Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Ngày tàn của phát xít Nhật (P4)

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành


 
 Hình: Đô đốc Nimitz ký vào văn kiện đầu hàng của Nhật trên chiến hạm Missouri đậu trong Vịnh Tokyo. Nguồn: Alamy.com.

Thiên Hoàng Nhật Bản thân chinh quyết định

Sau Nagasaki, người Nhật thấp thỏm chờ xem trái bom thứ 3 sẽ rơi xuống đâu. Tình hình vô cùng nguy cấp buộc Nhật phải trả lời ngay có chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam hay không.

Ngày 9, nhà vua dự “Ngự tiền Hội nghị” của Hội đồng Tối cao Chỉ đạo Chiến tranh. Chánh văn phòng chính phủ Sakomizu kể lại:

    Đêm khuya ngày 9, “Ngự tiền hội nghị” họp trong một gian hầm tránh bom rộng 45 m2 sâu dưới đất 10 mét. Mọi người yên vị chờ nhà vua. Bệ Hạ mặt đỏ gay nặng nề bước vào. Một ấn tượng sâu sắc cho đến nay tôi vẫn chưa quên được là có mấy sợi tóc rủ xuống trán Bệ Hạ. Cuộc họp do Thủ tướng chủ trì. Trước tiên tôi đọc Tuyên ngôn Potsdam. Vì các điều kiện nêu trong Tuyên ngôn này chứa những nội dung Nhật Bản rất khó chịu đựng nổi, cho nên người nghe ai nấy đều rất xấu hổ.


    [“Sự thật của việc ngừng chiến”].

Sau đó Bộ trưởng Ngoại giao Togo phát biểu nên tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam. Thủ tướng, Bộ trưởng Hải quân Yonai và Viện trưởng Viện Cơ mật Hiranuma cũng đồng ý như vậy. Một số bộ trưởng cho biết tình hình kinh tế rất gay go, không còn sức để kháng cự nữa. Phái chủ chiến gồm Bộ trưởng Lục quân Anami, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Umezu và Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Toyoda nói nếu địch tấn công lên đất Nhật thì nhất định chúng sẽ thiệt hại vô cùng lớn, qua đó Nhật có thể chuyển bại thành thắng, họ chủ trương “bản thổ quyết chiến”, “hy sinh cả trăm triệu dân”.

Phái này chỉ đồng ý đầu hàng nếu Đồng minh bảo đảm 4 điều kiện : – giữ chính thể quân chủ, – để Nhật tự giải tán quân đội, – để Nhật tự xét xử tội phạm chiến tranh, – hạn chế số lượng quân Đồng minh chiếm đóng Nhật.

Số người phái chủ hàng và chủ chiến trong Hội đồng Tối cao Chỉ đạo chiến tranh ngang nhau, đều là 3, do đó Thủ tướng Suzuki đề nghị Hoàng thượng quyết định.

Sakomizu nhớ lại:

    Bệ Hạ nói: “Thế thì Trẫm phát biểu ý kiến của Trẫm vậy ”. Tiếp đó Ngài nói: “Ý kiến của Trẫm là tán thành ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao ”.

    Xin các vị hãy tưởng tượng xem quang cảnh lúc ấy thế nào? Địa điểm là sâu 10 mét dưới đất, và là trước mặt Bệ Hạ. Nếu nói về sự yên tĩnh thì không nơi nào yên lặng hơn nơi này…

    Khi Bệ Hạ nói xong, tôi thấy tức thở trong ngực, nước mắt trào ra rơi xuống giấy tờ để trước mặt. Đại tướng Umezu ngồi cạnh tôi cũng vậy. Hình như vào lúc ấy tôi nghe thấy tiếng nước mắt của mọi người tí tách rơi xuống. Phút tiếp sau là tiếng thút thít. Sau nữa là tiếng khóc to, tiếng gào lên.  Tôi nhìn Bệ Hạ qua làn nước mắt, phát hiện thấy mới đầu Ngài dùng ngón tay cái đeo găng trắng muốt liên tục lau mắt cặp kính của Ngài, nhưng cuối cùng Bệ Hạ cũng bắt đầu dùng hai tay lau má. Bệ Hạ cũng khóc rồi!

    Nước Nhật Bản lập quốc đã 2.600 năm, hôm nay đón ngày chiến bại đầu tiên của mình. Hôm ấy cũng là ngày đầu tiên Thiên Hoàng Nhật Bản khóc.

    [“Sự thật của việc ngừng chiến”].

Sau đó Thiên Hoàng trình bày lý do tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam: phía Nhật căn bản chưa chuẩn bị xong “bản thổ quyết chiến”, nếu cứ mù quáng quyết chiến thì “tất sẽ dẫn đến sự vong quốc diệt chủng của dân tộc”, Trẫm “vẫn còn muốn truyền lại cho con cháu đời sau cái gọi là quốc gia Nhật Bản”!

Hirohito nhớ lại :

    Khi ấy lý do thứ nhất tôi hạ quyết tâm [chấp nhận Tuyên ngôn] là: nếu cứ thế này thì dân tộc Nhật sẽ diệt vong, tôi chẳng thể bảo vệ được các thần dân trung thành của mình. Lý do thứ hai là để giữ gìn quốc thể [thể chế đất nước]… Nếu địch đổ bộ lên gần vịnh Ise thì đền Ise sẽ bị địch kiểm soát, như vậy sẽ không kịp di chuyển các vật thiêng. Nếu quả như thế thì sẽ càng khó hộ trì quốc thể. Cho nên lúc ấy tôi cảm thấy dù phải hy sinh thân mình, tôi cũng quyết giảng hoà.

    [“Tự bạch của Hirohito”].

Thủ tướng Suzuki viết:

    Thiên Hoàng trình bày Thánh Dụ của Ngài về tình hình hiện nay. Đó thật là những triết lý sâu sắc, những chỉ thị sáng suốt đưa ra từ một nhận thức nhìn xa trông rộng. Qua chỉ dụ của Thánh thượng, chúng tôi cảm thấy Bệ Hạ nắm tình hình chiến cuộc chính xác biết bao! Tất cả mọi người yên lặng nghiêm chỉnh lắng nghe.

    [“Tự truyện của Suzuki”].

Nước Nhật chính thức đầu hàng

Thiên Hoàng đã quyết thì chẳng ai dám chống lại.

7 giờ sáng ngày 10 tháng 8, Thủ tướng Suzuki gửi điện báo cho các nước tham gia thành lập Liên Hợp Quốc (LHQ), nói rõ ý định chuẩn bị tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam. Trong bức điện đầu tiên do Bộ Ngoại giao Nhật dự thảo có đưa ra một điều kiện: Không đòi thay đổi địa vị pháp lý quốc gia của Thiên Hoàng. Chủ tịch Viện Cơ mật phản đối điều này với lý do đại quyền thống trị của Thiên Hoàng là đại quyền của thần thánh, vượt trên quốc pháp. Tuy vậy trong bức điện phát đi đã giữ nguyên câu đó.

Ngày 10/8, Chính phủ Nhật gửi điện cho Chính phủ Thuỵ Điển và Thuỵ Sĩ, nhờ chuyển tới Chính phủ Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc nội dung: Nhật sẵn sàng chấp nhận tất cả các điều khoản trong Thông cáo Potsdam; nếu Hoàng gia cùng chủ quyền quốc gia Nhật không bị bất kỳ tổn hại nào, Nhật sẽ lập tức chấp nhận Thông cáo đó vô điều kiện.

Sáng ngày 10, nhận được bức điện nói trên, Tổng thống Truman bàn với Byrnes, Stimson, Forrestal (Bộ trưởng Ngoại giao, Lục quân, Hải quân) về vấn đề có nên giữ lại chế độ quân chủ Nhật hay không. Stimson cho rằng giữ lại Nhật Hoàng sẽ có lợi cho việc giải giáp quân đội Nhật đang đóng phân tán khắp nơi trên Thái Bình Dương. 2 giờ chiều, Truman đọc trước Quốc hội bức điện phúc đáp Nhật do Byrnes thảo với nội dung chính là: sự cai trị của Nhật hoàng và Chính phủ Nhật sẽ lệ thuộc vào (nguyên văn subject to) Tư lệnh Tối cao quân đội Đồng minh; hình thức chính quyền cuối cùng của Nhật sẽ do nhân dân Nhật quyết định.

Nhận được phúc đáp đó, Thủ tướng Nhật cho rằng có thể chấp nhận điều kiện này, vì chế độ quân chủ vẫn được bảo lưu. Nhưng phái chủ chiến quyết không chấp nhận.

Ngày 13 tháng 8, điện trả lời chính thức của các nước trù bị LHQ gửi đến Tokyo. Theo Thủ tướng Suzuki, nội dung bức điện này như sau:

    Thứ nhất, nói rõ quyền cai trị quốc gia của Thiên Hoàng và Chính phủ ta phải đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tư lệnh Tối cao LHQ. Thứ hai, sau khi chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam, sẽ lập tức ra lệnh nói về các công việc Thiên Hoàng và Chính phủ ta phải làm. Thứ ba, nói rõ hình thái chính trị cuối cùng của Nhật Bản phải được quyết định căn cứ theo ý chí tự do biểu đạt của quốc dân Nhật Bản.

    [“Tự truyện của Suzuki”].

Trong bức điện có câu: Thiên Hoàng và Chính phủ Nhật bản “subject to” Bộ Tư Lệnh LHQ. Từ tiếng Anh này đã gây ra sự chống đối của quân đội Nhật và nổ ra một cuộc bàn cãi sôi sục về vấn đề “giữ quốc thể”.

Bộ Ngoại giao Nhật dịch subject to là “đặt dưới sự kiểm soát của …”, và cho rằng Nhật có thể tiếp thu. Bên quân đội dịch là “lệ thuộc vào …”, do đó họ nói như thế là mất quốc thể, vì vậy họ càng kiên quyết không đầu hàng. Thiên Hoàng nhớ lại:

     Trong quá trình xảy ra bất đồng như vậy, Mỹ bắt đầu cho máy bay rải truyền đơn báo cho toàn thể quốc dân Nhật biết là Nhật đang xin chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam… Nếu những truyền đơn ấy rơi vào tay quân đội thì tất nhiên sẽ nổ ra đảo chính…  Bởi vậy 8h30 ngày 14, tôi ra lệnh Thủ tướng triệu tập họp ngay.

    [“Tự bạch của Hirohito”].

11 giờ trưa ngày 14, Hội đồng Tối cao và Chính phủ bắt đầu họp liên tịch. Hai phái chủ hàng và chủ chiến lại cãi nhau. Cuối cùng vua Hirohito nói:

    Trẫm đã xem xét điện văn của Đồng minh, rút ra kết luận là các điều kiện họ đưa ra đã hoàn toàn thừa nhận lập trường trong công hàm của ta. Trẫm cho rằng có thể chấp nhận bức điện này… mong Nội các lập tức dự thảo Chiếu thư chấm dứt chiến tranh… Thời vận nay đã như thế rồi, ta không còn sức để chống lại nữa. Tiếp tục chiến tranh chỉ dẫn đến sự huỷ diệt dân tộc… Đúng là Trẫm sẽ vô cùng đau lòng khi nhìn thấy quân đội trung thành với Trẫm bị tước vũ khí … Nhưng bây giờ ta cần nhẫn nhịn cái không thể nhẫn nhịn được. Cho nên Trẫm dự định tiếp nhận toàn bộ các điều kiện của đối phương.”

    Nói đến đây, Bệ Hạ ngừng lại. Tôi ngẩng đầu nhìn, ôi, thật đau lòng! Thì ra, Bệ Hạ đang khóc…. Tất cả mọi người cũng không thể chịu đựng được nữa, họ oà lên khóc hu hu, thậm chí có người khóc tru tréo, kêu trời gọi đất…

    [“Nhật ký của Kido”].

Theo truyền thống Võ Sĩ Đạo, đàn ông Nhật “không bao giờ thất sắc khi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mặt”,[1] thế mà bây giờ các vị samurai cấp cao nhất ấy lại khóc hu hu. Bộ trưởng Lục quân quỳ xuống bò lết về phía nhà vua nói to: “Xin Bệ hạ không đầu hàng!”

Bây giờ Thiên Hoàng đã hai lần quyết định, chẳng ai dám chống lại Thánh ý nữa.

Hai nhà Hán học giỏi nhất nước được mời đến để thảo “Chiếu Thư chấm dứt chiến tranh” cho Thiên Hoàng ký. Nửa đêm 14, Chiếu Thư viết bằng chữ Hán-Nhật dự thảo xong trình lên Hội đồng Tối cao. Bộ trưởng Lục quân đòi sửa đi sửa lại từng chữ sao cho “giữ được quốc thể”. Câu viết về “Ba vật thiêng” cũng bị xoá, vì sợ phía Mỹ biết sẽ đi tìm kiếm. Cuối cùng Thiên Hoàng đọc Chiếu Thư ghi âm vào đĩa để hôm sau phát trên đài phát thanh.

Khi Bộ trưởng Lục quân Anami về cơ quan bộ truyền đạt Thánh chỉ, nhiều sĩ quan doạ “Thà chết chứ không đầu hàng”. Anami rút súng lục ra đặt lên bàn hét lớn: “Thánh chỉ đã hạ, ai không phục tùng thì hãy giết tôi trước!”  Hai sĩ quan lập tức nổ súng tự sát. Anami cũng quyên sinh.

Theo ấn định, ngày 15/8 đài phát thanh Tokyo sẽ phát đi lời Thiên Hoàng đọc Chiếu thư gửi toàn thể thần dân ghi trên đĩa.

Suốt đêm trước, 30 sĩ quan trẻ trong đội cảm tử của “Trung đoàn Thần phong (Kamikaze) Quốc gia” do một đại uý chỉ huy đi xe tải từ cảng Yokohama đến Tokyo, sát khí đằng đằng tuyên bố sẽ giết hết lũ “phản nghịch” quốc gia, tức phái chủ hoà. Trước tiên chúng đi tìm Thủ tướng Suzuki. Lúc nửa đêm, chúng bắn súng máy vào Phủ Thủ tướng. Lính bảo vệ ở đây trốn sạch. Biết Suzuki không có mặt, chúng phóng hoả đốt toà nhà rồi kéo đến nhà riêng Thủ tướng. Do được báo trước, Suzuki đang ngủ vội kéo cả gia đình lên xe, chạy được một quãng thì gặp xe của đội Thần phong. Suzuki vội bảo mọi người cúi rạp xuống, nhờ đó mới thoát chết.

Cho dù Bộ trưởng Lục quân đã ra sức khuyên mọi người kiềm chế không được chống lại Thánh chỉ, nhưng lũ sĩ quan trẻ không nghe. Con rể cựu Thủ tướng Tojo cùng em trai Bộ trưởng Lục quân và các sĩ quan trẻ chủ trương dùng vũ lực diệt phái chủ hàng và buộc Nhật Hoàng tiếp thu yêu cầu đánh đến cùng. Chúng kéo đến Hoàng cung để tìm và huỷ đĩa ghi âm lời nhà vua đọc Chiếu thư đầu hàng, nhưng muốn vào thì phải được tướng Mori chỉ huy sư đoàn cận vệ Hoàng gia cho phép. 1 giờ sáng, chúng đến nhà riêng Mori, nhưng cũng nhận được khuyên không được chống lại Hoàng thượng. Lập tức chúng bắn chết Mori và chặt đầu em trai ông này, rồi tự viết “Mệnh lệnh số 584 của sư đoàn cận vệ” và đóng dấu của sư đoàn trưởng. Sau khi phân phát lệnh đó đi các nơi, quân đảo chính xông vào Hoàng cung sục tìm đĩa ghi âm Chiếu thư, nhưng vì Hoàng cung quá rộng nên không tìm được.

5 giờ sáng, Đại tướng Tanaka đến sư đoàn cận vệ giải quyết vụ rắc rối và được biết, chính Liên đội 2 của sư đoàn này chiếm Hoàng cung. Ông ra lệnh bắt giam viên thiếu tá ký “Mệnh lệnh 584” và gọi điện cho đại tá chỉ huy Liên đội 2 ra lệnh rút hết quân ra khỏi Hoàng cung, và tuyên bố ông tiếp quản chỉ huy sư đoàn cận vệ Hoàng gia.

Cuộc đảo chính kết thúc với thất bại thảm hại vào lúc toàn thể dân chúng Nhật túm tụm bên loa truyền thanh hoặc ra-đi-ô để lần đầu tiên trong đời được nghe tiếng nói của Thiên Hoàng. 11 giờ 30 ngày 15, đĩa ghi âm lời Thiên Hoàng đọc Chiếu thư được đưa đến đài phát thanh canh gác vô cùng cẩn mật. Đúng 12 giờ trưa, đài phát thanh phát quốc ca Nhật Bản. Tiếp đó, giọng Thiên Hoàng Hirohito vang lên:

    Sau khi xem xét xu thế lớn của thế giới và hiện trạng của Đế quốc (tức Nhật Bản), Trẫm muốn dùng biện pháp bất thường để thu dọn thời cuộc. Nay Trẫm báo để các thần dân trung thành và lương thiện của Trẫm biết: Trẫm đã ra lệnh cho Chính phủ Đế quốc thông báo cho 4 nước Mỹ, Anh, Trung, Xô, tiếp thu Thông cáo chung của họ …

Nói cách khác, tức là chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, nhưng vì giữ sĩ diện, Chiếu Thư không hề dùng những từ “thua trận”, “đầu hàng”. Chiếu Thư còn nói: trước đây Trẫm không định xâm lược nước khác; Nhật tuyên chiến với Mỹ, Anh là do nhu cầu “tự tồn và an ninh của Đông Á”, … “nhưng chiến cục không chuyển biến tốt, xu thế lớn trên thế giới bất lợi cho ta; cộng thêm địch mới đây sử dụng loại bom tàn nhẫn giết người vô tội, không thể lường được thiệt hại. Nếu tiếp tục giao chiến, cuối cùng sẽ dẫn đến sự diệt vong dân tộc ta, phá hoại nền văn minh nhân loại.” Nghĩa là Nhật ngừng chiến không phải do thua mà chỉ là để tránh thảm hoạ dân chúng bị bom nguyên tử giết hại. Chiếu thư cũng lờ đi việc Nhật xâm lược Trung Quốc và bị Liên Xô đánh cho tơi bời ở Mãn Châu… Tóm lại, chính quyền Nhật vẫn còn vô cùng ngoan cố.

Trước tình hình đó, ngày 19/8, MacArthur Tư lệnh quân đội Đồng minh đã giao cho Nhật 3 văn bản để ký, đó là:

– Bố cáo của Thiên hoàng về việc chấm dứt chiến tranh;

– Văn bản đầu hàng;

– Quân lệnh số Một về việc hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện.

Nhận được Chiếu thư ngày 15 tháng 8 nói trên của Thiên Hoàng, quân đội Nhật trên tất cả các mặt trận trong và ngoài nước đã lập tức nghiêm chỉnh ngừng chiến và sau đó nộp vũ khí khi quân đội Đồng Minh tới giải giáp. Nước Nhật thành lập Chính phủ mới do Hoàng thân Higashikuni làm Thủ tướng và cử Bộ trưởng Ngoại giao cùng Tổng Tham trưởng quân đội dẫn đầu phái đoàn Nhật đến ký văn bản đầu hàng không điều kiện ngày 2/9 trên chiến hạm Missouri của Mỹ neo đậu trong vịnh Tokyo.

Chiến tranh Thái Bình Dương chấm dứt từ đó, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho nhiều dân tộc châu Á, trong đó có Việt Nam, giành lại độc lập từ tay các đế quốc phương Tây. Một kỷ nguyên mới bắt đầu bừng sáng ở phương Đông – kỷ nguyên tan rã, sụp đổ của chế độ thực dân trên toàn cầu./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét