Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

7486 - Liệu có mạnh hơn không?


Người ta đang xôn xao về việc một tờ báo của nhà nước (mà xứ này báo nào chả của nhà nước), báo Thanh Niên, làm cuộc thanh lọc, củng cố đội ngũ theo hướng đảng hóa. Chả là nó (báo) thực hiện yêu cầu từ cấp trên, tất cả cán bộ “lãnh đạo” phụ trách phòng ban trở lên phải là đảng viên, phải có bằng cấp chứng chỉ về chính trị (tất nhiên là thứ chính trị theo quan điểm, đường lối của đảng). Không đạt được tiêu chuẩn bắt buộc đó, có tài thánh cũng phải trả ghế, về làm dân thường.


Thực ra, cán bộ phụ trách phòng ban của một cơ quan như tờ báo chẳng hạn chưa phải là cái đinh gì trong bộ máy cai trị ở xứ này. Gọi là lãnh đạo cho oai, có khi chỉ túm tóc được dăm bảy lính quèn dưới trướng, bản thân cũng làm quần quật chứ chẳng phải dạng chỉ tay 5 ngón gì. Ấy vậy nhưng hệ thống của đảng, có lẽ đã nhìn ra nguy cơ mất quyền lãnh đạo nên mò vào tận những tổ con con mấy mống như thế. Ở cái nơi rất cần những người có chuyên môn cao, bề dày kinh nghiệm, giỏi nghề chứ không cần phải vững lập trường để làm việc, thì người ta lại xử lý bằng biện pháp chuyên chính “thích là nhích”. Nhuộm đỏ cả hệ thống, còn nó có làm việc được không thì kệ, tính sau.


Khoan hãy nói, với cách thay máu kiểu vậy, rồi tờ báo có sống được hay không, nhưng tương lai của nó rất có thể sẽ thành một phiên bản của tờ Nhân Dân. Báo Nhân Dân thế nào, ai mà chẳng biết. Tôi thách những người mê đọc báo tìm được một nửa tờ Nhân Dân trên hàng nghìn sạp báo ở đường phố Sài Gòn đó. Lâu nay, tờ báo đảng này sống khỏe không phải bằng bạn đọc mà bằng tiền thuế của dân, nó cần chi ra sạp. Chỉ lo cho Thanh Niên, với một đội ngũ cầm trịch tinh dững đảng viên, lại tự hạch toán, tự thu chi, liệu thoi thóp được bao lâu. Một tờ báo suốt thời gian dài cùng với tờ Tuổi Trẻ thống trị thị trường báo chí, lượng phát hành từng lên tới nửa triệu bản/kỳ, khi thành Nhân Dân B, Nhân Dân phẩy, liệu có níu giữ được chút hồi quang. Mà chẳng phải chỉ tờ báo của Hội LHTN này, ngay cả đám Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong, Người lao động…, rồi cũng phải đảng hóa, và cái tương lai xám xịt là điều khó tránh khỏi.


Ở xứ này, kể từ khi đảng đứng ra giành quyền lãnh đạo, xu hướng độc quyền cai trị ngày càng sâu đậm và công khai. Tự cho mình là nhất, tập trung tất cả tinh hoa, tài giỏi, đỉnh cao, đảng đã không thèm giấu diếm sự kiêu ngạo của mình. Không có đảng là hỏng. Thiếu đảng thì chỉ có thất bại. Từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài, từ xa tới gần, từ lớn xuống nhỏ, chỗ nào cũng phải có đảng để đảm bảo thắng lợi. Rồi mặc nhiên coi tất cả như đám tay sai, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, nếu không cầm tay chỉ việc, không lãnh đạo là không xong. Tất cả cuối cùng chỉ còn đảng, mặt trời chân lý, người tổ chức và thực hiện mọi thắng lợi. Không còn gì nữa ngoài đảng.


Chuyện đảng đòi lãnh đạo tuyệt đối một tờ báo như báo Thanh Niên chỉ là chuyện nhỏ. Nói đâu xa, ngay quốc hội kia, được coi là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, từ khi ra đời tới nay, nó (quốc hội) có bao giờ thoát khỏi sự quản lý của đảng. Quốc hội thực chất chỉ là cơ quan, đại cơ quan, nhất nhất làm theo chỉ đạo của đảng. Nó chỉ có nhiệm vụ công khai những đường lối, quan điểm, chủ trương, quyết định của đảng, chứ có bao giờ làm đúng tinh thần của một cơ quan lập hiến, dân cử đâu. Trải nhiều đời chủ tịch quốc hội, từ ông Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Quang Đạo, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, và bây giờ là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, tôi chưa bao giờ cho rằng các vị ấy thực sự là chủ tịch quốc hội, mà chỉ là người đại diện cho đảng. Quốc hội chỉ mang tính tượng trưng ở xứ này. Nhất nhất mọi việc, đã có bí thư thứ nhất, sau này là tổng bí thư, quyết tất. Ai tin rằng quốc hội độc lập, có quyền tối thượng, cứ việc tin, chứ tôi không tin.


Ở xứ này, cứ mở miệng ra là người ta nói “dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước”, “ơn đảng, ơn chính phủ”, đảng và nhà nước đã quan tâm thế này thế nọ… Sự mặc nhiên ấy đã tồn tại hơn 2/3 thế kỷ rồi, khác hẳn với thế giới dân chủ, văn minh. Nhiều lúc tự nghĩ, đảng thích lãnh đạo, thì cứ hóa thân vào nhà nước đi, làm tốt thì dân nước được nhờ, không tốt thì tự chỉnh đốn để tốt hơn, nếu không tốt nữa thì dân sẽ xem xét lại. Chứ đâu có cái thói cứ đứng trên, đứng ngoài, tạo nên một hệ thống phức tạp, bộ máy cồng kềnh, tốn kém. Đó là chưa nói hậu quả nhãn tiền, chỉ có mình ên đảng làm, tự dưng loại bỏ biết bao người hiền người tài không phải đảng viên ra khỏi bộ máy. Mà ngay cả trong ăn nói xưng hô, người dân cũng tiết kiệm được lời, chỉ cần ơn chính phủ, hoặc ơn nhà nước là xong, cần quái gì phải rườm rà ơn đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét