Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Bi kịch cuộc đời Dalida lên màn bạc

Tuấn Thảo


         Phim "Dalida" do đạo diễn Lisa Azuelos thực hiện

                  

   

Phim tiểu sử (biopic) là một thể loại khá ăn khách tại Pháp. Cuộc đời của các danh ca Pháp như Claude François, Serge Gainsbourg và nhất là Édith Piaf đều được dựng thành phim. Đầu năm 2017, lại đến phiên cuộc đời và sự nghiệp của Dalida được đưa lên màn ảnh lớn. Một điều khá dễ hiểu do năm nay đánh dấu 40 năm ngày giỗ của thần tượng nhạc Pháp.


Do nữ đạo diễn Lisa Azuelos thực hiện, bộ phim quy tụ nhiều diễn viên quen thuộc với công chúng Pháp (Vincent Perez, Jean Paul Rouve, Nicolas Duvauchelle …..). Duy chỉ có cô người mẫu Sveva Alviti là gương mặt mà hầu như không ai biết đến, nhưng lại hóa thân quá tài tình vào vai thần tượng Dalida, giống ở tướng mạo vóc dáng nhiều hơn là ở chân dung nét mặt.


Tên thật là Yolanda Cristina Gigliotti (1933-1987), Dalida sinh trưởng tại thủ đô Ai Cập trong một gia đình nghệ sĩ gốc Ý. Thân phụ của cô là nghệ sĩ vĩ cầm ‘‘trụ cột’’ trong dàn nhạc giao hưởng của nhà hát lớn thủ đô Cairo. Sau khi đoạt chiếc vương miện Hoa hậu Ai Cập vào năm 1954, Dalida khăn gói lên đường sang Paris lập nghiệp. Anh bạn hàng xóm của Dalida thời bấy giờ là Alain Delon, thời ông còn chưa nổi tiếng trong làng điện ảnh.



Trong thời gian đầu ở Paris, Dalida dự định theo nghề diễn viên, nhưng do kinh nghiệm cũng như tay nghề còn quá non nớt, cho nên bà chuyển sang nghề ca hát, chủ yếu ở phòng trà Villa d’Este và nhà hàng Drap d’Or. Nhân một cuộc thi hát tuyển lựa tài năng mới, Dalida lọt vào mắt nhà sản xuất kiêm giám đốc hãng đĩa Eddie Barclay và người chồng tương lai của cô là ông Lucien Morisse giám đốc điều hành đài phát thanh Europe 1. Tên tuổi của Dalida được lăng xê từ mùa hè năm 1956, nhờ vào Bambino, phiên bản tiếng Pháp của ca khúc tiếng Ý Guaglione.



Trong vòng ba thập niên liền, từ năm 1956 cho tới lúc cô tự kết liễu cuộc đời vào tháng Năm năm 1987, Dalida đã ghi âm đều đặn và thành công liên tục. Tính tổng cộng, Dalida lúc sinh tiền đã bán hơn 120 triệu đĩa hát trong 10 thứ tiếng, và bán thêm 20 triệu bản sau ngày bà qua đời.



Tuy thành công vượt bực trong sự nghiệp ca hát, nhưng trong cuộc sống riêng tư, Dalida lại phải hứng chịu nhiều nỗi bất hạnh. Từ thuở thiếu thời, Dalida đã phải chứng kiến cái chết của người cha. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, do quân đội Ý là đồng minh của Đức Quốc Xã, cho nên thân phụ của Dalida cũng như tất cả những người đàn ông Ý ở tuổi quân dịch bị nhốt vào trại tù binh cho dù ông không cầm súng. Ông mất vào năm 1945, một năm sau khi được thả về nhà, do sức khoẻ cạn kiệt, tinh thần suy sụp.



Đời sống tình ái của Dalida cũng gặp khá nhiều sóng gió. Không có một mối tình nào lại bền vững dài lâu theo kiểu ‘‘đầu bạc răng long’’. Trong số những tình nhân của Dalida có họa sĩ Jean Sobieski, triết gia Arnaud Desjardins, ca sĩ Richard Stivell, nhà báo Christian de La Mazière và người yêu cuối cùng của Dalida là bác sĩ François Naudy .....



Bên cạnh đó, còn có ba người đàn ông được xem như là ‘‘quan trọng nhất’’ trong cuộc đời của Dalida. Họ đều chết một cách bất đắc kỳ tử vì bằng cách này hay cách khác, họ đều tự kết liễu cuộc đời. Vào năm 1967, ca sĩ Luigi Tenco tự tử bằng súng sau khi gặp thất bại với nhạc phẩm “Ciao amore ciao” tại đêm chung kết Liên hoan ca nhạc San Remo. Chính Dalida đã phát hiện thi hài của người yêu khi trở về phòng khách sạn.



Đến năm 1970, người chồng cũ của Dalida là Lucien Morisse (giám đốc chương trình của đài phát thanh Europe 1) cũng tự tử bằng súng, cho dù cái chết của ông không liên quan gì tới Dalida (hai người ly dị vào cuối năm 1961 sau 5 năm chung sống). Người đàn ông thứ ba là Richard Chanfray, lại tự tử vào năm 1983, hai năm sau khi chia tay với Dalida. Những nỗi bất hạnh đó chồng chất theo năm tháng, cộng thêm nỗi buồn do không thể sinh con (Dalida bị triệt sản sau một lần phá thai lén) đã khiến cho Dalida đến phiên mình tự kết liễu cuộc đời.



Trong bộ phim tiểu sử, đạo diễn Lisa Azuelos xây dựng, đối chiếu nhiều hơn là chất vấn cuộc đời của Dalida theo hai vế : tình yêu nơi công chúng và nỗi bất hạnh đời tư. Những ca khúc ăn khách của Dalida chính là dấu gạch nối giữa các thời kỳ với nhau lúc thì xen kẽ, khi thì song hành, bộ phim đối chiếu một bên là nhân vật Dalida thuộc về khán giả và giới hâm mộ, và bên kia là Yolanda trong đời tư, người đàn bà cam chịu nhiều mất mát thiệt thòi.



Một cách đối chiếu như vậy ban đầu có hiệu quả, nhưng lại phản tác dụng khi lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhược điểm của bộ phim có lẽ nằm ở chỗ dùng quá nhiều bài hát để minh họa, khiến cho bộ phim giống như một video clip dài hai tiếng đồng hồ. Thay vì chọn một vài điểm nhấn để làm nổi bật cốt truyện : Chẳng hạn như cái chết quá sớm của người cha ruột khiến cho Dalida suốt đời đi tìm qua những mối tình khác nhau ‘‘hình bóng của người cha’’, hiện thân lý tưởng của người đàn ông, theo lời giải thích của nhà văn Catherine Rihoit.



Một điểm khác nữa là lúc sinh tiền, Dalida có cảm tưởng bị người khác nguyền rủa, nói nôm na theo kiểu người Việt mình là Dalida có tướng ‘‘sát phu’’ : đàn ông mà sống với bà thì sớm muộn gì cũng gặp tai họa. Điều này chỉ được nói thoáng qua, trong khi đó là một điểm nhấn quan trọng có thể tạo thêm sức hấp dẫn trong lối kể chuyện cũng như tạo thêm chiều sâu tâm lý cho nhân vật chính.



Một nhân vật quan trọng không kém trong phim chính là nhà sản xuất Orlando, em trai ruột của Dalida. Theo ông, thảm kịch của Dalida bắt nguồn từ chỗ, tất cả những người đàn ông yêu Dalida như một thần tượng, chứ họ không yêu Yolanda thật tình như một người đàn bà mong manh yếu đuối. Tình yêu của mọi người dành cho Dalida càng mãnh liệt, thì nỗi buồn cô đơn của Yolanda càng da diết. Đằng sau vầng hào quang tiền tài danh vọng tột đỉnh sáng chói là bao nỗi niềm lẽ loi đau nhói, một vực thẳm nhức nhối mà dường như không còn ai trên đời có thể khuất lấp nổi.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét