Với mật độ dân số gần bốn ngàn người trên một kilomet vuông, Sài Gòn là thành phố có mật độ dân số lớn nhất cả nước. Là thành phố có nhiều ngành nghề phát triển đóng góp tổng thu ngân sách lớn nhất nước, Sài Gòn cũng là thành phố có lượng rác thải khổng lồ hơn 8 ngàn tấn mỗi ngày đến từ hơn 12 triệu dân sinh sống. Ý thức của nhiều người trong việc xả rác thải và một chính sách chung chưa tương xứng với mức độ độc hại do nghề nghiệp gây ra là những nguyên nhân chính đưa nghề móc cống ở Sài Gòn trở thành một trong những nghề đối mặt với tử thần.
Nghề độc hại
Kể về công việc của mình, ông Trần Thanh Long, một người làm nghề móc cống lâu năm chia sẻ:“Mình xuống dưới gặp đất, cát, kim, ống chích, mẻ chai, mảnh sành, rác rến… Mình làm từ 7 giờ 30 sáng đến 11 giờ 30 trưa. Buổi trưa mình nghỉ ăn cơm rồi từ khoảng hơn 12 giờ làm đến 4 giờ, hơn 4 giờ thì nghỉ, có mưa thì ra trực mưa.”
Ông Nguyễn Văn Rượu, một người thợ móc cống khác, chia sẻ: “Chế độ công ty đưa ra sẵn rồi, làm không được thì làm đơn xin nghỉ, đơn vị có nói rồi, anh làm được thì làm không thì đưa đơn nghỉ, nó không ép. Lương như tôi bậc 5, hết bậc rồi thì được khoảng hơn 8 triệu một tháng, sống thì ổn thôi. Nhưng ai có con đi học thì chết luôn. Như hai đứa đi học lớp 1 thì một tháng đã mấy triệu rồi. Như tôi 10 năm trước khó lắm tại vì lương eo hẹp, học thêm này nọ đâu đủ tiền đâu. Nếu mà lương tháng nào trễ thì phải đi mượn tiền, giao kèo của công ty là từ ngày 1 đến ngày 5 lương chính, từ ngày 15 Tây đến 20 Tây thì lương ứng, có tháng trễ thì dứt khoát phải đi mượn tiền ăn.”
Ông Long cho biết thêm rằng dẫu biết công việc của mình rất độc hại và dễ gặp phải nguy hiểm nhưng ông và các bạn nghề của mình không còn lựa chọn nào khác. Mặc dù Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ có thể nuôi sống nhiều người nhưng cũng là nơi đầu tiên chôn mất ai đó nếu họ không kịp lăn vòng theo bánh xe của nó. Nếu những người lao động chân tay khác chọn những nghề như hàng rong, xe ôm, bán nước, vé số, bốc hàng… thì nghề này lại chọn ông Long. Ban đầu chỉ là nhận lại công việc của những người móc cống đi trước ở những nơi nguy hiểm, nơi họ không dám xuống. Dần dà, khi quen dần và cảm thấy nếu chịu khó làm thì cũng có thu nhập để lo cho con cái ăn học, ông Long và nhiều người tiếp tục theo nghề cho đến nay.
Ông Nguyễn Văn Rượu chia sẻ thêm:“Đang thi công mà nạo vét hầm ga. Khi mới xuống thì mình mở cửa hầm khoảng 15 phút rồi xuống, nhiều khi 15 phút rồi mà vẫn chưa có không khí nữa, tùy hầm sâu hay cạn. Có lúc khi xuống dưới mà ngộp quá thì xuống dưới xong rồi chạy lên. Làm không có người quan sát, kỹ thuật cũng không, làm giống như bỏ con giữa chợ vậy đó, giao cho tuyến đường mày làm được thì làm, làm không được thì bị chặt lương. Còn nếu nói không khí thì nó ngộp hơn. Nếu mùa mưa thế này gặp được hầm nước ra vô thì đỡ chút còn gặp hầm ứ đọng thì ngứa lắm, nhiều khi về mai nổi mụt luôn, còn mảnh chai đứt tay đứt chân là thường.”
Kim tiêm, mảnh chai, rác thải độc hại, hóa chất… không ai tránh gặp được những thứ này khi đã lội xuống cống và vớt rác thải. Những người thợ móc cống cho biết mặc dù biết nguy hiểm là vậy nhưng nhiều khi xuống dưới cống, họ buộc phải đi chân trần, tay không để bốc rác cho nhanh bởi lượng rác thải quá lớn.
Công việc thường ngày bắt đầu vào khoảng gần 8 giờ sáng, sau khi lội, lặn để vớt rác thải, bùn từ dưới các ống cống lên, người công nhân móc công tắm sơ qua bằng các loại xà phòng đậm như nước rửa chén tẩy rửa để tẩy bớt chất bẩn và hóa chất từ dưới cống bám quanh người.
Một công nhân móc cống trẻ ngại nêu tên chia sẻ: “Phải tắm để tẩy mùi cống tại cống mùi hôi, thối lắm, không tẩy, nó đâu có hết…”
Theo ông Rượu và nhiều công nhân khác chia sẻ thì phải chuẩn bị tâm lý bởi mình không biết hôm nay sẽ gặp phải rác gì, có gì bất trắc không, bởi nghề của ông, bị thương hoặc nhiều khi bị bỏng toàn thân do nước thải đầy hóa chất là chuyện không thể lường trước, nhất là những hôm phải móc những đoạn cống quanh chợ Kim Biên.
Riêng các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Cây Trâm, Lê Đức Thọ… những tuyến đường hay ngập của Sài Gòn, ngoài việc khơi thông rác vào ban ngày, mỗi lúc trời mưa xuống, các công nhân móc cống còn phải luân phiên canh các ống cống đề phòng cống bị tắc nghẽn vì rác thải khi nước ngập. Ngày thường, công việc suôn sẻ thì họ có thể nghỉ lúc khoảng 4 giờ chiều, sau khi mang rác thải và các chất nạo vét được đi đổ. Vào những ngày nước ngập, nhiều khi họ phải trực cả đêm.
Cống nước ở Sài Gòn. Ảnh: RFA
Tuy công việc gian nạn vậy nhưng không khó để bắt gặp nụ cười trên môi của họ sau khi dùng tay áo bẩn quẹt mồ hôi, và nếu hỏi họ mong ước điều gì, họ sẽ trả lời ngay rằng chỉ mong người dân ý thức hơn chút thôi, đừng thứ gì cũng thả xuống cống như vậy, tội cho họ, bởi chọn cái nghề này họ đã phải chấp nhận quá nhiều thứ rồi.
Và bạc bẽo…
Mặc dù đã được xếp vào ngành nghề độc hại, tuy nhiên người làm nghề móc cống có vẻ như không nhận được điều đáng ra họ được nhận. Mức lương tối đa mà một người có thâm niên làm việc mấy chục năm, ở bậc lương cao nhất cũng chỉ ở mức 8 đến 9 triệu đồng một tháng. Và những trang bị máy móc cùng dần dà được lấy đi để lại cho họ một công việc hoàn toàn bằng tay chân.
Nói về trang bị lao động cũng như phúc lợi nhận được, ông Nguyễn Văn Rượu chia sẻ: “Về bảo hộ lao động thì có phát đủ rồi nhưng đúng ra thì hốt cống trong hầm ga hoặc hầm sâu thì phải có máy thổi còn cái này nó không trang bị, anh em tự hốt rồi ngột chạy lên thôi. Cái lúc làm công trường thấy nó đem ra vậy thôi chứ lúc thi công đâu có đâu, đúng ra cái này thiếu máy thổi.”
Ông Trần Thanh Long, một người làm nghề móc cống lâu năm chia sẻ:“Con cái chú lớn giờ nó đi làm rồi, chú ở nhà thuê. Lương trung bình khoảng bảy triệu mấy tùy theo bậc. Anh em làm cái gì độc hại thì người được hai, ba chai dầu, mười mấy hộp sữa, vậy thôi à.”
Ông Nguyễn Văn Rượu chia sẻ tiếp:“Ngày xưa cái xe để nâng bùn, có hết, có máy hết nhưng sau một thời gian ban giám đốc đổi giám đốc. Ông giám đốc này bảo là để máy trên xe là sai quy định, sợ bị phạt cho nên họ tháo giàn, không còn giàn máy nâng đất nữa. Trước có cái thùng xanh mình múc xong có máy nâng lên giờ thì mình múc xong hai người nâng lên, cực khổ.”
Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền thành phố Sài Gòn nên có những chính sách thanh sạch thành phố ngay lúc này cũng như người dân nên tự ý thức về việc bảo vệ môi trường sống của mình để mỗi ngày của người công nhân vệ sinh chỉ đơn thuần là làm xanh thành phố chứ không hẳn phải đối mặt với tử thần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét