Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Hoa Kỳ cam kết liên minh quân sự với Nam Hàn

BBC


 Ông Mattis (phải) nói với Tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-ahn về quan hệ đồng minh mạnh mẽ


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trấn an giới lãnh đạo Nam Hàn rằng liên minh hai nước vẫn còn mạnh.Ông Mattis nói mối quan hệ này sẽ chỉ được tăng cường trong bối cảnh có các mối đe dọa từ Bắc Hàn.

Tổng thống Donald Trump từng cáo buộc Nam Hàn và Nhật Bản chi không đủ cho sự hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ.
Chuyến thăm Seoul là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump.
Ông Mattis đã dùng cơ hội này để nói Hoa Kỳ tiếp tục cam kết hỗ trợ thông qua các thỏa thuận an ninh đã đạt được trước đây.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump dọa sẽ rút lính Mỹ khỏi Nam Hàn và Nhật Bản nếu họ không tăng cường hỗ trợ tài chính cho hoạt động quân sự của Mỹ.
Ông cũng gợi ý rằng hai nước có thể được phép trang bị cho mình vũ khí hạt nhân, một ý tưởng đã bị bác bỏ bởi cả hai nước này.
Ông Trump cũng đã nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, động thái trái ngược với chính sách bấy lâu nay của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sau khi hạ cánh tại căn cứ không quân Osan của quân đội Mỹ, phía nam Seoul, ông Mattis tới thăm trụ trở của Lực lượng Mỹ tại Triều Tiên (USFK) ở thủ đô, nơi ông được nghe Tư lệnh lục quân Vincent Brooks báo cáo về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên, giới chức cho biết.
Ông sẽ ở Nam Hàn đến thứ Sáu, và sẽ hội đàm với người đồng cấp Nam Hàn là Han Min-koo và các quan chức khác.
Lầu Năm Góc cho biết chuyến thăm khẳng định cam kết của Hoa Kỳ với liên minh với Nhật Bản và Nam Hàn, và tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh ba nước.
Ông Mattis nói với các phóng viên ông sẽ thảo luận về việc triển khai kế hoạch cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc, và chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra giữa lúc những đe dọa từ Bắc Hàn đang ngày càng tăng, theo đó Bình Nhưỡng nói đã sẵn sàng bắng thử tên lửa xuyên lục địa mới vào bất kỳ lúc nào.
Dưới thời ông Obama, Mỹ và Nam Hàn đã đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD nhằm giúp Nam Hàn đối phó với tên lửa Bắc Hàn.
Nhưng việc này đã khiến Trung Quốc giận dữ, bởi Bắc Kinh cho rằng THAAD đe dọa tới an ninh của Trung Quốc, và "vượt quá nhu cầu phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên".

THAAD hoạt động thế nào?

  1. Đối phương phóng tên lửa
  2. Hệ thống radar của THAAD phát hiện được tín hiệu và sẽ gửi thông tin về trung tâm chỉ huy điều khiển
  3. THAAD ra lệnh và điều khiển việc phóng tên lửa đánh chặn
  4. Tên lửa đánh chặn sẽ trúng vào tên lửa của đối phương
  5. Tên lửa đối phương bị phá hủy khi bay gần tới đích (giai đoạn cuối trước khi trúng mục tiêu)
Mỗi xe tải chở bệ phóng có thể mang theo tối đa tám tên lửa đánh chặn.

Phí tổn

Hiện có chưa tới 28.500 quân nhân Mỹ đóng tại Nam Hàn. Nam Hàn chi khoảng 900 triệu đô la mỗi năm cho việc triển khai số lượng lính này.
Hôm thứ Sáu, ông Mattis sẽ tới Nhật và có các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada.
Tại Nhật, Mỹ có thêm 50 ngàn quân nhân, cùng thân nhân họ và các nhân viên hỗ trợ. Hoa Kỳ trong năm 2016 chi khoảng 5,5 tỷ đô la cho các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật, còn phía Nhật chi thêm 4 tỷ đô la nữa.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét