1. Việt Nam chưa có luật biểu tình, như vậy người dân biểu tình có sai không?
Không sai! Nếu nói họ sai trái (vi phạm pháp luật) là phải nói họ đã vi phạm điều khoản nào của luật, trong khi đó không có luật nào cấm biểu tình. Như vậy không có luật biểu tình là họ có quyền biểu tình tự do nhưng không được vi phạm các văn bản pháp luật hiện có.
Từ lập luận trên cho phép khẳng định, người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm. Ngược lại ai ngăn cản quyền con người, quyền công dân là vi phạm pháp luật hình sự.
2. Vừa qua tại nhiều địa phương người dân biểu tình bày tỏ thái độ về việc lập 3 đặc khu kinh tế trong khi Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của nhân dân tạm dừng thông qua để nghiên cứu thêm nhưng nhân dân vẫn biểu tình là có ý đồ khác. Chúng ta từng nghe nhiều vị lãnh đạo, đại biểu Quốc hội nói biểu tình chỉ nhằm mục đích chống chính quyền. Vậy hiểu thế nào cho đúng?
Cả hai nhận định đều sai! Biểu tình là sự biểu lộ tình cảm, thái độ, quan điểm của người dân đối với một vấn đề nào đó của xã hội hoặc một vấn đề quốc tế. Quyền này đã được hiến pháp cũng như Công ước quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị của Liên hợp quốc (mà VN đã là thành viên) thừa nhận. Nhưng qua theo dõi các cuộc biểu tình trong nước cũng như quốc tế thấy rằng đa số biểu tình là để bày tỏ sự không đồng tình một chính sách nào đó của nhà cầm quyền. Chính vì vậy nên có nhiều người ngộ nhận rằng biểu tình là chống chính quyền (cũng có người cố tình gán ghép với mục đích làm xấu hình ảnh biểu tình).
Riêng biểu tình bày tỏ quan điểm về đặc khu vừa qua cũng không phải là có ý đồ gì khác bởi thực tế các cuộc biểu tình cho thấy các lý do của nó như sau:
– Một bộ phận người dân biểu tình bày tỏ không muốn lập 3 đặc khu chứ không phải phản ứng với dự thảo Luật Đặc khu (vì lo ngại vấn đề quốc phòng an ninh cũng như không hiệu quả về kinh tê). Trong khi đó Quốc hội chỉ tạm dừng thảo luận dự luật chứ không dừng việc lập 3 đặc khu.
– Một bộ phận người dân khác có thể không phản đối lập đặc khu nhưng lo ngại dự thảo luật sắp tới không ngăn ngừa được Trung Quốc lợi dụng để thôn tính lãnh thổ (chính vì vậy nên nhiều người tuyên bố “Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ 1 ngày!”.)
Như vậy thì dù Quốc hội đã tạm dừng thảo luận luật thì nhân dân biểu tình cũng chẳng có gì bất thường.
3. Như vậy người tham gia biểu tình phải am hiểu vấn đề trong khi đó báo chí cũng như dư luận cho rằng nhiều người a dua, thậm chí vì được cho tiền nên đi biểu tình chứ thực ra chẳng hiểu gì về đặc khu, dự thảo luật đặc khu?
Nếu nói phải am hiểu vấn đề mới biểu tình là không chính xác. Có thể nhiều người không hiểu sâu vấn đề nhưng qua các phân tích của các chuyên gia thì họ cũng thấy được hiểm họa từ Trung Quốc. Và họ xuống đường để gửi thông điệp đến lãnh đạo rằng “chúng tôi lo ngại Trung Quốc lợi dụng đặc khu để xâm phạm an ninh chủ quyền” thế là đủ. Các băng rôn, biểu ngữ trong các cuộc biểu tình đã cho thấy điều này.
Báo chí đưa tin một số người được mua chuộc để đi biểu tình nhưng không biết mức độ chính xác đến đâu. Nếu có chuyện này thì cả người mua chuộc và người nhận tiền để đi biểu tình đều không vi phạm pháp luật. Trừ trường hợp người cho tiền để vận động người biểu tình gây rối, bạo loạn, còn người biểu tình có phạm luật hay không thì phải căn cứ hành vi thực tế của họ.
Rõ ràng người cho tiền để người dân đi biểu tình là hành vi không trung thực nhưng họ là ai thì cần có bằng chứng thuyết phục. Cũng có thể họ là tổ chức hay cá nhân muốn làm xấu hình ảnh người biểu tình để CA có cớ dập tắt.
4. Trả lời câu hỏi thứ 2 rằng biểu tình không phải chống nhà nước, nhưng biểu tình vừa rồi tại Bình Thuận cho thấy điều ngược lại?
Phải phân biệt người biểu tình với người vi phạm pháp luật trong khi biểu tình. Điều đó cũng tương tự như phân biệt người tham gia giao thông với người đua xe trái phép. Vì vậy đừng đánh đồng biểu tình với người vi phạm pháp luật trong khi biểu tình.
Việc gây rối tại Bình Thuận có thể giải thích theo nhiều nguyên nhân. Có thể người dân bị kích động bởi những người muốn làm xấu hình ảnh người biểu tình. Cũng có thể họ gây rối vì bức xúc (có thể bức xúc nhiều chuyện khác nữa như ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, việc khai thác quặng …), cũng có thể bị kích động bởi tâm lý đám đông. Nhưng dù trường hợp nào thì gây rối như vậy là đã vi phạm pháp luật hình sự.
5. Người kêu gọi biểu tình phải chịu trách nhiệm gì khi họ là nguyên nhân gây rối và thiệt hại như ở Bình Thuận?
Họ không phải chịu trách nhiệm gì vì như trên đã nói biểu tình là hợp pháp, chẳng lẽ họ kêu gọi người dân thực thi quyền của mình lại có tội? Nếu họ kêu gọi biểu tình nhằm mục đích gây rối, bạo loạn thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
6. Nói biểu tình không chống nhà cầm quyền nhưng dù sao cũng gây thiệt hại cho nhà nước cũng là gây thiệt hại cho nhân dân như ách tắc giao thông hoặc gây rối như ở Bình Thuận hay bạo lực như ở nhiều nước khác. Vì vậy nên cấm biểu tình chứ?
Như chúng ta biết, khi một người bị bệnh thường đau đầu, đau bụng, hắt hơi, sổ mũi … Có triệu chứng đó chính là do kháng thể trong người chống lại các vi khuẩn, vi rút để tự bảo vệ. Tuy triệu chứng đó làm cho ta khó chịu, ảnh hưởng tới lao động và sinh hoạt nhưng nó là cần thiết để làm cho cơ thể khỏe mạnh. Tương tự, trong xã hội thì biểu tình tuy có có mặt trái nhưng nó chính là một trong các kháng thể của xã hội để đấu tranh với cái xấu, cái sai, làm cho bộ máy nhà nước và xã hội lành mạnh hơn.
Nó nói cho lãnh đạo biết phản ứng của nhân dân về một vấn đề nào đó để họ lắng nghe, cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp. Điều đó cũng có nghĩa buộc người lãnh đạo phải hành động có trách nhiệm hơn, hạn chế sự lạm dụng hoặc lợi dụng quyền lực để phục vụ một nhóm thiểu số hay cá nhân.
Trong một xã hội nếu người dân biểu tình bị đàn áp hoặc ngăn cản thì cũng không khác gì cho người bệnh uống thuốc giảm đau để chữa triệu chứng mà không uống kháng sinh để chữa bệnh. Nếu bị đàn áp mạnh mẽ, thường xuyên làm cho người dân cảm thấy sợ hãi có thể đến một lúc nào đó không còn dám biểu tình. Vì áp lực đấu tranh lớn nhất từ người dân bị dập tắt nên nhà cầm quyền càng ngày càng hư hỏng, tha hóa quyền lực, nói ngắn gọn là họ sẽ lạm dụng, thậm chí lợi dụng quyền lực để làm lợi cho cá nhân, cho phe nhóm, gây hại cho đất nước. Những tác hại này nói chung diễn biến âm thầm, êm dịu giống như bệnh ung thư nên không phải ai cũng nhận ra nhưng vô cùng nguy hại. Khi đó tuy nhìn bề ngoài xã hội có vẻ ổn định nhưng nó là ổn định cưỡng bức, ổn định giả tạo. Mà chúng ta cũng biết “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, do dó xã hội cũng hư hỏng, tha hóa, cản trở sự phát triển của đất nước. Người dân ngày càng bất bình với nhà cầm quyền, sự bất bình đó cứ tích tụ để lớn dần và ngày càng dồn nén.
Mặt trái của biểu tình là rất dễ bị kích động bởi tâm lý đông dẫn đến bạo loạn hoặc gây rối.
Do mặt xấu của biểu tình diễn ra trực quan, hậu quả ai cũng thấy ngay, trong khi mặt tốt không thấy ngay lúc đó chính vì vậy những người không hiểu bản chất sẽ chỉ thấy mặt xấu, không thấy mặt tốt. Điều đó cũng có thể ví như nhìn thấy người bị tai nạn trầy xước, chảy máu tưởng là nghiêm trọng trong khi người đang ủ bệnh ung thư thì cứ tưởng là khỏe mạnh.
Tóm lại biểu tình là một quyền công dân, là một công cụ để người dân buộc nhà cầm quyền phải phục vụ nhân dân tốt hơn, hạn chế mặt xấu, tiêu cực, vừa có hại nhưng lợi là chính, hại là phụ. Điều đó cũng tương tự người bệnh uống thuốc kháng sinh, tuy có hại nhưng vẫn phải uống vì lợi là chính, hại là phụ.
7. Để biểu thị không đồng tình với nhà cầm quyền chẳng hạn thì có nhiều cách khác như gửi kiến nghị lên trực tiếp hoặc góp ý qua cuộc họp các tổ chức đảng phái, tổ dân phố, hội, đoàn thể … có phải tốt hơn vì không gây tổn hại cho xã hội?
Đầu tiên phải khẳng định bày tỏ là quyền của công dân nên bày tỏ bằng cách nào là quyền của họ.
Việc chọn cách nào để bày tỏ tùy thuộc vào điều kiện, khả năng, sở trường và sở thích của mỗi người. Ngoài ra mỗi hình thức bày tỏ sẽ có một đặc điểm riêng, giá trị riêng. Chẳng hạn biểu tình có tính trực quan hơn nên tác động xã hội và dư luận lớn hơn, cổ vũ và lan tỏa trong xã hội nhiều hơn vì vậy có tác dụng mạnh mẽ nhất. Các hình thức khác như kiến nghị, phát biểu trong các cuộc họp … ít có tác động lan tỏa nên tác dụng rất hạn chế, đặc biệt khi phía được góp ý, kiến nghị bảo thủ hoặc thiếu thiện chí, họ có thể dấu nhẹm đi thì chẳng có tác dụng gì.
Những người kiến thức hạn chế, ít am hiểu vấn đề có thể biểu thị thái độ bằng biểu tình, nhưng lại không phù hợp với kiến nghị.
Như vậy có thể thấy các hình thức bày tỏ nói trên bổ sung cho nhau chứ không thể thay thế nhau.
8. Chúng ta thường nghe nói ở Việt Nam các cuộc biểu tình do các thế lực thù địch, phản động, khủng bố kích động, xúi giục để lật đổ chế độ, như vậy có đúng không? Nếu đúng như vậy thì người dân có nên tham gia biểu tình?
Tôi đã từng đọc trên mạng và thấy đa số lời kêu gọi biểu tình là của một số nhân sỹ trí thức có uy tín và các tổ chức dân sự trong nước. Ngoài ra, đảng Việt Tân ở Mỹ (mà Bộ CA xếp vào tổ chức khủng bố!?) cũng từng nhận đã kêu gọi và tổ chức thành công biểu tình phản đối Trung Quốc và Formosa.
Trong các lời kêu gọi đó tôi không thấy kích động bạo lực, lật đổ mà thậm chí họ còn khuyên không mang theo các vật dụng có thể gây chấn thương và còn hướng dẫn cách ứng xử ôn hòa kể cả khi bị đàn áp. Tôi cũng không tin ai hoặc thế lực nào muốn gây bạo loạn hay lật đổ chế độ ở Việt Nam. Các nhân sỹ, trí thức cũng nhận thức được bạo loạn, lật đổ chỉ có lợi cho ngoại bang còn nạn nhân lại chính là nhân dân. Qua theo dõi biểu tình trong nước thấy rằng người Việt Nam ôn hòa hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy cái gọi là “kích động biểu tình”, chống chế độ, bạo loạn hay lật đổ là ai đó muốn lừa dối người dân.
Việc người dân tham gia biểu tình theo lời kêu gọi của ai (kể cả nhận tiền để đi biểu tình) không thành vấn đề mà họ biểu tình như thế nào mới quyết định là có phạm luật hay không.
9. Có người từng nói, những người biểu tình nhân danh yêu nước nhưng nếu có chiến tranh ở Trường Sa chắc gì họ dám đi ra đó chiến đấu hay nếu yêu nước thì cứ làm tốt công việc của mình đi.
Không biết có ai nói đi biểu tình nhân danh yêu nước hay không nhưng tôi tin chắn một điều là họ biểu tình trước tiên là vì tương lai chính con cháu và bản thân họ.
Việc họ có dám ra Trường Sa chiến đấu hay không thì chưa ai biết nhưng chắc chắn là họ có trách nhiệm xã hội, còn trách nhiệm xã hội của những người không tham gia biểu tình thì chưa biết. Chính vì vậy nếu nghi ngờ người biểu tình trốn tránh chiến sự 1 thì mối nghi ngờ đó đối với người không tham gia biểu tình phải là 2.
Làm tốt công việc của mình và biểu tình đều là trách nhiệm với xã hội nhưng trên hai việc khác nhau, lợi ích khác nhau vì vậy không thay thế nhau được.
10. Việc lập đặc khu chỉ liên quan đến 3 tỉnh, vậy tại sao người dân các tỉnh, thành phố khác cũng biểu tình?
Việc lập 3 đặc khu sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh của quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế cả nước chứ không riêng gì 3 tỉnh có đặc khu. Ngoài ra cho dù không ảnh hưởng đến người dân ở địa phương khác thì việc họ xuống đường biểu tình là biểu hiện của trách nhiệm công dân với xã hội, biểu hiện tinh thần hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau. Như vậy ngoài lợi ích như trả lời ở câu hỏi thứ 6, biểu tình còn có lợi là giáo dục cho người dân tính trách nhiệm xã hội, tính nhân văn cao đẹp.
Phong trào xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam với hàng trăm ngàn người ở Mỹ là một ví dụ của tính nhân văn, tinh thần trách nhiệm xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét