Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lại vừa thêm củi vào lò dư luận!
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì hôm 21 tháng 11, khi đưa ra kết luận cuối cùng về “đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước”, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Phúc nhắc nhở giới lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải chú ý đến “sân sau” vì tình trạng lãnh đạo giới này có “bốn, năm sân sau” vẫn rất phổ biến. Ông Phúc nhấn mạnh, “có đồng chí” trong số những cá nhân dự hội nghị mà ông Phúc “không tiện nêu tên”, có tới… “14, 15 sân sau”, rồi cảnh cáo: “Đừng tưởng Thủ tướng không biết!” (1).
Ai cũng biết khối doanh nghiệp nhà nước tuy được giao giữ số tài sản trị giá khoảng ba triệu tỉ đồng và được cấp lượng vốn khoảng 1,5 triệu tỉ đồng nhưng thay vì phải đóng góp cho “dân giàu, nước mạnh” thì trước giờ chỉ phá. Khối doanh nghiệp nhà nước đã bị nhận diện là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế suy thoái liên tục, nợ nần chồng chất. Việc rót gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia vào khối doanh nghiệp nhà nước, song không chặn được tình trạng từ tài sản, vốn, tới cơ hội kinh doanh – lợi nhuận của khối này chảy hết vào các “sân sau”, trở thành tài sản riêng của một số cá nhân biến những tài sản ấy trở thành kếch xù, đã trở thành vấn nạn trầm kha, kéo dài vài thập kỷ.
Thành ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi kết luận của ông Phúc tại hội nghị vừa kể tạo ra một trận bão nữa trong dư luận...
Có những facebooker như Phạm Ngọc Tiến cám ơn ông Phúc một cách chua chát vì đã “nói thật”, một sự thật làm người Việt đau nhói lòng vì bất lực (2). Cũng với tâm trạng đó, có những facebooker như Nguyen Qui Tri “hoan nghênh Thủ tướng” vì “vị tha”, biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có “sân sau” nhưng không làm gì hết (3)! Hoặc khen Thủ tướng “nhân văn” như Kien Tran vì… vẫn gọi những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có “sân sau” là… “đồng chí” (4). Song cũng có không ít facebooker thắc mắc như Ngọc Vinh: Mười mấy “sân sau” – một dạng tham nhũng mà không trị thì hiểu sao về sự liêm chính của chính phủ (5)?
Dường như không kềm giữ được cảm giác chua chát, phẫn nộ, có những facebooker nhận định thẳng tuột như Hong Ho: Chỉ có đồng lõa mới biết cụ thể đến thế về số “sân sau”. Thế mà lại để cho yên! Tại sao không phóng viên nào chất vấn người đứng đầu chính phủ xem ông ta biết về “sân sau” đã bao lâu (?), sẽ xử lý ra sao (6)? Thinh Nguyen thì chửi thề, nhắc lại chuyện “Đồng chí X” ngày xưa và các “đồng chí” đang có “sân sau” kèm kết luận, dân vẫn chẳng có quyền được biết những “đồng chí” ấy là ai. Bí hiểm như thể cả nước đang… hoạt động tình báo hoặc là… “bình phong” của tình báo (7). Có cả những facebooker như Nguyen Minh Dao cho rằng ông Phúc “che giấu tội phạm”, bảo bọc tham nhũng và đặt vấn đề nên… xử sao (8). Võ Văn Tạo thì lý giải việc Thủ tướng Việt Nam tuyến bố đừng tưởng ông ta không biết về “sân sau” là cảnh cáo rồi… chờ cúng (9)…
***
Giống như nhiều viên chức khác trong giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, dường như ông Phúc có năng khiếu đặc biệt trong việc chọc cho đồng bào của mình… giận nên cứ ít bữa họ lại phải xúm vào rủa ông và các đồng chí.
Nhìn một cách tổng quát, nguyên nhân chính có thể là do… thật thà!
Xưa nay, ông Phúc và các đồng chí vẫn lặp đi, lặp lại không mệt mỏi rằng tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm, chống tham nhũng không có vùng cấm. Nếu không… thật thà, làm gì có chuyện khơi khơi khẳng định, biết hết “đồng chí” nào có bao nhiêu “sân sau” rồi… thôi!
Có một điểm cũng cần chú ý để đừng chỉ trích Thủ tướng Việt Nam thái quá, đó là sự… thật thà như vừa đề cập không chỉ thể hiện ở một vài cá nhân như ông Phúc mà nó có tính nhất quán trong toàn hệ thống.
Chỉ một ngày trước khi ông Phúc nhắc nhở các “đồng chí” có… “sân sau”, khi bỏ phiếu thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, 452/465 đại biểu Quốc hội Việt Nam “nhất trí” loại bỏ tất cả các giải pháp nhằm xử lý những tài sản mà các viên chức trong diện phải kê khai tài sản không thể giải trình về nguồn gốc (10).
Không… thật thà thì đâu có tỉ lệ 93,20% đại biểu Quốc hội công khai xác nhận họ không… ưng trị tham nhũng? Vấn đề duy nhất tạo ra… phiền toái là chẳng hiểu vì sao càng ngày, càng nhiều người không ưng kiểu… thật thà như vậy.
Sự kiện 93,20% đại biểu Quốc hội dứt khoát không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào nhằm xử lý những tài sản có nguồn gốc bất minh bằng luật làm nhiều người nổi giận. Có người như Tran Hai cay đắng, chúc các bạn “tai to, mặt lớn” ngủ ngon (11). Cao Son HD thì khẳng định, đó là bằng chứng cho thấy đa số đại biểu Quốc hội dính dáng đến tài sản có nguồn gốc bất minh (12). Nguyễn Mai xem đó là tất nhiên vì đa số đại biểu Quốc hội là viên chức, thậm chí là những viên chức đầy quyền lực, chỉ vì lợi ích của chính mình và băng nhóm của mình (13).
Lẽ ra trước khi Quốc hội thông qua Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nên làm “công tác tư tưởng” để dân chúng Việt Nam đừng ngộ nhận về bản chất phòng – chống tham nhũng tại Việt Nam.
Thiếu bước này, sự kiện các đại biểu Quốc hội thẳng tay gạt bỏ những giải pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, khiến rất nhiều người như Nguyễn Văn Đực choáng váng vì: Hóa ra “lò” chỉ để đốt phe cánh, chứ không trị tham nhũng, chắc chắn tham nhũng sẽ trắng trợn và trầm trọng hơn. Lam Luuvan – một thân hữu của Nguyễn Văn Đực – than: Đây đúng là “thiên đường” mà bất cứ thằng lãnh đạo cộng sản nào cũng muốn (14)! Tương tự, Lê Quang Huy tin rằng, thủ đắc tài sản có nguồn gốc bất minh là tình trạng phổ quát trong toàn bộ hệ thống. Ông Cụ Mổ Cổ - một thân hữu của Lê Quang Huy - gọi chuyện gạt bỏ các giải pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới là cách: Chúng lo hậu sự bền vững cho nhau (15).
Tràn trề thất vọng, không ít facebooker như Đặng Huỳnh Lộc uất ức: Quốc hội đã quyết. Không xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh, chống tham nhũng cái con... c (16)! Ngô Trường An thì dẫn lời chị hàng xóm, chửi cha lũ đại biểu Quốc hội lưu manh, tệ hơn chó. Chó chỉ ăn cơm thừa nhưng ra sức giữ nhà cho chủ. Còn đại biểu ăn của dân no nê rồi phản chủ (17)!
***
Rõ ràng dân chúng Việt Nam không còn “thuần” như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mong muốn. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam… thật thà đến thế mà vẫn chẳng yên thân! Tội nghiệp!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét