Ai sẽ thay thế ông Trần Đại Quang trong hàng tứ trụ?
Trong thượng tầng lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội được coi là Tứ trụ. Những nhân vật này được Trung ương đảng đương nhiệm tuyển chọn từ trong hàng ngũ Bộ chính trị và ít nhất phải trải qua một nhiệm kỳ Bộ chính trị của khóa trước.
Trong nhiệm kỳ của khóa XII, có 7 nhân vật đủ tiêu chuẩn để chọn vào Tứ trụ gồm Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Tòng Thị Phóng. Như vậy để thay thế ông Trần Đại Quang vừa qua đời, có hai nhân vật đủ tiêu chuẩn để Trung ương đảng khóa XII chọn thay thế là Nguyễn Thiện Nhân, hiện là Bí thư Thành ủy Sài Gòn và Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc Hội. Ông Đinh Thế Huynh thì đang bị bệnh rất nặng và phải từ chức Bí thư thường trực nên không thể tham gia cuộc đua này. Còn ông Phúc và bà Ngân đã yên vị trong vai trò Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Bà Tòng Thị Phóng khó được Bộ chính trị chọn trở thành Chủ tịch nước vì bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang là Chủ tịch Quốc hội, chả lẽ trong hàng ngũ Tứ trụ lại có tới hai phụ nữ. Vì thế mà nhiều xác suất, ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ được chọn làm Chủ tịch nước thay thế ông Trần Đại Quang cho đến năm 2021.
Nếu ông Nhân được chọn lựa, quả là cuộc đời và sự nghiệp của ông Nhân đã có những may mắn bất ngờ từ việc thay ông Thăng làm Bí Thư Thành phố Sài Gòn, và nay bước vào hàng ngũ Tứ trụ do ông Quang đột tử.
Tuy nhiên, cũng có người đưa ra dự kiến rằng, người thay ông Quang có thể là ông Nguyễn Phú Trọng vì cho rằng đây là cơ hội thuận lợi nhất để cho Bộ chính trị xúc tiến chính sách “nhất thể hóa” hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nhằm đẩy mạnh việc tinh giảm bộ máy chính trị và thâu tóm quyền lực.
Có thể phe nhóm của ông Nguyễn Phú Trọng mong muốn điều này để giúp cho họ củng cố quyền lực mạnh mẽ hơn sau những đợt “đốt lò” hầu chuẩn bị nhân sự kế thừa thay ông Trọng cho Đại hội XIII dự trù vào tháng 1 năm 2021.
Nhưng nội bộ của đảng CSVN hiện nay đang có những bất mãn ngấm ngầm sau đợt thanh trừng qua các vụ án tham nhũng mà ai cũng thấy rõ chỉ là màn thanh toán quyền lực giữa phe ông Trọng với các phe nhóm khác. Do đó, nếu ông Trọng kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch nước sẽ chỉ tạo thêm lý do tấn công cho các phe đối nghịch, và tình hình nội bộ đảng sẽ rơi vào khủng hoảng. Đây là tình thế mà ông Trọng phải nhận biết và cần phải giữ đảng ổn định để sống còn trong cơn lốc mậu dịch Mỹ-Trung hiện nay.
Nếu ông Trọng không thể kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước thì ông Trần Quốc Vượng, hiện là Thường trực Ban bí thư, càng khó để thay ông Trần Đại Quang vì hai lý do:
Một, ông Trần Quốc Vượng mới được bầu vào Bộ chính trị trong khóa XII, chưa phải là nhân vật thâm niên để bước vào hàng ngũ Tứ trụ dù được coi là nhân vật có công trong vụ “đốt lò” với ông Trọng.
Hai, ông Trần Quốc Vượng đang được chuẩn bị để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Tổng bí thư ở nhiệm kỳ XIII nên sẽ phải biết “giữ mình” cho cuộc chạy đua mà nhiều phần sẽ rất gay go trong hai năm tới.
Tóm lại, để giữ ổn định nội bộ và chuẩn bị cho ông Trần Quốc Vượng, nhiều phần ông Trọng sẽ phải chấp nhận giải pháp đưa ông Nguyễn Thiện Nhân thay thế ông Trần Đại Quang để củng cố ghế Tổng bí thư cho ông Vượng cho nhiệm kỳ tới. Nhưng ông Nhân ra đi, sẽ để lại khoảng trống quyền lực ở Sài Gòn, và đưa đến những đấu đá mới khi mà vụ đại án “Thủ Thiêm” và “Vũ Nhôm” sắp mang ra xử. Chờ xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét