Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Formosa – Cái giá phải trả

FB Bạch Hoàn





 No automatic alt text available.

 Báo cáo sai sự thật về năng lực của Formosa.


Formosa Hà Tĩnh – một siêu dự án thép được phê duyệt thần tốc, ưu đãi tột khung, quản lý nuông chiều… đã khiến đất nước và nhân dân VN phải trả một cái giá vô cùng đau đớn.



Võ Kim Cự, người từng giữ vị trí chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh, hiện là chủ tịch Liên minh hợp tác xã VN và Nguyễn Thái Lai, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng nhiều quan chức khác là những người đã gián tiếp tạo ra bi kịch cho nhân dân miền Trung nói riêng và VN nói chung như ngày hôm nay. Họ sẽ phải trả giá, tất nhiên là như vậy. Nhưng cái giá ấy đắt hay rẻ lại phụ thuộc vào thái độ của Chính phủ trước những đớn đau, mất mát của nhân dân.



Kỳ 1: Lạc nước hai Xe đành bỏ phí…



Võ Kim Cự từng nói, đưa Formosa vào Hà Tĩnh, ông không có gì sai cả. Hôm nay, một lần nữa tôi sẽ chỉ cho Võ Kim Cự thấy chẳng có cá nhân nào có thể lấy tay che trời. Bởi dưới ánh mặt trời này luôn có chỗ cho sự thật. Tôi cũng sẽ chỉ cho Nguyễn Thái Lai thấy rằng, lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt.



Hôm qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận, nhấn mạnh sai phạm của Võ Kim Cự, Nguyễn Thái Lai đã để lại hậu quả nghiêm trọng, cần kỉ luật. Bằng bài viết này, tôi cố gắng giúp các anh chị và những người có trách nhiệm có thêm thông tin và cái nhìn đầy đủ hơn về những sai phạm của hai cá nhân trên.



1. Cõng rắn cắn gà nhà.



Cõng rắn cắn gà nhà, đó là câu nói mà những công dân có lương tri trên đất nước này dành cho Võ Kim Cự, người đã phê duyệt thần tốc cho Formosa, lập kỷ lục về thời gian giải phóng mặt bằng ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh để giao cho nhà đầu tư này, người đã hứa hẹn Formosa sẽ giúp nhân dân Hà Tĩnh đổi đời.



Đưa được Formosa vào Vũng Áng vào tháng 6-2008, Võ Kim Cự khi ấy là trưởng Ban quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, kiêm phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, Võ Kim Cự đã lần lượt leo lên vị trí chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, phó bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh, rồi bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Từ một địa phương khốn khó, hiện nay, Võ Kim Cự được đưa ra Thăng Long thành, là thành viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, chủ tịch Liên minh hợp tác xã VN.



Formosa đã đổi đời Võ Kim Cự. Formosa cũng đổi đời cho người dân Hà Tĩnh và cả nhân dân miền Trung. Chỉ có điều, một người thì thăng quan tiến chức, giày hoa áo gấm thênh thang quan trường, hưởng bổng lộc từ ngân khố của quốc gia, trong khi hàng trăm ngàn người dân lại rơi vào cảnh thất nghiệp, ngư dân có thuyền mà chẳng thể ra khơi, tiểu thương không thể buôn bán, du lịch thì đìu hiu…



Tôi cho rằng, những ai bình luận Võ Kim Cự là con tốt thí là người hoàn toàn không hiểu về vụ việc Formosa. Võ Kim Cự là tác giả của dự án Formosa Hà Tĩnh. Võ Kim Cự cũng từng là người đứng đầu một tỉnh, hiện là người đứng đầu một tổ chức nhà nước với hơn 30 triệu thành viên, tuyệt đối không phải con Tốt.



• Báo cáo sai sự thật về Formosa.



Đầu tiên, tôi sẽ nói về đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư. Chỉ vỏn vẹn một ngày sau khi Formosa gửi thư cho UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định đã nghiên cứu dự án tiền khả thi dự án nhà máy luyện cán thép và cảng biển Sơn Dương, Võ Kim Cự khi ấy với vị trí là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh nhảu ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép Formosa triển khai dự án tại Vũng Áng. Văn bản ấy ký ngày 16-1-2008, tôi post ở hình 1.



Trong văn bản gửi Thủ tướng, Võ Kim Cự nhấn mạnh qua nghiên cứu thực tế và hồ sơ cho thấy, Formosa là tập đoàn có nguồn lực và kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án cảng biển và luyện thép. Đây chính xác là hành vi dối trên lừa dưới. Võ Kim Cự báo cáo sai sự thật, bởi không có thực tế và hồ sơ nào có thể chứng minh Formosa có kinh nghiệm trong lĩnh vực luyện cán thép. Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tiên của Formosa đầu tư vào lĩnh vực luyện thép. Trước đó, tập đoàn này chưa từng làm thép nên họ đương nhiên chẳng có bất cứ kinh nghiệm nào. Chính Formosa đã từng thừa nhận, Formosa Hà Tĩnh ra đời để hiện thực hoá giấc mơ làm thép của những người sáng lập tập đoàn này.



Đối với một dự án quy mô lớn, nhà nước phải bỏ ra vô số nguồn lực hỗ trợ về hạ tầng, mặt bằng, ưu đãi tối đa các loại thuế phí, cuộc sống của hàng chục ngàn người dân bị xáo trộn, nguy cơ ảnh hưởng môi trường lớn, đòi hỏi phải có những nhà đầu tư đủ năng lực. Kinh nghiệm là một trong những yếu tố để đánh giá năng lực. Năng lực của Formosa là do Võ Kim Cự vẽ ra, một thứ năng lực không có trên thực tế. Thời điểm đó, trong tất các cổ đông góp vốn vào Formosa Hà Tĩnh, không có bất kỳ cổ đông nào có kinh nghiệm làm thép.

.

• Cấp phép vượt thẩm quyền



Nhờ báo cáo sai sự thật về năng lực của Formosa, đồng thời bỏ qua khẩu xem xét hồ sơ đen với những thành tích nổi cộm về phá hoại môi trường của Formosa, đề xuất cho phép Formosa đầu tư vào Vũng Áng của Võ Kim Cự được chấp thuận.



Với vai trò là trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, kiêm phó chủ tịch tỉnh, Võ Kim Cự là người ký giấy phép đầu tư cho Formosa. Trong giấy phép này, Võ Kim Cự cho phép Formosa được thực hiện dự án trong 70 năm, vượt thẩm quyền. Thời điểm đó, Luật Đầu tư quy định dự án muốn được cấp phép 70 năm cần có sự chấp thuận của Chính phủ. Không có bất cứ văn bản nào cho thấy Chính phủ đồng ý cho Hà Tĩnh cấp phép 70 năm.



Ông Võ Kim Cự từng nói, các bộ ngành và Chính phủ đã đồng ý nên ông thấy mình không sai. Thực tế, các bộ ngành chỉ tham giá ý kiến và Chính phủ chỉ chấp thuận cho Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh. Điều đó có nghĩa là chấp thuận cho Formosa đầu tư thời hạn 50 năm chứ không phải 70 năm như Võ Kim Cự bao biện. Đó là lý do Thanh tra Chính phủ đã có kết luận Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho Formosa là trái thẩm quyền.



Không thể suy đoán rằng Võ Kim Cự phải được Thủ tướng Chính phủ khi ấy cho phép mới dám làm. Bởi thực tế vào năm 2015, Chính phủ đã đồng thuận với kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, Võ Kim Cự đặt Chính phủ vào tình thế có bầu phải cưới, giấy phép đầu tư cho một dự án 10 tỉ USD không thể như trò đùa. Thế nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải đề xuất Chính phủ chấp thuận thời hạn 70 năm mà Hà Tĩnh đã cầm đèn chạy trước ô tô.



Hơn nữa, trước khi gửi văn bản xin ý kiến của các bộ ngành và trước khi có sự chấp thuận của Chính phủ vào cuối tháng 5-2008, thì vào ngày 9-4-2008, Võ Kim Cự đã ký một văn bản gửi riêng Formosa, trong đó đã ghi rõ cho Formosa thuê đất 70 năm. Hết thời hạn này, nếu Formosa có nhu cầu thì sẽ được ưu tiên cho thuê tiếp. Văn bản này gồm 2 trang, tôi post ở hình 2, hình 3.



Có một điều rất kỳ lạ là, ông Cự ký văn bản cho Formosa thuê đất 70 năm với vai trò là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng người đề xuất điều này lại là trưởng ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cũng có tên là Võ Kim Cự. Tự ký duyệt cho đề xuất của chính mình thì còn hơn cả nhóm lợi ích, một hành động coi thường Pháp luật, coi trời bằng vung.



* Tự ý cho xây dựng đường ống xả thải ra biển



Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt vào năm 2008 của Formosa, nơi tiếp nhận xả thải là sông Quyền. Đến tháng 12-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Formosa xả thải ra biển Vũng Áng.



Tuy nhiên, ngày 18-7-2013, Võ Kim Cự với vai trò là chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã ký văn bản chấp thuận cho Formosa giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống nước xả thải ra biển Vũng Áng. Mặc dù, thời điểm này Formosa chưa thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung khi xả thải ra biển. Hành động cho phép Formosa xây dựng đường ống xả thải ra biển của Võ Kim Cự là không đúng quy trình.



Văn bản này tôi post ở hình 4.



* Hình phạt nào cho Võ Kim Cự?



Còn hàng loạt vấn đề trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án tái định cư, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện dự án Formosa, nhưng tôi chỉ phân tích ba vấn đề trên đã thấy Võ Kim Cự cần được xem xét hành vi vi phạm pháp luật chiếu theo Bộ Luật Hình sự.



Cụ thể, Điều 224 có quy định người lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm sai lệch kết quả lập dự án, bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lại hậu quả thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 10-20 năm.



Điều 229 vi phạm các quy định về quản lý đất đai có nêu rõ, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê đất có giá trị quyền sử dụng đất quy thành tiền từ 7 tỉ đồng trở lên với đất nông nghiệp và 15 tỉ đồng trở lên với đất phi nông nghiệp thì có thể bị phạt tù từ 5-12 năm. Võ Kim Cự cho Formosa thuê đất trong 70 năm trái thẩm quyền. Giá trị thuê đất tới hơn 90 tỉ đồng.



Điều 360 – tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có quy định, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại từ 1,5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Thực tế, Chính phủ đã công bố Formosa gây ra thiệt hại 0,3% GDP VN, tức gần 15.000 tỉ đồng.



Võ Kim Cự là người trực tiếp thực hiện dự án Formosa, thẩm định, phê duyệt, giám sát Formosa nhưng đã không thẩm định đầy đủ, cấp phép sai phạm, giám sát lỏng lẻo dẫn đến hàng loạt sai phạm ở dự án Formosa. Theo các anh chị, Võ Kim Cự sẽ nhận mức án nào phù hợp và bao nhiêu năm thì thoả đáng. Tôi không biết rồi đây ông Cự sẽ bị xử lý ra sao. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, để thực sự thuyết phục được người dân, gầy dựng niềm tin trong dân về một xã hội công bằng, minh bạch, không thể chỉ kỷ luật Võ Kim Cự về mặt hành chính, mà nhất thiết phải thực hiện các bước kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức chủ tịch Liên minh hợp tác xã VN, miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và cuối cùng là truy tố hình sự.



2. Hoàng hôn nhiệm kỳ, chuyến tàu vét



Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Formosa xả thải ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương vào ngày 11-12-2015. Người ký giấy phép đưa nguồn chất độc từ Formosa ra biển và giết chết và vùng biển miền Trung là Nguyễn Thái Lai. Không sai khi thấy ở đây có bóng dáng của chuyến tàu vét vào những ngày hoàng hôn nhiệm kỳ đã từng được cảnh báo ở Quốc hội. Bởi khi ký giấy phép, Nguyễn Thái Lai chỉ còn ngồi ghế thứ trưởng vỏn vẹn 20 ngày nữa là về hưu. Trong ngày 11-12-2015, Nguyễn Thái Lai ký hai giấy phép xả thải cho Formosa và nhà máy giấy Lee& Man Hậu Giang.



Riêng với giấy phép cho Formosa, Nguyễn Thái Lai đã làm trái quy định của Luật Bảo vệ môi trường như không lấy ý kiến của người dân địa phương bị ảnh hưởng, cho phép Formosa xả thải bằng cống ngầm đặt dưới đáy biển, nằm ngoài khơi vịnh Sơn Dương, không thể quan sát, không thuận tiện cho giám sát theo quy định.



Với những sai phạm này, tôi cho rằng không thể kỷ luật Nguyễn Thái Lai bằng hình thức tước tư cách “nguyên thứ trưởng” tương tự cách làm với ông Vũ Huy Hoàng, người từng được gọi là nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. Thay vào đó, sai phạm của Nguyễn Thái Lai cũng cần phải xem xét hình sự. Theo quy định tại Điều 360, cá nhân quản lý thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại từ 1,5 tỉ đồng trở lên thì lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm.



Bài viết quá dài vì tôi chỉ ra chi tiết những sai phạm với bằng chứng rõ ràng kèm theo những quy định pháp luật. Hi vọng mọi người đọc sẽ có them hình dung về câu chuyện này, lên tiếng để những kẻ làm sai phải trả đúng cái giá cần trả.



Trong cá nhân này, tôi lưu tâm nhiều hơn về người tên Võ Kim Cự. Người ta nói, "Lạc nước hai Xe đành bỏ phí. Gặp thời một Tốt cũng thành công". Võ Kim Cự là người nhờ Formosa mà gặp thời một Tốt cũng thành công. Nhưng bây giờ đã đến lúc lạc bước hai Xe đành bỏ phí.

---

Còn tiếp...









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét