Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam mà khi đó tổng kinh phí xây dựng dự kiến vào khoảng $30-$40 tỷ. (Hình: VietNamNet)
Một chục năm sau thời điểm bắt đầu khởi động âm mưu “hốt đậm” với dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam mà khi đó tổng kinh phí xây dựng dự kiến vào khoảng $30-$40 tỷ, nhóm cá mập giao thông ở Việt Nam vẫn cắm mặt lao theo dự án khổng lồ này, nhưng đã chuyển sang tư duy “hốt cú chót.”
“Lũ người quỷ ám”
Mùa Thu năm 2018, một hội thảo giữa kỳ về dự án trên do Bộ Giao Thông Vận Tải và các cơ quan tư vấn tổ chức đã phóng ra con số dự toán lên đến gần $60 tỷ cho Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tương đương với tổng dự toán thu ngân sách của nguyên năm 2018.
10 năm trước – giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010 – được xem là thời kỳ “hóa rồng” và “cất cánh” của nền kinh tế Việt Nam, khi ngân sách còn tương đối dồi dào để trích ra một gói kích cầu lên đến 143,000 tỷ đồng (tương đương $8 tỷ) dành cho chứng khoán và bất động sản, mà đã tạo nên một lớp tỷ phú đô la mới đi lên bằng những chiến dịch đầu cơ giá cổ phiếu và đất nền gấp hàng chục lần, nhưng cho tới nay vẫn chẳng có một quốc hội nào ra công kiểm toán xem cái 8 tỷ đô la đó đã đi về đâu và chui vào túi những kẻ nào.
Đó cũng là thời kỳ 9 năm cầm quyền của thủ tướng bị xem là “phá chưa từng có” – Nguyễn Tấn Dũng, dung dưỡng cho các tập đoàn lợi ích xâu xé bầu sữa ngân sách và tiền đóng thuế của người dân. Từng bầy từng đàn dự án công trình cầu đường từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ đồng mà mới làm xong đã xuống cấp dữ dội, dự án xây dựng trụ sở hành chính cũng với giá trị tương đương ở nhiều tỉnh thành – những địa phương mà cứ năm hết Tết đến là lại vác rá lên chính phủ để “xin gạo cứu đói cho dân”…
Trước năm 2015, tổng dự toán của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam (một dự án “song sinh” với dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam) đã lên đến 230,000 tỷ đồng, tương đương khoảng $11 tỷ. Đó còn là thời “ăn nên làm ra” của nhóm lợi ích ODA khi vẫn còn vay mượn quốc tế thoải mái, của hầu hết dự án BOT được Bộ Giao Thông Vận Tải chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu rộng rãi mà do đó đã dậy lên nghi vấn về cái bao tử không bờ bến.
Nhưng thời kỳ hoàng kim của chế độ “lại quả ngầm” lên đến 40 -70% giá trị công trình đã chính thức đặt một chân xuống mồ vào cuối năm 2015 – bối cảnh “toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12,” bối cảnh mà “đồng chí Ba X” sắp bất ngờ bị áp phương án nhân sự “bất cứ ai trừ Dũng,” còn bộ trưởng kế hoạch đầu tư khi đó là Bùi Quang Vinh đã phải lần đầu tiên hoảng hốt trước một kỳ họp quốc hội “Ngân sách chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì!”
Những con cá mập từng xé xác ngân sách tàn bạo nhất cũng có nhiều kinh nghiệm nhất từ lời tán thán trên: thời kỳ “tiền vào như nước Sông Đà” đã qua, sẽ không còn hàng núi tiền được ngân sách hào phóng cấp phát cho dù Nhà Máy In Tiền Quốc Gia vẫn phải hoạt động hết sông suất “một người làm việc bằng hai” để tung ra một núi tiền mới cứng nhằm bù đắp cho cái hố bội chi toang hoác bốc mùi địa ngục.
Kinh nghiệm đó là có thực, và có giá trị dự báo cho một thời kỳ đen tối đối với “lũ người quỷ ám” (tên một tác phẩm của văn hào Nga Dostoievsky). Chỉ ít tháng sau khi đại hội 12 của đảng cầm quyền “thành công tốt đẹp” và khi Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa hết kinh ngạc trong tâm thế phải ngậm ngùi “trở về làm người tử tế” ngoài kế hoạch nhậm chức tổng bí thư, hàng loạt đề xuất xây công trình trụ sở hành chính và giao thông chục ngàn tỷ đã bị chính Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư và Bộ Tài Chính – hai cơ quan mà trước đó vung tiền không hề tiếc nuối – chặn bỏ. Đó cũng là bối cảnh mà các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam và đường sắt cao tốc Bắc-Nam lâm vào tình thế “ngậm tiền nuốt không trôi.”
Nội hàm “ngậm tiền” không phải là núi tiền mà ngân sách đã cấp phát để xây dựng công trình, vì ngay vào lúc đó tìm ra một ngàn tỷ đồng kết dư trong ngân sách cũng đã là khó khăn. “Ngậm tiền” chỉ là tiền mà các chủ đầu tư cá mập đã ứng trước cho những đơn vị tư vấn với một trong những sứ mệnh cao cả nhất là kê giá dự án ở Việt Nam lên gấp 4 lần so với đơn giá xây dựng đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc ở Mỹ – quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người gấp ba chục lần đầu dân Việt Nam.
Cả một thời kỳ hoàng kim “hốt đậm” đầy chất động kinh đã lao qua, như thể cơn suy thoái kinh tế đã bắt một Việt Nam “đầu tư, đầu tư ồ ạt cho đến lúc sụp đổ” phải trả giá thê thảm từ năm 2008 đến tận bây giờ và còn chưa có điểm dừng.
Nhưng sau “hốt đậm” lại là sự sáng tạo của những bộ óc sáng tạo: “hốt cú chót,” hay lịch sự và văn hoa hơn là “hoàng hôn nhiệm kỳ.”
Ba giai đoạn đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam mà Chính Phủ CSVN sắp trình lên Quốc Hội CSVN. (Hình: Báo Pháp Luật)
Bóng đè
Ý niệm “hốt cú chót” ra đời trong bối cảnh từ năm 2012 khi không chỉ thể chế kinh tế mà cả thể chế chính trị đã bộc lộ những rạn nứt sâu sắc và nguy hiểm, phát ra những chỉ dấu về một thời kỳ cuối cùng của chế độ cầm quyền theo quy luật “hưng-diệt”, bất chấp việc nó bằng mọi cách cố kéo dài hơi thở phập phù qua từng năm một.
Kinh tế lại đồng nghĩa với chính trị, còn thu nhập “ăn ngân sách” không thể tách rời khỏi số phận chế độ cầm quyền. Lấy gì mà “ăn” nếu không còn có đại hội 13, hoặc có chăng nữa thì cũng trên một nền tảng ngân sách trống rỗng ngoại tệ bởi vô số khoản nợ đáp hạn phải trả cho nước ngoài mà sẽ đẩy Việt Nam biến dạng thành một Venezuela thứ hai?
Khi năm 2018 đã ngầy ngật kéo lê được 2/3 thời gian của nó, trừ kết quả thu ngân sách nhà nước vẫn đạt được kế hoạch dự kiến bởi chính sách “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối,” hai tử huyệt tài chính quốc gia khác là nợ công và nợ xấu vẫn không hề được thay hình đổi lốt.
Ít nhất $430 tỷ nợ công và 900,000 tỷ đồng nợ xấu vẫn như một cái bóng đè khổng lồ lên giấc mơ “không biết đến cuối thế kỷ 21 có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không” của chế độ ông Nguyễn Phú Trọng.
“Hốt cú chót” chính là vào lúc này – thời điểm nền kinh tế đã cố định một chân trên vực thẳm phá sản, khi các nhóm lợi ích ODA ở Việt Nam vẫn quyết liệt thực hiện chiến dịch không nương tay với những món vay mượn khổng lồ từ nước ngoài bằng âm mưu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Cơ cấu dự kiến ít nhất 80% của dự toán gần $60 tỷ làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam là từ “tiền trên trời rơi xuống” – tức nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA.
Cứ như một thứ tạo phản ngược với tạo hóa, ngân sách càng khốn quẫn, phong trào chấm mút càng lao nhanh lên điểm cực đại như thể không còn có ngày mai.
Trong bối cảnh đen tối cả tiền đồng lẫn lương tâm ấy, gần $50 tỷ của “món nợ đường sắt cao tốc Bắc-Nam với nhân dân” mà giới quan chức chóp bu Việt Nam mà nhóm lợi ích – chính sách đang âm mưu thuyết phục Quốc Hội thông qua để có cơ sở câu kéo thêm nguồn ODA từ Nhật Bản và một số quốc gia khác sẽ chồng thêm một núi nợ trên cái núi $431 tỷ nợ công đã vượt trên cả đỉnh Himalaya mà chỉ còn chờ ngày đổ sập xuống số phận của toàn bộ dân chúng còm cõi ở đất nước “lệ tuôn hình chữ S.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét