi nguồn mạch trong suy tư mà ngòi bút tài hoa của nhà văn gợi lên. Trong mông lung cảm nhận, cái “vị triết lý” ấy lại gợi nhớ những hoài niệm. “Tôi nhớ một ngày thu đã xa” không phải của “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội” với “những phố dài xao xác hơi may, người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” mà nhớ về một ấm trà với mẹ tôi trong một đêm Trung thu tại một làng quê ở Hà Bắc, nơi mẹ tôi sơ tán tránh bom B52 Mỹ ném vào Hà Nội.
Vào buổi ấy, kiếm được ấm trà ngon cũng là chuyện chẳng dễ. Nhưng không hiểu do đâu mẹ tôi có được một gói “Hồng Đào” còn bọc kín trong giấy thiếc, bên ngoài lại vẫn còn nguyên bao bì, nhãn hiệu. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bao bì “Hồng Đào” có màu phơn phớt hồng với con chữ màu đỏ thắm, chỉ đứng sau “Thanh Hương” có màu xanh nhạt nổi lên con chữ xanh đậm, được phân phối theo diện “bao cấp” như câu vè dân gian: “Tôn Đản là của vua quan, Vân Hồ là của trung gian nịnh thần”.
Mẹ tôi gói bọc rất kỹ để giữ được hương trà không nhiễm phải tạp chất trong ba lô hành lý sơ tán. Sau đó tôi mới biết là mẹ tôi xếp cùng với chiếc ấm trà chèn kỹ trong cái hộp các tông nhỏ. Chiếc ấm đẹp nhưng không phải là ấm quý kiểu “thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh thần” gì, nhưng với tôi thì vô giá. Vì đó là chiếc ấm của một học trò cũ đem biếu tôi làm kỷ niệm trước khi đi B rồi không còn trở về. Tôi sợ trẻ nghịch làm vỡ chiếc ấm kỷ niệm trong căn phòng 9m2 nén chặt bốn mạng người, bèn đem gửi mẹ tôi vì biết bà quý chiếc ấm một, thì quý tấm lòng thầy trò tôi mười.
Với bà, uống trà không chỉ là do khát.
Và thế là chuyện ấm trà đêm Trung thu cách nay gần nửa thế kỷ ở nhà bà cụ Binh xóm Đồng Cao, Hiệp Hoà thành một hoài niệm chìm sâu trong tôi. Hôm ấy, bà dặn tôi khoảng sau 10h đêm thì sang “bà cần chút việc”. Tôi sơ tán cùng xóm nhưng cách một ngõ. Đợi cho bọn trẻ và mấy bà cháu nhà cụ Binh tắt đèn đi ngủ, mẹ tôi mới bảo tôi kéo chiếc ba lô trong sát góc đầu chiếc giường tre bà nằm, đưa ra sân. Đặt trên bậc thềm, dưới ánh trăng, bà kéo ra một hộp các tông hình chữ nhật dài quãng hơn gang tay bọc kín trong tấm chăn vải dù anh Khánh tôi gửi tặng bà từ chiến trường. Bà bảo tôi bấm đèn pin xuống bếp, khơi to ngọn lửa đun ấm nước bà đã đặt sẵn cho sôi lên, rồi rót vào chiếc phích nước đặt bên bậc thềm. Gói trà Hồng Đào được bóc ra, nhưng vẫn bao trong giấy thiếc đặt trên hai cuốn sách dày. Chiếc ấm cũng được đặt trên một cuốn sách cạnh cái phích nước.
Lúc ấy bà mới nói, “lần kỵ Thầy [tức là ngày giỗ cha tôi, trong gia đình vẫn gọi cụ thân sinh chúng tôi là “Thầy”], con không về được mà mẹ cũng chỉ một mình ra vái giữa trời cúng Thầy vì không muốn ồn ào nơi sơ tán đang chộn rộn. Nay thì thế cũng là yên ở đây, nhà cụ Binh lại là nhà phúc hậu, nghèo nhưng thoáng đãng, mẹ muốn đêm nay mở gói trà ngon vẫn để dành để cúng Thầy. Mẹ đã quét và lau sạch sẽ nóc bể nước mưa, con chỉ đặt lên chiếc đĩa quả bưởi mẹ đã để sẵn kia, vừa là “mâm quả phẩm” vừa làm “bát hương” để cắm ba nén cho Thầy. Lòng thành, thế là đủ con ạ”.
Bể nước mưa nhà bà cụ Binh đặt dưới gốc hai cây cau trồng ngay ngắn trước sân nhà có hai bẹ lá cau buộc ngang lưng thân cây để dẫn nước mưa vào bể. Bà bảo tôi lấy ba chiếc chén gốm nhỏ mượn của chủ nhà đặt lên mặt bể nước mưa. Đêm thanh vắng, tĩnh lặng mẹ tôi mở một góc giấy thiếc từ tốn trút trà vào chiếc ấm, rồi trang trọng rót vào ba chiếc chén gốm thô đã xỉn màu song bên trong được đánh sạch đủ óng lên mùi hồng đào loang loáng. Bà châm ngọn nến đặt sau đĩa bưởi, để ánh nến không hắt vào nhà làm cụ Binh thức giấc.
Tôi đốt ba nén hương cắm vào quả bưởi. Thành kính đứng chắp tay trước ba chén trà đang toả khói, mẹ tôi lầm rầm khấn, tôi chỉ đứng cạnh, đắm mình trong suy tưởng. Liệu có đúng “trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”? Trong hoài niệm về ấm trà mẹ tôi pha để cúng cha tôi vào một đêm trăng rằm tháng Tám ở một vùng quê hẻo lánh trong những ngày sơ tán tránh B52 Mỹ, tôi chỉ xốn xang nghĩ về chiều sâu thẳm trong tâm tình kín lặng của một người phụ nữ Huế dành cho người đã mất, qua một chén trà đạm bạc của sự thanh khiết. Ở đó, như mẹ tôi dạy “lòng thành, thế là đủ con ạ”.
Vâng lòng thành. Ở đây tuyệt đối không có hơi hướng của sức huyễn hoặc “hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” trong câu thơ Nguyễn Du. Tuyệt đối không. Cái chất “trần thế” trong nỗi nhớ của “sầu đong càng lắc càng đầy” không có ở đây, vì tôi bao nhiêu tuổi thì cha tôi cũng mất ngần nấy năm rồi. Thậm chí cũng không là “trần gian” như trong lời thơ cũng huyễn hoặc không kém của Trịnh Công Sơn “tôi là ai mà còn trần gian thế”. Mẹ tôi là con người “trần gian” giữa cuộc “trần thế”, nhưng trong tâm hồn bà ẩn kín một triết lý nhân sinh vượt khỏi “mùi tục luỵ lưỡi tê tân khổ”** mà bà từng gánh chịu để sống trong cái triết lý vô ngôn đó.
Ở đây dường như chỉ có cái tâm thành kính trầm mặc, mượn chén trà để truyền đạt một thông điệp đến người đã khuất và cũng để nhắc nhở con trai mình đừng vì cái chất “vô thần” mà phôi pha đi đời sống tâm linh mà bà đã giữ kín trong lòng. Chính cái đó là điểm tựa cho cả cuộc đời bà đã âm thầm hiến tặng cho sự nghiệp của các con mình. Càng suy ngẫm về những điều đã trãi, tôi càng nghiệm ra rằng, cái mẹ tôi giữ kín trong lòng mới là cái mạnh nhất, cũng là cái đẹp nhất trong tâm hồn người mẹ từng là cái phao níu kéo chúng tôi lại trước những cạm bẫy để không chìm vào đó. “Phúc đức tại mẫu”, tôi cảm nhận được câu châm ngôn đó bằng mồ hôi và nước mắt trên con đường đời của chính mình. Hoài niệm về hương trà mẹ tôi pha cúng cha tôi quyện với hương trầm nén nhang hoà vào mùi hương cau thoang thoảng của một đêm trăng rằm thanh vắng nơi làng quê kia là nỗi nhớ khôn nguôi về những người đã khuất.
Lan man nhớ lại hương vị chén trà mà sư cụ chùa Quốc Ân ban cho dạo tôi còn bé tí. Chẳng hiểu có thật chính xác không khi tôi nghĩ rằng, cái thiện được hình thành, nuôi dưỡng và đọng lại trong tâm hồn tôi tự buổi ấu thơ cho đến tận hôm nay, chính là mùi trầm hương trong chùa Quốc Ân tôi hít thở vào những dịp theo mẹ tôi lên chùa, và rồi hôm nay tôi bỗng nghĩ là, chắc còn từ hương thơm của chén trà sư cụ ban cho. Chính “cái thiện” đó là ngọn nguồn của những gì tôi giữ được trong bản lĩnh sống của mình qua mọi vùi dập, thách thức. Phải nói ngay rằng, không mấy mặn mà với những buổi thuyết pháp của các vị chân tu và là học giả uyên bác về đạo Phật, về triết lý Phật giáo mà tôi đã được nghe, được dự hoặc từ những tác phẩm nổi tiếng của họ mà tôi đã nghiền ngẫm sau này. Đơn giản chỉ vì những điều ấy, tuy rất trân trọng và dành nhiều thời gian suy ngẫm, nhưng sao vẫn chưa hấp dẫn và thuyết phục tôi.
Có thể do sự hời hợt và kém hiểu biết, thiếu kiến thức của chính bản thân mình cũng nên. Nhưng đúng là những cái đó không có ý nghĩa bao nhiêu so với hơi ấm từ bàn tay gầy guộc cùng với ánh mắt hiền từ của sư cụ trụ trì chùa Quốc Ân, với dáng vẻ khẳng khiu của một cây trúc trăm tuổi đậm vẻ tiên phong đạo cốt ngày nào vừa nắm tay tôi, vừa bảo mẹ tôi “cho cháu ngồi xuống và thụ lộc Phật đi, để rồi biết làm điều lành “. Bàn tay ấy, ánh mắt ấy, giọng nói của vị sư già ấy từng truyền vào tôi dòng suối trong vắt của tri thức tuổi thơ đủ sức cảm nhận về điều lành mà tôi hiểu là cái thiện. Và điều thiện cao nhất, đẹp nhất đối với tôi lúc ấy là theo các anh chị tôi “đánh Tây cứu nước” mà hiện thân rõ nhất của cái áctôi sẽ có dịp nói dưới đây qua cái tát nảy đôm đốm mắt của thằng B…giáng váo mặt tôi. Rất cụ thể và cũng hết sức dễ hiểu.
Cho đến tận hôm nay, trong cổ tôi như vẫn còn đọng lại vị thơm của chén trà, vị bùi của nắm xôi sư cụ cho “thụ lộc” ngày ấy. Bao năm trôi qua, vào tuổi ngoài tám mươi, trong đáy sâu ký ức vẫn thoang thoảng mùi hương trầm thơm ngát toả khắp toà nhà thờ Phật và ánh mắt hiền từ, bàn tay gầy guộc trìu mến của vị sư già. Đã là hoài niệm thì sao khỏi đánh thức cảm hứng bảng lảng của vị hoài cổ để tìm lại cái “thanh khí” mà Nguyễn Tuân gợi lên về chuyện uống trà. Vẻ u tịch của cảnh chùa Quốc Ân hiện lên mờ mờ ảo ảo, khiến tôi phải đắm mình vào câu chữ Nguyễn Tuân trong “Những chiếc ấm đất” của “Vang bóng một thời” mô tả chuyện xin nước giếng chùa Đồi Mai về pha trà để làm sống động cái nét bảng lảng trong sâu thẳm ký ức về ngôi chùa tuổi thơ tôi.
Chỉ với nước giếng chùa đây thì cái người để hết cơ nghiệp vào chén trà kia mới chịu pha cho mình và đãi bạn cùng thanh khí một ấm trà ngon. “…vái chào nhà sư. Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người đầy tớ già đánh rỏ xuống mặt đường những hình sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài như lối đi của loài bò sát. Ví buổi trưa hè này là một đêm bóng trăng dãi, và ví chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần”.
Vậy thì cái “thi vị” kia, cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trầnđã làm nên thi vị của ấm trà, hay là chính cái hương vị trà qua bàn tay có hồn phách của người pha gửi vào, làm nên cái thi vị của người khách tục trở lại trần. Cái người đa đoan trong việc uống trà ấy chẳng phải đã thoát tục khi vẫn đang đắm mình trong cõi trần thế của hỷ nộ ái ố đó sao? Nhà văn tài hoa họ Nguyễn từng qua lời sư cụ chùa Đồi Mai mà chuyển tải điều ấy: “Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư tại gia. Danh và lợi ông không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu. …Phật dạy rằng hễ muốn là khổ. Biết đâu trong bốn đại dương nước mắt chúng sinh của thế giới ba nghìn, sau đây lại chẳng có một phần to nước mắt của một ông già năng lên chùa nhà xin nước ngọt về đẻ uống trà tàu. Mô Phật”.
Tôi không nghĩ vậy khi hiểu về chén trà của mẹ tôi pha đặt trên mặt bể nước mưa giữa hai cây cau trước sân ở nơi quê người trong “một đêm bóng trăng dãi” để cúng cha tôi vào ngày Trung thu cách đây hơn nửa thế kỷ. Khỏi phải nói rằng người biết thưởng trà cũng hay lấy nước mưa để pha. Nghĩ về bể nước mưa nhà cụ Binh, sao tôi cứ mông lung nhớ lại cái giếng chùa Quốc Ân sâu thăm thẳm mà vị sư bác đã cẩn thận níu cổ áo tôi khi tôi cố cúi nhìn xuống, để rồi liên tưởng đến giếng chùa Đồi Mai “Vang bóng một thời” cũng hao hao cùng đường nét.
Mẹ tôi đã quy y tại chùa Quốc Ân. Ròng rã một phần tư thế kỷ “đi kháng chiến”, năm 1975 bà về lại Huế và lên viếng chùa. Sư cụ đã viên tịch, cảnh sắc hình như không còn như xưa, ấy là tôi cảm nhận như thế. Nhưng với mẹ tôi “lòng thành, thế là đủ con ạ”. Bà cũng chẳng là người “tu tại gia”. Triết lý Phật ủ kín trong tâm hồn bà. Thì chẳng phải “Hà sa cảnh thị bồ đề đạo. Nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm” đó sao? Nguyễn Duy dịch thơ rất hay: “Toàn là cảnh Phật quanh ta. Nhọc công tìm kiếm lại xa vô cùng”.
Bài thơ thiền của Kiều Trí Huyễn thế kỷ XI ấy Nguyễn Duy phóng to in trên giấy tặng tôi, được trang trọng treo giữa phòng khách nhà tôi hiện nay, nơi tôi có may mắn được nhiều bạn bè đến chơi, bình về mấy bức họa và mấy bài thơ Thiền chen vào “mênh mông thế sự để gió cuốn đi”. Tần ngần rời bàn phím máy tính đến đứng trước bài thơ để tìm ý tứ biểu đạt sao cho thấu cái vị triết lý trong chén trà ngát hương vào cái đêm u tịch dưới ánh trăng dãi hai mẹ con tôi dâng lên người đã khuất. Và rồi ký ức gọi dậy ký ức, nối kết những hình ảnh ẩn hiện trên dòng suy tưởng về những chén trà, hương trà tôi có dịp thưởng thức đang trầm tích trong hoài niệm. Trong đó có chén trà tôi được một vị sư Nhật Bản mời đối ẩm trong dịp tôi đến viếng cảnh ngôi chùa cổ Nhật ở Kyoto cách nay cũng đã gần một phần tư thế kỷ.
Không đủ tri thức và sự trải nghiệm về trà đạo của người Nhật để nói về một nét văn hoá quá độc đáo này, tôi chỉ nói về một liên tưởng. Vị sư người Nhật bản có dáng dấp của một trí thức đã dành cho tôi sự tiếp đón thân tình, ấm cúng. Khi người phiên dịch tiếng Nhật tế nhị bước ra khỏi bàn trà trong cuộc đối ẩm khách chủ, nhà sư sử dụng tiếng Anh khá thành thạo, khả dĩ để tôi có thể hiểu được điều ông muốn nói. Thú thật là tôi chưa biết thưởng thức vị trà Nhật, nhưng cũng thật kỳ lạ sao vào lúc ấy, trong tôi trào lên nỗi nhớ mẹ tôi khi nâng chén trà Nhật lên miệng.
Duyên do là trước đó, tôi có nói là mẹ tôi cũng là người thích uống trà, nhưng tôi đặc biệt chú ý là cách mẹ tôi pha trà để đặt lên ban thờ trong dịp giỗ tết. Nhà sư Nhật tỏ ra hết sức chú ý và không dấu vẻ ngạc nhiên. Ông ngỏ ý muốn gửi biếu mẹ tôi một gói trà Nhật. Tôi xúc động lặng lẽ từ chối vì mẹ tôi đã mất. Nếu không, thì đây là một ân huệ đối với bà. Chính lúc đó, tôi nghĩ đến chén trà mẹ tôi kín đáo, lặng lẽ chuẩn bị để rồi dưới ánh trăng của một đêm trung thu tĩnh mịch bát ngát hương cau, mẹ tôi thành kính pha ấm trà tưởng nhớ người đã khuất. Bà đã mất để không được nhận lĩnh món quà sứ điệp mà nhà sư Nhật bản thân tình gửi đến cho người.
Thế rồi gần đây, khi tuổi đã cao, đêm khó ngủ, tôi thường thức dậy rất sớm. Trong hương thơm ấm trà vừa pha trong buổi sớm tĩnh lặng, ngước nhìn lên hai bức hình thầy mẹ tôi trầm mặc trên tường, tôi lại nghĩ đến chén trà mẹ tôi cúng thầy tôi vào đêm trăng u tịch năm nao.Tuổi càng cao, lại có nhiều khoảng lặng giữa ồn ào thế sự, nhiều những phút sâu lắng ngẫm suy. Đó là những lúc gần sáng không ngủ được, tôi ra phòng khách, ngả lưng trên ghế, ngước nhìn lên hai khung hình thầy mẹ tôi chính giữa căn phòng rộng mà con trai tôi thiết kế làm nơi tiếp khách, nối liền với phòng làm việc. Hai mươi năm qua, kể từ ngày hai khung hình này được treo lên trong phòng khách của ngôi nhà cũ mà con gái tôi xây lên, niềm an ủi lớn trong mối day dứt triền miên của đứa con không có được một căn hộ riêng để phụng dưỡng Mẹ, không biết đã có bao buổi sớm tĩnh lặng tôi gặp tôi trong nỗi niềm khắc khoải về câu hỏi của Mẹ: “Sau này con định thờ Mẹ ở đâu?”.
Có câu hỏi đó, tôi hiểu rằng trong sâu thẳm ước nguyện của bà, nếu không được ở với con trai, thì sau này, nơi hương khói cho mình sẽ là nơi mình về với nó. Thế nhưng căn hộ 9m2 tôi ở trong 16 năm trời, đến chiếc xe đạp còn phải treo ngược mới đủ chỗ cho bốn nhân mạng ăn ở, học hành, khách khứa, viết lách… thì biết tính sao? Đến hai đứa con tôi cũng phải nhờ sự cưu mang đùm bọc hết lòng của các chị tôi và anh tôi thì mới có được những phút vui chơi thoải mái, thì còn nói gì đến phụng dưỡng Mẹ tại nơi đây! May mắn cho chúng tôi là tấm lòng yêu thương rộng mở của các chị tôi, các anh tôi. Nhưng chính đó cũng là niềm day dứt khôn nguôi trong tôi, mọi việc phụng dưỡng Mẹ là của các chị các anh, tôi chưa đóng góp được gì. Để đến hôm nay, chỉ còn có thể là những hoài niệm với những sâu lắng trong gian phòng tĩnh lặng rọi chiếu ánh mắt của Thầy Mẹ tôi đang dõi sâu vào nỗi niềm của đứa con chưa tròn chữ hiếu.
Cứ thế, tôi nhìn vào khung hình của hai đấng sinh thành. Hai, nhưng thật ra chỉ là một, Thầy tôi mất khi tôi chưa tròn tháng tuổi, tôi sinh tháng ba năm Bính Tý, thầy tôi mất tháng ba nhuận năm ấy. Bởi thế, tôi chỉ nhận biết Thầy tôi trong ánh mắt và gương mặt của Mẹ tôi. Có lần Mẹ tôi hỏi: “Ai bảo cho con biết ngày sinh của con?”. Hình như trong những ngày đau buồn ấy, Mẹ tôi không đủ sức để nhớ lúc sinh ra tôi, khi mà nghe nói, Mẹ đẻ tôi không phải trong ngôi nhà nơi đang trùm lấp nỗi lo lắng về bệnh tình của Thầy tôi.
Ai đó nói chữ nghĩa rằng, vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm là trái tim người mẹ. Với tôi, điều dung dị mà lớn lao ấy ẩn chứa trong ánh mắt và những quyết định của Mẹ tôi mà rồi tôi từng bước cảm nhận được trong suốt cuộc đời. Tôi liên tưởng đến chuyện cổ tích cò mẹ luyện cho cò con biết bay. Cắp con đến bên bờ vực, cò mẹ đẩy cò con xuống, với bản năng sống, cò con mở cánh bay lên. Nhưng xác suất an toàn đâu phải là tuyệt đối! Trong vở kịch của Ipxen, người con nói với mẹ “mẹ ơi, cò mẹ đẩy cò con xuống vực, đôi khi cò con chết thẳng“. Với bản năng người mẹ, nỗi lo về những hiểm nguy con mình có thể gặp phải trong trái tim dịu dàng của bà đã phải nhường chỗ cho những điều cao cả và mạnh mẽ hơn vì sự trưởng thành của đứa con trai mình. Chị tôi kể lại hình ảnh bà ngoại và mẹ tôi cầm chiếc roi chạy đuổi theo tôi trong vườn để buộc tôi phải đi học khi mà tôi quyết cưỡng lại với lý lẽ rằng “vòng tay cúi đầu thì việc gì phải đến trường mới học được“. Bà ngoại và mẹ tôi nghĩ rằng phải có bàn tay của một người đàn ông mạnh mẽ mới khiến cho tôi “nên người”.
Càng dày thêm tuổi đời, dày thêm trải nghiệm và nhận thức về cuộc sống, đến nay khi bước vào tuổi ngoài 80, những phút tĩnh lặng đêm khuya nằm nhìn lên hai khung hình Thầy Mẹ tôi trong xốn xao bao kỷ niệm vui buồn, ngọt ngào, cay đắng tôi mới thật sự ngộ ra được về trái tim của Mẹ. Thật tình có lúc tôi vẫn thắc mắc không hiểu vì sao Mẹ tôi lại quyết định đưa tôi lên ga Huế, gửi một người không quen biết tình cờ gặp trên sân ga nhờ trông nom tôi trên tàu cho đến ga Quy Nhơn sẽ có anh chị tôi ra đón. Mẹ tôi khâu vào túi áo trong của tôi tờ 5 đồng Đông Dương dặn kỹ “để phòng xa nhỡ chẳng may có chuyện chi“. [Hàng chục năm sau tôi mới ngẫu nhiên biết rằng người không quen biết đó là nhà thơ Phạm Hổ]. Mãi sau này, kết nối với một số sự việc, tôi mới thầm hiểu được trái tim mềm yếu của Mẹ thật ra tiềm ẩn một chất thép diệu kỳ để khi cần mới bộc lộ ra. Hãy chỉ nói hai chuyện có liên quan đến tôi.
Lần ấy, Tây ập về, và lính bảo an binh được lệnh đóng đồn ngay trong ngôi nhà. Vì bất ngờ nên anh Long không kịp di chuyển những “hàng cấm” đang cất giữ trên tầng thượng nhà lầu, có nhiều tài liệu mật của Thành ủy Thuận Hóa, tôi không được rõ là những gì. Chỉ nhớ nhất là một khẩu súng lục Mauser của Đức mà anh Long đã từng chỉ dẫn cho tôi cách sử dụng, và hai máy đánh chữ dùng gõ công văn của Thành ủy. Không biết anh Long đã bàn bạc với Mẹ tôi thế nào mà bà gọi tôi ra và dặn: “chỉ con leo lên, thì là con nít nên chúng nó không nghi“.
Anh Long đã chuẩn bị 2 bao tải cho mẹ tôi để mẹ tôi đưa cho tôi mang theo trước mắt tụi lính bảo an, nói là xin lên lấy sách vở cất trên ấy để đề phòng lụt, nay các ông đóng đồn lâu, sau này không được ra vào, sẽ không có sách vở đi học. Cũng may là viên đồn trưởng hình như có họ hàng xa gì đó nên Mẹ tôi đã tìm cách “binh vận”, nhờ ông ta ra lệnh cho tụi lính bắc thang cho tôi trèo lên trần thượng để lấy sách vở. Leo lên đến nơi, tôi lót một lượt sách vở dưới đáy bao, đặt hai cái máy chữ ở giữa và nhét sách vở hai bên, buộc chặt miệng bao tải bằng một sợi giây dù mà Mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn, khẩu súng thì nhét vào bụng. Chuyện trót lọt không dài lời, xin chỉ nói một điều: vì sao Mẹ tôi lại cả gan sai tôi làm chuyện này? Hẳn bà biết rõ sự nguy hiểm đang treo lơ lửng trên đầu đứa con trai út của mình.
Với nghĩ suy của một đứa trẻ con, tôi nhận “nhiệm vụ” một cách dễ dàng, dung dị và hồn nhiên. Thì đại loại cũng như những lần xuống làng Ngọc Anh cảnh giới cho anh Long và các anh khác từ bên Phường Đông sang để lên làng Lại Thế và sang Vĩ Dạ, tuy cũng biết được, nếu tụi lính tóm được thì gay go như lần chạm trán với đội biệt kích do thằng Rớt chặn đường… nhưng điều ấy chỉ thoáng qua, không làm cho tôi quá lo lắng và hồi hộp.
Thế nhưng, với Mẹ tôi thì khác. Hơn ai hết, bà hiểu được chuyện gì có thể xảy ra, nhất là chuyện khẩu súng nhét trong cạp quần trước bụng con trai bà. Nếu nói về lòng quả cảm và sự hy sinh, thì chính trong quyết định cho con mình, báu vật vô giá – nguồn sống của người mẹ đã ở vậy nuôi con đằng đẵng trong bao năm trời sau khi Thầy tôi mất – làm việc nguy hiểm ấy, trái tim của bà phải chịu đựng một thử thách lớn đến thế nào! Trong suy ngẫm của tôi, với ý nghĩa thuần khiết nhất, quyết định của bà là một hành động phi thường. Ở đây không cần những kịch bản ôn nghèo, kể khổ khơi gợi “mối hận thù giai cấp” để có đủ sức mạnh và động cơ quên mình vì cách mạng. Có thể ai đó rất cần đến chuyện này, nhưng với Mẹ tôi thì không. Tuyệt đối không! Không mảy may cần đến sự dàn dựng tô vẽ, cho dù là nhuần nhị hay lố bịch, chân thành hay giả trá. Ở đây chỉ thuần khiết là một trái tim yêu thương, không chỉ yêu con mình và còn yêu một cái gì đó cao cả hơn đứa con mình rứt ruột sinh ra. Đừng sử dụng những ngôn từ quá cỡ rất thời thượng để gán cho bà như “giác ngộ cách mạng“, “yêu nước thương dân“, càng tuyệt đối không có chuyện “chủ nghĩa“, chuyện con đường vinh quang đã chọn…
Không! Mẹ tôi không hề quan tâm, và cũng không biết đến những thứ xa xỉ ấy. Bà là người theo Phật, tâm niệm việc thiện, ghét trừ cái ác, thế thôi. Ngần ấy cũng đã quá đủ cho những hành động quả cảm và nếu cần thì dám hy sinh như những việc làm khác của bà mà tôi thấy chẳng cần phải kể ra đây. Trong những chuyện này, trái tim yêu thương đã mách bảo bà nên hành động theo hướng nào. Có lẽ chỉ đơn giản thế thôi. Sự đơn giản thánh thiện của một người phụ nữ Việt Nam lớn lên trong nếp nhà gia giáo được truyền dạy nghĩa vụ thờ chồng nuôi con, biết thương yêu con người, “thương người như thể thương thân“, chăm nom dạy dỗ con biết nhặt những hạt cơm rơi cho vào bát vì đó là “hạt ngọc của trời“, nhắc nhở con rằng “đừng nói thèm quá một món ăn” vì, “con ạ, ăn quen nhịn không quen, rồi sinh ra làm bậy“.
Tình thương yêu con mình, thương yêu cuộc sống của mọi người và sẻ chia cùng họ, đã khiến cho trái tim người mẹ biết đập cùng nhịp đập của thiện, của chân, của mỹ, mà vì thế, nhịp đập ấy thuận theo con đường cách mạng và kháng chiến. Cái logic dễ hiểu và đơn giản ấy đã từng bị làm cho rắc rối phức tạp qua cái lăng kính méo mó và bịa tạc của bao nhiêu giáo điều sao chép đã từng nhồi nhét vào đầu óc tôi mà khi ngộ ra được cái “mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ“** thì quả đã hơi muộn và thật buồn cười!
Chân thiện mỹ không dừng nơi cửa miệng, mà ẩn sâu trong lòng, dẫn dắt nhịp đập của trái tim thánh thiện của người Mẹ chỉ sống vì cuộc sống đúng đắn của con mình. Chính điều này khiến bà không mảy may phân vân do dự khi anh Long tôi quyết định đưa cả nhà tôi lên chiến khu Dương Hòa để rồi sau đó ròng rã trong sáu tháng trời lội bộ qua đường đèo Ba Rền, U Bò ra khu Bốn rồi lên Việt Bắc! Phải ra đi vì bà đã từng bị địch bắt do vận chuyển thuốc men tiếp tế cho chiến khu, đang bị theo dõi và cũng có thể bị bắt lại. Nhưng quan trọng hơn nữa là cả hai chị tôi cũng bị địch bắt vừa thả ra, tôi thì gián đoạn việc học hành vì chẳng còn bụng dạ nào dành cho chuyện học khi mà việc làm liên lạc cho anh Long tôi và các anh trong Liên đoàn Công chức Kháng chiến Thuận Hóa “vui” hơn với tuổi thơ non trẻ của mình. Thế nhưng đó lại là sự âm thầm lo lắng của Mẹ tôi khi biết quá rõ những hiểm nguy rình rập các con mình.
Trên đường, có lúc bà lả đi, không gượng nỗi, nhưng giữa đồi cỏ tranh ngút ngàn còn in rõ lốt chân cọp không thể ngồi nghỉ. Rồi phải chị Trinh [vợ anh Vũ Xuân Chiêm] cháu gọi mẹ tôi bằng cô ruột, mới thuyết phục được mẹ tôi để cõng bà đi tiếp chặng đường cho đến trạm nghỉ. Hôm sau, bà lại tiếp tục đi, không một lời phàn nàn, sợ làm phiền cả đoàn. Cứ thế, qua dốc Cun ngoặt lên Tuyên Quang, rồi cuối cùng cũng đến được Quẵng, Chiêm Hóa. Để rồi cũng bắt đầu từ đó, trong trái tim thánh thiện chỉ biết có yêu thương và chịu đựng cho hạnh phúc của con mình, bà âm thầm hiểu ra những điều vừa đơn giản, vừa lớn lao mà vì nó, bà quyết dấn thân vào con đường “cách mạng và kháng chiến” với những gập ghềnh, trắc trở đã tuột khỏi nhịp đập nhân ái của trái tim người Mẹ.
Không nói, nhưng bà dõi theo hành trình của các con mình, và rồi bà cũng hiểu ra được, vì sao từ những cuộc “chỉnh huấn” và “cải tạo tư tưởng”, các con bà bị xáo động đời sống tinh thần, thậm chí đã có lúc rơi vào trạng thái bất thường vì bị chấn thương tâm thần mà bà âm thầm chịu đựng, chia sẻ những nỗi đau của các con. Mẹ ơi, liệu trong đêm khuya trằn trọc về chuyện đời, mẹ có lúc nào ân hận “nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang“?**
Chị tôi kể lại, bà vừa ân cần, chăm chút lo cho đời sống tình cảm của các con, vừa rất rắn rỏi và nghiêm khắc căn dặn: “các con theo cách mạng, làm theo yêu cầu của cách mạng, Mẹ không can dự vì Mẹ không đi sâu vào công việc của các con, nhưng cần nhớ một điều là không được xúc phạm đến Thầy. Ai nói gì mặc họ, Thầy các con là một người chính trực, thương nước thương dân . Các con phải hiểu điều đó. Nếu các con xúc phạm đến Thầy thì Mẹ sẽ lập tức trở về Huế. Mẹ đi ra được, thì đi về cũng được, và Mẹ sẽ làm như thế“.
May mà chuyện đó không xảy ra. Chúng tôi nuốt nước mắt vào trong, cắn răng chịu đựng. Riêng tôi, đặc thù công việc khiến cho nỗi chịu đựng đó lại vun quén thêm một sắc thái khác, nghiệt ngã và thường trực mà có lẽ cũng chẳng cần nói ra đây làm chi khi nó không giúp gì thêm cho việc khắc họa tính cách và gương mặt của mẹ tôi. Và rồi bà trở về Huế sau ngày 30.4.1975 để đứng bên ngôi nhà cũ từ đó chúng tôi ra đi đúng một phần tư thế kỷ, nay chỉ còn là một cái nền đất, cỏ dại mọc thưa thớt, lạnh lùng. Những giọt nước mắt của mẹ buốt trái tim tôi. Chao ôi, trôi dạt cũng để trở về. Trở về với những kỷ niệm và những trải nghiệm cay đắng ngọt bùi. Chuyến ra đi rồi để trở về của Mẹ tôi, trong suy ngẫm của tôi, in đậm bóng dáng của thân phận một con người trong sự nổi trôi của số phận dân tộc.
Liệu bà có lúc nào tư lự về “miếng cao lương phong lưu nhưng lợm, mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon“?** Vì quả thật theo chỗ tôi biết, sinh ra trong một gia đình quý tộc, lấy chồng hoàng gia, nhưng tuổi trẻ của bà phải đảm đương việc chế biến món cao lương hơn là thưởng thức nó, đặc biệt là những ngày kỵ giỗ của một đại gia đình với hàng trăm thực khách”phong lưu”! Hơn nữa, những rau dền, rau diếp [mà chữ nghĩa gọi là “hoắc lê” ấy] lại rất thân thuộc với mâm cơm của bà cùng các con trong những bữa thường nhật sau khi Thầy tôi mất! Sự khéo tay, bí quyết chế biến thức ăn, làm bánh trái của bà được trầm trồ khen ngợi từ những bà con láng giềng có cảm tình với bà nơi chị tôi ở sau này, chính là được tích lũy từ gánh nặng làm dâu ấy! Liệu có nên tự hào hay cảm thán về điều ấy?
Nhưng điều sẽ nói thì chắc chắn có: cái gánh nặng làm dâu ấy nào thấm gì với cái gánh nặng về thành phần, lý lịch mà các con bà phải chịu đựng trong suốt hai phần ba thế kỷ kể từ buổi bà rời bỏ ngôi nhà, di sản của “phong kiến, quan lại” ở Lại Thế, để ra đi. Những hăm hở, hồn nhiên của cái ngày mấy mẹ con trèo đèo lội suối “đi kháng chiến” với đầy ắp ước vọng tuổi thơ về một ngày mai tươi sáng như tranh vẽ, bỗng mây đen vần vũ, rồi đổ sập xuống. Không hiểu trong sâu thẳm nghĩ suy, Mẹ tôi đã có những dự cảm ra sao về những chặng đường sắp tới trong rừng sâu Việt Bắc? Có phút nào Mẹ tôi day dứt: “lỡ từ lạc bước bước ra, cái thân liệu những từ nhà liệu đi“* không? Trong hành động và ứng xử của Mẹ tôi, theo cảm nhận của tôi, hình như không có chuyện đó.
Riêng tôi thì, trong quãng đường dài của tuổi trẻ cho đến tuổi “tri thiên mệnh” vẫn không mảy may ân hận về con đường mình đã đi! Ngược lại, thậm chí càng thấy phải quyết tâm phấn đấu nghiêm cẩn hơn trong sự day dứt ấu trĩ về thành phần xuất thân càng phải dày công khổ luyện. Thế đấy! Rạch ròi ra là vì lẽ gì thì thật cũng khó xác định thật dứt khoát, nhưng rõ ràng không phải cái từng thường xuyên xuất hiện nơi cửa miệng là “giác ngộ chủ nghĩa” hay là “trung thành với lý tưởng ” khá mơ hồ, cho dù tôi đã đọc và nghiền ngẫm nhiều sách vở “kinh điển” và tự mình cũng nhiều lần cao đàm khoát luận về chuyện này.
Trung thực với chính mình, có lẽ rõ hơn cả, chính là tiếng nói tự bên trong “mình không thể là người xấu, người hèn, mà phải là người tốt, người biết sống một cuộc sống cao đẹp và có ý nghĩa”! Giờ đây soi kỹ lại và suy ngẫm, nhân tố quyết định nhân cách của tôi trước hết và chủ yếu không thể là gì khác ngoài những lời Mẹ tôi dạy, là tấm gương của Mẹ. Đó là ánh phản chiếu bình dị của lòng nhân ái thương người như thể thương thân, là sự hướng tới “chân, thiện, mỹ” từ ánh mắt, nụ cười của Mẹ với những lời khuyên bảo cụ thể. Tôi còn nhớ một chuyện nhỏ, bà thương tôi ở căn phòng quá chật, bốn người nhét vào 9 m2. Ấy thế mà cuối năm 1975 mẹ tôi và tôi vào thăm bà dì, chị ruột của mẹ tôi ở phố Trương Minh Ký, hình như nay là Nguyễn Thị Diệu[?], mẹ con tôi lại từ chối có một nơi ở sang trọng hơn!
Bà dì tôi có con trai làm chủ ngân hàng đã đưa cả nhà bay sang Hồng Kông, bà không chịu đi, ở lại với một người giúp việc, cô đơn trong ngôi biệt thự rộng rãi có vườn bao quanh, trồng rất nhiều hoa hồng. Thấy hai mẹ con tôi đến thăm, bà rất vui mừng xúc động, vì bà vốn rất yêu thương mẹ tôi và do vậy rất thương tôi. Bà chân thành muốn mẹ tôi cho tôi ở lại với bà: “Dì xem con như con của Dì và dì sẽ làm giấy cho con ngôi nhà này, chỉ cần con chịu ở đây với Dì”. Tôi cũng rất cảm động vì tình cảm của bà dì tôi nhưng dứt khoát từ chối trong ánh mắt đồng tình của mẹ tôi: “Con đã có nhà ở Hà Nội, đang có công việc ngoài ấy, lại còn cần đi lại chăm sóc mẹ con”. Ra về, mẹ tôi nói: “con trả lời Dì Nghè như vậy là phải. Đừng ham chuyện phù du con ạ. Chỉ những gì tự tay mình làm nên mới quý con à”.
Chẳng hiểu có thật chính xác không khi tôi nghĩ rằng, cái thiện được hình thành, nuôi dưỡng và đọng lại trong tâm hồn tôi tự buổi ấu thơ cho đến tận hôm nay, chính là mùi trầm hương trong chùa Quốc Ân tôi hít thở vào những dịp theo Mẹ tôi lên chùa. Phải nói ngay rằng, tôi không mấy mặn mà với những buổi thuyết pháp của các vị chân tu và là học giả uyên bác về đạo Phật, về triết lý Phật giáo mà tôi đã được nghe, được dự hoặc từ những tác phẩm nổi tiếng của họ mà tôi đã nghiền ngẫm sau này. Đơn giản chỉ vì những điều ấy không hấp dẫn và thuyết phục tôi. Có thể do sự hời hợt và kém hiểu biết, thiếu kiến thức của chính bản thân mình cũng nên. Nhưng đúng là những cái đó không có ý nghĩa bao nhiêu so với hơi ấm từ bàn tay gầy guộc cùng với ánh mắt hiền từ của sư cụ trụ trì với dáng vẻ khẳng khiu của một cây trúc trăm tuổi, đậm vẻ tiên phong đạo cốt dạo nào vừa nắm tay tôi vừa bảo Mẹ tôi “cho cháu ngồi xuống và thụ lộc Phật đi để rồi biết làm điều lành “.
Bàn tay ấy, ánh mắt ấy, giọng nói của vị sư già ấy từng truyền vào tôi dòng suối trong vắt của tri thức tuổi thơ khiến tôi đủ sức cảm nhận về cái thiện. Rất cụ thể và cũng hết sức dễ hiểu. Cho đến tận hôm nay, trong cổ họng tôi như vẫn còn đọng lại vị bùi và mùi thơm của nắm xôi sư cụ cho “thụ lộc” ngày ấy. Có lẽ sự cảm nhận về cái thiện không thể không đối lập với sự xa lánh cái ác. Và trong tôi, có thể vẫn còn đọng lại một vướng bận phải trả mối hận với cái tát của thằng B.. mà hơn hai phần ba thế kỷ như vẫn còn ám ảnh.
B.. là một thằng phản bội. Tôi từng dẫn hắn về nhà cùng với những anh khác khi hắn đang là chiến hữu của anh Long tôi. Sau đó hình như hắn bị kỷ luật về chuyện cưỡng bức một cô gái, và rồi hắn nhảy vào thành. Địch sử dụng ngay hắn vì hắn thông tỏ mọi ngõ ngách, đường đi lối lại của cán bộ hoạt động nội thành. Khi hắn bất chợt nhận ra tôi và tôi cũng nhận ra hắn khi đang làm nhiệm vụ “cảnh giới” và hắn đã tóm cổ tôi, giáng một cái tát. Sau này, khi anh Long trao cho tôi khẩu Mauser nhỏ xíu lấy được từ trên gác xuống như đã kể, hướng dẫn cách sử dụng để tôi chỉ làm duy nhất một nhiệm vụ là bắn một phát súng lên trời nhằm báo cho anh tôi và các anh chị là có thám báo phải kịp rút lui ngay, rồi lập tức lủi ngay vào bụi, ném khẩu súng xuống ao để rủi chúng tóm được mình. Ấy thế mà tôi vẫn cứ nuốt vào lòng tâm niệm nếu phát hiện thấy thám báo đúng là thằng B.. thì phát súng tôi bắn sẽ không hướng lên trời mà là nhằm đúng vào B.. để đáp lại cái bạt tai nảy đom đóm mắt hắn đã nợ tôi. Thế rồi lần ấy, anh tôi thận trọng nhắc và chỉ cho tôi chỗ nấp để có thể nhìn thấy thám báo vì lần này đoàn về có anh Thụy, không được phép có chút sơ hở nào. Tôi “tiếc” mãi vì bọn thám báo kỳ này có đến hơn năm, sáu tên, lại do thằng V.. dẫn đi chứ không phải là B…! Thằng này có cánh tay phải to hơn tay trái vì nó là cây quần vợt có hạng.
Mãi gần đây, nhân một bài viết của Cương, tôi mới biết “Thụy” chính là anh Nguyễn Chí Thanh nhờ vào chi tiết bức thư anh tôi viết cho anh Thụy bảo Cương cất kỹ khi vượt cầu Hiền Lương, công khai qua giới tuyến trong y phục hướng đạo đi cắm trại. Ra đến Khu bốn thì tìm bằng được anh Thụy để đưa bức thư viết tay của anh tôi, nhưng rồi Cương không gặp được.
Thế rồi cách đây mấy tuần, tôi thực sự bàng hoàng mở cửa đón khách khi nghe chuông reo. Ông khách nói giọng Huế, đứng cách tôi chỉ nửa mét, tôi giật mình thấy nhói trong tim, tưởng có thể ngã quỵ, vì đích thị gương mặt thằng B.. hiện ra. Y đến nhân danh tổ chức để bàn về một chuyện đã trở thành hài hước một cách lố bịch mà tôi không muốn nhắc đến. Đúng nó, tên chó săn tởm lợm mà tôi đã quyết bắt nó phải đền tội. Thật ra, đây chỉ là ảo giác về một nét mặt chìm sâu trong ký ức từ 75 năm trước khiến tôi tưởng tượng ra thế. Một cảm giác đột nhiên bật dậy do hành vi của y từng khiến tôi buồn nôn, như tôi đã buồn nôn khi nhớ lại vẻ mặt thằng B.. qua hai phần ba thế kỷ! “Nợ đâu, ai đã dắt vào tận tay” *! Cái xấu sẽ do nó tự xử, tôi chẳng nên bận tâm, mệt óc. Mà thôi, tôi không nên nói ra đây cái xấu, cái ác!
Hãy chỉ nói đến chuyện bao năm trôi qua, vào tuổi ngoại tám mươi, trong đáy sâu ký ức, tôi vẫn ngửi thấy mùi hương trầm và nhớ đến ánh mắt, bàn tay của vị sư già trụ trì chùa Quốc Ân. Biểu tượng diệu kỳ của cái thiện. Nhớ đến, chính vì bóng dáng của Mẹ tôi như ẩn, như hiện trong không gian tĩnh lặng và huyền ảo của ngôi chùa tuổi thơ in đậm trong tâm hồn. Bóng dáng ấy gợi dậy tiềm thức, lay động tâm tư. Và rồi tiềm thức được đánh thức giúp tôi dần dần hiểu ra nhiều điều. Cũng có thể gọi đó là sự thanh lọc tâm hồn, gạt bỏ những u mê ngộ nhận, xua đi những cuồng tín đa đoan, vứt bỏ những tín điều lừa mị. Tôi đang phát hiện ra tôi từ trái tim Mẹ, từ gương mặt Mẹ.
Tôi nhớ đến một ý nghĩ của Anđrey Bonkônxki, nhân vật tôi yêu thích nhất trong “Chiến tranh và Hòa Bình” của L.Tônxtôi mà tôi vừa say mê đọc lại, dừng ở đoạn chàng ta bị tử thương trong trận Borodino: “…Bên kia sẽ có gì, và ở đây trước kia đã có những gì? Vì sao trước đây ta ta lại thấy tiếc khi từ giã cuộc đời? Trong cuộc đời ấy có một cái gì mà trước đây ta không hiểu, và bây giờ ta vẫn chưa hiểu”. Đúng vậy, vì “vẫn chưa hiểu” nên ta phải sống sao cho cuộc đời ấy có ý nghĩa theo cách hiểu của ta, chính ta chứ không thể người khác, càng không thể dựa dẫm vào ai khác ngoài trái tim, khối óc đã làm nên bản lĩnh của mình.
Phát hiện ra cái xấu làm phiền lòng Mẹ và cũng phát hiện ra cái tốt khiến không phụ lòng Mẹ, để rồi “nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình“*. Thương mình, thương Mẹ, thương nỗi niềm Mẹ gánh chịu để hiểu rõ hơn thân phận con người qua cuộc đời của Mẹ. Miên man trong suy ngẫm và liên tưởng, như ai đó cho rằng, “mỗi thân phận chứa một phần lịch sử”. Thân phận của Mẹ có phải là ánh phản chiếu của thân phận dân tộc này không?
Bỗng nhớ đến câu thơ của Trần Thánh Tông
Mấy lần toát mồ hôi vì tham cứu đạo Thiền
Một sớm bỗng thấy hết khuôn mặt của mẹ
Thì ra khuôn mặt ấy chỉ có một nửa
[Kỷ hồi hãn xuất vị tham thiền
Nhất triêu thức phá nương sinh diện
Tỵ khổng nguyên lai một bán biên]
Đâu phải chỉ là khuôn mặt Mẹ, đấng sinh thành muôn quý ngàn yêu của tôi. Qua mẹ tôi, tôi nhận ra đất nước, quê hương, dân tộc, những cay đắng, những ngọt bùi, những dày vò đau đớn, những thăng hoa hạnh phúc đan chen, trộn lẫn mà tôi nào đã hiểu thấu.
Ngót phần tư thế kỷ qua, tính từ tuổi “lục thập nhĩ thuận” trở đi, sau khi từ chức viện trưởng, cởi bỏ mọi vướng bận trói buộc giằng xé của sự lệ thuộc, tôi có điều kiện để suy ngẫm nhiều hơn về ý nghĩa cuộc sống của chính mình trong sự rộng mở của tư duy và cung cách ứng xử giữa cuộc đời. Có điều kiện thong thả nhìn ngắm những bon chen, hối hả của cuộc sống, càng thấm thía về cuộc trầm luân mà dân tộc phải còng lưng hứng chịu mà hiểu ra mình cần phải làm gì. Trong sự tĩnh lặng đêm khuya, đắm mình vào những suy tưởng qua khung hình của Thầy Mẹ tôi, tôi gặm nhấm nỗi cô đơn của chính mình và hiểu ra cô đơn không phải là nghiệp chướng mà là sự trở về với thân phận con người để hiểu mình, hiểu người, hiểu cuộc sống. Để rồi, trong lòng cuộn lên nỗi nhớ Mẹ.
Mẹ ơi, đời Mẹ cũng như đời dân tộc, con thờ Mẹ trong trái tim con.
Rằm tháng Bảy năm Mậu Tuất,25.8.2018
Bài chỉnh sửa và viết lại nhân mùa Vu Lan. Hai bài viết cách nhau 5 năm, từ tháng 8.2013 đến tháng 8 năm 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét