Trần Phong Vũ
GM Hoàng Đức Oanh và biến cố Song Ngọc: GHCG nói gì về vai trò người tín hữu đối với vấn đề chính trị?
Chúng ta thường nghe những từ ngữ “hiệp
thông”, “liên đới”, “nâng đỡ”, “sẻ chia”, “an ủi”… gần như hàng ngày
trên môi miệng người tín hữu Công giáo, bao gồm giới tu sĩ, linh mục và
hàng giáo phẩm. Nhưng những ngôn từ này tuồng như ít khi vượt được ra
khỏi phạm trù chữ nghĩa vô tri để chạm tới trái tim làm nảy sinh cảm
thức “nhạy bén”, “mủi lòng”, “thương cảm” đến rơi lệ như Chúa Giêsu khi
hay tin Nazarô chết, bất chấp lời can ngăn của chị Mát Ta, vội vã tìm
đến với bạn Ngài dù ông đã tắt thở bốn ngày.
Đã đành lời cầu nguyện, lòng tin tưởng,
cậy trông vào sức mạnh, tâm tình yêu thương vô lượng nơi Thiên Chúa là
điều tối cần thiết, không thể thiếu đối với mọi tín hữu. Nhưng nếu chỉ
có thế mà không có những hành động cụ thể để cộng tác với Chúa thì chưa
đủ. Chính Chúa Kitô đã có lần quở trách những kẻ chỉ biết kêu cầu “Lạy
Chúa, Lạy Chúa” tối ngày mà không thực hành Lời Ngài, noi gương Ngài,
đấng đã được tiền định đến trong thế gian để thí mạng sống của chính
mình làm giá cứu chuộc nhân loại[1].
Từ nhận định rốt ráo trên đây, người
viết xin được cùng nguyên GM Kontum Hoàng Đức Oanh, tỏ bày lòng cảm phục
gương can đảm, hy sinh của cha Nguyễn Đình Thục, các giáo dân Song
Ngọc, Phú Yên, Nghệ An bị công an nhà nước bạo hành đến đổ máu trong
chuyến đi khiếu kiện đòi công lý vừa qua. Từ nơi hải ngoại xa xôi không
có điều kiện trực tiếp chia sẻ niềm đau chung của Quê hương/Giáo hội,
chúng tôi không khỏi nức lòng khi được thấy qua mạng xã hội hình ảnh GM
Micae có mặt bên giáo dân Song Ngọc ngay sau biến cố thảm thương này vừa
xảy ra. Chính sự nhạy bén và lòng cảm thương nơi mục tử đối với đoàn
chiên khi bị sói rừng banh da xẻ thịt đã thôi thúc cha[2]
cùng với cha Phạm Trung Thành, nguyên Bề trên DCCT có mặt bên cạnh giáo
dân Song Ngọc như trước đây với giáo dân Phú Yên trong cơn hoạn nạn hồi
tháng 9 năm rồi.
Tâm tình chủ chăn bày tỏ với bày chiên
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh & LM Phạm Trung Thành ở Song Ngọc
Bài tường thuật của phóng viên Huyền
Trang phổ biến trên mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo về cuộc thăm viếng bất
ngở của GM Micae ở giáo xứ Song Ngọc mới đây nói lên trọn vẹn tâm tình
của chủ chăn đối với bày chiên. Đặt vào bối cảnh đất nước và 90 triệu
đồng bào đang bị khống chế bởi cường quyền, bạo lực hiện nay, người ta
mới thẩm định được cái giá sự chọn lựa qua hành vi can đảm và những lời
phát biểu cương trực của Đức cha Oanh trước những nạn nhân của biến cố.
Ai cũng rõ sau vụ công khai hướng dẫn cả
ngàn giáo dân đi đòi công lý hôm 14-02-2017, LM Nguyễn Đình Thục đã trở
thành kẻ thù của chế độ. Ấy vậy mà khi phát biểu với đám đông tín hữu
Công giáo, -dĩ nhiên có cả lương dân và những cán bộ nhà nước-, cha đã
đề cao LM Thục và giáo dân Song Ngọc là những ân nhân quý trọng. Cha
nói.
“Phải biết ơn, đánh giá cao cha
Nguyễn Đình Thục và bà con giáo dân Song Ngọc vì họ đã can đảm đứng lên
đòi lại công bằng, công lý không những cho họ, cho con cháu họ và cho cả
chúng ta”.
Kinh nghiệm thứ “tam quyền không
phân lập” bị bỏ chung vào một rọ như Việt Nam thời XHCN, hẳn Đức cha
Oanh hiểu rất rõ nội dung lời tuyên bố trên đây của ngài dễ dàng bị đảng
và nhà nước viện điều 88 trong luật rừng để bỏ tù ngài. Nhưng điều gì
đã khiến ngài dám quên mình nói lên những suy nghĩ thẳng thắn của mình,
nếu không phải là do lòng mến và thái độ tôn trọng sự thật của môn đệ
Đức Kitô.
Chưa hết, trong dịp này, nguyên GM Giáo
phận Kontum còn minh danh đào sâu những căn nguyên cội rễ khiến cho các
nạn nhân bốn tỉnh miền Trung, trong đó có đông đảo tín hữu Công giáo
thuộc các giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên, Đông Yên phải xuống đường biểu
tình, làm đơn khiếu kiện Formosa và đòi trục xuất vĩnh viễn công ty tội
ác này khỏi lãnh thổ Việt Nam.
ĐC nhấn mạnh ba điểm sau đây.
Trước hết, ngài vạch trần điều tổ hợp
gang thép Formosa thường tim mọi cách, mọi mưu toan gian dối để né
tránh. Đó là tính cách nghiêm trọng không thể chối cãi của thảm họa môi
trường biển bị tổ hợp này vô tình hoặc cố ý đầu độc. Về điểm này, ĐC
nói.
“Thảm họa Formosa là có thật và nghiêm trọng. Nó là đại họa không chỉ cho đồng bào 4 tỉnh Miền Trung mà
cho cả đất nước này. Formosa là đại họa không chỉ hôm nay mà còn lâu
dài. Formosa không chỉ là một trong những đại họa của đất nước này mà
còn nhiều đại họa khác, ở nhiều nơi trên lãnh thổ VN.”
Tiếp theo, cha nói về thái độ vô trách
nhiệm, coi thường sinh mạng người dân của nhà cầm quyền cộng sàn Việt
Nam, từ trung ương tới địa phương. Theo ngài đây là một thái độ tắc
trách không thể chấp nhận.
Cuối cùng, ĐC đồng ý với nhận định của
nhiều thức giả trong và ngoài nước là thay vì đứng về phía các nạn nhân
tố cáo Formosa ra trước pháp luật, đảng và nhà nước CSVN lại ngả theo
Formosa để bao che những hành vi tội ác của tổ hợp này. Ngài nói.
“Phản ứng của nhà nước địa phương
cũng như trung ương chẳng những không giúp đỡ, không đứng về phía người
dân, lại còn cản trở người dân đi kiện một tổ chức nước ngoài đã gây
ra thảm họa. Cái đó là cái kỳ cục, là dấu hỏi lớn đối với người dân. Bởi
vì, theo lẽ thường nhà nước phải nhân danh pháp lý trừng phạt Formosa,
trục xuất Formosa. Trong khi đó lại cấm cản, đánh đập người dân đi kiện
một tổ chức nước ngoài đang phá hoại, giết dần giết mòn dân của mình thì
không thể chấp nhận được. Cũng vì thế, chúng ta phải biết ơn, đánh giá
cao cha Nguyễn Đình Thục và bà con giáo dân Song Ngọc vì họ đã can đảm
đứng lên đòi lại công bằng, công lý không những cho họ, cho con cháu họ
mà cho cả chúng ta. Chúng ta phải đánh giá cao biến cố đó, dẫu rằng,
không đạt được tới đích là nộp đơn khởi kiện, nhưng qua đó, cha Thục
cũng như bà con đã lay tỉnh được lương tâm của rất nhiều người không chỉ
tại VN mà trên toàn thế giới.”
Sự hiệp thông của giáo dân toàn Giáo phận Vinh
Lời tiên báo của ĐC Oanh đã được ứng
nghiệm khi bản tin phổ biến trên mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo thông
báo, trong hai ngày Thứ Bảy 18 và Chúa Nhật 19-02-2017 nhiều giáo xứ
thuộc giáo phận Vinh như Thuận Nghĩa, Đông Tháp, Xuân Hoà, Yên Lạc, Yên
Đại, Bình Thuận, Phú Linh, Lộc Thuỷ v.v… đã cùng nhau thắp nến cầu
nguyện cho nền công lý hoà bình trên đất nước Việt Nam và hướng về linh
mục JB Nguyễn Đình Thục và bà con ngư dân giáo xứ Song Ngọc vừa bị đàn
áp trên đường đi khởi kiện formosa ngày 14-2 vừa qua.
Giáo xứ Yên Lạc hiệp thông cùng giáo xứ Song Ngọc. Ảnh: internet
Linh mục Anthony Nguyễn Văn Đính, trưởng
ban Công Lý và Hoà Bình Giáo phận Vinh, kiêm quản xứ đồng thời là quản
hạt Thuận Nghĩa với hơn 50.000 giáo dân cũng đã hướng lòng về cha Thục
và những người bị tấn công. Điều đặc biệt là nhiều giáo xứ không chỉ
thắp nến cầu nguyện mà còn treo những biểu ngữ phản đối hành động sai
trái của lực lượng an ninh nhà nước qua hành vi dã man, sai trái vừa
qua. Một giáo dân xứ Yên Lạc bày tỏ tâm tình: “Mọi người chúng ta ai
cũng khao khát, ước muốn được sống trong một môi trường trong lành, mà
muốn được như vậy ta phải cùng nhau đoàn kết đấu tranh đến cùng để
Formosa không còn tồn tại trên đất nước Việt Nam này nữa. Nếu ta thờ ơ,
không quan tâm đến môi trường sống thì không chỉ chúng ta, mà con cháu
chúng ta cũng sẽ phải chịu hậu quả nặng nề. Mọi người sẽ sống như thế
nào nếu như 10 tháng trời không có thu nhập, mong các vị lãnh đạo đặt vị
trí của mình vào vị trí của ngư dân các tỉnh miền trung để thấy được cuộc sống vất vả, khó khăn mà họ đang phải đương đầu.”
Ân xá quốc tế lên án CSVN tấn công người đi kiện Formosa
Về phản ứng quốc tế, bản tin của phái
viên Minh Nhật trên mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo cũng cho hay, ngày
20.02.2017 tổ chức Ân Xá Quốc Tế – Amnesty International (AI) đã lên án
việc công an hành hung những người đi kiện Formosa và kêu gọi toàn cầu
cảnh cảnh giác tình trạng này. AI đã phác họa lại khung cảnh những ngư
dân đi kiện Formosa bị đàn áp và ra lời kêu gọi hành động khẩn cấp trên
toàn cầu đồng thời gợi ý mọi người gửi điện cho thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc, bộ trưởng bộ công an Tô Lâm, và cả bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình
Minh. Amnesty nói rõ
“Việc hàng trăm công an được trang
bị vũ khí đã chờ sẵn, mai phục và đánh đập kể cả đàn ông lẫn đàn bà và
trẻ em. Nhân chứng – người giúp điều phối việc nạp đơn khởi kiện – tin
rằng những người mặc thường phục không rõ danh tính lẩn trong đoàn người
đang cầu nguyện và ném đá vào công an, những kẻ đã xịt hơi cay và dường
như đã ném lựu đạn vào đoàn người. Trong khi chạy trốn, người dân tiếp
tục bị tấn công đánh đập bằng gậy gộc và dùi cui điện, lần này là do
công an”
Tổ chức nhân quyền này cũng cho biết hơn
700 người đã đi nạp 619 đơn kiện Formosa bằng xe máy và đi bộ. Sự việc
đã bị đẩy lên căng thẳng bằng đợt trấn áp của công an kể cả đánh chảy
máu linh mục Nguyễn Đình Thục. AI cũng nhấn mạnh ngay từ đầu sự nguy hại
của thảm họa mà Formosa gây ra cho môi trường biển và các ngư dân miền
trung Việt Nam. Hơn 270.000 ngư dân đã trực tiếp bị thiệt hại nặng nề từ
khi Formosa xả thải hóa chất trực tiếp xuống biển. Trong bản lên tiếng
lần này, Ân Xá Quốc Tế cũng thông tin về sự kiện 506 đơn kiện Formosa bị
bác bỏ, và trước đó là chuyến đi kiện bị ngăn cản của hàng trăm ngư dân
Nghệ An, đặc biệt là cuộc biểu tình của hơn 20 ngàn giáo dân Đông Yên
trước trụ sở Formosa đầu tháng 10-2016.
Tôn giáo và chính trị
Đây là một vấn đề tự thân vốn giản dị
nhưng lại gây ra những cuộc tranh cãi triền miền từ nhiều phía tưởng
chừng không bao giờ dứt. Do những kinh nghiệm đau buồn trong quá khứ của
những thời kỳ tôn giáo can thiệp quá sâu vào chính trị, người ta đã có
những tư tưởng cực đoạn cho rằng tôn giáo không bao giờ được can thiệp
vào chính trị và tuyệt đối phải đứng ngoài chính trị. Điều này có thể
đúng đối với thứ chính trị đảng phái, chính trị nhằm mục tiêu tranh đoạt
quyền bính, nhất là thứ chính trị độc tài, gian ác.
Khi nói tới tôn giáo điều quan trọng cần
phân biệt giữa giới lãnh đạo tôn giáo và đám đông tín hữu thuộc tôn
giáo ấy. Nói riêng giới lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo bao gồm những
tu sĩ, linh mục và hàng Giáo Phẩm. Theo giáo luật những vị này không
được phép tham gia các chính đảng, cũng không được nắm bất cứ vị trí nào
trong hệ thống cầm quyên từ trung ương tới địa phương[3].
Tuy nhiên, với cương vị công dân kèm theo những ý niệm về quyền hạn và
phẩm giá con người do những đòi buộc trong Tin Mừng và giáo huấn nền
tảng của Giáo hội, những vị này không những có quyền mà còn có bổn phận
phải nói lên tiếng nói Ngôn sứ của mình trước những bất công xã hội dẫn
tới hệ quả đau thương cho con người, cho đất nước.
Thế nên, khi cố TGM Nguyễn Kim Điền, cố
LM Chân Tín, cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, các LM Nguyễn Văn Lý, Phan Văn
Lợi, Nguyễn Hữu Giải công khai lên tiếng vạch trần những hành vi tàn ác
của đảng và nhà nước CSVN, cố GM Lê Đắc Trọng viết Hối ký tố giác tội đồ
Hồ Chí Minh xuống tay sát hại hàng chục ngàn nông dân, nhân sĩ, địa chủ
trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất đồng thời phanh phui chủ trương tiêu diệt
Công giáo của Hànội qua mưu toan thành lập nhóm LM Quốc Doanh ở miền
Bắc và miền Nam trong thế kỷ trước, các ngài không hề làm chính trị.
Cũng thế, hành vi dấn thân bênh vực người nghèo, tổ chức những buổi cầu
nguyện cho quê hương, cho công lý hòa bình, kể cả tham gia những cuộc
biểu tình, khiếu kiện chống Formosa và đồng lõa… của các LM DCCT, các LM
Nam gíao xứ Phú Yên, LM Lai giáo xứ Đông Yên, LM Thục giáo xứ Song Ngọc
v.v… với sự hỗ trợ tinh thần của nguyên TGM Hànội Ngô Quang Kiệt, GM
Vinh Nguyễn Thái Hợp, nguyên GM Kontum Hoàng Đức Oanh từ thập niên đầu
thiên niên thư ba cho đến nay cũng nằm trong ý hướng đó. Nói chung, các
ngài không làm chính trị, không chủ trương lật đổ chế độ để tranh danh
đoạt lợi. Vượt lên trên tất cả, những giáo sĩ, giáo phẩm này chỉ giới
hạn chức năng, ngôn ngữ, hành động của họ ở tư cách công dân cùng với
vai trò Ngôn sứ trong GHCG để bảo vệ nhân quyền, nhân phảm và phúc lợi
cho con người, cho quê hương, đất nước mà thôi.
Đối với ngưới tín hữu, Giáo hội không
những khuyến khích mà còn coi việc tham gia, can thiệp vào sinh hoạt
chính trị như một trách nhiệm, một bổn phận thiêng liêng phải chu toàn.
Câu “Người Công dân tốt là Ngưới Tin hữu tốt” được hiểu theo ý nghĩa
ngay lành này. Trong Tồng Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles
Laici) công bố ngày 30-12-1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết:
“Để đem đời sống Kitô hữu vào trật tự trần thế, nghĩa là ‘đem Đạo vào Đời’ theo ý nghĩa phục vụ con người và xã hội, các tín hữu giáo dân tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào chính trị,
nghĩa là vào các hoạt động mang nhiều sắc thái như kinh tế, xã hội, tư
pháp, hành chánh, văn hóa, giáo dục có mục đích cổ võ công ích một cách
có cơ chế. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhiều lần quả quyết điều này
là mọi người và mỗi người có quyền và có bổn phận phải tham gia vào chính trị dưới những hình thức khác nhau và bổ túc cho nhau với mức độ khác nhau”.[4]
Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích đẫn một đọan trong bài tham luận của Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long[5]
với quý chức sắc trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam ở Tiểu Sàigòn miền
nam California, Hoa Kỳ qua chủ đề Vai Trò Tôn Giáo Trước Hiện Tình Đất
Nước nhân dịp tưởng niệm Tháng Tư Đen năm 2016.
“Tôn giáo và chính trị
là hai thực thể mà nhiều người cho là không được trộn lẫn hay
phải tách rời. Có nhiều người Công Giáo rất quảng đại đối với
các dự án bác ái tình thương ở Việt nam, giúp xây nhà thờ,
nhà xứ, trung tâm hành hương v.v… Nhưng họ lại rất dị ứng với các vấn
đề nhân quyền và công lý. Họ có thể cho 5, 7 ngàn đôla cho giáo xứ này dòng tu nọ ở Việt Nam. Còn mua một cái vé số $10 hay $5 để ủng hộ cho tù nhân lương tâm thi ho đắn đo ngại ngùng. Ho cho rằng đó là làm chính trị.
Thế thì Chúa Giêsu có làm chính trị hay không khi Ngài thực thi sứ mạng cứu thế: “Thần trí Chúa ngự
trên tôi. Ngài xức dầu tấn phong cho tôi. Ngài sai tôi đi loan
báo Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát cho kẻ bị giam
cầm, mở mắt cho người mù, đem tự do cho kẻ bị áp bức….” (Luca 4:18)
Như thế, không ai, kể cả những
người tu hành như tôi, có thể dửng dưng với những vấn nạn xã
hội do sự lãnh đạo hay thể chế chính trị gây ra. Chúng ta không
thể sống đạo, tức là tìm những điều hay lẽ phải,
mà lại không quan tâm tới sự dữ và sự bất công đang tràn lan
trên quê hương. Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa mà lại không để
ý tới tiếng kêu than của dân oan. Trước khi làm người Công Giáo,
trước khi làm giám mục, tôi là người Việt Nam; tôi chịu ơn
những anh hùng hào kiệt đã hy sinh cho tiền đồ dân tộc trong
suốt chiều dài lịch sử. Tôi chịu ơn những chíên sỹ Việt Nam
Cộng Hòa đã bảo vệ tự do cho tôi. Tôi chịu ơn những thuyền nhân
đã không may mắn như tôi, nhưng cũng chính vì những cái chết
thương tâm của họ mà thế giới tự do đã đón nhận những người
tỵ nạn cộng sản còn sống sót như tôi.
Tôi không thể không trăn trở với hiện tình đất nước. Tôi không thể nhắm mắt làm ngơ với hệ thống chính trị lỗi thời là chế độ cộng sản đang làm cho đất nước băng hoại. Trên huy hiệu giám mục của tôi có lá cờ VNCH trải ngang như làn sóng trên nền xanh là đại dương. Tôi không thể bỏ quên qúa khứ và căn tính tỵ nạn của mình. Tôi không ngần ngại khẳng định lập trường của tôi là: không bao giờ tách lìa lý tưởng một Việt Nam phi cộng sản và một Việt Nam nhân bản ra khỏi sứ mạng giám mục của tôi…”
Nam California, Hoa Kỳ Thứ Hai 20-02-2017
_____
[1]
Đấng mà sau bốn mươi ngày chay tịnh, bước vào Hội đường Do Thái mở sách
tiên tri Isaia tuyên đọc lời Ngôn sứ sau đây trước khi khởi đầu công
trình Cứu Thế của Ngài:
“Thần khí Thiên Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho những kẻ mù lòa biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức…” Phúc âm Luca đoạn 4, câu 18.
[2]
Chính GM Micae có lần công khai bày tỏ thái độ thích thú, thoải mái khi
người viết bài này xưng hô với ngài bằng tiếng ‘cha’ thân thương, gần
gũi hơn là dùng những chức danh theo khuôn sáo.
[3]
Sự kiện có một số LM được bầu vào Quốc Hội dưới chế độ CS, nằm trong
hai mục tiêu ác độc sau đây của Hànội. Thứ nhất dùng bả danh vọng để
chiêu dụ hàng giáo sĩ đi theo chế độ, phá hoại trực tiếp tới kỷ cương,
trật tự truyền thống của GHCG. Thứ hai, dùng chính bàn tay những giáo sĩ
phản bội này để phá đạo.
[4]
Trích trong bản dịch Người Tín Hữu Giáo Dân trang 100/101 do Đức Ông
Philipphe Trần Văn Hoài, phụ trách Văn Phòng Phối Kết Mục Vụ Việt Nam
tại Vatican chuyển ngữ, Phong trào Cursillo ngành Việt Nam và tạp chí
Đường Sống ấn hành tại Hoa Kỳ.
[5]
Sau khi được tấn phong, Đức Cha Vincent được giáo quyền Úc Đại Lợi bổ
nhiệm làm GM Phụ tá Giáo phận Melbourne và tháng 6 năm 2016 ngài được cử
làm GM Chính tòa Giáo Phận Parramatta, Úc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét