Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

7482 - Hiểu và đánh bại cuộc nổi dậy trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông



Để khôi phục được vị thế, Mỹ và các đồng minh của nước này cần phải điều chỉnh lại cách hiểu của họ về chiến dịch của Trung Quốc trên Biển Đông và định hướng lại chiến lược của Mỹ nhằm đánh bại nó.
Trung Quốc đang coi hải phận ở Biển Đông như thể đó là một vùng lãnh thổ đất liền. Mỹ thì sao?
Sự chi phối của một hệ thống quốc tế giúp duy trì nguyên tắc pháp lý và triết lý về “quyền tự do trên biển” là một trong những lợi ích quốc gia quan trọng nhất dù không được biết đến rộng rãi của Mỹ. Việc bảo toàn trật tự trên biển mang tính tự do và cởi mở là nhu cầu cấp thiết đối với một quốc gia mà khả năng kết nối của họ với hơn 80% dân số thế giới phụ thuộc vào vận tải biển. Trong gần 4 thế kỷ, theo nguyên tắc pháp lý (sau đó được hệ thống hóa thành Công ước Liên hợp quốc về Luật biển), các đại dương được coi là một tài sản chung, mà ở đó chủ quyền quốc gia bị giới hạn và hoàn toàn dựa vào tài sản kề gần đất liền. Tuy nhiên, cấu trúc có ý nghĩa sống còn này đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Biển Đông. Trung Quốc đang tích cực làm việc không chỉ để chiếm ưu thế quân sự, mà thậm chí quan trọng hơn là để áp đặt một chế độ quản trị thay thế đối với tuyến đường biển có ý nghĩa sống còn này dựa trên luật pháp trong nước của Trung Quốc và quan điểm từ lục địa của Bắc Kinh về chủ quyền trên biển. Cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đối với vấn đề này không giải quyết được khía cạnh cốt lõi trong sự hung hăng của Trung Quốc, vì sự xuất hiện rời rạc của lá quốc kỳ trong các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ theo cách hiểu hiện nay là không được duy trì và do đó thiếu tác động chiến lược mang tính quyết định. Nhưng chiến thắng của Trung Quốc cho đến nay chưa phải là chiến thắng cuối cùng. Để khôi phục được vị thế, Mỹ và các đồng minh của nước này cần phải điều chỉnh lại cách hiểu của họ về chiến dịch của Trung Quốc trên Biển Đông và định hướng lại chiến lược của Mỹ nhằm đánh bại nó.
Cuộc chiến giữa các cơ chế pháp lý
Mấu chốt của thách thức trên Biển Đông không phải là cuộc đối đầu thông thường giữa các lực lượng. Đó chưa phải là một cuộc chiến tranh toàn diện mà cả Mỹ và Trung Quốc hiện đều tìm cách tránh né, thay vào đó, đó là một cuộc đấu tranh chính trị về ý chí của các bên bộc lộ qua một cuộc đọ sức giữa hai hệ thống thẩm quyền pháp lý, cụ thể là giữa chế độ luật pháp quốc tế trên biển đang thịnh hành được gần như tất cả mọi người công nhận và quan điểm theo chủ nghĩa xét lại từ lục địa của Trung Quốc về chủ quyền trên biển, theo đó có thể tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển như là “lãnh thổ quốc gia màu xanh” giống như đất liền để ngăn chặn sự xâm nhập của tàu thuyền và thủy thủ của các nước khác. Trong “cuộc chiến giữa các cơ chế pháp lý” này, phản ứng của các thủy thủ dân sự địa phương đến từ các nước Đông Nam Á – chứ không phải các hành động của 2 lực lượng hiếu chiến – sẽ quyết định kết quả. Do đó, câu hỏi mang tính quyết định ở đây không phải là “bên nào sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến” mà là “người dân sẽ tuân theo luật của bên nào”?
Cuộc chiến giữa 2 cơ chế pháp lý là một hình thức tranh giành phiếu bầu ngầm, trong đó những người ủng hộ của mỗi bên tìm kiếm những người đồng chí hướng trong quần chúng. Tiến trình này không phải là một nỗ lực để giành lấy “trái tim và khối óc” như cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát bằng cách sử dụng các biện pháp khích lệ hoặc cưỡng ép để buộc người dân tuân thủ 1 bộ luật chứ không phải bộ luật của bên đối lập. Nếu họ được tự do lựa chọn mà không có bất kỳ biện pháp cưỡng ép nào ở cả 2 phía, thì các thủy thủ dân sự địa phương ở Đông Nam Á gần như chắc chắn sẽ chọn tuân theo luật pháp quốc tế hiện hành vốn bảo vệ và thi hành quyền tự do trên biển cho tất cả các quốc gia. Những lợi ích của trật tự cởi mở, dựa trên các quy tắc đang thịnh hành là rõ ràng hơn khi so sánh với sự lựa chọn thay thế mang tính đối lập – một chế độ bảo vệ vùng biển lấy Trung Quốc làm trung tâm, mất tự do và khép kín trong đó các tàu không phải của Trung Quốc chỉ được qua lại khi Bắc Kinh cho phép. Vì chế độ mà họ đề xuất áp dụng cho Biển Đông về mặt định tính hoàn toàn không hấp dẫn, nên Trung Quốc đang tìm cách giành được “phiếu bầu” thông qua việc sử dụng các công cụ tiêu cực mang tính cưỡng ép, thể hiện sức mạnh quốc gia của họ. Theo đó, Trung Quốc hăm dọa và đe dọa sử dụng vũ lực thông qua Lực lượng cảnh sát biển và Lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc, được hậu thuẫn bởi các năng lực chiến đấu cao cấp của Hải quân Quân giải phóng nhân dân, khiến cho việc di chuyển qua các vùng biển mà các thủy thủ dân sự có quyền tiếp cận theo luật pháp quốc tế không còn an toàn nữa.
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc thiếu công cụ trong kho chính trị của họ để giành “phiếu bầu” tại các xã hội Đông Nam Á bằng các biện pháp tích cực thay vì tiêu cực. Ngược lại, ở cấp chính phủ, Trung Quốc đã sử dụng vô cùng hiệu quả các biện pháp khích lệ - hứa hẹn phát triển cơ sở hạ tầng; hối lộ và thu hút giới tinh hoa… - để buộc các mắt xích yếu nhưng chủ chốt ở các xã hội Đông Nam Á phải chấp nhận hành vi trơ tráo của Trung Quốc trên biển. Trường hợp của Philippines trong 6 năm qua là một ví dụ minh họa cho động lực này. Năm 2012, trong nhiệm kỳ tổng thống của Benigno Aquino III, Trung Quốc đã đe dọa trục xuất Hải quân Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough, một cấu trúc địa hình trên biển nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Sau khi vi phạm một thỏa thuận xuống thang do Mỹ làm trung gian bằng cách cử tàu quay trở lại bãi đá khi đó không được bảo vệ, Trung Quốc đã sử dụng các công cụ thực thi pháp luật trên biển trên danh nghĩa của họ để quấy rầy và áp đặt ý chí của họ đối với các ngư dân Philippines, buộc những người này phải rời bỏ khu vực, để lại ngư trường trù phú của Scarborough cho tàu Trung Quốc một mình khai thác. Khi Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, Trung Quốc đã sử dụng sức cám dỗ của đầu tư cơ sở hạ tầng để khuyến khích Duterte ngả theo khuynh hướng rõ ràng là từ bỏ vị thế chính trị-ngoại giao và pháp lý vững chắc của đất nước ông trong các tranh chấp ở Biển Đông. Khi điều đó được hoàn thành, Trung Quốc đã cho phép tàu đánh cá Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough – nghĩa là, Trung Quốc hiện cho phép Philippines tận hưởng thành quả của EEZ nhưng chỉ theo các điều khoản do Bắc Kinh đặt ra.
Tại sao chiến dịch của Trung Quốc là một cuộc nổi dậy trên biển?
Nếu so sánh các hành động của Trung Quốc với bất kỳ hình thức chiến tranh nào ở đây, thì đó là một cuộc nổi dậy. Mặc dù Clausewitz đã đúng khi tuyên bố rằng mọi cuộc chiến chỉ là sự mở rộng của hoạt động chính trị bằng nhiều phương tiện khác, không có một hình thức chiến tranh nào khác có bản chất chính trị, với trọng tâm gói gọn trong những câu hỏi về việc quản trị và pháp luật, như một cuộc nổi dậy. Về cốt lõi, các cuộc nổi dậy là những cuộc đấu tranh về việc “ai là người cai quản” một số dân nhất định trong một không gian địa lý nhất định, nghĩa là những người tham chiến chiến đấu để quyết định luật của bên nào sẽ được thực thi và do đó tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi trước đó: “Người dân tuân theo luật của bên nào?”.
Bắc Kinh tìm cách sử dụng sức mạnh quốc gia của Trung Quốc để áp đặt hệ thống thẩm quyền của riêng họ đối với người dân ở các nước láng giềng Đông Nam Á, hành động để thúc ép họ tuân thủ thông qua đe dọa sử dụng vũ lực. Cũng như việc cách tiếp cận từ lục địa của Bắc Kinh đối với chủ quyền trên biển – quan niệm cho rằng có thể tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xa xôi như đối với đất liền – có thể được nhìn nhận là một sự phát triển từ vị thế địa chính trị lịch sử của Trung Quốc với tư cách là một đế chế lục địa hám lợi. Sự trỗi dậy trên biển của Trung Quốc cho đến nay vẫn tiến triển mà phần lớn không bị cản trở nhờ các nỗ lực khác được nhiều người biết đến hơn - chiếm lãnh thổ và mở rộng vỏ bọc chống tiếp cận, ngăn chặn xâm nhập khu vực (2A/AD) – đã thu hút được sự chú ý của Mỹ và các đồng minh đến mức chúng đã thành công trong việc làm phức tạp thêm nỗ lực mang tính quyết định (cưỡng chế dân thường bằng vũ lực trên biển) và mục tiêu chiến lược cuối cùng của chiến dịch của họ (áp đặt một hệ thống cai trị thay thế của Trung Quốc, lật đổ hệ thống luật pháp quốc tế trên biển đang thịnh hành, và từ đó bảo vệ chủ quyền được công nhận về mặt pháp lý của Trung Quốc trên khắp vùng Biển Đông rộng lớn nằm trong “đường 9 đoạn”).
Cách thức để Mỹ và các đồng minh có thể chiếm ưu thế: Chống nổi dậy trên biển
Một khi vấn đề chiến lược ở Biển Đông đã được xác định là một cuộc nổi dậy, thì giải pháp chiến lược của Mỹ và các đồng minh cần được dẫn dắt bởi một chiến lược dĩ nhiên mang tính đối trọng là chống lại cuộc nổi dậy đó. Một cách tiếp cận như vậy trong lĩnh vực hàng hải, một cuộc “chống nổi dậy trên biển”, sẽ đòi hỏi phải bảo vệ các thủy thủ dân sự địa phương, đảm bảo an toàn cho họ trước sự quấy rối của Trung Quốc để họ có thể thực hiện các quyền hợp pháp của mình một cách an toàn theo chế độ quốc tế đang thịnh hành về quyền tự do trên biển, do đó mang lại cho người dân công cụ bảo vệ hữu hình và niềm tin cần thiết để thách thức sự đe dọa của Trung Quốc. Cần phải trấn an người dân rằng các nguyên tắc này trên thực tế vẫn chưa thay đổi. Chính ở khía cạnh này mà các hoạt động tự do đi lại của Mỹ được xem là chưa đủ – mặc dù việc các tàu khu trục quá cảnh trong phạm vi 12 hải lý của các cấu trúc địa hình riêng lẻ bị chiếm đóng trên biển có thể truyền đạt thông điệp pháp lý rằng Mỹ không công nhận một số tuyên bố lãnh thổ nhất định, nhưng những hoạt động như vậy trên thực tế không có bất kỳ tác động thực sự nào vì chúng không được duy trì, và do đó không tác động gì đến niềm tin của người dân vào việc chính họ cũng có khả năng thực thi các quyền pháp lý quốc tế. Cả dân thường lẫn người Trung Quốc đều biết rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ là những cử chỉ nhất thời, vì như các nhà tuyên truyền Trung Quốc đã nhắc nhở thế giới, Mỹ luôn “cao chạy xa bay”, và người dân sẽ là đối tượng bị hăm dọa và quấy rối ngay sau khi Hải quân Mỹ biến mất một lần nữa.
Một chiến lược chống nổi dậy trên biển sẽ tìm cách giành chiến thắng trong trận chiến giữa các cơ chế pháp lý ở lĩnh vực mang tính quyết định, cụ thể là ở sự tham gia và hành vi của các thủy thủ dân sự. Và giống như các nỗ lực chống nổi dậy trên đất liền, nó đòi hỏi phải sử dụng sức mạnh của Mỹ và các đồng minh trên một loạt lĩnh vực quân sự và phi quân sự.
Theo chiến lược chống nổi dậy trên biển, các hoạt động hộ tống trên biển nhằm mục đích bảo vệ sẽ được kết hợp với các nỗ lực diễn ra đồng thời nhằm củng cố các chính phủ và các nền kinh tế ở Đông Nam Á về mặt chính trị trước tầm ảnh hưởng xấu của Trung Quốc, cùng với việc phát triển và triển khai các lực lượng chiến đấu cao cấp để ngăn chặn sự gây hấn bằng vũ lực của Trung Quốc trên quy mô lớn chống lại các đồng minh của Mỹ dọc theo chuỗi đảo đầu tiên.
Mục tiêu then chốt của việc chống nổi dậy trên biển là khiến cho các lực lượng Trung Quốc ở Biển Đông trở nên không liên quan trong những tình huống không phải chiến tranh, cũng như điều mà Trung Quốc đã làm đối với các lực lượng Mỹ trong vài năm vừa qua. Giả sử Mỹ và các đồng minh có thể cân bằng thành công giữa việc duy trì sự răn đe khi xung đột diễn ra ở mức cao và tiến hành chống nổi dậy trên biển khi xung đột ở mức thấp, thì các công cụ cưỡng ép tốn kém mới của Trung Quốc sẽ bị vô hiệu hóa và trở nên bất lực nếu người dân dưới sự bảo hộ của Mỹ và các đồng minh cảm thấy đủ tự tin để không chú ý đến những lời cảnh cáo của Trung Quốc và những đe dọa gây tổn hại của họ.
Thách thức ở Washington và thủ đô các nước đồng minh là phải vận động cộng đồng mạnh mẽ gồm những người có kiến thức về lĩnh vực này quyết định cách tốt nhất để duy trì chiến dịch chống nổi dậy trên biển với phí tổn ở mức có thể chấp nhận được trong dài hạn. Nếu lịch sử có để lại bất kỳ lời khuyên nào, thì đó là cần phải tiếp tục chiến dịch này cho dù phải mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa để khiến ban lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng sự nổi dậy trên biển của họ không thể làm đảo ngược sự chi phối của luật pháp quốc tế đang thịnh hành bằng sự cưỡng ép chưa đến mức sử dụng vũ lực, cũng như những lợi ích thực sự khi Trung Quốc chấp nhận và tuân thủ hệ thống hiện hành dựa trên quyền tự do trên biển. Một khi các câu hỏi nổi bật về phương thức hoạt động được các cộng đồng chiến lược ở Mỹ và các đối tác của họ giải đáp thành công, thì cuộc chống nổi dậy trên biển mới có khả năng giành chiến thắng mang tính quyết định và vô cùng cần thiết đối với Mỹ và các đồng minh cũng như trật tự quốc tế tự do dựa trên các quy tắc mà họ bảo vệ.
Hunter Stires là chuyên viên nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải  John B. Hattendorf, Học viện Hải chiến Mỹ. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét