Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Vì sao Tướng Tô Lâm lên tiếng với truyền thông quốc tế?

BBC



 Vụ nghi án ám sát với ông Kim Jong-nam đang là một tâm điểm của dư luận quốc tế ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á thời gian gần đây - GETTY IMAGES



Một số nhà quan sát từ Việt Nam và Đông Nam Á nhận xét về phát biểu của Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm, trả lời BBC hôm 24/2 về nghi phạm 'người Việt Nam' trong vụ 'ám sát' được cho là xảy ra với ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.



Hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) cho rằng động thái xuất hiện trên truyền thông quốc tế tiếng Việt của ông Tô Lâm cho thấy vụ việc có tính chất 'nghiêm trọng' và Việt Nam muốn tránh những 'tác động chính trị' có thể có do việc một nghi phạm trong vụ việc xảy ra ở Malaysia mới đầy bước đầu được cho là 'công dân Việt Nam'.



Ông nói: "Tôi nghĩ rằng sự cố lần này tương đối là nghiêm trọng, một 'công dân Việt Nam' có liên quan và rõ ràng là nó có tác động về mặt chính trị nữa, cho nên tôi nghĩ rằng việc ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra các phát biểu đó thì hoàn toàn là bình thường và những phát biểu của ông Tô Lâm, tôi nghĩ cũng là phù hợp, hợp lý.



"Chỉ có điều là ai sẽ là người xử lý 'nghi phạm' Đoàn Thị Hương, nếu thực sự đấy là một công dân Việt Nam và thực sự cô Hương này có tham gia vào vụ 'ám sát'..., điều này còn phải phụ thuộc vào các thỏa thuận giữa hai bên.



"Chứ tôi cũng không nghĩ rằng Việt Nam chắc chắn sẽ có quyền để xử lý 'nghi phạm này', tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn phải chờ đợi những tình tiết tiếp theo và những thỏa thuận đàm phán tiếp theo liên quan trực tiếp thì mới biết được hướng xử lý tiếp sẽ là gì."



Khi được hỏi thế nào là 'tác động về mặt chính trị' đối với Việt Nam trong vụ việc, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp đưa ra giải thích với BBC:



"Vì nhiều người cho rằng một 'công dân Việt Nam' mà 'tham gia trực tiếp' vào vụ 'ám sát' lần này thì nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng sự tham gia đấy chỉ là hành động cá nhân hay là có một thế lực nào đằng sau hay không, chẳng hạn...



"Nếu có những nghi ngờ như vậy, nó có thể gây ra những tác động về mặt chính trị, về mặt ngoại giao và làm sao giải quyết được các nghi ngờ đó để có thể, ví dụ như khẳng định rằng các cơ quan hay giới chức của Việt Nam không có dính líu gì vào đấy và đấy chỉ là 'hành động của cá nhân' cô Đoàn Thị Hương chẳng hạn.



"Tôi nghĩ điều ấy hết sức quan trọng và Bộ Công an cũng như giới chức của Việt Nam sẽ cần phải làm việc để chứng minh điều ấy...




Hiện nhà chức trách Malaysia đang tiếp tục tiến hành điều tra và xác minh về vụ 'ám sát ông Kim Jong-nam'. - GETTY IMAGES



"Những phản ứng của Việt Nam trong thời gian qua có thể có những điều có thể làm tốt hơn, nhưng tôi nghĩ về cơ bản là phù hợp và trong thời gian này, chúng ta vẫn phải chờ đợi kết quả điều tra của phía Malaysia cũng như việc bên Malaysia cho phép bên Việt Nam cũng như bên Indonesia được tiếp xúc và bảo hộ cho công dân của mình, chúng ta mới có thể có được thêm thông tin và biết được điều gì đã thực sự đã xảy ra," nhà nghiên cứu từ Viện Iseas nói với BBC.


'Đánh giá rất cao'



Một ý kiến khác, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị khu vực đang có mặt ở Hà Nội cho rằng động thái của Bộ trưởng Tô Lâm có tính 'mới' và ông 'đánh giá cao' động thái có tính chất cở mở này với truyền thông quốc tế của Việt Nam.



Trao đổi với BBC hôm 24/2, ông Hợp nói:



"Đây là một cái mới và nó tốt thôi vì nếu có thể nhìn lại quá khứ thì chưa bao giờ có một Bộ trưởng Công an nào trả lời một việc tương tự và trước đây cũng chưa có việc nào xảy ra như việc này cả.



"Tôi đánh giá rất cao việc Bộ trưởng Công an Việt Nam đã trả lời trực tiếp một số cơ quan truyền thông nước ngoài, đầu tiên là trả lời Đài phát thanh Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và sau đó thì đến BBC...



"Và bây giờ truyền thông Việt Nam cũng bắt đầu mở ra, cũng đưa tin, đưa tin do mình làm và đưa tin từ các hãng khác làm."


'Đã từng từ chối'



Ông Kim Jong-nam bị nghi là đã chết do bị tấn công bằng một chất độc thần kinh tại một sân bay ở Malaysia. - GETTY  IMAGES



Hôm thứ Sáu, trả lời BBC Việt ngữ qua điện thoại, Thượng tướng Tô Lâm nói về 'nghi phạm người Việt' và khả năng xử lý vụ việc, ông nói:



"Nếu là người Việt Nam thì chúng tôi phải bảo hộ và đưa về Việt Nam xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nhưng điều đầu tiên là phải xác minh đúng là người Việt Nam và có liên quan đến vụ án. Sau đó sẽ phải đánh giá có vi phạm như thế nào theo luật pháp Việt Nam. "



Từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển đưa ra bình luận cho rằng phát biểu của ông Tô Lâm thể hiện một 'mong muốn và ý định' của chính phủ Việt Nam' tuy nhiên mong muốn này có được chấp nhận hay không 'còn tùy thuộc' vào thỏa thuận với phía Malaysia.



PGS. Giao nói: "Theo tôi đây là mong muốn của chính phủ Việt Nam..., nhưng quyền tài phán hình sự giữa các quốc gia là khác nhau, do đó đây là mong muốn hay ý định của chính phủ Việt Nam, nhưng ý định dẫn độ công dân đó để xét xử theo pháp luật Việt Nam có thực hiện được hay không, còn tùy thuộc vào sự thỏa thuận với phía Malaysia, nếu Malaysia đồng ý"



Nhân dịp này, chuyên gia về chính sách pháp luật nhắc lại trường hợp trước đây một công dân Canada gốc Việt (Việt Kiều) đã bị phía Việt Nam xử tử hình do bị khép vào tội buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép với số lượng lớn, ngay trong lúc phía chính phủ Canada đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao và đàm phán nhằm bảo hộ công dân, cũng như dẫn độ về Canada.



Ông nhận xét: "Đây là chuyện rõ nhất đã xảy ra, Việt Nam đã từng từ chối Canada việc dẫn độ công dân Canada gốc Việt phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là ví dụ rất cụ thể. Tôi xin nêu ví dụ cụ thể đó để làm rõ vấn đề này lên."





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét