Cao Huy Huân
Cơ quan quản lý đô thị tại Sài Gòn cho lắp rào chắn ở vỉa hè
để ngăn không cho xe gắn máy leo lên lề đường.
Hôm rồi được một phen cười ra nước mắt, khi cơ quan quản lý
đô thị tại Sài Gòn cho lắp rào chắn ở vỉa hè để ngăn không cho xe gắn máy leo
lên lề đường gây mất trật tự và làm xấu mỹ quan đô thị. Dù đây được xem là một
nỗ lực của ngành quản lý để giúp dòng người đi xe máy không được lấn chiếm vùng
không gian dành cho người đi bộ, nhưng nó đặt ra những hạn chế rất đáng quan
tâm.
Trước hết là vấn đề rào ai? Rõ ràng hình ảnh cho thấy sau
khi đặt rào chắn, người đi xe máy vẫn cứ phi lên lề đường, cần vài ba động tác
lượn vòng hết sức điệu nghệ nhưng không quá khó khăn đã có thể vượt qua cái rào
chắn cỏn con này. Trong khi đó, nếu người khuyết tật phải dùng nạng hay xe lăn,
hay người già yếu phải chống gậy đi bộ, thì việc qua lại những khu vực như thế
nào sẽ là điều khó khăn, thậm chí là không làm được. Như vậy xét về tính hiệu
quả, cái rào chắn không cản đúng người nó cần phải cản, trái lại, nó cản đường
những người lẽ ra phải được di chuyển tự do, thoải mái trên phần đường của họ.
Thứ hai, chuyện cái rào chắn khiến tôi nhận ra rằng ý thức
và lòng tự trọng đã trở thành điều xa xỉ với rất nhiều người Việt Nam. Một nơi
lẽ ra không dành cho họ, được phân cách bởi lề đường, cũng bị họ chiếm. Rồi đến
khi rào lại, họ vẫn tiếp tục không buông tha. Sự khủng hoảng về ý thức tự giác
và lòng tự trọng khiến cái rào chắn, vốn là biểu tượng phân chia một trật tự hẳn
hoi, cũng trở nên vô dụng. Hãy nhìn xuống những tuyến đường phố sầm uất, ưu thế
luôn thuộc về những phương tiện có tải trọng lớn như xe tải, container, xe ben,
hay những chiếc xe sang trọng được gắn biển số xanh, có thể chạy ngược chiều bất
chấp dân hai bên đường đủ tiếng thị phi. Trật tự sau đó dành cho những chiếc xe
buýt, xe ô tô, xe máy và gần như không còn chỗ cho những kẻ yếu thế là người đi
bộ, người đi xe lăn, vốn là những người không tạo ra áp lực giao thông hay gây
tắt nghẽn đô thị. Mở rộng ra, tâm thức của rất nhiều người Việt đang nhìn ngược
về cái thời ăn lông ở lỗ, nơi kẻ mạnh, kẻ đủ sức uốn lượn, luồn lách, kẻ có đủ
những phương tiện giúp họ trở nên mạnh hơn, nhanh hơn, ít bị tổn thương hơn...
là những kẻ chiến thắng.
Điều thứ ba, chiếc rào chắn cho thấy sự sáng tạo một cách ngờ
nghệch, thiếu tính toán của ngành quản lý giao thông đô thị ở Sài Gòn. Ở các quốc
gia tiên tiến hơn như Singapore, Nhật Bản… hệ thống giao thông của họ cồng kềnh
hơn, phức tạp hơn, nhưng chẳng hề có cái rào chắn vô dụng nào như cái rào chắn
vừa mới dựng lên ở Sài Gòn. Họ quản lý bằng những rào chắn vô hình: đạo đức và
tinh thần thượng tôn pháp luật. Anh có hai chọn lựa khi tham gia giao thông. Một
là anh tự giác tuân thủ các tín hiệu, nhường nhịn lẫn nhau trong ứng xử. Đổi lại,
anh được mọi người xung quanh tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của anh.
Người Nhật xem việc không xếp hàng, lấn chiếm đường của người yếu thế là những
hành vi không thể chấp nhận trong cương vị là một con người. Trong khi đó, luật
pháp cũng là rào chắn để củng cố giá trị về đạo đức. Anh phải tuân thủ những
quy định chung về giao thông dù anh có tự giác hay không, có muốn hay không. Nếu
vi phạm, các mức phạt sẽ là vô cùng nặng nề.
Chiếc rào chắn ở những tuyến phố Sài Gòn chỉ là một câu chuyện
nhỏ, nhưng phản ánh một vấn đề lớn không chỉ ở lĩnh vực giao thông và rất nhiều
vấn đề khác của đất nước. Trong đó, cả hai rào chắn vô hình nhưng hữu hiệu là
rào chắn đạo đức và rào chắn pháp luật đang bị thay thế bởi những chiếc rào chắn
đúng theo nghĩa đen – cứng, gai góc, ám ảnh trực giác nhưng chỉ hạn chế quyền lợi
của những người yếu thế. Đó là tư duy quản lý đất nước theo kiểu “không quản được
thì cấm”, thay vì dùng giáo dục và luật pháp kết hợp với hiến pháp để đưa người
dân vào những quỹ đạo chung đầy văn minh và hiệu quả. Thiết nghĩ ngành quản lý
giao thông (và nhiều ngành khác) hãy mạnh dạn đập bỏ cái rào chắn bằng vô dụng
kia đi, và tiến hành xây dựng những chiếc rào chắn mang giá trị đạo đức và thượng
tôn pháp luật để củng cố trật tự của quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét