Trên đây là một số định chế quan trọng nhất,
không có không được đối với việc xây dựng thể chế dân chủ. Tuy nhiên, như ở phần
đầu đã đề cập, những định chế này mới chỉ bảo đảm cho hệ thống bộ máy nhà nước
hoạt động nhịp nhàng, trôi chảy không thiên lệch và không bị lạm quyền.
Vấn đề
quyền con người bị vi phạm, toàn bộ những định chế này vẫn chưa thể khắc phục
và giải quyết được. Cần có một định chế trực tiếp để cá nhân có thể tự bảo vệ
các quyền con người của mình. Chúng tôi xin trình bày định chế Tòa án Nhân quyền
và một số định chế đi kèm, hỗ trợ để định chế cốt lõi (Tòa án Nhân quyền) có thể
hoạt động hiệu quả, thực chất.
II/ Định chế Tòa án Nhân quyền và các định
chế hỗ trợ
1/ Định chế Tòa án Nhân quyền
Tòa án Nhân quyền là cơ quan xét xử những
vi phạm về quyền con người của cá nhân, nhóm người, cơ quan, chính quyền đối với
cá nhân hoặc nhóm người khác. Định chế Tòa án Nhân quyền là định chế bảo đảm
các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.
Nói cách khác, đó là định chế bảo đảm tự do của con người.
a/ Tại sao cần phải có định chế Tòa án
Nhân quyền?
- Việc bảo đảm và bảo vệ các quyền con người
là vấn đề quan trọng nhất, nhưng chưa có bất kỳ một định chế nào trực tiếp thực
thi việc này. Có một số quyền con người, hoặc quyền dân sự, có được các định chế
để thực thi, ví dụ tự do ngôn luận, tự do báo chí; hoặc sở hữu tư nhân trong
kinh tế thị trường...nhưng về tổng thể, vẫn chưa có một định chế nào bảo đảm và
bảo vệ tất cả các quyền của con người.
- Quá trình xây dựng thể chế dân chủ là
quá trình vô cùng phức tạp và khó khăn, chưa có tiền lệ ở các quốc gia bắt đầu
xây dựng thể chế dân chủ. Trong quá trình đó, chưa hề có luật, chưa khoanh vùng
được các quyền con người trong từng lĩnh vực của thực tế cuộc sống, chính vì vậy,
sự vi phạm các quyền con người là không thể tránh khỏi.
- Kể cả các quốc gia đã có các định chế
dân chủ, thì vấn đề quyền con người trong thực tế cuộc sống cũng vô cùng phức tạp,
luật cũng chưa bao quát hết được, nên khi xảy ra các vấn đề liên quan, người ta
cũng chưa có hệ thống quy chuẩn để điều chỉnh, nên vẫn vi phạm các quyền con
người là đương nhiên (vô tình vi phạm)
- Xu hướng lạm quyền của những người có
quyền lực, cơ quan quyền lực là tất yếu, trong khi không có các quy định cụ thể
về các quyền con người trong từng lĩnh vực, từng khía cạnh thực tế cuộc sống sẽ
dẫn tới việc vi phạm các quyền con người (cố tình vi phạm để trục lợi).
b/ Định chế Tòa án Nhân quyền ra đời sẽ giải
quyết được những vấn đề gì?
+ Trước hết, nó đặt cơ sở pháp lý cho việc
bảo đảm và bảo vệ các quyền con người một cách tổng thể, cụ thể và trực tiếp.
Khi đã có Tòa án Nhân quyền thì đồng nghĩa với việc các quy chuẩn pháp luật về
quyền con người sẽ được xây dựng và đi vào thực tế. Hệ thống quy chuẩn về quyền
con người sẽ trả lời các câu hỏi: quyền con người là gì, hệ thống các quyền con
người trong thực tế ở các lĩnh vực cụ thể là gì? thế nào là vi phạm quyền con
người? Khi bị vi phạm quyền con người thì tới đâu, gặp ai để giải quyết...
+
Làm cơ sở cho việc giải quyết, cho hoạt động của tất cả các định chế khác. Khi
xây dựng thể chế dân chủ, hoặc khi đã có các định chế dân chủ khác nhưng việc
thực thi sẽ rất khó khăn vì các định chế không thể bao hàm hết được những phát
sinh từ thực tế cuộc sống. Vì vậy, khi giải quyết vấn đề, nếu không có các quy
định, quy chuẩn pháp luật về quyền con người, sẽ rất dễ dẫn tới vi phạm quyền
con người. Khi đã có các quy chuẩn pháp luật về quyền con, người ta có thể thoải
mái giải quyết các vấn đề phát sinh mà không sợ vi phạm quyền con người. Điều
này đồng nghĩa với việc, người ta sẽ không thể lạm dụng quyền để trục lợi sau
đó bao biện bằng những điều luật khác.
+ Bản thân việc đặt ra định chế Tòa án
Nhân quyền, và dành sự quan tâm đặc biệt cho định chế này cũng đã là sự cảnh
báo, lời nhắc nhở cho toàn bộ hệ thống chính trị, góp phần vào việc vận hành và
bảo vệ tự do cho con người.
Tóm lại, khi đã có định chế Tòa án Nhân
quyền, và các định chế hỗ trợ để hoạt động thực chất, hiệu quả, chúng ta sẽ bảo
đảm được tự do của con người. Khi con người đã có, đã được tự do, thì mới có cơ
sở để thực hiện tất cả những vấn đề khác, kể cả việc xây dựng thể chế dân chủ.
Đồng thời, tự do là cơ sở cho sự sáng tạo, tạo ra các giá trị mới, thúc đẩy
phát triển toàn xã hội.
c/ Vấn đề tổ chức, vận hành
Tòa án Nhân quyền là định chế hoàn toàn mới,
nhưng lại là định chế quan trọng nhất. Chính vì vậy cần dành cho nó một vị trí
trung tâm, xứng đáng. Không gì hay và chuẩn xác hơn, nên đặt trong hệ thống Tòa
án Hiến pháp. Điều đó có nghĩa là Tòa án Hiến pháp của các quốc gia dân chủ sẽ
không chỉ còn là một tòa án duy nhất nữa, mà có hệ thống chân rết ở các tiểu
bang và các địa phương. Ở cấp độ quốc gia, liên bang, tên gọi vẫn sẽ là Tòa án
Hiến pháp, nhưng ở các tiểu bang và các địa phương sẽ gọi là Tòa án Nhân quyền,
chỉ tập trung xét xử về vấn đề vi phạm nhân quyền. Chức năng của Tòa án Hiến
pháp liên bang vẫn được giữ nguyên, nhưng có thêm lĩnh vực xét xử vi phạm nhân
quyền cấp quốc gia, đồng thời phụ trách ngành dọc về chuyên môn với hệ thống
tòa án nhân quyền cấp tiểu bang và địa phương.
Để xây dựng thành công Tòa án Nhân quyền
và cơ chế thực thi, cần thực hiện những việc sau đây:
- Sự độc lập hoàn toàn và quyền lực tuyệt
đối trên cơ sở hiến pháp và luật pháp của ngành tư pháp nói chung và Tòa án
Nhân quyền nói riêng. Nếu không có sự độc lập, và quyền lực tuyệt đối của Tòa
án Nhân quyền, chúng ta không thể nói tới việc người dân có thể tự bảo vệ các
quyền con người của mình.
- Xây dựng đội ngũ luật sư nhân quyền độc
lập và chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý và cùng tham gia bảo vệ quyền
con người của công dân.
2/ Trang bị kiến thức về nhân quyền, tự do
và dân chủ cho nhân dân
Có hai lý do quan trọng để thực hiện việc
trang bị kiến thức về nhân quyền, tự do và dân chủ cho người dân. Việc đầu
tiên, trong bất cứ lý thuyết nào về dân chủ, cũng đều nói rằng, người dân tham
gia vào xây dựng lên thể chế dân chủ. Nhưng trên thực tế, hình như chưa có quốc
gia nào khi xây dựng thể chế dân chủ, người dân được tham gia một cách đúng
nghĩa. Tức là người dân có đầy đủ nhận thức và hiểu biết, thông tin để lựa chọn
những người xứng đáng đại diện cho mình, hoặc những nguyện vọng của mình được
phản ánh trong các định chế, cũng như đường lối, chính sách của chính quyền.
Chính vì vậy, cần phải trang bị kiến thức để người dân có đầy đủ nhận thức tham
gia vào quá trình xây dựng thể chế dân chủ. Chưa làm được điều này, tất cả chỉ
là hình thức mượn danh nhân dân để thực hiện việc xây dựng thể chế dân chủ.
Lý do thứ hai, quan trọng hơn. Với định chế
Tòa án Nhân quyền chỉ là định chế, cơ chế để người dân tự bảo vệ các quyền con
người của mình mỗi khi bị xâm phạm. Chỉ có tự mình bảo vệ quyền lợi của mình mới
thiết thực và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, người dân phải biết, phải hiểu được
quyền của mình như thế nào, bị vi phạm ra sao, đòi lại quyền của mình ở đâu,
như thế nào. Như vậy, việc trang bị kiến thức cho người dân về nhân quyền, tự
do, dân chủ là việc tối quan trọng, để người dân có đủ nhận thức và hiểu biết để
tự bảo vệ các quyền con người của mình bằng định chế Tòa án Nhân quyền.
Việc trang bị kiến thức dân chủ cho người
dân ban đầu nên thực hiện bằng một cơ quan thống nhất từ trung ương tới địa
phương. Cơ quan này chịu trách nhiệm phổ biến thông tin, các vấn đề quan trọng
của đất nước và hỗ trợ về mặt pháp lý. Cơ quan đó có thể là Trung tâm thông tin
- Nhân quyền và hỗ trợ pháp lý bao gồm các chức năng sau.
- Thông tin tình hình đất nước, các đảng
phái chính trị, tình hình thế giới, khu vực và
địa phương.
- Trang bị kiến thức về nhân quyền, tự do,
dân chủ cho nhân dân
- Hỗ trợ pháp lý cho người dân trong mọi vấn
đề, trọng tâm là bảo vệ các quyền con người của nhân dân
Cơ quan này có trách nhiệm thông tin, trang
bị kiến thức đến từng người dân ở tất cả các thôn, bản, làng trên toàn quốc,
không bỏ sót bất cứ một cá nhân nào.
Sau khi thể chế dân chủ được xây dựng và
đi vào vận hành, vấn đề trang bị kiến thức cho người dân về dân chủ sẽ được
chuyển sang ngành giáo dục, các trường học. Các cấp học, từ tiểu học, trung học
và đại học, đều phải giảng dạy và phổ biến các kiến thức về nhân quyền, tự do
và dân chủ và cách thức xây dựng thể chế dân chủ. Làm sao để người dân hiểu và
thuộc các quyền con người của mình như thuộc bảng cửu chương trong toán học!
Chúng ta phải thực hiện công việc này như
một định chế, bởi vì chỉ có như vậy, việc thực hiện có cơ quan phụ trách, có đầu
tư, có người chịu trách nhiệm, có giám sát thì mới hi vọng có hiệu quả. Vấn đề
quan trọng này, nếu không thực hiện nghiêm túc như một định chế, sẽ chỉ là hình
thức và ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của nhân dân, tức là ảnh hưởng tới khả
năng tự bảo vệ các quyền con người của nhân dân, cũng có nghĩa ảnh hưởng tới tự
do của nhân dân.
3/ Quy định miễn phí đối với nạn
nhân bị vi phạm nhân quyền
Những người bị vi phạm nhân quyền, thực hiện
quyền tự bảo vệ các quyền con người của mình, tức là người đứng đơn kiện người,
nhóm người hoặc cơ quan, tổ chức vi phạm nhân quyền sẽ được miễn phí hoàn toàn.
Thông thường, những người bị vi phạm các quyền con người là những người dân thường,
nghèo khổ, thấp cổ bé họng. Những người này không có tiền để thanh toán cho các
vụ kiện nếu không được hỗ trợ. Cách hỗ trợ hiệu quả và công bằng nhất đó là miễn
phí hoàn toàn cho những người bị vi phạm nhân quyền, đứng đơn kiện những kẻ vi
phạm. Không chỉ miễn phí tòa, người đi kiện còn được chỉ định luật sư miễn phí ở
trung tâm Thông tin - Nhân quyền và hỗ trợ pháp lý. Trung tâm này luôn có đội
ngũ luật sư nhân quyền, để tham gia tố tụng hỗ trợ các nạn nhân bị vi phạm nhân
quyền. Những kẻ vi phạm nhân quyền, sau khi bị kết án, sẽ phải trả phí tòa tùy
theo quy định.
Đây là một định chế quan trọng, không thể
thiếu được nếu muốn thực hiện thành công định chế Tòa án Nhân quyền. Chỉ có hỗ
trợ về pháp lý và tài chính, người dân mới có thể tự bảo vệ các quyền con người
của mình. Tất cả các nguồn kinh phí này, đều được lấy ra từ ngân sách quốc gia,
cũng tức là tiền thuế của người dân, để người dân bảo vệ các quyền con người, tự
do của họ.
III/ Các bước thực hiện - một số vấn đề cần
lưu ý
Trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ,
đã và đang diễn ra trên thế giới, ngoài việc nội dung xây dựng thể chế dân chủ
chưa có định chế cốt lõi thì việc tiến hành, các bước đi cũng có những khiếm
khuyết không nhỏ. Đó là việc xác định thời gian chuẩn bị cho việc bắt tay xây dựng
thể chế dân chủ quá ngắn, thông thường từ 6 tháng đến một năm. Trong thời gian
đó, các quốc gia thường thuê các chuyên gia, có thể kết hợp với các học giả
trong nước viết hiến pháp, đồng thời ấn định thời gian cho tổng tuyển cử. Sau
đó, tất cả thể chế dân chủ đều được bắt tay xây dựng khi đã có các cơ quan lập
pháp và hành pháp là quốc hội và chính phủ. Cách thức này, quá trình này, chúng
ta chỉ có thể gọi là chuẩn bị cho tổng tuyển cử chứ hoàn toàn không phải là quá
trình chuẩn bị xây dựng thể chế dân chủ.
Khi chúng ta đặt vấn đề, chuẩn bị cho việc
xây dựng thể chế dân chủ thì điều đó hoàn toàn khác với việc chuẩn bị cho ra đời
bản hiến pháp và việc tổng tuyển cử để tạo ra quốc hội và chính phủ. Toàn bộ
quá trình xây dựng thể chế dân chủ trên thế giới đều bỏ qua một vấn đề quan trọng
nhất, đó là thông tin tới từng người dân về các quyền con người, về tự do, dân
chủ, về tình hình các đảng phái và tình hình đất nước...dẫn tới việc người dân
không có đủ thông tin, không có kiến thức để tham gia vào tiến trình xây dựng
thể chế dân chủ và vận hành, thực thi, thực hiện các quyền con người của mình.
Như vậy, trong việc tiến hành chuẩn bị xây
dựng thể chế dân chủ, chúng ta cần thời gian tối thiểu là từ 2-3 năm để thực hiện
những công việc quan trọng sau đây.
- Thứ nhất, định hình các đảng phái và lực
lượng chính trị. Đây là việc quan trọng và cần có thời gian để thực hiện. Việc
đăng ký của các đảng phái và việc phổ biến, quảng bá, xây dựng mối liên hệ giữa
các đảng phái và người dân cần có thời gian nhất định.
- Thứ hai, thông tin đến người dân về tình
hình đất nước, về các tổ chức chính trị, đảng phái đồng thời trang bị kiến thức
cho người dân về quyền con người, về tự do, dân chủ (dưới dạng sơ lược nhất).
Đây là nhiệm vụ quan trọng, không có không được để người dân thực sự tham gia
xây dựng thể chế dân chủ, cũng như làm cơ sở để tự bảo vệ các quyền con người của
họ sau này.
- Thứ
ba, cần lưu ý đặc biệt vào việc xây dựng thể chế dân chủ cơ sở, là đơn vị hành
chính mà người dân trực tiếp tham gia. Đây là điều khác biệt với phần lớn cách
thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới. Trọng tâm của thể chế dân
chủ cần phải đặt ở đơn vị cơ sở, là nơi người dân có thể tham gia trực tiếp lên
việc xây dựng các điều luật bảo đảm các quyền con người trong điều kiện hoàn cảnh
cụ thể của họ. Một khuynh hướng quan trọng của thế giới là toàn cầu hóa đã giúp
giảm bớt các gánh nặng vai trò quốc gia, cũng có nghĩa là giảm bớt sự tập trung
quyền lực và nguồn lực của trung ương trong xây dựng thể chế dân chủ. Như vậy,
thời điểm để xây dựng thể chế dân chủ tập trung trên bình diện cơ sở là rất thuận
lợi đối với các quốc gia...
Hà nội, ngày 23/02/2017
N.V.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét