Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

6192 - Đất Thủ Thiêm – Kỳ V: Đau thương chồng chất đau thương


Tiếp theo Kỳ I  —  Kỳ II  —  Kỳ III  Kỳ IV


Vợ chồng bà Giáp và ông Lực bên chồng hồ sơ khiếu kiện. Ảnh: FB Võ Đắc Danh

Gần nhà chị Vinh, một ngôi nhà còn sót lại nằm chơ vơ giữa bãi tha ma là ngôi nhà của vợ chồng ông Huỳnh Văn Lực và bà Nguyễn Thị Giáp. Ông Lực 91 tuổi đời, 70 tuổi đảng, bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường, bà Giáp 83 tuổi, lụm khụm chăm sóc cho chồng. Hồi xưa họ có người con trai hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng đã chết vì tai nạn điện. Bà nói, nếu nó còn sống thì đỡ khổ cho tôi, ít ra có con cháu cũng bớt đi sự cô quạnh của tuổi già. Giờ trong tình cảnh nầy, nếu tôi ngã bệnh thì… thật là khổ. Tôi hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu không may bà ngã bệnh giữa cái bãi tha ma nầy trong căn nhà không có người thứ ba, chung quanh không có láng giềng. Tôi không dám so sánh với bất kỳ quốc gia nào, xã hội nào về chính sách nhân đạo đối với tuổi già, và có lẽ, bà Giáp cũng không có mong muốn nào hơn ngoài việc đừng cưỡng chế, đừng đập phá cướp đất, hãy để yên cho vợ chồng bà trong những năm tháng ngắn ngủi còn lại cuối đời.
Vợ chồng bà Giáp đều là viên chức của Bộ Vật tư, khi về hưu, họ được cấp một căn nhà cộng cư bên phường Thảo Điền, tức là một căn nhà một trệt một lầu được cấp cho hai hộ, bà ở tầng dưới, ông sếp của bà ở tầng trên. Rồi ông Lực ngã bệnh, đứa con trai qua đời. Sau một thời gian chạy chữa cho chồng, chợt nhìn lại thấy mình ngồi trên đống nợ. Không còn cách nào khác, bà phải bán quyền sử dụng cái không gian tầng trệt ấy cho người ở trên lầu. Sau khi thanh toán nợ nần, còn lại ít tiền, bà sang Thủ Thiêm mua lại căn nhà nát trong con hẻm trên đường Lương Định Của, nhà không có chủ quyền, chỉ sang nhượng bằng giấy tay. Nhưng người chủ cũ bằng cách nào đó đã chạy chọt cho bà xây lại ngôi nhà cấp bốn.
Ở yên được mười năm, đến tháng tư năm 2011, khi cả khu phố bị cưỡng chế, đập phá thành bình địa thì tới lượt hai ngôi nhà của ông bà và chị Vinh, một người già bị tai biến và một phụ nữ neo đơn khuyết tật bị cưỡng chế sau cùng.
Ngày 18 tháng 4 năm 2011, nhà chức trách tới trao cho bà quyết định cưỡng chế và bảng chiết tính bồi thường với giá… không đồng. Lý do: nhà và đất không có giấy tờ hợp lệ. Tuổi già sức yếu, trong cảnh neo đơn, nhưng bà phải vừa đi kiện vừa chăm sóc cho người chồng nằm liệt giường.
Đến ngày 25 tháng 1 năm 2003, bà nhận được thông báo giải tỏa kèm theo bảng chiết tính bồi thường theo hai phương án như sau: Phương án thứ nhất, nếu bà nhận tái định cư thì bà được trả 9.612.500 đồng ( chín triệu sáu trăm mười hai ngàn năm trăm đồng ) và được mua một diện tích tái định cư 7,75 mét vuống ( bảy phẩy bảy mươi lăm mét vuông ) trong căn hộ chung cư bằng với số tiền ấy, nói cho dễ hiểu là ngôi nhà và đất hơn một trăm mét của bà sẽ đổi 7,75 mét vuông chung cư, phần còn lại của căn hộ tùy theo lớn nhỏ bà phải trả tiền theo giá gọi là bảo toàn vốn. Phương án thứ hai, nếu bà không nhận tái định cư thì bà được lãnh số tiền 133.612.500 đồng, tự tìm chỗ ở.
Cũng như bao nhiêu người khác, bà không chấp nhận cả hai phương án, và cuối cùng là cưỡng chế, nói cho chính xác hơn là bị cướp.
Cũng như trường hợp của chị Vinh, mỗi lần nhân viên công lực và phương tiện cơ giới tới bao vây thì hàng xóm kéo tới làm hàng rào sống bảo vệ cho vợ chồng bà. Bà khóa cửa rào và lấy hết hơi sức của tuổi già nói vọng ra với nhà chức trách: Các ông muốn làm gì thì cứ làm đi, vợ chồng tôi sẽ ôm nhau cùng chết, thà chết ở đây còn hơn chết ở ngoài đường.
Nhân viên công lực đi cướp thay cho người khác, dù sao cũng là con người, có lẽ cũng biết sợ luật nhân quả nên họ rút lui trước hai con người như ông Lực và chị Vinh, những người mà nếu ném ra đường, họ sẽ chết ngay tại chỗ.

*
Chúng tôi đến thăm anh Đặng Văn Truyền, 50 tuổi đang sống trong căn phòng tạm cư 21 mét vuông như cái ổ chuột ngổn ngang vật dụng gia đình, nhếch nhác, ngột ngạt và oi bức, giống như cái cảnh tản cư chạy giặc hồi chiến tranh. Trong phòng không có chỗ ngồi, anh Truyền bắc ghế ngoài sân để tiếp chúng tôi, anh nói ở khu tạm cư nầy có hàng trăm hộ với ngàn ngàn con người sống chật hẹp và chen chút như thế, có hộ đã vào đây gần hai mươi năm, mất đất, mất nhà, mất công ăn việc làm, lang thang tìm mọi cách để mưu sinh và.. đi kiện.
Trước đây, anh Truyền là chủ cơ sở đại lý gas cạnh chợ An Khánh. Làm ăn khấm khá, năm 2.000 anh vay mượn thêm bạn bè, dòng họ để mua căn nhà 50 mét vuông, mặt tiền đường Lương Định Của trị giá 75 cây vàng. Do nhà mua bằng giấy tay nên khi giải tỏa, người ta thông báo đền bù cho anh mức giá 36.000.000 đồng, tương đương với một cây vàng (!). Anh nói 36 triệu đồng bây giờ không đủ mua miếng đất để chôn, anh làm đơn khiếu nại, lên quận, quận bác đơn, lên thành phố, thành phố bác đơn, ra trung ương, trung ương làm công văn chuyển đơn về cho thành phố… Ngày 21 tháng 2 năm 2011, ủy ban quận ra quyết định cưỡng chế, anh nói nếu cưỡng chế anh sẽ tử thủ, cho nổ cửa hàng gas. Lệnh cưỡng chế tạm hoãn thi hành, người ta cử những đoàn cán bộ tới vận động, thuyết phục, nân giá đền bù lên 19 triệu đồng một mét vuông, anh kiên quyết không nhận vì cho rằng nhà anh nằm ngoài ranh quy hoạch. Lúc bấy giờ, những căn hộ chung quanh nhà anh đã bị san bằng.
Ngày 23 tháng 12 năm 2015, tới lượt số phận của anh. Khác với những căn hộ khác, khi cưỡng chế nhà anh, ngoài xe ủi, xe cuốc, xe cướu thương, cứu hỏa và nhân viên công lực thông thường, người ta tăng cường thêm một đội đặc nhiệm và trang bị thêm một xe xịt hơi cay và hai xe chửa cháy đặc chủng chở bọt khí foam dùng cho các sân bay. Tất cả để đối phó với một con người và mục tiêu cướp cho được căn nhà năm chục mét vuông (!).
Khi người ta xịt hơi cay vào nhà, anh Truyền đeo mặt nạ và chuẩn bị cho nổ bình gas nhưng đã muộn vì bọt khí foam đã phủ căn nhà. Chúng dùng xe cuốc phá toan ba cánh cửa, nhân viên đặc nhiệm xông vào, anh Truyền bị những thanh bá trắc đập thẳng vào hai ống quyển và hai bên be sườn, anh té quỵ xuống, hai nhân viên đặc nhiệm đè anh trói thúc ké, họ vừa trói vừa nói: ĐM mầy có biết cưỡng chế căn nhà mầy tụi tao phải tốn hàng trăm triệu tiền hóa chất hay không.
Họ vừa trói, vừa chửi vừa đánh, đánh từ nhà đánh lên xe cấp cứu và tiếp tục đánh trên đường đưa anh tới bệnh viện quận 2, hàng trăm người dân kéo theo, rơi nước mắt như khóc cho chính con cháu ruột thịt của mình.
Mấy ngày sau, họ cho anh xuất viện nhưng không dám trao giấy chứng thương. Anh Truyền bị tràn dịch khớp gối, phải vào phẫu thuật trong bệnh viện Sài Gòn.
Cái giá tử thủ với nhà chức trách là như thế. Mất nhà, mất đất, mang thương tật, mất thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, sống cùng quẩn trong căn phòng tạm cư không biết đến bao giờ!
Ba năm qua, anh cùng với bà con Thủ Thiêm mang đơn kêu cứu ra Hà Nội không biết bao nhiêu lần, có lần ăn dầm nằm dề cả hai tháng trời. Nhưng vô vọng!
***
Cách chỗ anh Truyền vài chục mét là căn phòng tạm cư của chị Phan Thị Thủy, 63 tuổi. Đã 17 năm sống trong khu ổ chuột nầy, sống trong sự chồng chất khổ đau và bế tắc.
Mười bảy năm trước, chị Thủy đã có một gia đình đầm ấm, một quán cà phê nho nhỏ trên đường Lương Định Của, gần chợ Anh Khánh. Chồng chị Thủy, anh Trần Vĩnh Phúc, thiếu tá công an, làm việc ở quận 2. Hai vợ chồng cùng đứa con gái đang sống một cuộc sống bình thường thì nhân tai trút xuống.
Một ngày của năm 2.000, chị nhận được thông báo giải tỏa không đền bù vì nhà chị mua bằng giấy tay. Chị làm đơn khiếu nại, nhưng khổ nỗi anh Phúc là đảng viên, là sĩ quan, cái vòng kim cô ấy buộc phải tuân hành.
Chấp nhận dọn vào căn phòng tạm cư, nhưng chị vẫn cùng bà con đi khiếu kiện, thậm chí kéo nhau hàng chục, hàng trăm người đi biểu tình trước văn phòng Chính phủ trên đường Lê Duẩn. Mỗi lần chị đi thì người ta gọi anh Phúc lên, bảo anh phải gọi chị về. Nhưng anh không thể mở lời khuên can vợ bởi chính anh là người đau xót trước căn nhà trị giá tiền tỷ bị tước đoạt vô lý. Cuối cùng, sau nhiều lần kiểm điểm, anh Phúc bị kỷ luật với hình thức gián cấp xuống hàm đại úy. Bị tổn thương, anh Phúc xin nghỉ việc về phụ vợ bán cà phê.
Hai vợ chồng cùng với con gái, con rể và đứa cháu ngoại không thể sống nổi trong căn phòng chật hẹp 21 mét vuông, anh Phúc mượn thêm một căn liền vách để chứa vận dụng và mở quán “cà phê chạy”, ai kêu đâu chạy đó.
Vốn có bằng đại học Luật, anh Phúc làm thủ tục xin cấp chứng chỉ nghề với mơ ước mở văn phòng Luật sư, nhưng việc không thành, anh đành trở lại lầm lũi, âm thầm với cái quán “cà phê chạy”. Chị Thủy sau một thời gian dài đi kiện, người ta bán cho chị căn hộ tái định cư 41 mét vuông trên lầu 3 ở Bình Trưng, cách đó gần mười cây số với giá 70 triệu đồng. Chị không nhận và tiếp tục đi kiện với lý do, nhà chị 70 mét vuông trên đường Lương Định Của, giờ trở thành đất vàng, bị giải tỏa không đền bù giờ phải mua lại căn hộ 41 mét vuông, quá bất công. Nhưng rồi bất công chồng chất bất công, người ta ra quyết định cưỡng chế, bắt chị phải ra đi và phạt 25 triệu đồng với lý do chiếm nhà tái địng cư trái phép. Chị kiên quyết không đi và cũng không nộp phạt. Cứ tiếp tục cùng bà con làm đơn khiếu kiện.
Anh Phúc bắt đầu thay đổi tính tình như một người trầm cảm, mất ngủ, bỏ ăn. Có lần anh lẩm bẩm với chị: Phải chi tôi đừng nghỉ việc thì bây giờ tôi còn khẩu súng… Chị can anh, thôi đừng nghĩ bậy.
Buổi sáng ngày 24 tháng 4 năm 2015, không thấy anh dậy sớm pha cà phê như mọi bữa, chị bước qua gọi cũng không thấy anh trả lời, nhìn thấy đèn sáng trong nhà tắm nhưng không nghe tiếng động. Chị bước tới mở cửa thì trời ơi, anh đã treo cổ…
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét