Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

7463 - Sự nghiệp chính trị của Malcolm Turnbull


Cựu thủ tướng Malcolm Turnbull và cháu gái Alice tại một cuộc họp báo ở Canberra, Australia.


Vào năm 2017 có 8,8 triệu người viếng thăm Úc. Melbourne được bầu chọn là thành phố đáng sống nhất trên thế giới liên tiếp trong bảy năm qua ngoại trừ năm nay 2018 (thành phố Adelaide đứng thứ năm, Perth thứ bảy, Sydney thứ mười một). Trong 27 năm qua, Úc có nền kinh tế phát triển bền vững và chưa bị suy thoái trong khi không có một nước Tây phương nào khác được như thế. Theo tạp chí the Economist, tổng cộng sự phát triển trong thời gian này là gấp ba lần nước Đức; thu nhập bình quân đã gia tăng gấp bốn lần nhanh hơn nước Mỹ; nợ công, hiện chiếm tỷ lệ 41 phần trăm tổng sản lượng quốc gia, lại chỉ bằng một nửa nước Anh.
Mặc dầu là nước đa văn hóa, văn hóa chính trị của Úc vẫn chủ yếu thừa hưởng mẫu quốc Anh, nền dân chủ đại nghị. Trong khi nền dân chủ cấp tiến tại đây vẫn tiếp tục vững ổn và không hề có nguy cơ xáo trộn nào, các thủ tướng Úc lại thay phiên nhau liên tục trong 11 năm qua. Trong cùng thời gian 27 năm nói trên có đến 8 thủ tướng khác nhau. Nhưng trong vòng chỉ 11 năm qua có đến 7 lần thay đổi thủ tướng Úc, như tôi đã trình bày trong một bài trước đây.
Vào thứ Năm tuần trước, cựu thủ tướng Malcolm Turnbull, người vừa bị các thành viên nội các của mình thay thế vào ngày 24 tháng Tám năm nay, đã được chương trình thu hút Q & A của đài truyền hình ABC dành một tiếng đặc biệt để khán giả đặt câu hỏi. Đây là lần đầu tiên ông Turnbull chính thức tái xuất hiện trước truyền thông và công chúng kể từ khi ông tuyên bố từ giã chính trường Úc.
Hiện giờ vẫn còn quá nhiều cảm xúc và giới hạn thông tin để đánh giá xác thực về thành công lẫn thất bại của ông Turnbull. Cũng như các chính biến khác, người ta cần thời gian lắng đọng và dữ kiện đầy đủ để đánh giá trung thực hơn. Nhưng theo dõi cuộc thảo luận này cũng như cuộc truất phế ông vào tháng Tám và những gì ông Turnbull đã làm, tôi có một số nhận định như sau.
Một, Turnbull là một người cấp tiến và là một người lạc quan hiếm có còn lại trong Đảng Cấp tiến Úc hiện nay. Trước khi tham chính, Turnbull đã từng là ký giả, luật sư, đầu tư ngân hàng và đầu tư vào các công ty có tiềm năng phát triển. Turnbull đã từng là Chủ tịch Phong trào Cộng hòa Úc từ năm 1993 đến năm 2000, nhưng phong trào này đã thất bại vào cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào năm 1999. Turnbull tham chính năm 2004, đại diện cho vùng cử tri Wentworth, tiểu bang NSW. Turnbull tỏ vẻ là người lạc quan về cơ hội tương lai đem lại hơn là các thách thức hay nguy cơ của nó. Turnbull muốn đầu tư và vận dụng kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghệ bốn vào mọi công việc để gia tăng hiệu năng. Turnbull công khai ghi nhận thay đổi khí hậu và sự hâm nóng toàn cầu, và suy tư về các phương phức để đối phó, khác với các thành phần bảo thủ khác trong đảng. Turnbull đề cao vai trò của nữ giới, muốn đặt chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan chính phủ có tỷ lệ lãnh đạo nam nữ ngang ngửa nhau. Ông mạnh mẽ ủng hộ nữ giới quyền (feminism) và ủng hộ hôn nhân đồng tính (same sex marriage). Turnbull là một chính trị gia giàu có nhất trong các chính trị gia Úc xưa nay, chỉ sau tỷ phú Clive Palmer sau khi ông này được bầu vào quốc hội Úc năm 2013.
Turnbull lên án mọi bạo hành trong gia đình. Trong cuộc vận động cho chiến dịch chống lại bạo hành trong gia đình, Turnbull có một phát biểu rất hay và đáng suy ngẫm. Ông đã trình bày quan điểm này nhiều lần, và lập lại mỗi khi nó lại xảy ra, như trường hợp thiếu nữ Eurydice Dixon, 22 tuổi, mới đây trên đường đi bộ về nhà lại bị hãm hiếp và giết hại.
Không phải mọi sự bất kính đối với phụ nữ là bạo hành đối với phụ nữ, nhưng đó là nơi mà mọi bạo hành đối với phụ nữ bắt đầu. Và việc phải bảo đảm là chúng ta cần bắt đầu từ khởi điểm bắt đầu, bảo đảm rằng những người con trai và cháu nội/ngoại trai của chúng ta tôn trọng phụ nữ trong đời sống của họ, là vô cùng quan trọng.
Ngay sau khi bị truất phế ngày 24 tháng Tám, trong cuộc họp báo Turnbull không tỏ vẻ cay đắng, mà còn có các phát biểu khá lạc quan và đáng kính trên nhiều mặt. Ông cảm ơn tất cả các đồng nghiệp của ông, ghi nhận một số cá nhân có khả năng và trung thành, và luôn tự hào về một chính quyền cấp tiến năng động của mình. Turnbull lạc quan về tương lai nước Úc, và cho rằng Úc là một trong những xã hội đa văn hóa nhất và thành công nhất trên thế giới mà ông luôn bảo vệ và xem như là một tài sản vĩ đại nhất của Úc.
Hai, khi bị phê bình, Turnbull luôn bình tĩnh và nhẹ nhàng đối phó. Không phải lúc nào Turnbull cũng thuyết phục, nhưng ông luôn tỏ vẻ biết lắng nghe và điềm tĩnh. Trong cuộc nói chuyện đầu tiên với tân thổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Turnbull chứng tỏ sự mềm mỏng, khéo léo và linh hoạt đối với một người có cá tính mạnh mẽ như Trump. Ngoài ra, trong khi Trump than phiền và liên tục lên án và phê phán giới truyền thông, nhất là các cơ quan không ủng hộ quan điểm của mình, như là đưa “tin tặc” (fake news) và là “kẻ thù của nhân dân”, kể cả cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, thì Turnbull không bao giờ có thái độ như vậy. Khi được hỏi ông nghĩ gì về thái độ này của Trump đối với truyền thông, Turnbull trích dẫn câu nói nổi tiếng của Winston Churchill, rằng việc than phiền về truyền thông cũng chẳng khác gì người thủy thủ than trách thuyền trên biển gặp phải sóng.
Trong cuộc trao đổi trên ABC Q & A vừa qua, một khán giả tên Louise Dunbar thẳng thắn phê bình Turnbull. Cô nói rằng cô tưởng ông có một viễn kiến cho Úc, một lãnh đạo có tiềm năng cao, thông minh và thông thái về kinh tế; nhưng cô thất vọng với thời gian ông cầm quyền: không hiệu quả, không lấy các quyết định khó khăn, không đối diện với truyền thông để đề bạt, thuyết phục họ quan điểm của mình; không tiếp xúc đủ với dân chúng, và mua thời gian vào đoạn cuối. Cô muốn ông Turnbull phải chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho người khác. Cô cho rằng ông đã có cơ hội nhưng làm hỏng nó. Sau khi phê bình như thế, cô hỏi ông muốn nói gì với người dân Úc? Turnbull không tỏ vẻ bực mình về nhận định và câu hỏi như thế. Ông trả lời rằng các thành tựu của chính quyền của ông, ngay cả những gì được nghĩ là khó thực hiện, đã đạt được, và tự nó biện minh cho câu hỏi này. Ông nêu cao thành tích của chính phủ Turnbull về công ăn việc làm, kinh tế, thương mại, thuế cá nhân, thuế công ty, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tài trợ cho y tế và thuốc men v.v… Về phần truyền thông thì cô Dunbar cho rằng Turnbull ít xuất hiện trên truyền thông như Howard, chẳng hạn. Turnbull trả lời lại rằng một phần lớn thời gian của thủ tướng là để dành cho truyền thông và để truyền đạt.
Đồng ý với các điểm Turnbull nêu ra hay không là một chuyện, nhưng khó phủ nhận rằng ông là một người dễ dàng chấp nhận phê bình và biết phản ứng đúng mực.
Ba, Turnbull là một lãnh đạo đặt nặng tính tham khảo (consultative). Turnbull có nhiều điểm khác với các thủ tướng trước đây. Khác Kevin Rudd, một người tuy rất giỏi nhưng đặt kỳ vọng cao, lại thiếu mềm mỏng và thiếu tham khảo, nên Rudd có vẻ hơi độc đoán và vì thế không được lòng nội các lúc đương nhiệm. Khác John Howard, một người đầy mưu lược và tính toán nhưng cũng rất bảo thủ, nên Howard đã cầm trịch được cương vị thủ tướng trong vòng 11 năm. Khác Tony Abbot, một người ít mưu lược đầy tính toán nhưng cũng rất bảo thủ, nên Abbot chỉ tồn tại trong vòng hai năm. Trong khi đó Turnbull rõ ràng là một người có nhiều khả năng, cấp tiến và biết tham khảo. Đây là điểm mạnh của ông. Dân Úc nói chung, ngay cả những người không thích Đảng Cấp tiến đi nữa, vẫn có cảm tình với Turnbull. Chính ông công nhận rằng ông đã học được từ các bài học và những người đi trước, nên ông là người muốn tham khảo ý kiến, và nội các ông lãnh đạo muốn các quyết định của chính phủ được tham khảo rộng rãi, đi theo các tiến trình hẳn hoi và bao hàm (inclusive). Ông nhấn mạnh ông cần làm như vậy là để bảo đảm sự đoàn kết và thống nhất của đảng.
Không thể phủ nhận tinh thần tham khảo rộng rãi của Turnbull. Nhưng phải chăng vì thế mà phần nào ông cũng lại có tính thiếu quyết đoán chăng? Thật là khó biết chắc chắn vì tất cả những gì tôi và đại đa số người dân Úc biết về Turnbull hay các thủ tướng Úc trước đây đều qua truyền thông là chính. Dù sao điều có thể kiểm chứng là các sự kiện diễn ra. Một lần hai lần thì không nói làm gì, nhưng qua ba hay nhiều lần và nhiều vấn đề khác nhau, chính tôi cũng thấy rằng có những vấn đề Turnbull thiếu quả quyết và bị cánh bảo thủ lấn át. Việc ông muốn các quyết định được sự đồng thuận lớn trong đảng là điều tích cực và rất nên. Nhưng đảng cấp tiến ngày nay phần lớn là bảo thủ, chiếm tỷ lệ khá đông, trong đảng cũng như trong nội các. Trong khi đó một tỷ lệ khá đông người dân Úc sẵn sàng ủng hộ đảng nào có quan điểm cấp tiến, hợp thời. Có thể vì muốn tìm sự đồng thuận chung của đảng mà một số quyết định không nhỏ của Turnbull đã phản ảnh quan điểm cực hữu hơn là cấp tiến, của chính Turnbull, nên đó là điều những cử tri ngoài đảng từng ủng hộ ông trở nên thất vọng. Có thể ông thừa biết điều này nhưng vì ông vẫn ưu tiên bảo vệ sự đoàn kết của đảng?! Hay vì Turnbull quan ngại rằng không được sự ủng hộ của cử tri thì chưa (chứ không phải không) chắc mất ghế thủ tướng, trong khi không được sự ủng hộ của các thành viên quyết định trong đảng thì sẽ bị đảo chánh?
Turnbull đã chọn làm vừa lòng cả hai, trong khi họ khác nhau trời vực. Do đó Turnbull thật ra chỉ làm vừa lòng cả hai một cách nửa vời, nên sau cùng bên nào cũng tỏ vẻ mất kiên nhẫn với ông. Rốt cuộc Turnbull cũng không tránh bị đảo chánh, mất ghế thủ tướng. Dựa vào đảng hay dựa vào dân để sống còn dường như là một quyết định không dễ trong chính trị hiện nay, nhất là khi đảng và dân ngày càng xa cách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét