FB Phạn Đoan Trang
Ngày 23/2, đại diện của 11 tổ chức xã hội dân sự độc lập đã
gặp gỡ phái đoàn dân biểu của Nghị viện châu Âu trong chuyến làm việc của Nghị
viện để tìm hiểu về tình hình nhân quyền Việt Nam, trước khi có thể phê chuẩn
Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.
11 tổ chức, trong đó có Con Đường Việt Nam, Green Trees, Nhật
Ký Yêu Nước, Hội Nhà báo Độc lập, NXB Trẻ Hà Nội, đã cùng ra một tuyên bố chung
đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam trong 5 năm qua. Tuyên bố gồm có 30 điều khoản
đánh giá và 4 kiến nghị.
Theo đó, mặc dù có đạt một số thành tích về xóa đói giảm
nghèo, nhưng Việt Nam vẫn là một chính thể độc đảng, quyền con người bị vi phạm
trầm trọng và trên diện rộng, đặc biệt là các quyền tự do ngôn luận, hiệp hội,
tụ tập ôn hòa, và tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Bản tuyên bố nêu rõ những biện pháp mà chính quyền dùng để
trấn áp tự do ngôn luận và báo chí ở Việt Nam: 1. Duy trì hệ thống thẻ nhà báo
do nhà nước cấp phát, để không công nhận nhà báo độc lập, từ đây mở đường cho
việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin, thậm chí đánh đập, hành hung người làm
báo; 2. Duy trì hệ thống cơ quan tuyên giáo các cấp từ trung ương tới địa
phương để kiểm soát chặt chẽ nội dung của báo chí; 3. Phát triển đội ngũ dư luận
viên để công khai tấn công vào tự do ngôn luận, mạ lị, bôi nhọ các tiếng nói phản
biện, song song với ca ngợi chính sách của nhà nước…
Điều 18 của Tuyên bố chung xác định lực lượng an ninh đã và
đang rất tích cực gây chia rẽ giữa các tổ chức xã hội dân sự có giấy phép và khối
xã hội dân sự độc lập.
Điều 19 nêu rõ việc hàng chục năm qua, công dân Việt Nam vẫn
phải khai báo thông tin về “dân tộc” và “tôn giáo” trong giấy tờ tùy thân, và
điều này cấu thành một sự vi phạm nhân quyền với tính chất kỳ thị.
Trong phần kiến nghị, những tổ chức ra tuyên bố chung yêu cầu:
- Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam phải có những điều
khoản về nhân quyền, được xác định rõ ràng và có tính ràng buộc;
- Ủy ban châu Âu phải tiến hành báo cáo đánh giá tác động
nhân quyền, song song với Hiệp định;
- Sau khi Hiệp định được phê chuẩn, Ủy ban châu Âu phải xem
xét các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng Chính phủ Việt Nam tuân thủ các cam
kết và nghĩa vụ nhân quyền của mình;
- Phải có cơ chế kiểm định, đánh giá về nhân quyền; cơ chế
này phải khuyến khích và tạo điều kiện cho khối xã hội dân sự độc lập tham gia.
“Quyền con người căn bản vẫn tiếp tục bị vi phạm tràn lan ở
Việt Nam, đi kèm với bạo lực được bảo kê và trấn áp chính trị. Tất yếu điều này
làm suy giảm sự thịnh vượng của người dân Việt Nam và về dài hạn, ngăn cản sự
phát triển bền vững của đất nước” – Tuyên bố chung khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét